Hiểm họa từ người tâm thần gây án
Cướp taxi gây náo loạn, dọa nổ bom gas đe doạ mạng sống hàng trăm người, chém người… là những vụ án do người tâm thần dồn dập gây ra trong thời gian gần đây.
Sáng 1/11, vụ cướp xe taxi tại thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) do Lê Ngọc Tài (22 tuổi, ngụ TP HCM) thực hiện làm nhiều người hoảng loạn. Hôm đó, khi tài xế taxi cho xe vào đổ xăng trên đường Nguyễn Ái Quốc, Tài thừa lúc cửa còn mở đã nhảy vào lái xe đi.
Người đi đường la hét, dạt hẳn vào lề vì sợ chiếc “xe điên” đang lao đi trong trạng thái mất kiểm soát. Tài xế hô hoán rồi cùng vài người khác phóng xe máy đuổi theo. Sau khi chạy được khoảng một km, Tài tông xe vào cột điện làm đầu chiếc taxi bẹp nát.
Chiếc taxi sau khi bị Tài cướp rồi tông vào cột điện. Ảnh: Báo Đồng Nai.
Bị bắt, Tài được xác định mang bệnh nhân tâm thần. Hai ngày trước khi xảy ra vụ việc, anh ta được gia đình đưa vào Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 để điều trị. Rạng sáng 1/11, Tài đòi đi vệ sinh nên người thân cởi trói mà không ngờ anh ta bỏ trốn rồi gây án ngay sau đó.
Cùng ngày, người dân thuộc phường Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) bị một phen náo loạn khi người đàn ông được cho là mắc bệnh tâm thần chém chết bạn nhậu trên vỉa hè. Theo cơ quan điều tra, đêm 1/11, Võ Minh Tâm (32 tuổi) ngồi nhậu với anh Thành và một số người hàng xóm trước cổng trường mầm non Sơn Ca. Trong lúc có hơi men, giữa 2 người xảy cự cãi. Tâm chạy một mạch về nhà xách con dao to, thẳng tay chém anh Thành trong sự bàng hoàng của những người xung quanh. Hàng chục cảnh sát 113 được huy động vây bắt hung thủ.
Video đang HOT
Cầm quyển sổ khám bệnh tâm thần của con trai trên tay, mẹ của Tâm cho biết, trong 3 năm gần đây con trai bà bị phát bệnh tâm thần và phải uống thuốc hàng tháng. Gia đình đã nhiều lần khuyên Tâm bỏ rượu vì mỗi lần uống vào lại gây ra chuyện nhưng anh ta không chịu. Để rồi cuối cùng trong một lúc có hơi men, Tâm đã gây án mạng với người hàng xóm.
Mẹ của Tâm cầm cuốn sổ bệnh án tâm thần của con trai khóc nức nở. Ảnh: Nguyệt Triều.
Trước đó, rạng sáng 24/10, hàng chục hành khách tại trạm dừng chân Phương Trang trên quốc lộ 1A (thuộc tỉnh Bình Thuận) cũng đứng trước nguy cơ bị đe dọa tính mạng khi một người đàn ông tâm thần cầm dao chém loạn xạ rồi dọa cho nổ bom gas. Người này sau đó còn yêu cầu được cung cấp một em bé làm con tin và xe đầy xăng để lấy phương tiện tẩu thoát, nếu không sẽ cho nổ tung trạm dừng chân. Cơ quan chức năng cho biết, hậu quả sẽ không thể lường trước nếu như vụ việc không được kịp thời ngăn chặn.
Vụ bắt cóc 2 trẻ mầm non tại Trường mầm non 10A (quận Tân Bình, TP HCM) sáng 11/10 do Cao Quốc Huy (28 tuổi, người từng bị đưa đi điều trị bệnh tâm thần) gây ra đã làm rúng động dư luận. Hôm đó, Huy cầm dao xông vào trường mầm non khống chế giáo viên sau đó chuyển sang bắt cóc 2 trẻ làm con tin. Hắn đòi được cung cấp tiền, xe ôtô và súng để tẩu thoát nếu không sẽ sát hại các cháu bé. Hàng trăm cảnh sát được điều tới để giải cứu các nạn nhân.
