Hezbollah lần đầu phóng tên lửa đạn đạo vào trụ sở cơ quan tình báo Israel
Hôm 25/9, lực lượng Hezbollah ở Liban tuyên bố đã phóng tên lửa đạn đạo nhắm vào trụ sở của Cơ quan tình báo Israel (Mossad) gần Tel Aviv.
Hệ thống David’s Sling của Israel hoạt động để đánh chặn tên lửa phóng từ Liban ngày 25/9. Ảnh: AFP
Theo hãng thông tấn AFP, đây là lần đầu tiên Hezbollah tấn công bằng tên lửa đạn đạo vào Israel kể từ khi cuộc chiến kéo dài gần 1 năm với Tel Aviv nổ ra.
“Lúc 6:30 sáng ngày 25/9, Lực lượng Kháng chiến Hồi giáo đã phóng tên lửa đạn đạo Qader nhắm vào trụ sở Mossad ở ngoại ô Tel Aviv”, phong trào Hezbollah tuyên bố.
Hezbollah cáo buộc trụ sở này chịu trách ám sát các nhà lãnh đạo và thực hiện cuộc tấn công khiến loạt máy nhắn tin và thiết bị không dây ở Liban phát nổ. Cuộc tấn công đã khiến nhiều người thiệt mạng, bao gồm một chỉ huy cấp cao.
Hezbollah cũng cho biết cuộc không kích bằng tên lửa đạn đạo được thực hiện nhằm ủng hộ người dân Gaza,”bảo vệ Liban và người dân nước này”.
Về phần mình, Quân đội Israel cùng ngày tuyên bố lần đầu tiên tên lửa do Hezbollah bắn đã bay đến khu vực Tel Aviv và bị hệ thống phòng thủ của Israel đánh chặn . Còi báo động không kích ở Tel Aviv đã vang lên. Ngoài ra, lực lượng không quân Israel đã tấn công bệ phóng của tên lửa ở khu vực Nafakhiyeh, miền nam Liban.
“Sau tiếng còi báo động vang lên ở khu vực Tel Aviv và Netanya, một tên lửa đất đối đất đã được xác định bay qua từ Liban và đã bị Lực lượng Phòng không thuộc Lực lượng Phòng vệ Israel đánh chặn”, quân đội Israel nêu rõ.
Người phát ngôn Quân đội Israel Nadav Shoshani mô tả đây là tên lửa tầm xa hạng nặng.
“Đây là lần đầu tiên Hezbollah bắn về phía Tel Aviv”, ông nói.
Không có báo cáo nào về thiệt hại hoặc thương vong. Theo quân đội Israel, cũng không có thay đổi nào đối với các hướng dẫn phòng thủ dân sự cho miền Trung Israel.
Vụ phóng tên lửa mới nhất đánh dấu sự leo thang tiếp theo sau 2 ngày Israel tiến hành không kích Liban. Giới chức địa phương cho biết cuộc không kích khiến đã ít nhất 569 người thiệt mạng.
Trước đó, Thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah đã nhiều lần tuyên bố bất kỳ cuộc tấn công nào của Israel vào thủ đô Liban cũng sẽ dẫn đến một cuộc tấn công vào trung tâm kinh tế của nước này.
Video đang HOT
Hezbollah và Israel đã giao tranh gần như hàng ngày qua biên giới kể từ khi phong trào Hamas ở Palestine phát động cuộc tấn công chưa từng có vào Israel vào ngày 7/10 năm ngoái.
Cuộc tấn công của Hamas đã châm ngòi cho cuộc xung đột rộng lớn ở Gaza, thu hút Hezbollah và các nhóm chiến binh khác từ khắp Trung Đông.
Trọng tâm hỏa lực của Israel đã chuyển mạnh từ Gaza sang Liban trong những ngày gần đây. Bộ Y tế Liban cho biết các cuộc không kích của Israel đã khiến ít nhất 558 người thiệt mạng trong ngày 23/9 – ngày bạo lực đẫm máu nhất ở quốc gia này kể từ cuộc nội chiến 1975 – 1990.
