Hiểm họa chiến tranh tiền tệ: Cái chết của Bretton Woods
Chiến tranh tiền tệ lần thứ hai đã đặt dấu chấm hết cho hệ thống tiền tệ quốc tế được hình thành từ Hội nghị Bretton Woods.
Kho chứa vàng của Ngân hàng Dự trữ liên bang New York – Ảnh: Forbes
Vào đêm chủ nhật ngày 15.8.1971, từ Phòng Bầu dục, Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã cắt ngang mọi chương trình truyền hình ăn khách để đưa ra quyết sách mới về kinh tế. Trong một quyết định quan trọng mà ảnh hưởng của nó sẽ kéo dài đến tận ngày nay, ông Nixon tuyên bố đình chỉ quy đổi USD ra vàng, áp mức thuế đặc biệt 10% đối với hàng hóa nhập khẩu và kiểm soát giá cả trong nước. Quyết định được đưa ra giữa lúc Mỹ chật vật xoay xở giữa cuộc khủng hoảng mà nhiều người gọi là cuộc chiến tiền tệ thứ hai.
Kỷ nguyên Bretton Woods
Khi Thế chiến thứ hai khép lại, các cường quốc kinh tế khối Đồng minh, dưới sự dẫn đầu của Mỹ và Anh, vạch ra một trật tự tiền tệ mới cho thế giới nhằm tránh lặp lại sai lầm của Hiệp ước Versailles và cuộc chiến tiền tệ lần thứ nhất.
Video đang HOT
Các kế hoạch này được đưa ra tại Hội nghị Bretton Woods ở bang New Hampshire vào tháng 7.1944, với kết quả là một loạt các quy định và thể chế sẽ định hình hệ thống tiền tệ thế giới trong 3 thập niên kế tiếp. Mặc dù bị ngắt quãng bởi một vài đợt suy thoái, về tổng thể, kỷ nguyên Bretton Woods được đánh giá là thời kỳ ổn định tiền tệ, lạm phát thấp, tỷ lệ thất nghiệp thấp, tăng trưởng cao và thu nhập thực tế gia tăng, theo tác giả James Rickards trong cuốn Currency Wars: The Making of the Next Global Crisis (tạm dịch: Chiến tranh tiền tệ: Cuộc khủng hoảng toàn cầu kế tiếp đang thành hình).
Trong thời kỳ này, hệ thống tiền tệ quốc tế dựa vào vàng thông qua việc USD được tự do chuyển đổi thành vàng với giá cố định 35 USD/ounce. Các đồng tiền khác gián tiếp neo giá vào vàng thông qua tỷ giá cố định với USD. Các quốc gia chỉ có thể phá giá tiền tệ với sự chuẩn thuận của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và chỉ trong những trường hợp thâm hụt kéo dài đi kèm lạm phát cao. Dù hình thành dưới hình thức một thỏa thuận quốc tế rộng lớn, cấu trúc Bretton Woods gần như chịu sự chi phối duy nhất của Washington vào thời hoàng kim của sức mạnh kinh tế và quân sự Mỹ.
Bất chấp sự tồn tại của Bretton Woods đến đầu thập niên 1970, những hạt giống của chiến tranh tiền tệ lần thứ hai đã được gieo rắc vào giữa thập niên 1960, với chương trình “súng và bơ” của Lyndon B.Johnson, ám chỉ cuộc chiến tranh VN và chương trình phúc lợi Đại xã hội do vị tổng thống này phát động. Gánh nặng chi phí chiến tranh và chương trình Đại xã hội đè nặng lên nền kinh tế Mỹ, làm tỷ lệ lạm phát leo thang. Tuy vậy, Anh mới là nước nổ phát pháo đầu tiên của cuộc chiến.
Ngày tàn của bản vị vàng
Mặc dù đã mất đi vị thế so với USD trong hệ thống Bretton Woods, bảng Anh vẫn là đồng tiền dự trữ quan trọng. Năm 1945, bảng Anh chiếm tỷ lệ cao hơn USD trong dự trữ toàn cầu. Tỷ lệ này giảm dần và đến năm 1965 chỉ còn chiếm 26%. Cán cân thanh toán của Anh xấu đi nghiêm trọng và vào giữa thập niên 1960, lượng bảng Anh lưu hành trên thế giới gấp 4 lần dự trữ vàng của London, khiến nước này đứng trước nguy cơ sụp đổ hệ thống ngân hàng nếu những người giữ bảng Anh cố gắng đổi sang vàng và USD hàng loạt. Cũng trong giai đoạn này, Tổng thống Pháp Charles de Gaulle lớn tiếng chỉ trích hệ thống Bretton Woods, đòi chấm dứt vị thế thống lĩnh của USD và kêu gọi quay trở lại với bản vị vàng cổ điển. Năm 1965, Pháp cùng Tây Ban Nha đã chuyển đổi một lượng lớn USD sang vàng. Tổng thống De Gaulle thậm chí còn đề nghị cử hải quân Pháp đến Mỹ chở vàng về nước.
Sau khi ngăn chặn thành công vài cuộc khủng hoảng nhỏ, London buộc phải phá giá đồng bảng vào ngày 18.11.1967, từ 2,8 USD/bảng xuống còn 2,4 USD/bảng, tương đương 14,3%. Vết nứt đầu tiên của hệ thống Bretton Woods đã xuất hiện sau hai thập niên. Nếu Anh có thể phá giá thì những nước khác cũng có thể và những gì xảy ra sau đó đã đi vào lịch sử tiền tệ thế giới. Pháp cùng nhiều nước khác tiến hành chuyển đổi USD thành vàng hàng loạt. Hậu quả là dự trữ vàng của Bộ Tài chính Mỹ giảm từ 20.000 tấn năm 1950 xuống còn 9.000 tấn vào thời điểm Tổng thống Nixon đưa ra quyết định lịch sử năm 1971. “Cú sốc Nixon” trên thực tế đã kết liễu chế độ bản vị vàng cùng với hệ thống Bretton Woods. Thế nhưng, điều khiến châu Âu và Nhật Bản choáng váng không phải là việc Mỹ từ bỏ bản vị vàng mà là mức thuế 10% với mọi hàng hóa nhập khẩu, vốn tương đương với sự phá giá 10% USD trên thực tế.
