Hiểm họa từ thùng container không gài chốt
Tình trạng nhiều xe đầu kéo không khóa chốt gù khi gắn thùng container lưu thông trên đường khiến người dân hoang mang, lo lắng.
“Một là đi trước nó một đoạn, hai là đi sau nó một đoạn, mà tốt nhất là tránh thật xa nó ra. Xe container bây giờ nguy hiểm lắm, con nhớ đấy!”. Đó là lời anh Đoàn Minh Phúc (bán hàng khu vực gần cảng Cát Lái, quận 9, TP.HCM) dặn dò con trai trước khi đi học bằng xe đạp.
Cua gấp là lật
Theo anh Phúc,từ hôm 2-11, vụ xe đầu kéo gắn thùng container biển số TP.HCM chạy trên quốc lộ 13 đoạn qua tỉnh Bình Phước bị rơi thùng container xuống đường khiến hai người chết oan uổng làm anh rùng mình và liên tưởng nhiều vụ container rơi rớt ở TP.HCM.
“Bây giờ xe container thùng rỗng lưu thông trên đường giống như thần chết lờn vờn làm chúng tôi vô cùng lo sợ. Cẩn tắc vô áy náy, ngày nào tôi cũng dặn dò con phải tránh xa xe container ra” – anh Phúc nói.
Đồng quan điểm, anh Nguyễn Văn Hiếu (ngụ quận 2) lo lắng: “Tôi từng chứng kiến cảnh một thùng container lệch tâm, sắp rơi nhưng tài xế vẫn vô tư chạy trên đường. Tôi rất hốt hoảng mà không dám lái xe tới gần nhắc nhở. Chỉ cần cán lên chướng ngại vật hay quẹo cua đường hơi nghiêng là cái thùng rơi tự do, lấy mạng của bất kỳ ai lưu thông cạnh đó”.
Anh Dương Xuân Hải, một tài xế lái xe container ở khu vực Cát Lái, cho biết: Nhiều tài xế chủ quan hoặc vô tình không kiểm tra chốt gù nên mới xảy ra tình trạng lật thùng container như vậy. Trường hợp tài xế quên khóa chốt gù thì đi với tốc độ cao hoặc đoạn có khúc cua gấp thùng container sẽ bị lật.
Trong khi đó, một tài xế lái xe container cho biết: “Thực tế có nhiều trường hợp tài xế “cố tình quên” gài chốt chỉ vì an toàn cho bản thân. Vì xe rơmoóc gắn container đi đến những khúc cua gấp rất dễ bị lật thùng, nếu thùng mà gài chốt thì khi lật kéo theo cả khối xe rơmoóc cũng lật, còn khi không gài chốt thì chỉ rớt mỗi thùng container”.
Anh NVH, tài xế xe container, chia sẻ thêm: Giới lái xe container thường rỉ tai nhau là không nên khóa chốt gù bởi thùng xe container bình thường rất khó bị lật, thậm chí khi đi nhanh, thắng gấp. Chỉ trường hợp vào cua gấp, dốc nghiêng hoặc có vật cản gấp thì dễ xảy ra tai nạn, dẫn đến đổ cả container, đầu kéo, rơmoóc đe dọa tính mạng tài xế. Đó cũng chính là lý do nhiều tài xế cố tình không gài chốt gù. Tuy nhiên, anh NVH chia sẻ cũng có trường hợp tài xế chủ quan hoặc quên khóa gù thật chứ không hẳn là cố tình.
Hàng loạt xe máy chạy bên cạnh những xe container trên xa Lộ Hà Nội, quận Thủ Đức, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG
Video đang HOT
Cần phạt thật nặng
Phó ban chuyên trách Ban An toàn giao thông (ATGT) TP.HCM, ông Nguyễn Ngọc Tường, cho biết: Thời gian qua, trên địa bàn TP.HCM cũng xảy ra nhiều vụ xe đầu kéo làm rớt thùng container khi đi trên đường, gây hoang mang cho người tham gia giao thông. Trước thực trạng trên, Ban ATGT đã có văn bản gửi Sở GTVT, Hiệp hội Vận tải hàng hóa, cảng biển, doanh nghiệp vận tải chấn chỉnh tình trạng này.
Theo ông Tường, sau vụ tai nạn rớt thùng container làm chết người ở Bình Phước, ban đã nhắc nhở các lực lượng tập trung tuần tra, kiểm soát vấn đề này ở TP.HCM, tránh xảy ra sự cố đáng tiếc.