Sức mạnh quân sự và kinh nghiệm của Hezbollah sau cuộc chiến năm 2006
Lực lượng Hezbollah trong cuộc chiến với Israel năm 2006 không giống Hezbollah ngày nay khi họ đã có thêm nhiều vũ khí và năng lực quân sự hơn.
"Mọi thứ Iran có, chúng tôi đều có"
Theo tờ Wall Street Journal ngày 24/9, Hezbollah đang có một kho vũ khí khổng lồ gồm rocket, thiết bị bay không người lái (UAV) và tên lửa chống tăng mà họ có thể sử dụng để chống các cuộc tiến công của Israel. Một trong những vũ khí mới nguy hiểm nhất của nhóm này là một tên lửa chống tăng dẫn đường do Iran sản xuất, được gọi là Almas. Vũ khí này giúp Hezbollah tấn công chính xác hơn nhiều so với khi họ tham chiến với Israel năm 2006.
Như trong cuộc chiến đó, Israel sẽ phải chiến đấu trên chiến trường ở miền Nam Liban, nơi lợi thế thuộc về Hezbollah. Cuộc xung đột có thể biến thành một vũng lầy, tương tự như cuộc chiến ở Gaza.
Còn hiện nay, nguy cơ xảy ra cuộc chiến toàn diện đã gia tăng vào ngày 23/9, sau khi Israel tăng cường các cuộc không kích trên khắp Liban, bao gồm cả thủ đô Beirut, khiến trên 500 người thiệt mạng và trên 1.800 người bị thương trong ngày đẫm máu nhất tại Liban kể từ khi cuộc chiến ở Gaza bắt đầu năm ngoái. Hezbollah cũng đã phóng tên lửa vào Israel.
Israel cho biết họ muốn đẩy Hezbollah lùi xa khỏi biên giới và làm suy yếu khả năng quân sự của nhóm này để đưa trở về nhà khoảng 60.000 người phải sơ tán khỏi nhà ở phía Bắc Israel do các cuộc tấn công tên lửa của Hezbollah trong 11 tháng qua. Các cuộc không kích của Israel đã khiến hàng chục nghìn người ở miền Nam Liban phải di tản.
Trong những tháng gần đây, Hezbollah đã tăng tốc các hoạt động chuẩn bị chiến tranh, mở rộng mạng lưới đường hầm ở miền Nam Liban, tái sắp xếp các tay súng và vũ khí, cũng như buôn lậu thêm vũ khí. Iran được cho là đã tăng cường cung cấp vũ khí nhỏ và lựu đạn phóng bằng rocket, cùng với tên lửa tầm xa dẫn đường và không dẫn đường.
Một quan chức quân sự Hezbollah nói: "Miền Nam bây giờ giống như một tổ ong. Mọi thứ người Iran có, chúng tôi đều có".
Những hoạt động chuẩn bị này dựa trên những kinh nghiệm sau năm 2006. Từ đó đến nay, Hezbollah đã sở hữu hàng ngàn tên lửa và thiết bị bay không người lái mới từ Iran và gắn các bộ dẫn đường vào các tên lửa cũ. Các thành viên của nhóm này cũng trở nên kinh nghiệm hơn sau các cuộc chiến ở Syria, nơi họ chiến đấu cùng các lực lượng Nga và Iran, học được các kỹ thuật chiến đấu của quân đội chính quy.
Thiết bị bay không người lái được nâng cấp của Hezbollah đã tấn công thành công thiết bị quân sự của Israel trong những tháng gần đây, bao gồm một khinh khí cầu giám sát radar tên là Sky Dew vào tháng 5 và hệ thống chống thiết bị bay không người lái trị giá hàng triệu đô la tên là Drone Dome vào tháng 6. Nhóm Hezbollah cũng tuyên bố vào ngày 22/9 rằng họ đã tấn công trụ sở của một công ty quốc phòng Israel gần Haifa, thành phố lớn thứ ba của Israel. Israel không xác nhận mục tiêu nhưng cho biết nhóm này đã tấn công sâu hơn thường lệ vào lãnh thổ Israel.