Người thanh niên gây ra vụ bắt cóc trẻ em kinh hoàng tại trường mầm non bị khống chế. Ảnh: Quốc Thắng.
Theo luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Đoàn luật sư TP HCM), người tâm thần khi gây án thường tiềm ẩn những hậu quả nghiêm trọng. Để ngăn ngừa điều này, những gia đình có người mặc bệnh nhất thiết phải áp dụng hình thức chữa bệnh bắt buộc, nếu không sẽ gây nguy hiểm rất lớn cho xã hội. “Các cơ quan chức năng ở địa phương cũng cần phải tạo điều kiện hỗ trợ những gia đình trong việc quản lý, giám sát những người mắc bệnh này để hạn chế tối đa hậu họa xảy ra”, nữ luật sư nhấn mạnh.
Về mặt pháp lý, theo luật sư Nữ, trước khi xử lý những người có dấu hiệu tâm thần cần phải có kết luận giám định của cơ quan chức năng để áp dụng cách xử lý phù hợp. Nếu người đó mắc bệnh tâm thần hoặc các chứng bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc không điều khiển được hành vi thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Đối với những người gây án sau khi áp dụng biện pháp chữa bệnh, nhưng lại tiếp tục phạm tội thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Trường hợp mắc các chứng bệnh tâm thần hoặc các chứng bệnh khác không có khả năng nhận thức sau khi gây án, thủ phạm vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự, tuy nhiên sẽ được hưởng những tình tiết giảm nhẹ nhất định.
Theo VNE
Đằng sau vụ kẻ tâm thần bắt cóc con tin
Dễ dàng gây hấn, chém người dã man. Người tâm thần không nhận thức được hành vi, nếu quản lý không chặt chẽ sẽ gây nguy hiểm cho gia đình và xã hội.
Sau vụ người tâm thần vào trường học bắt cóc con tin ở TP.HCM, các bác sĩ đã lên tiếng.
Nhiều năm làm việc trong ngành khám, chữa bệnh tâm thần, Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Giám định Pháp y Tâm thần TP.HCM chứng kiến không ít vụ án dã man, thương tâm do người bị bệnh tâm thần gây ra.
Bình thản sau khi gây trọng án
Có trường hợp, kẻ gây án ngày thường rất hiền lành, không tiền án, tiền sự khiến người xung quanh mất cảnh giác. Hậu quả của các vụ án do các đối tượng này gây ra đa số hết sức nặng nề, nghiêm trọng.
Chỉ cách đây vài hôm, bác sĩ Quang chứng kiến một người tâm thần gây án hết sức kinh hoàng.
Đối tượng tên là T. T. K., SN 1990, ngụ tại quận 12, TP.HCM.
K. có tiền sử bị động kinh, bố đẻ của K. từng phải điều trị bệnh tâm thần.
Trong lúc K. đang nằm ở võng trong nhà, cháu bé N. T. T. T., SN 2006 cầm ly sinh tố chạy sang chơi. Chỉ vì cháu T. vô ý làm đổ ly nước trúng người K mà tên này nhẫn tâm rút con dao dài 40cm để chém tới tấp 30 nhát về phía nạn nhân.
Mẹ của K. trên gác nghe tiếng cháu T. kêu cứu chạy xuống can ngăn nhưng không được. Lợi dụng lúc kẻ sát nhân lơ là, cháu T. chạy ra đường nhưng vẫn bị tên K đuổi theo, truy sát.
Bố cháu T. là ông N. thấy con gái gặp nạn, chạy ra bế, ai ngờ bị tên K. chém luôn 3 nhát vào lưng.
Nhờ người dân đuổi đánh, bắt giữ K. nên bố con ông N mới được đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện Chợ Rẫy.
Sau khi cấp cứu, may mắn ông N. chỉ bị thương ngoài da, còn cháu T. đa chấn thương vùng đầu, cổ, vai, tay và bị liệt.
