Hết thời gà lai Đông Tảo: Giá đã rẻ lại ế, càng nuôi càng lỗ nặng
Sau một thời kỳ khắp nơi, từ vùng núi đến đồng bằng, từ chuồng trại thực đến trang mạng ảo đều thấy hình bóng của con gà lai Đông Tảo thì nay đã lộ rõ sự thoái trào …
Người còn trẻ hãy đi tìm việc khác
“Chúng tôi tuổi đã 55-60, muốn đi ra ngoài lao động cũng khó nên còn phải cố duy trì chứ những người tuổi trẻ tốt nhất hãy đi tìm công việc khác phù hợp chứ nghề nuôi gà lai Đông Tảo đang gặp rất nhiều khó khăn”. Anh Bùi Văn Thát – chủ trại gà giống 2.000 con ở thôn Thái Hòa, xã Yên Hòa, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên mở đầu cuộc chuyện trò với tôi giữa những tiếng quác quác huyên náo cả một vùng.
Anh Thát kêu về tình trạng ế ẩm của gà giống
Khó khăn mà anh nói không phải do dịch bệnh mà do thị trường đang quá bão hòa. 7 năm nuôi gà lai Đông Tảo, những năm đầu giá giống anh bán thấp nhất cũng 6.000đ/con về sau có lúc cao nhất được 15.000đ/con, còn trên dưới 10.000đ/con thì duy trì khá đều đặn.
Từ đầu năm nay đến tháng 5-6 giá bán bỗng nhiên tụt xuống chỉ còn 3.500đ/con. Hiện tại tuy đã ngóc lên được 7.000-8.000đ nhưng theo phép tính của anh bình quân 1.000 gà giống nếu nhà nào kỹ thuật nuôi tốt cũng lỗ 20-30 triệu còn không lỗ 50-60 triệu.
Đó là chưa kể, chẳng may mà bị dính dịch thì có thể mất tới 200 triệu. Với quy mô 2.000 gà giống anh dự kiến năm nay gia đình mình sẽ lỗ khoảng 50-60 triệu trong khi cùng số lượng như thế năm 2018 lãi được tới 400 triệu, 2017 lãi được 300 triệu.
Yên Hòa là một trong những vựa giống gà lai Đông Tảo không chỉ của Hưng Yên mà còn cả miền Bắc. Khác với gà Đông Tảo thuần chân rất to, trọng lượng rất lớn nhưng sinh sản kém, nuôi con vụng về, gà lai chân nhỏ hơn, trọng lượng con trống đạt khoảng 3 kg, con mái chỉ hơn 2 kg, đẻ trứng nhiều và nuôi con khá khéo. Nhờ có dòng máu Đông Tảo chiếm khoảng nên giống gà này khi còn bé rất khó phân biệt với gà thuần.
Quãng năm 2000, một vài hộ dân trong xã Yên Hòa đã đưa gà lai Đông Tảo về nuôi thử nghiệm. Dần dà mọi người phát triển lên có lúc đến trên 500 hộ vì hiệu quả khá rõ so với nhiều giống gà khác như dễ chăn, thích ứng cả với điều kiện nuôi công nghiệp lẫn bán công nghiệp, lớn nhanh, sức đề kháng cao, thịt thơm ngon hợp thị hiếu…
Video đang HOT
20 năm nuôi, chưa khi nào người dân ở đây lại chứng kiến cảnh giá gà giống rẻ mạt đến thế trong một khoảng thời gian lâu kỷ lục như năm 2019 này. Anh Nguyễn Văn Thuần – Phó Chủ tịch xã giải thích: Mọi năm tổng đàn gà lai Đông Tảo cả giống lẫn thịt của địa phương khoảng 80.000-90.000 con nhưng do hai năm nay được giá, tổng thu ước đạt 50-60 tỉ, nhiều hộ lãi hàng trăm triệu nên người dân tự mở rộng quy mô lên thành 130.000 con trong đó cỡ 50.000 là gà giống.
Với mức trung bình 1 gà mẹ 1 năm sản xuất ra được 60 gà con thì công suất của đàn gà giống cả xã sẽ vào khoảng 3 triệu con/năm. Đó chỉ là 1 xã, còn rất nhiều địa phương khác trong và ngoài tỉnh đều ào ạt phát triển đàn gà giống lai Đông Tảo như vậy khiến cung vượt quá nhiều cầu.
