Hiến kế cho nông nghiệp bớt… “cơ bắp”
Ngày 3.1, hơn 100 nhà khoa học lão thành và có cống hiến lâu năm trong ngành nông nghiệp đã được Bộ trưởng NNPTNT mời đến dự hội nghị để đóng góp ý kiến và hiến kế phát triển nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập và đứng trước thách thức lớn về biến đổi khí hậu. Nhiều ý kiến đánh giá đây là “Hội nghị Diên Hồng” của ngành nông nghiệp
3 trục sản phẩm
Trong 3 năm 2013-2015, mặc dù sản xuất gặp nhiều khó khăn do thiên tai và biến động bất lợi của thị trường gây ra nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn tăng trưởng với tốc độ khá cao (tốc độ tăng GDP trung bình đạt 2,83%/năm; giá trị sản xuất toàn ngành tăng trung bình 3,41%/năm), tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành tăng mạnh, giai đoạn 2013-2016 đạt 120,7 tỷ USD, riêng năm 2016 ước đạt 32,1 tỷ USD.
Nuôi cấy mô các giống cây trồng tại Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM. Ảnh: Hứa Phương
Bộ trưởng NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: “Ngành nông nghiệp đạt được những thành tựu trên trước hết phải ghi nhận đóng góp to lớn của cộng đồng các nhà khoa học, các doanh nghiệp, các hiệp hội, hội. Các cán bộ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đã dày công nghiên cứu, chọn tạo ra những giống cây trồng, vật nuôi, các chế phẩm, các quy trình công nghệ mới, máy mọc, công cụ, giải pháp mới… và ứng dụng chuyển giao vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội cao. Ba năm triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành, đến nay các nhà khoa học đã tạo ra được 149 giống cây trồng vật nuôi mới, 65 quy trình công nghệ cùng với nhiều giải pháp trong các lĩnh vực, kịp thời ứng dụng chuyển giao vào sản xuất và được thực tiễn sản xuất tiếp nhận”.
Bộ trưởng cho hay, năm 2017 Bộ sẽ tập trung tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng rà soát tập trung 3 trục sản phẩm, gồm: Nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia là những sản phẩm chủ lực có kim ngạch xuất khẩu từ 1,0 tỷ USD trở lên; nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, thành phố; nhóm sản phẩm vùng, miền.
“Tất cả các trục này, khi định dạng, hình thành xong phải có vùng sản xuất tập trung, phải có doanh nghiệp làm nòng cốt. Đặc biệt khu vực trục sản phẩm quốc gia, tỉnh phải có khoa học công nghệ, chính sách tác động, nhất là khâu tổ chức sản xuất, cần hình thành các hợp tác xã để tập trung sự liên kết…” – Bộ trưởng Cường nhấn mạnh.
Nâng cao chất lượng giống là việc then chốt
“Sản lượng thủy sản nước ta tăng dần theo từng năm, 2016 là 6,7 triệu tấn, sang năm 2017 mục tiêu 6,8 triệu tấn, trong thủy sản có con tôm, cá tra là chủ lực, tuy nhiên con tôm vẫn đối mặt với dịch bệnh, còn cá tra cần làm tốt vấn đề giống. Bộ NNPTNT cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư công nghệ tạo ra các giống tốt, chất lượng. Nếu chúng ta giải quyết được giống tốt thì ngành cá tra sẽ có bước đột phá”. TS Nguyễn Văn Hảo – nguyên Viện trưởng
Video đang HOT
Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II
Tại hội nghị, các nhà khoa học đặc biệt nhấn mạnh đến việc cải thiện nâng cao chất lượng giống cây trồng vật nuôi, coi đây là vấn đề then chốt để phát triển nông nghiệp bền vững, gia tăng giá trị sản phẩm, gia tăng tính cạnh tranh.
GS, viện sĩ Trần Đình Long – Chủ tịch Hiệp hội Giống cây trồng Việt Nam chia sẻ: “Chúng ta tự hào là nước có 12 mặt hàng xuất khẩu nhất nhì thế giới nhưng hiệu quả quá thấp. Vì vậy người ta nói nền nông nghiệp Việt Nam là nền nông nghiệp gia công, nền nông nghiệp cơ bắp. Chúng ta có hàng trăm giống lúa nhưng chưa có giống quốc gia. Bên cạnh đó việc tổ chức sản xuất còn kém nên hiệu quả sản xuất thấp”.
GS – viện sĩ Trần Đình Long cho rằng: “Bộ NNPTNT cần phải tận dụng tất cả nguồn nhân lực khoa học công nghệ, vừa tận dụng lực lượng khoa học công nghệ của các viện nghiên cứu, vừa tận dụng các nhà khoa học đã nghỉ hưu, các nhà khoa học ở các viện tư nhân”.
Đồng tình quan điểm trên, GS – TSKH Trần Duy Quý cho rằng: “Bộ NNPTNT cần đặt hàng các nhà khoa học tạo ra các giống lúa chất lượng, năng suất cao, siêu năng suất để 2 vụ có thể đạt được năng suất 14-15 tấn, để giữ vững an ninh lương thực. Điều này các nhà khoa học hoàn toàn làm được. Bộ NNPTNT cần phải đầu tư đánh giá lại lộ trình, thực trạng tình hình sản xuất lúa gạo và các giống cây trồng chủ lực, để đánh giá đúng thực trạng những giống cây trồng này đang nằm ở đâu trên thế giới và cần áp dụng những quy trình kỹ thuật công nghệ như thế nào. Bên cạnh đó, bộ cần có những cơ chế tập trung đầu tư hỗ trợ những giống tiên tiến nhất, tốt nhất nhằm đưa các giống này áp dụng rộng rãi”.
PGS-TS Nguyễn Minh Châu – Nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam thì chia sẻ: “Hiện nay chuối Việt Nam xuất khẩu rất tốt sang Nhật và Hàn Quốc, cây bơ ở Tây Bắc, Tây Nguyên tiềm năng rất lớn, chanh dây cũng phát triển tốt do điều kiện thổ nhưỡng khí hậu rất thuận tiện. Tuy nhiên cây giống của Việt Nam càng ngày càng bé, do đó sản phẩm cũng bé, và người dân không có khái niệm cây sạch bệnh, sản phẩm sạch bệnh. Mật độ trồng quá dày sẽ không bền vững, vừa hại đất vừa hại cây. Tôi kiến nghị Bộ NNPTNT nên tổ chức lại các vườn ươm cây giống để tạo ra các bộ giống chất lượng đồng thời thay đổi mật độ trồng để sản phẩm chất lượng, an toàn và tăng khả năng cạnh tranh”.
Theo Danviet
Những pha "lội ngược dòng" của ngành nông nghiệp năm 2016
Sáng nay (26/12), Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị tổng kết thực hiện kế hoạch năm 2016 và triền khai kế hoạch 2017. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến dự và chỉ đạo hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị...
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, trong năm 2016, toàn ngành NN&PTNT đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và đạt được những kết quả tích cực; tình hình sản xuất, kinh doanh được duy trì và có những "bứt phá ngoạn mục"; qua đó, góp phần ổn định đời sống, bảo đảm an sinh xã hội của nhân dân và phát triển đất nước.
Ba điểm sáng lớn mà ngành đạt được là: Tăng trưởng được phục hồi sau 6 tháng tăng trưởng âm; xuất khẩu đạt mức cao kỷ lục 32,1 tỷ USD, tăng hơn 6% so với 2015; vấn đề an toàn thực phẩm có sự chuyển biến căn bản, rõ nét, được cả hệ thống chính trị, xã hội đánh giá cao.
Trong bối cảnh khó khăn dồn dập, liên tục xảy ra, Bộ NN&PTNT đã đề ra các giải pháp sát đúng và quyết liệt triển khai thực hiện, nên tăng trưởng ngành được phục hồi sau 6 tháng cuối năm.
Theo số liệu ước tính của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng GDP toàn ngành đạt khoảng 1,2%; giá trị sản xuất (theo giá so sánh 2010) tăng 1,44%, trong đó: Trồng trọt giảm 0,9%, chăn nuôi tăng 5,4%; lâm nghiệp tăng 6,17%; thuỷ sản tăng 2,91%. Đây là kết quả quan trọng, khẳng định được sự chỉ đạo, điều hành đúng hướng và sự điều chỉnh sản xuất, kinh doanh kịp thời của cả ngành nên đã phục hồi được tăng trưởng.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại hội nghị...
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định: "Con số tăng trưởng GDP Ngành đạt 1,2% thể hiện sự cố gắng rất lớn của các địa phương, bà con nông dân, đường lối chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và của cả hệ thống chính trị. Trong kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV vừa qua, 70% ý kiến các đại biểu Quốc hội phát biểu tập trung cho nông nghiệp là chính. Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp bàn cũng chủ yếu về nông nghiệp; Chính phủ thì hầu như kỳ họp nào cũng dành một thời gian thích đáng cho nông nghiệp nên chúng ta đã giành được một kết quả trong một hoàn cảnh khó khăn, khốc liệt như vậy".