Trước đó Sở GTVT đã có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn về ATGT, đạo đức tài xế; nhắc nhở các nguyên tắc đảm bảo ATGT đối với xe container.
Về phía Công an TP, Sở GTVT đề nghị xây dựng và triển khai thực hiện các biện pháp chuyên đề tập trung vào công tác xử lý nghiêm các trường hợp xe đầu kéo vi phạm các nguyên tắc ATGT trong quá trình lưu thông theo đúng quy định. Trong đó cần xử lý nghiêm các trường hợp lưu thông không khóa chốt gù cố định thùng container với rơmoóc khi tham gia giao thông, gây mất ATGT nghiêm trọng.
Về góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Sa Linh, Đoàn Luật sư TP.HCM, phân tích: Thông tư số 35/2013 của Bộ GTVT quy định về xếp hàng hóa trên ô tô khi tham gia giao thông trên đường bộ. Theo đó, khi xếp container lên xe, người điều khiển phương tiện phải sử dụng các thiết bị để định vị container với xe, đảm bảo container không bị xê dịch trong quá trình vận chuyển.
Chế tài xử phạt đối với trường hợp người điều khiển phương tiện vi phạm quy định nêu trên được quy định tại khoản 1 Điều 24 Nghị định 46/2016 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Cụ thể, phạt tiền 300.000-400.000 đồng đối với hành vi vận chuyển hàng trên xe phải chằng buộc mà không chằng buộc hoặc chằng buộc không chắc chắn.
Còn trường hợp rơi container dẫn đến chết người hoặc làm thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng trở lên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 BLHS năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) với mức phạt tù cao nhất là 15 năm.
Khoản 4 Điều 260 BLHS còn quy định nếu vi phạm trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều 260 nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền 10 – 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.
ĐÀO TRANG
Theo PLO
Dân khốn đốn vì nạn đổ rác trộm
Lượng rác đổ trộm ở các tuyến đường, khu đất trống chủ yếu là rác thải xây dựng từ các công trình đang xây dựng trên địa bàn.
Trên địa bàn các phường Bình An, An Phú, Thảo Điền (quận 2) hiện nay có rất nhiều dự án khu dân cư, trung tâm thương mại đang triển khai xây dựng. Một lượng rác thải xây dựng rất lớn từ các công trình này bị đổ trộm tại các khu đất trống. Điều đáng nói, biện pháp mà người dân lựa chọn để xử lý là đốt số rác này, khói bụi bay lên càng gây ô nhiễm môi trường.
Người dân: "Rác khắp nơi, không ai dọn dẹp!"
Theo ghi nhận của Pháp Luật TP.HCM, thời gian gần đây tình trạng người dân đốt rác trên các con đường như Vũ Tông Phan, đường số 4 (thuộc phường An Phú, quận 2), đường Vành Đai Tây (thuộc phường Bình An) và đường Song Hành xa lộ Hà Nội (thuộc phường Thảo Điền) thường xuyên diễn ra.
Cụ thể, sáng 8-10, ở dải phân cách trên đường số 4 có một đống rác lớn là những tấm gỗ, rác thải các loại đang cháy dang dở. Gần đống rác đang cháy là những bãi tro còn lại của những lần đốt rác trước đó. Cách đó không xa, ở cuối đường Vũ Tông Phan là hai đống rác lớn đang cháy, có mùi khét lẹt, khói đen bay mù trời.
Tình trạng đốt rác tương tự cũng xảy ra trên đường Vành Đai Tây (phường Bình An) và đường Song Hành (phường Thảo Điền). Trên đường này, không khó để bắt gặp những đống rác đang cháy và nhiều đống tro của những lần đốt trước.
Chiều 24-10, phóng viên cũng ghi nhận tại khu đất trống ở ngay ngã ba đường Lương Định Của giao với đường Cao Đức Lân (phường An Phú) cũng có một đống rác lớn, chủ yếu là những tấm gỗ, bông, nệm hư cũ...
Chúng tôi hỏi một người đàn ông đang đốt rác gần đó thì ông bảo đốt cho sạch. Ông không hề biết rằng đốt rác trong khu dân cư cũng là vi phạm pháp luật.
Anh Thanh Tân, có nhà trên đường Vũ Tông Phan, cho biết: "Rác đổ ở khu vực này đủ loại, người ta dọn nhà rồi đem ra đây đổ. Tôi canh bắt quả tang người đổ trộm hoài mà cũng vậy, bắt rồi cũng không làm gì được họ. Chỉ kêu họ không được đổ ở đây nữa thôi. Rác đổ đống ở đây giờ tôi phải tự gom đốt cho sạch, nếu không đốt để chất đống càng ô nhiễm hơn".
Gần đó, chị Ngọc Ánh, ở phường An Phú, quận 2, chia sẻ: "Rác đổ khắp nơi, không thấy ai dọn dẹp. Có nơi thì người dân phải tự gom rác rồi đốt vì nhà ở gần ô nhiễm không chịu nổi. Nhưng đốt thì khói bụi, mùi hôi khét bay lên cũng ô nhiễm không kém. Tôi mong muốn chính quyền địa phương xuống những nơi này để biết tình hình, có biện pháp để ngăn chặn tình trạng đổ rác trộm, đốt rác gây ô nhiễm môi trường như hiện nay".
Các công nhân đang gom rác để đốt trên đường Song Hành xa lộ Hà Nội. Ảnh: Q.NHƯ
Một đống rác đang cháy trên đường Vành Đai Tây. Ảnh: Q.NHƯ
Những đám khói đen bay lên nghi ngút từ việc đốt rác. Ảnh: Q.NHƯ
Phường: "Rác chủ yếu từ các công trình xây dựng"
Trao đổi với chúng tôi, đại diện lãnh đạo các phường đều cho rằng nguyên nhân của tình trạng trên là do trên địa bàn có nhiều dự án xây dựng đang triển khai. Lượng rác đổ trộm ở các tuyến đường trên chủ yếu là rác thải xây dựng từ các công trình đang xây dựng.
Bên cạnh đó, lượng rác trên còn xuất phát từ phía người dân khi dọn dẹp nhà cửa đã đem các vật dụng hư hỏng bỏ ra các khu đất trống. Một số hộ dân cũng không đăng ký lấy rác với các đơn vị thu gom rác mà tự đem rác bỏ ngoài đường.
Theo đại diện UBND phường, để giải quyết tình trạng này thì phải xử lý tận gốc chứ không thể suốt ngày đi canh bắt người đổ, người đốt rác để xử phạt.
"UBND phường sẽ chỉ đạo cán bộ địa chính rà soát các chủ đầu tư, nhà thầu trên địa bàn. Ngoài việc nhắc nhở không được đổ rác thải xây dựng ra bên ngoài các khu đất trống, UBND phường sẽ yêu cầu các nhà thầu, chủ đầu tư ký kết với một đơn vị thu gom rác để xử lý số rác trên" - ông Ngô Nhất Vũ, Phó Chủ tịch UBND phường Bình An, nói.
Ông Phạm Thanh Phương, Chủ tịch UBND phường An Phú, cho biết hiện nay quận 2 đã triển khai phần mềm "Quận 2 trực tuyến" tiếp nhận phản ánh của người dân về các trường hợp đổ rác, đốt rác không đúng quy định. Mọi phản ánh đều được xử lý kịp thời. Đồng thời, phường cũng chỉ đạo các lực lượng chức năng của phường tích cực tổ chức tuần tra trên địa bàn. Phường cũng mở nhiều đợt tuyên truyền, vận động người dân ở các khu phố bỏ rác đúng nơi quy định, không tự đốt rác, bởi đốt rác cũng là vi phạm pháp luật, gây ô nhiễm môi trường.
Tự ý đốt rác, bị phạt đến 2 triệu đồng
Theo luật sư Lê Dũng, Đoàn Luật sư TP.HCM, người nào có hành vi tự ý đốt rác, chất thải ở khu vực dân cư, nơi công cộng sẽ bị phạt tiền 1-2 triệu đồng (điểm b khoản 2 Điều 7 Nghị định 167/2013). Đây là mức phạt dành cho cá nhân, nếu tổ chức có cùng hành vi vi phạm sẽ bị phạt gấp đôi.
Cạnh đó, đối với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố sẽ bị xử phạt theo Điều 20 Nghị định 155/2016, mức phạt tiền 5-7 triệu đồng.
HỮU ĐĂNG - QUỲNH NHƯ
Theo PLO
Cách sử dụng đúng đèn chiếu xa để không bị xử phạt Nghiêm cấm người điều khiển xe cơ giới sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị và khu đông dân cư. Tôi thấy cả ô tô và xe máy đều có hai chế độ đèn pha và cốt. Xin hỏi, cách sử dụng hai chế độ này sao cho đúng để không bị CSGT sử phạt? Bạn đọc Nguyễn Thùy Dung (dungthuy...@gmail.com). Luật...