Hiểm họa Covid-19 rình rập các linh mục ở Ý
Các bác sĩ và y tá đã trở thành những biểu tượng cho sự hi sinh chống dịch Covid-19 ở tiền tuyến nhưng các linh mục và nữ tu cũng đang “tham chiến” bất chấp những rủi ro.
Ngày chủ nhật trước tuần lễ phục sinh ở Rome, Ý, chuông điện thoại của Linh mục Claudio Del Monte (53 tuổi) vang lên.
Đó là chiếc điện thoại mà nhân viên bệnh viện Bergamo đã giao cho ông cùng với một cây thánh giá nhỏ và một ít nước rửa tay tự pha chế. Thay vì mặc bộ áo cổ côn dành cho các linh mục, ông đang mặc bộ quần áo y tế không thấm nước chỉ dùng một lần, mang khẩu trang y tế dành cho bác sĩ phẫu thuật và chồng thêm một lớp khẩu trang khác ở ngoài, mang cả kính che mắt và đội mũ. Trên ngực áo ông là một dấu thánh được vẽ bằng bút lông dầu.
Linh mục Claudio Del Monte chuẩn bị làm lễ Thứ sáu tốt lành (ngày thứ sáu trước lễ Phục sinh) ở Bergamo, Ý. Ảnh: NYTimes
Ông cáo lỗi với 2 bệnh nhân Covid-19 mà ông đang thăm hỏi ở bệnh viện để trả lời cuộc gọi. Nhưng trước khi nghe máy ông đã biết chuyện đã xảy ra. Vài phút sau, ông có mặt bên giường bệnh của một bệnh nhân lớn tuổi mà ông đã gặp vài ngày trước. Gương mặt ông cụ gần như bị mặt nạ thở oxy che khuất và các nhân viên chăm sóc đặc biệt đang vây quanh giường bệnh của ông.
“Tôi đã ban phép lành và làm phép rửa tội cho ông ấy. Ông nắm chặt bàn tay tôi và tôi đã ở bên ông ấy cho đến khi ông nhắm mắt. Sau đó tôi cầu nguyện cho người đã khuất, thay găng tay và tiếp tục đi thăm các bệnh nhân khác” – vị linh mục 53 tuổi kể lại.
Cha Del Monte với trang phục bảo hộ chống dịch khi đi thăm người bệnh tại bệnh viện Humanitas Gavazzeni ở Bergamo.Ảnh: NY Times
Ý đang là một trong những quốc gia hứng chịu thiệt hại nặng nhất thế giới trong đại dịch Covid-19 này. Trong khi các bác sĩ và y tá đang trở thành những biểu tượng của sự hi sinh ở tiền tuyến trong cuộc chiến với “kẻ địch vô hình” thì các linh mục và nữ tu cũng đã và đang “tham chiến”. Đặc biệt ở những vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất như Bergamo, họ đang dấn thân và đôi khi liều cả tính mạng mình để chăm lo nhu cầu về tâm linh, an ủi tinh thần của những bệnh nhân lớn tuổi – những người bị dịch bệnh tấn công mạnh nhất.
Video đang HOT
Trên khắp nước Ý, virus Sars-CoV-2 đã làm chết hơn 100 linh mục, nhiều người trong số họ đã về hưu và dễ trở thành những “con mồi” lý tưởng của chủng virus này. Đức Giáo Hoàng Francis đã tưởng nhớ họ khi làm thánh lễ tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô: “Những ngày này, hơn 60 linh mục đã qua đời tại Ý sau khi chăm sóc cho những người bệnh ở bệnh viện”. Đức Giáo Hoàng gọi họ là “những vị thánh ở ngay cạnh bên, những linh mục đã bỏ mình khi làm nhiệm vụ”.