Vào tháng 11/2023, tờ The Wall Street Journal đưa tin rằng nhóm lính đánh thuê Wagner ở Nga đã lên kế hoạch cung cấp cho Hezbollah một hệ thống phòng không SA-22 tiên tiến. Hiện không thể xác định liệu hệ thống này đã được chuyển giao hay chưa.
Hezbollah có thể là lực lượng bán quân sự phi quốc gia được trang bị vũ khí hạng nặng nhất thế giới, với hàng chục nghìn tay súng và một kho vũ khí tên lửa lớn.
Năm 2006, các quan chức Israel ước tính Hezbollah có khoảng 12.000 tên lửa và rocket. Ông Qassem Qassir, một nhà phân tích Liban, nói rằng kho vũ khí của nhóm này đã tăng lên 150.000 trước ngày 7/10/2023. Con số này tương đồng với ước tính của Israel và phương Tây.
Tên lửa chống tăng dẫn đường Almas là một phiên bản dựa trên tên lửa Israel là Spike. Spike có khả năng đã bị Hezbollah thu giữ và chuyển đến Iran vào năm 2006 để nghiên cứu và phát triển Almas.
Tương đương với các tên lửa chống tăng tiên tiến khác như Javelin của Mỹ, mà Ukraine sử dụng để phá hủy các phương tiện bọc thép của Nga vào năm 2022, Almas giúp Hezbollah tấn công mục tiêu với độ chính xác cao hơn so với những năm trước, khi nhóm này chủ yếu dựa vào các rocket không dẫn đường.
Khi sử dụng vũ khí này lần đầu tiên vào tháng 1, một video được quay từ chính tên lửa cho thấy nó bay lên từ miền Nam Liban và sau đó đâm vào một ngọn đồi có đầy radar và các thiết bị quân sự khác ở phía Bắc Israel.
Chiến tranh bất đối xứng
Hệ thống phòng thủ tên lửa của Israel đánh chặn rocket từ phía Liban ngày 24/9/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Các nhà phân tích quân sự nhận định rằng Hezbollah có thể sao chép chiến thuật được Nga sử dụng ở Ukraine, phóng hàng loạt tên lửa và điều động các thiết bị bay không người lái nhằm áp đảo hoặc vô hiệu hóa hệ thống phòng thủ trên không của Israel và tấn công các căn cứ quân sự hoặc cảng, lưới điện của nước này. Các quan chức Israel dự đoán rằng hàng trăm người có thể thiệt mạng.
Ông Assaf Orion, một chuẩn tướng đã nghỉ hưu của quân đội Israel, nhận định: "Điều này sẽ không dễ dàng nếu xảy ra chiến tranh toàn diện. Chắc chắn chúng tôi sẽ chịu tổn thất".
Hezbollah khó có thể áp đảo hoặc đánh bại Israel dứt khoát trong một cuộc chiến tranh thông thường. Các cuộc không kích của Israel kể từ ngày 7/10/2023 đã gây thiệt hại cho giới lãnh đạo Hezbollah và có khả năng làm suy yếu một số khả năng quân sự của nhóm này, như các bệ phóng tên lửa và kho vũ khí.
Lợi thế áp đảo của Israel trong hoạt động giám sát và tình báo đã được thể hiện rõ ràng trong tuần qua, khi nước này thực hiện một kế hoạch tinh vi, trong đó hàng nghìn máy nhắn tin và bộ đàm của các thành viên Hezbollah phát nổ, làm bị thương hàng nghìn người và giết chết ít nhất 37 người. Một cuộc không kích vào các vùng ngoại ô phía Nam Beirut ngày 20/9 đã giết chết một nhóm chỉ huy quân sự tinh nhuệ của Hezbollah.
Quân đội Israel cũng có vũ khí tiên tiến hơn nhiều, bao gồm máy bay chiến đấu F-35 và hệ thống phòng thủ nhiều lớp trên không. Vượt trội về không quân sẽ giúp Israel thực hiện các cuộc không kích tàn phá và làm tê liệt cơ sở hạ tầng dân sự của Liban, như vào năm 2006.