Theo báo cáo, để có thể lấy lại đà tăng trưởng ngành trong 6 tháng cuối năm, phải nhắc vai trò chỉ đạo, điều hành sâu sát và quyết liệt của Chính phủ, Lãnh đạo Bộ ngành cùng sự đồng hành vào cuộc của các địa phương. Như cơn bão số 1 (đầu tháng 8/2016) đã khiến 229.000ha, chiếm 45% diện tích lúa khu vực đồng bằng sông Hồng vừa cấy xong bị ngập lụt. Đích thân Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, người vừa mới nhậm chức "tư lệnh" ngành NN&PTNT đã trực tiếp xuống bàn với 4 tỉnh trọng điểm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cơn bão này gây ra. Cuối cùng, chúng ta đã có được vụ mùa bội thu với năng suất đạt từ 60-62 tạ/ha.
Nhờ chỉ đạo quyết liệt, trong năm 2016, mặt hàng rau quả đánh dấu sự phát triển mạnh vượt trội khi lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đã "vượt qua mặt hàng gạo", cán đích 2,4 tỷ USD, tăng 31,2% so với năm 2015. Tương tự, mặt hàng tôm nước lợ đã phục hồi và gia tăng mạnh mẽ sau khi Bộ ban hành kế hoạch hành động cụ thể cho 6 tháng cuối năm.
"Với kế hoạch hành động quyết liệt, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường và Thứ trưởng Vũ Văn Tám đã trực tiếp chỉ đạo các hội nghị cùng với các địa phương về quản lý giống, nuôi và tiêu thụ, nên 6 tháng cuối năm sản lượng tôm đạt vượt 650.000 tấn. Đây là một mốc lịch sử đối với tôm. Bên cạnh đó, diện tích thả nuôi cũng được mở rộng lên 700.000 ha... Nhờ đó, xuất khẩu tôm cả năm nay ước đạt 3,2 tỷ USD" - ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết.
Lĩnh vực chăn nuôi cũng có sự "bùng nổ" mạnh mẽ trong năm nay với tổng đàn lợn tăng lên 29,1 triệu con (tăng 4,8%), đàn gia cầm tăng lên 364,5 triệu con (tăng 6,6%)...; giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng 5,4% so với năm 2015.
Đánh giá về tiềm năng phát triển chăn nuôi, ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết: "Năm nay, nước ta đã xuất khẩu được gần 600.000 tấn lợn hơi sang Trung Quốc với giá trị hơn 1 tỷ USD, nhưng việc xuất khẩu này vẫn chưa bền vững do chúng ta chủ yếu xuất qua con đường tiểu ngạch. Nếu làm tốt, thị trường xuất khẩu chính ngạch mở ra thì chăn nuôi hoàn toàn có thể cung cấp được 2 triệu tấn thịt lợn sang thị trường này".
Tựu chung lại, chính định hướng thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản kịp thời với giá cả hợp lý, có lợi cho nông dân, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản gia tăng ở mức "kỷ lục", cả năm ước đạt khoảng 32,1 tỷ USD, tăng 1,7 tỷ USD so với năm 2015; thặng dư thương mại đạt khoảng 7,5 tỷ USD. Nhiều mặt hàng có kim ngạch tăng cao như cà phê tăng 25,5%, hạt điều tăng 18,3%, hạt tiêu tăng 12,7%, thủy sản tăng 6,3%... và chúng ta vẫn duy trì được 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1,0 tỷ USD trở lên.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Không được để người dân vùng chịu ảnh hưởng thiên tai không có Tết.
Tại Hội nghị trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những thành tích mà ngành nông nghiệp đã đạt được. Nông nghiệp, nông thôn nước ta trong những năm qua, đặc biệt là năm 2016 vẫn tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế Việt Nam trong mọi hoàn cảnh, đóng góp rất lớn cho tăng trưởng chung GDP của cả nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT và các địa phương cần tiếp tục khắc phục những thiệt hại do thiên tai gây ra tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. Trước mắt, huy động mọi nguồn lực lo Tết cho người dân khu vực vừa chịu thiệt hại nặng nề do thiên tai, không được để người dân nào không có Tết.
"Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao chất lượng, không chỉ tập trung vào sản lượng; tiếp tục tổ chức sản xuất, doanh nghiệp nhà nước, tư nhân trong nông nghiệp, các công ty lâm nghiệp tổ chức sao cho có hiệu quả; Phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế biến sâu; Tiếp tục khai thác mạnh mẽ quốc tế hơn; Cần tập trung phát triển theo hướng nhóm sản phẩm lợi thế quốc gia, vùng miền, tránh đầu tư dàn trải" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Nguyễn Dương
Theo Dantri
Trồng dưa lê thơm, cải thiện cuộc sống Hội Nông dân (ND) tỉnh Thanh Hóa vừa triển khai xây dựng mô hình "Trồng dưa lê thơm cao cấp" giúp nhiều hộ nông dân xã Quảng Lợi, huyện Quảng Xương tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Thu nhập cao Tham gia mô hình có 20 hộ với tổng diện tích 15.000m2. Các hộ tham gia được Trung tâm Chuyển giao công...