Đức Giáo hoàng Francis cầu nguyện và tưởng nhớ các linh mục đã mất trong dịch Covid-19 trong thánh đường không người. Ảnh: NY Times
Francesco Beschi, đức Giám mục của Bergamo, nói rằng chỉ trong 20 ngày, Bergamo đã mất đi 24 linh mục, một nửa trong số đó là các linh mục lớn tuổi đã về hưu.
Các linh mục an ủi người bệnh thông qua những nhóm trao đổi trên ứng dụng WhatsApp, vẫy tay qua những cửa sổ ô tô khi họ mang cơm đến cho những người bệnh, mặc những bộ trang phục bảo hộ phòng dịch và tựa người trên những khung cửa phòng bệnh để cầu nguyện và động viên các bệnh nhân.
Các linh mục rất buồn vì họ không thể đến gần hơn với các bệnh nhân, vì những cái chạm tay cuối cùng lại phải qua những lớp găng tay, đôi khi gương mặt cuối cùng mà bệnh nhân nhìn thấy lại là qua màn hình. Đứng trước loại virus vừa lấy đi sinh mạng vừa chia cắt bệnh nhân với gia đình, người thân của họ, các linh mục nói rằng họ rất đau lòng khi phải giữ khoảng cách với những người, những nơi đang cần họ nhất.
Các bệnh nhân Covid-19 đang được điều trị trong một bệnh viện ở Ý. Ảnh: NY Times
Một trong số những người đã mắc bệnh và qua đời là Linh mục Fausto Resmini, 67 tuổi, người được xem là giáo sĩ của nhà tù Bergamo trong gần 30 năm và là người sáng lập một trung tâm dành cho thanh thiếu niên gặp khó khăn.
Các linh mục khác kể rằng trong quá trình làm việc vào tháng trước, ông đã bị nhiễm virus. Ông được điều trị tại bệnh viện Humanitas Gavazzeni (nơi Linh mục Del Monte làm nhiệm vụ) cho đến khi qua đời vào ngày 23-3. Những người dân trong vùng đang có nguyện vọng đặt nên một bệnh viện dã chiến mới theo tên ông.
Nhưng những mất mát đó không khiến các linh mục lùi bước. Linh mục Giovanni Paolini, 85 tuổi, ở thị trấn Pesaro, chia sẻ: “Ở nhà là điều đúng đắn. Nhưng tôi là một linh mục và đôi khi cũng cần phải bẻ cong luật một chút để đáp ứng nhu cầu của con người”.
Ông nói rằng ông chủ yếu dùng điện thoại và mạng xã hội để động viên tinh thần người bệnh. Nhưng những lúc cần đến với những người đang hấp hối, ông chỉ đi một mình và luôn đeo khẩu trang và mặc đầy đủ trang phục bảo hộ. “Bạn đã chọn cuộc sống này vì muốn rằng mình hữu ích cho mọi người” – ông nói.
Giám mục Beschi của Bergamo nói rằng các linh mục hiểu rõ hiểm hoạ từ các nguy cơ lây nhiễm,đang thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch. Ông đã gửi thư đến cho các linh mục trong giáo phận và dặn dò họ: “Chúng ta đưa Chúa đến với mọi người chứ không phải mang đến sự lây nhiễm”.
N. Thương
Các nhà thờ vắng lặng khắp toàn cầu dù 3 tôn giáo chính bắt đầu đại lễ
Bất chấp đang là thời điểm diễn ra lễ Phục sinh, lễ Quá hải và tháng lễ Ramadan, các nhà thờ khắp thế giới vắng bóng người viếng thăm do nhiều quốc gia áp lệnh phong tỏa.
Lễ Phục sinh, lễ Quá hải và khởi đầu của tháng ăn chay Ramadan năm nay đều rơi vào tháng 4. Thông thường, đây sẽ là thời gian hàng triệu tín đồ thuộc các tôn giáo lớn khắp nơi trên thế giới tề tựu cùng nhau cầu nguyện hoặc họp mặt gia đình. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã khiến hoạt động này gặp trở ngại lớn. Trong ảnh, buổi lễ được tổ chức tại nhà thờ không có tín đồ tới tham dự ở Barcelona, Tây Ban Nha.