Tuy nhiên, Israel vẫn phải đối mặt với những bất lợi chiến lược. Hezbollah sẽ không tìm cách giành chiến thắng trong một cuộc chiến với Israel theo cách thông thường. Thay vào đó, họ sẽ cố gắng kéo quân đội Israel vào một cuộc chiến tiêu hao, giống như cách Hamas đã cố gắng tồn tại qua cuộc tấn công kéo dài 11 tháng của Israel vào Gaza.
Ông Elias Farhat, một tướng quân đội Liban đã nghỉ hưu, nhận định: "Israel có thể gây ra tàn phá ở Liban, điều này không cần phải bàn cãi. Có sự chênh lệch trong cán cân quân sự. Nhưng Hezbollah có vũ khí bất đối xứng. Họ đã chứng minh kỹ năng của mình khi sử dụng tên lửa chống tăng vào năm 2006. Họ được huấn luyện tốt".
Cuộc chiến năm 2006
Các tay súng Hezbollah tham gia cuộc tập trận năm 2023. Ảnh: Getty Images/NBC
Hezbollah được thành lập vào đầu những năm 1980 và được Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran huấn luyện.
Các vụ bắt cóc và đánh bom của nhóm này, bao gồm vụ đánh bom đẫm máu vào doanh trại Thủy quân lục chiến Mỹ ở Beirut năm 1983, đã khiến Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) liệt Hezbollah vào danh sách các nhóm khủng bố. Cuộc nổi dậy đã đạt được mục tiêu vào năm 2000 khi Israel rút quân khỏi Liban.
Khi Hezbollah phát triển, nhóm này đã trở thành một đảng chính trị lớn, kiểm soát các ghế trong Quốc hội và Nội các của Liban. Nhóm thường xuyên đụng độ với các lực lượng Israel, nhưng hai bên đã quản lý xung đột theo những quy tắc ngầm để chỉ đấu hỏa lực xuyên biên giới và không mở rộng thành chiến tranh toàn diện.
Cuộc chiến năm 2006 đã tái thiết lập các quy tắc đó. Cuộc chiến này bắt đầu sau khi Hezbollah phục kích một đội tuần tra của quân đội Israel trong một cuộc đột kích qua biên giới, giết chết hai binh sĩ và bắt ba người khác. Năm binh sĩ nữa đã thiệt mạng trong một nhiệm vụ giải cứu của Israel.
Israel đã trả đũa bằng sức mạnh áp đảo, phong tỏa Liban bằng đường biển và ném bom các đường băng tại sân bay Beirut, trong khi các máy bay chiến đấu của nước này đánh vào các con đường và cây cầu. Israel cũng ném bom các vùng ngoại ô đông dân cư của Beirut với hy vọng đánh trúng trụ sở của Hezbollah.
Mặc dù có sức mạnh quân sự áp đảo, nhưng Israel đã đứng trước bờ vực thảm họa quân sự sau khi phát động một cuộc xâm lược trên bộ ở miền Nam Liban, với mục đích đẩy lực lượng Hezbollah về phía Bắc sông Litani, cách biên giới Israel khoảng 29km.
Sử dụng chiến thuật du kích, Hezbollah đã gây thương vong đáng kể cho lực lượng Israel, triển khai tên lửa chống tăng để xuyên thủng giáp của 20 xe tăng và giết chết 24 thành viên trong tổ lái xe tăng.
Hezbollah cũng dội rocket xuống miền Bắc Israel, phóng khoảng 150 quả mỗi ngày. Họ đã sử dụng một tên lửa chống hạm do Iran sản xuất để đánh trúng một tàu chiến Israel ở Địa Trung Hải. Họ cũng đánh trúng Haifa, khiến 8 người thiệt mạng.
Cuộc chiến kết thúc trong tình trạng bế tắc vào tháng 8/2006. Theo một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Israel rút quân khỏi miền Nam Liban.
Israel công bố hình ảnh nghi tên lửa giấu trong gác mái nhà dân ở Liban Ngày 23/9, Israel đã công bố hình ảnh họ cho là bằng chứng về đạn dược của Hezbollah được cất giấu trong nhà người dân. Cùng thời điểm, Israel đã không kích trên diện rộng nhằm vào các khu dân cư trên khắp Liban khiến hàng trăm người chết và 1.200 người bị thương. Hình ảnh IDF cáo buộc là tên lửa giấu...