Quyết định của Nixon bị xem là vi phạm Hiệp ước chung về thuế quan và mậu dịch (GATT). Tuy nhiên, với những ký ức về cuộc chiến tiền tệ lần thứ nhất cùng vai trò của Mỹ trong việc bảo vệ Nhật Bản và Tây Âu về mặt quân sự cũng như là đối trọng với Liên Xô, những đối tác của Mỹ đã chùn bước trước viễn cảnh một cuộc chiến tranh thương mại. Nhật Bản và châu Âu chỉ đơn giản chấp nhận việc phá giá USD. Vấn đề còn lại chỉ là với mức độ nào và theo những điều khoản của ai.
Công Chính
Theo Thanhnien
Nguy cơ chiến tranh tiền tệ châu Á
Động thái phá giá nhân dân tệ của Trung Quốc lập tức gây mất giá các đồng tiền châu Á, mở ra viễn cảnh chiến tranh tiền tệ trong khu vực.
Giới phân tích hoàn toàn bất ngờ về động thái phá giá nhân dân tệ của Trung Quốc - Ảnh: AFP
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) ngày 11.8 bất ngờ phá giá nhân dân tệ (NDT) 1,86% so với USD, theo AFP. Đây cũng là mức giảm giá sâu nhất trong một ngày kể từ khi Trung Quốc cải cách tiền tệ theo hướng từ bỏ chính sách neo tỷ giá vào USD mà thay vào đó duy trì chế độ tỷ giá dựa vào rổ tiền tệ. Trung Quốc giải thích rằng quyết định phá giá tiền tệ là một phần của kế hoạch cải tổ cách thức kiểm soát tỷ giá hối đoái.
Trong tuyên bố chính thức, PBOC cho hay trong khi mục tiêu là giữ NDT "về cơ bản là ổn định", các động lực khác của thị trường sẽ đóng vai trò lớn hơn trong nền kinh tế nước này, có nghĩa là tăng cường sự dẫn dắt của thị trường đối với kinh tế. PBOC trấn an rằng phá giá là biện pháp chỉ xảy ra một lần, nhưng BBC dẫn lời các nhà phân tích quan ngại rằng Bắc Kinh có thể lặp lại hành động này trong tương lai.
Việc Trung Quốc đột ngột giảm giá nội tệ đã lập tức gây sức ép đối với các thị trường thế giới, như Đài CNBC của Mỹ đã giật tít: Không gì chọc giận cùng lúc cả Mỹ lẫn châu Á như phá giá NDT. Trên thực tế, nó kích hoạt đợt bán ra ồ ạt các đồng tiền châu Á nghiêm trọng nhất trong gần 7 năm qua. Khi NDT mất giá 1,86% so với USD, won của Hàn Quốc, đô la Singapore, đô la Úc đều giảm hơn 1% giá trị. Theo CNBC dẫn lời giới phân tích, chiến tranh tiền tệ mới tại châu Á là một trong các hậu quả đáng sợ nhất theo sau quyết định trên của Trung Quốc. Trong khi đó, USD tăng giá so với các đồng tiền khu vực khác, giao dịch với giá 124,81 yen so với mức 124,72 vào ngày trước đó.
Trong 12 tháng qua, NDT trở nên mạnh hơn so với các tiền tệ châu Á và euro, tăng 17% so với đồng yen và 23% so với euro. Kết quả là kim ngạch xuất khẩu của nước này vào EU và Nhật Bản lần lượt giảm 4% và 11%, do hàng hóa Trung Quốc trở nên đắt đỏ hơn. Số liệu đáng báo động hơn nữa là tổng sản lượng xuất khẩu của Trung Quốc vào tháng 7 giảm 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Do vậy, việc phá giá NDT trước mắt có thể giúp xử lý vấn đề này. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong những nguyên nhân khiến Trung Quốc phá giá NDT. Các nhà phân tích chỉ ra mục tiêu dài hạn hơn của Trung Quốc nhằm biến NDT thành đồng tiền dự trữ trên toàn cầu.
Vào cuối năm nay, Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF) dự kiến sẽ tuyên bố liệu có đồng ý kết nạp NDT vào câu lạc bộ các loại tiền tệ dự trữ chính thức gồm USD, euro, bảng Anh và yen hay không. Trước đây, IMF yêu cầu Trung Quốc linh hoạt về tỷ giá hối đoái, cho phép giá trị của nội tệ được điều chỉnh theo đà tăng trưởng kinh tế, nên đây có thể là một bước đi của Trung Quốc nhằm thuyết phục IMF. Tuy nhiên, động thái này có thể đẩy khu vực vào chiến tranh tiền tệ mới, theo nhận định của nhiều chuyên gia.
Thụy Miên
Theo Thanhnien
Trung Quốc đánh đu với tỷ giá? Sau 2 lần bất ngờ phá giá liên tiếp trong ngày 11, 12.8, với gần 4% giá trị đồng nhân dân tệ (NDT) của Ngân hàng trung ương Trung Quốc, thị trường chứng khoán toàn cầu bị một phen chao đảo, giá trị tiền tệ của các nền kinh tế mới nổi và một số nước khu vực châu Á cũng giảm theo....