Để ngăn đại dịch lây lan, các biện pháp phong tỏa quy mô lớn đã được triển khai. Lần đầu tiên trong lịch sử, người ta chứng kiến các buổi thánh lễ được tổ chức bên trong những nhà thờ trống người khắp toàn cầu. Trong ảnh, nhà thờ không một bóng tín đồ tại Worcester, bang Massachusetts.
Bên trong Nhà thờ Đức bà ở thủ đô Paris, Đức cha Michel Aupetit đã tổ chức buổi lễ "Thứ sau tốt lành" với chỉ một nhóm các linh mục, phía sau là những dãy ghế trống trơn, khi các tín đồ bị ảnh hưởng bởi lệnh phong tỏa. Các nữ tu trong sự kiện tổ chức ở một nhà thờ tại Librino, Italy.
Tại khu thành cổ ở Đông Jerusalem, các tu sĩ phải đeo khẩu trang khi tiến hành nghi lễ đi dọc con đường Via Dolorosa, được cho là con đường chúa Jesus đã đi đến nơi bị đóng đinh. Trước đó, hàng triệu người Do Thái khắp thế giới đã kỷ niệm Lễ Quá hải qua ứng dụng Zoom, thay vì tụ tập nhiều thế hệ gia đình quanh bàn ăn. Nhà chức trách Israel cũng đã siết chặt các biện pháp phong tỏa và áp dụng lệnh giới nghiêm vào ban đêm. Trong ảnh, một giáo sĩ Do Thái bên ngoài nhà thờ ở Đông Jerusalem.
Trong khi đó, Saudi Arabia đã đình chỉ hoạt động hành hương thường diễn ra quanh năm. Đồng thời, nhà chức trách Saudi Arabia yêu cầu các tín đồ Hồi giáo hoãn kế hoạch tới thăm các thánh địa Mecca và Medina cho cuộc hành hương Hajj thường diễn ra vào tháng 7 và tháng 8 mỗi năm. Nhiều quan ngại đã được đặt ra về khả năng tổ chức sự kiện trong bối cảnh Covid-19 lan rộng. Trong ảnh, nữ tu tại nhà thờ ở Ciudad Juarez, Mexico.
Emile Durkheim, nhà xã hội học người Pháp sống từ thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, từng nói rằng nền tảng cơ bản của tôn giáo là thu hút các cộng đồng dân cư cùng tập trung và thực hiện các nghi lễ. Theo AFP, đại dịch đang tấn công vào chính cốt lõi đó. Sự lây lan của virus đã làm suy yếu bản chất cộng đồng của các hoạt động tôn giáo, khi những nhóm tôn giáo không tuân thủ giãn cách xã hội đã để lại nhiều hậu quả về y tế như tại Hàn Quốc, Ấn Độ, Malaysia. Trong ảnh, nhà thờ vắng bóng tín đồ ở La Paz, Bolivia.
Đối với các chính trị gia dân túy, giáo sư James Dorsey từ Đại học Rajaratnam, Singapore, cho rằng đại dịch Covid-19 đã đe dọa tới gốc rễ các cơ sở hỗ trợ tôn giáo và chính sách phân biệt đối xử nhắm tới các tôn giáo và nhóm thiểu số.
Duy Anh
Bang Mỹ tổ chức cầu nguyện chống Covid-19 Bang Nam Dakota và Iowa kêu gọi dân chúng tham gia các buổi cầu nguyện tập thể để chống lại Covid-19 thay vì ban lệnh cách biệt cộng đồng. Phần lớn các bang ở Mỹ đã ban hành các lệnh hạn chế đi lại ở mức độ khác nhau để ngăn Covid-19 lây lan, trong bối cảnh số ca nhiễm ở nước này...