Sau khi thăm khám cho tên K., bác sĩ Quang cảm thấy rợn người: "Hắn ta rất tỉnh táo, bình thản, nhớ rõ từng chi tiết vụ án. Hắn nói chém bé T. vì bé làm đổ nước vào người mình. Nhìn nét chữ của hắn trong bản tường trình tôi cảm thấy bất an.
Nét chữ như vẽ, rất kỳ lạ. Đối với kẻ có tâm lý bất ổn thì đôi khi viết chữ được coi như một trò chơi. Với những đối tượng như vậy ta không thể lường trước được khi nào họ lên cơn kích động. Rất nguy hiểm!".
Gây án ngoài cơn vẫn phải chịu tội
Tuy nhiên, bác sĩ Quang cũng nhấn mạnh, không phải ai có dấu hiệu tâm thần gây tội ác đều thoát án. Cơ quan chức năng sẽ xác định kẻ đó gây án trong lúc lên cơn hay ngoài cơn. Nếu trong lúc lên cơn, mất kiểm soát năng lực hành vi thì bị điều trị tâm thần bắt buộc.
Vụ bắt cóc con tin do Cao Quốc Huy thực hiện gây chấn động dư luận. Kẻ gây án từng điều trị bệnh tâm thần. Ảnh: VietNamNet
Còn nếu kẻ đó gây án khi không lên cơn vẫn phải chịu chế tài của pháp luật như thường, chỉ được xem xét tình tiết giảm nhẹ thôi.
Còn rất nhiều trường hợp người tâm thần không được kiểm soát chặt chẽ đã gây án.
Đó là vụ tên Cao Quốc Huy, 28 tuổi, ngụ tại quận Tân Bình đã thực hiện hành vi khống chế trẻ em mầm non gây chấn động dư luận vào ngày 11/10.
Tên Huy uy hiếp cô, trò trường mầm non 10A, đặt ra điều kiện y chang phim hành động Mỹ: Một xe 26 chỗ, vé máy bay và 3,5 triệu đồng.
Rất may, lực lượng công an đã làm chủ được tình hình, giải cứu con tin, không để xảy ra án mạng.
Sau khi bị bắt giữ, dư luận mới biết tên Huy từng điều trị tâm thần tại Biên Hòa.
Mới đây (ngày 15/10), bác sĩ Quang tiếp nhận một vụ người con bị tâm thần, nhậu say về nhà giết chết mẹ.
Hay tại quận 8, TP.HCM, một vụ án kinh hoàng đã từng xảy ra. Cháu bé 21 tháng tuổi bị chính dì ruột giết hại.
Cháu bé đáng thương này từng bị người dì tâm thần nhiều lần giết hụt như ném xuống ao, dùng keo dán mắt mũi, nhét nắm thuốc vào miệng. Những lần đó nhờ có người phát hiện kịp thời nên cháu bé thoát chết. Tuy nhiên, lần cuối cùng không may mắn như vậy.
Các câu chuyện trên như hồi chuông cảnh tỉnh đối với những gia đình có người bị tâm thần, đặt ra bài toán về sự kiểm soát người tâm thần tại gia cho xã hội.
Bên cạnh đó, những gia đình có con nhỏ sống cạnh nhà có người tâm thần phải nâng cao cảnh giác, không để trẻ chạy chơi gần người tâm thần sinh sống.
"Đã biết nhà đó có người tâm thần, cha mẹ còn để con chạy sang chơi, khi xảy ra hậu quả, chính bản thân phụ huynh cũng phải gánh trách nhiệm.
Hoặc những gia đình đã biết có thành viên bị tâm thần mà còn để đối tượng chăm sóc, trông trẻ thì cơ sự xảy ra là điều khó tránh", bác sĩ Quang nói.
Theo Dantri
Bộ Công an khen thưởng vụ giải cứu 2 em bé bị bắt làm con tin Trung tướng Phạm Quý Ngọ - Thứ trưởng Bộ Công an - vừa có thư khen đến các đơn vị đã lập chiến công xuất sắc trong vụ giải cứu 2 em bé bị bắt làm con tin tại Trường Mầm non 10A, số 47 đường Gò Cẩm Đệm, P.10, Q.Tân Bình, TPHCM. Trong thư khen, Trung tướng Phạm Quý Ngọ thay mặt...