Một lứa gà con mới nở.
Gà thịt đang rất ế
Không chỉ là gà giống, giá gà thịt lai Đông Tảo cũng đang xuống dốc rất nhanh. Anh Đinh Văn Đạt – chủ trại gà ở xã Đặng Lễ, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên than phiền với tôi rằng cũng đang đau đầu vì khó tìm nơi tiêu thụ. Trại của nhà anh có 1,5 vạn con nuôi kiểu luân phiên 5.000 con một lứa gối nhau để xuất bán đều đều. Sau Tết giá gà còn được 100.000 đ/kg nhưng rồi cứ giảm dần về mốc 70.000-75.000đ/kg trong khi giá thành đã là 75.000đ/kg, khiến cho anh dự tính lỗ mất vài trăm triệu.
Gà thịt đã rẻ lại còn ế. Lượng tiêu thụ rất chậm, trước đây đến kỳ xuất bán mỗi tối trại của anh đẩy đi được cả tấn nay chỉ bán cỡ 1 tạ mà cũng là mời mọc đến mỏi mồm. Nhiều đàn gà quá lứa 1-2 tháng nhưng vẫn phải giữ lại nuôi vừa tốn kém tiền thức ăn, thuốc uống (mỗi ngày khoảng 15 triệu) vừa suốt ngày đánh nhau, mổ nhau đến chết khiến cho tỷ lệ hao hụt tăng vọt, mã gà thêm xác xơ.
Theo Dương Đình Tường (Nông nghiệp Việt Nam)
Nguy cơ từ chuyện tăng "nóng" đàn gia cầm
Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) hoành hành ở khắp 62/63 tỉnh, thành đã khiến nhiều doanh nghiệp, trang trại ồ ạt chuyển sang chăn nuôi gia cầm để tìm nguồn thực phẩm thay thế thịt lợn. Cùng với thịt nhập giá rẻ tràn vào, việc tăng nóng gia cầm đang cảnh báo nhiều rủi ro cho chính người chăn nuôi nước ta.
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), chỉ trong 6 tháng đầu năm, tổng đàn gia cầm cả nước đã tăng 7,5%. Lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng ước đạt 661.000 tấn, tăng 8,6%; sản lượng trứng gia cầm ước đạt 7 tỷ quả, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2018.
Đàn gia cầm tăng nhanh
Mới đây, Sở NNPTNT Đồng Nai cho biết, DTLCP đã xảy ra ở hơn 3.000 hộ chăn nuôi tại 122 xã trên địa bàn. Toàn tỉnh đã phải tiêu hủy 301.000 con lợn, thiệt hại ước tính lên tới 405 tỷ đồng. Do người chăn nuôi giảm đàn (cả lợn thịt và lợn nái), cộng thêm số lượng lợn bị tiêu hủy tăng đột biến gần đây nên hiện tổng đàn lợn của tỉnh chỉ còn gần 1,9 triệu con; giảm hơn 600.000 con so với khi chưa xuất hiện DTLCP.
Việc đầu tư tăng đàn gia cầm cần theo tín hiệu thị trường để hạn chế rủi ro (ảnh minh họa). N.V
Ở chiều ngược lại, tổng đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh lại tăng mạnh từ đầu năm tới nay. Ngành chăn nuôi gia cầm thu hút thêm nhiều dự án đầu tư mới ở cả tư nhân và doanh nghiệp. Trong đó, có nguyên nhân dự báo thị trường sẽ bị thiếu hụt nguồn thịt lợn.
Theo Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, khi các trại nuôi lợn nhỏ lẻ bỏ đàn, đa số bà con đã chuyển sang chăn nuôi gia cầm. Mảng chăn nuôi gà thả vườn cũng dần chuyển hướng theo quy mô công nghiệp, theo đó trại ít cũng từ vài ngàn con, trại nhiều lên tới vài chục nghìn con, góp phần làm tổng đàn gia cầm tăng nhanh. Hiện tổng đàn gà của Đồng Nai có gần 28 triệu con, tăng gần 6 triệu con so với cuối năm 2018.
Ngoài ra, Đồng Nai còn có đàn chim cút đạt trên 6,6 triệu con; đàn vịt, ngan, ngỗng đạt gần 1,2 triệu con; tăng cả triệu con so với cùng kỳ năm ngoái. Nguồn cung các sản phