Hiểm họa từ mỹ phẩm khiến 4.300 trẻ em Mỹ nhập viện mỗi năm
Đối với người lớn, những sản phẩm mỹ phẩm như son môi, nước hoa, sơn móng tay, dầu gội đầu… rất hữu ích và thiết thực cho cuộc sống hàng ngày.
Nhưng đối với trẻ em lại hoàn toàn khác, tất cả các loại mỹ phẩm đều có chứa chì hay thủy ngân nếu con chẳng may nghịch ngợm và nuốt phải sẽ có nguy cơ ngộ độc cao, thậm chí khiến trẻ con tử vong.
Ảnh minh họa
Nguy hiểm khó lường
Theo kết quả nghiên cứu mới nhất của Mỹ vừa được đăng trên tạp chí khoa học Clinical Pediatrics, cứ mỗi hai giờ lại có một trẻ em ở Mỹ bị cấp cứu liên quan đến mỹ phẩm, dầu gội đầu và các sản phẩm chăm sóc cá nhân. Hơn 64.000 trẻ em dưới 5 tuổi ở Mỹ bị thương vì mỹ phẩm tính từ năm 2002 – 2016, trong đó có đến 4.300 ca phải nhập viện mỗi năm.
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành xem xét các loại mỹ phẩm dành cho trẻ em, quá trình tiếp xúc, vị trí thương tích và các yếu tố khác ở trẻ em dưới 5 tuổi được điều trị tại các khoa cấp cứu của Mỹ. Những phát hiện này đến từ Hệ thống giám sát chấn thương điện tử quốc gia, một cơ sở dữ liệu được điều hành bởi Ủy ban an toàn sản phẩm tiêu dùng Mỹ về thương tích và ngộ độc liên quan đến các sản phẩm tiêu dùng. Nghiên cứu lưu ý rằng từ năm 1999-2015, mỹ phẩm là nguyên nhân gây ra 7 trường hợp tử vong ở trẻ em.
Bà Rebecca McAdams, công tác tại Trung tâm nghiên cứu và chính sách về chấn thương tại Bệnh viện Nhi quốc gia ở Columbus, bang Ohio và là đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết: “Đối với các bé, màu sắc của các chai lọ hoá mỹ phẩm này rất bắt mắt và mùi thì có vẻ ăn được. Do đó, các bé cố mở nắp và thử một miếng”.
“Mặc dù các sản phẩm mỹ phẩm không gây hại nếu được dùng đúng theo hướng dẫn, nhưng bố mẹ và người chăm sóc trẻ phải biết rằng trẻ nhỏ nếu ăn phải quá nhiều có thể bị thương nghiêm trọng bởi những sản phẩm này”, bà Rebecca McAdams cho biết.
Mỹ phẩm được phân thành năm nhóm, dựa trên cách chúng được sử dụng: chăm sóc móng, chăm sóc tóc, chăm sóc da, nước hoa và các loại khác, bao gồm chất khử mùi và trang điểm. Theo đó, các chấn thương phổ biến nhất đến từ các sản phẩm chăm sóc móng (28,3%), tiếp theo là các sản phẩm chăm sóc tóc (27%), các sản phẩm chăm sóc da (25%) và nước hoa (12,7%). Khoảng 75% các thương tích xảy ra khi trẻ nuốt phải sản phẩm, tiếp theo là tiếp xúc với da hoặc mắt.
Nghiên cứu cũng cho thấy, trẻ nhỏ có nguy cơ chấn thương và nhập viện cao hơn, với tỷ lệ thương tật trung bình ở trẻ dưới 2 tuổi cao gấp 2 lần so với trẻ em trong độ tuổi từ 2 đến 4. Trẻ dưới 2 tuổi cũng có khả năng bị thương từ các sản phẩm tóc nhiều hơn. Khi trẻ đã 1 tuổi, chúng đã tự đứng được và thường xuyên mở ngăn kéo, phá phách đồ dùng để trên bàn. Trong khi trẻ 6 tháng tuổi gặp chấn thương khi bắt đầu biết bò, nắm và đưa vật dụng vào miệng chúng.
Video đang HOT
Riêng đối với các sản phẩm chăm sóc tóc, bệnh nhân có thể phải nhập viện sau khi tiếp xúc. Trẻ em tiếp xúc với chúng có khả năng bị bỏng hóa chất cao gấp 2 lần và có khả năng phải nhập viện cao gấp 3 lần so với tất cả các sản phẩm khác…
Bên cạnh đó, ở các loại mỹ phẩm kém chất lượng, giá thành rẻ, nguồn gốc không rõ ràng, rất nhiều khả năng thành phần dung môi sẽ bị lẫn các tạp chất như methanol, aldehyde… có thể gây kích thích, tổn thương đường hô hấp khi hít vào. Về lâu dài sẽ có nhiều nguy cơ gây ung thư các cơ quan hô hấp như xoang mũi của trẻ.
Cần thiết phải có chiến lược ngăn chặn
Như con số đã nêu trên, mỗi năm các bác sĩ tại các khoa cấp cứu trên khắp nước Mỹ điều trị trung bình khoảng 4.300 trẻ nhỏ bị chấn thương liên quan đến mỹ phẩm. Số lượng và tỷ lệ thương tích hầu như không có nhiều thay đổi trong suốt 15 năm qua.
Tuy nhiên, có thể con số thống kê trong báo cáo nhỏ hơn thực tế, do các nhà nghiên cứu chỉ ghi nhận các trường hợp có đi cấp cứu. Như vậy, họ đã bỏ sót những trường hợp tự xử lý ở nhà, gọi đến trung tâm xử lý chất chất độc, đến các phòng khám tư hoặc cơ sở y tế khác. Do vậy, cần thiết phải có một chiến lược nhằm ngăn chặn những tai nạn do mỹ phẩm gây nên cho trẻ nhỏ.
Bà Jay Ansell, Phó chủ tịch chương trình mỹ phẩm tại Hội đồng Sản phẩm Chăm sóc Cá nhân (PCPC), một hiệp hội thương mại quốc gia về ngành công nghiệp mỹ phẩm cho biết. “PCPC và các thành viên đồng ý rằng, tất cả các sản phẩm trong nhà như thuốc, vitamine, chất rửa tẩy, mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc cá nhân khác cần được để xa tầm tay trẻ em”.
Trước kết quả nghiên cứu, các nhà khoa học cũng đã đưa ra lời cảnh báo cho các bậc làm cha mẹ và người lớn cần cất chai lọ đựng hoá mỹ phẩm trong nhà cẩn thận hơn. Các sản phẩm này được thiết kế cho người lớn sử dụng, nhưng trẻ nhỏ lại rất dễ tiếp cận chúng nên sự cố là có thể xảy ra.
Lời khuyên của các chuyên gia là nếu có trẻ nhỏ trong nhà, hãy xem các loại chai lọ đựng sơn móng tay, xà bông, nước hoa… giống như thuốc. Cha mẹ hãy cất các sản phẩm chăm sóc cơ thể này trong tủ mà trẻ không với tới hoặc mở ra được. Khi không sử dụng, chúng luôn được bỏ trong tủ và lưu ý đến chúng khi sử dụng, tránh để trẻ tiếp cận, cầm chơi. Nếu trẻ lỡ nuốt hay để hoá chất dây vào mắt, phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để xử lý hoặc gọi đến cơ quan chuyên môn có thể trợ giúp.
Bên cạnh đó, hiện nay trên thị trường có nhiều loại mỹ phẩm khiến bậc làm cha mẹ phải đắn đo suy nghĩ. Cần lựa chọn những sản phẩm mỹ phẩm hữu cơ có thương hiệu uy tín, tránh sử dụng sản phẩm giảm giá, có khả năng giả mạo hoặc sản phẩm từ các công ty không thể xác minh.
Mến Thương
Theo baophapluat
Ngày tàn của tập đoàn đông dược lừa đảo bé gái ung thư
Quanjian (Quyền Kiện) từng là một trong các ông lớn của ngành chăm sóc sức khỏe Trung Quốc, trụ sở tại thành phố Thiên Tân. Tập đoàn kinh doanh trong lĩnh vực y học cổ truyền, thuốc đông y, mỹ phẩm, ngân hàng, bảo hiểm, bóng đá, đua ngựa... Cho đến đầu năm nay, Quanjian từ lâu là một thế lực lớn. Quá trình "ngã ngựa" của tập đoàn lần này bắt nguồn từ cái chết của một bé gái bị ung thư tế bào mầm ở tỉnh Nội Mông.
Shu Yuhui, nhà sáng lập kiêm chủ tịch Quanjian, đã bị bắt.
Zhou Erli, một người nông dân và là bố của bé nói trên trong những năm qua thu hút sự chú ý của cộng đồng Trung Quốc, sau khi chia sẻ câu chuyện về con gái Zhou Yang.
Năm 2012, Zhou Yang 4 tuổi được chẩn đoán ung thư tế bào mầm vùng xương cùng cụt. Trong vòng sáu tháng, bé gái trải qua 4 ca phẫu thuật và 23 đợt hóa trị tại Bệnh viện Nhi Bắc Kinh.
Tháng 12/2012, khi tình trạng Yang đã ổn định hơn, nhân viên bán hàng của Quanjian liên hệ với Zhou, nói rằng có thể chữa lành hoàn toàn cho bé gái. Ông Zhou kể lại rằng lãnh đạo Quanjian khuyên ông cho con ngừng hóa trị, thay vào đó hãy sử dụng thuốc thảo dược làm từ bột táo tàu và dầu rễ cây.
Tổng cộng, Zhou đã chi 5.000 tệ (800 USD) để mua thuốc của Quanjian cho con gái uống. Thế nhưng, Yang không những không khỏe lại mà còn yếu đi. Ông Zhou còn phát hiện Quanjian sử dụng ảnh của bé trong các quảng cáo và tuyên bố đã chữa khỏi ung thư tế bào mầm.
Năm 2015, ông Zhou khởi kiện Quanjian vì tội lừa đảo. Tòa bác bỏ do "không đủ bằng chứng". Ngày 12/12/2015, Yang trút hơi thở cuối cùng.
Cuối năm 2018, diễn đàn y học nổi tiếng Trung Quốc là Bác sĩ Đinh Hương lật lại vụ việc. Diễn đàn cáo buộc Quanjian thu lời hàng trăm tỷ nhân dân tệ từ việc kinh doanh gian dối. Nhà sáng lập kiêm chủ tịch Quanjian là Shu Yuhui bị tố "tổ chức bán hàng đa cấp", hình thức kinh doanh bị coi là phi pháp ở Trung Quốc. Nhân viên bán hàng của Quanjian, theo Bác sĩ Đinh Hương, kiếm tiền chủ yếu bằng việc câu kéo người khác tham gia để ăn hoa hồng.
Trước làn sóng phản đối từ người dân, chính phủ Trung Quốc hành động. Tên ông Shu biến mất khỏi danh sách cố vấn cho cơ quan lập pháp Thiên Tân. Ngày 7/1/2019, truyền thông Trung Quốc đưa tin ông Shu cùng 17 người khác bị bắt.
Tập đoàn này đã đóng cửa trụ sở ở Thiên Tân. Các quán mì gần đó chuyên phục vụ nhân viên Quanjian cũng ngừng hoạt động. Quyền sở hữu đội bóng của Quanjian được giao lại cho hiệp hội bóng đá địa phương để tìm nhà đầu tư mới.
Trụ sở tập đoàn Quanjian nay vắng lặng, nhưng đó từng là nơi từng to rộng và náo nhiệt như Thiên An Môn, nơi xe buýt mỗi ngày chở tới lui hàng trăm nhân viên bán hàng. Ông Shu từng tuyên bố xây dựng bệnh viện ung thư lớn nhất châu Á với 10.000 giường bệnh. Hiện cơ sở này cũng bị đóng cửa.
Trước khi bê bối vở lở, Quanjian từng có hơn 7.000 phòng khám khắp Trung Quốc thực hành hỏa liệu pháp, kỹ thuật chữa bệnh đặc trưng của tập đoàn. Các sản phẩm khác do Quanjian sản xuất cũng rất đắt khách và được quảng cáo bằng những lời lẽ to tát thần kỳ: "băng vệ sinh ion âm giảm khó chịu kỳ kinh nguyệt, phòng ung thư cổ tử cung"; hay "lót giày chữa viêm khớp, bệnh tim".
Thời kỳ thành công của Quanjian trùng với khoảng thời gian ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe bùng nổ ở Trung Quốc. Theo công ty tư vấn Euromonitor, doanh thu sản phẩm chăm sóc sức khỏe ở Trung Quốc tăng từ 44,2 tỷ tệ (6,43 tỷ USD) năm 2002 lên 237,6 tỷ tệ (35 tỷ USD) năm 2017.
Bên ngoài chi nhánh Quanjian tại Trịnh Châu
Zhu Yonghong, đồng sáng lập Tasly, một công ty đông dược, nhận định Quanjian cùng nhiều doanh nghiệp tương tự chọn Thiên Tân đặt trụ sở để ở gần và lợi dụng danh tiếng của Đồng Nhân Đường, thương hiệu Đông y số một Trung Quốc. Theo ông Zhu, Quanjian đã xóa nhòa ranh giới giữa y học cổ truyền và thủ đoạn kinh doanh.
Thời trẻ, nhà sáng lập Quanjian, ông Shu làm việc cho Tianshi, nhà sản xuất sản phẩm y tế lớn với hơn 10.000 nhân viên ở 110 thành phố. Công ty này đưa ra phương pháp nhìn lòng bàn tay chẩn bệnh, khẳng định có thể phát hiện từ HIV đến viêm gan và xây dựng các liệu trình điều trị đắt tiền.
Theo tiểu sử do Quanjian cung cấp, ông Shu sáng lập tập đoàn với 600 bài thuốc bí mật và tự nhận thuộc gia đình có truyền thống đông y. Để tăng nhu cầu mua sản phẩm, Quanjian đưa ra chính sách hấp dẫn. Người mua bảy cặp lót giày "ma thuật" sẽ được quyền trở thành nhà phân phối. Bằng cách đó, tập đoàn thu hút những người khao khát kiếm tiền nhanh chóng.
Chính quyền địa phương, với mong muốn thúc đẩy sự phát triển của các công ty tạo việc làm, nhắm mắt làm ngơ. Năm ngoái, lãnh đạo Thiên Tân nhận xét Quanjian và Tianshi là "những tập đoàn xuất sắc", "có trách nhiệm với xã hội và biết đổi mới". Về mặt kinh tế, những doanh nghiệp này vô cùng giá trị đối với Thiên Tân. Năm 2017, Quanjian đóng thuế tới 147 triệu tệ (21 triệu USD).
Việc xử lý những sai phạm trong ngành đông y ở Trung Quốc vẫn còn là một câu hỏi lớn. Chưa rõ Quanjian sẽ bồi thường như thế nào cho gia đình ông Zhou.
Kiên Giang
Theo baophpluat
15 chất độc hại có thể có trong mỹ phẩm Mỹ phẩm là những thứ không thể thiếu đối với phái đẹp. Những sản phẩm này giúp người dùng có được diện mạo tươi trẻ, lộng lẫy. Tuy nhiên, trong mỹ phẩm chứa không ít những thành phần độc hại, chị em cần cẩn trọng. 1. Mineral oil: cũng được biết đến với các tên dạng biến thể như: petrolatum/ paraffinum liquidum /paraffin...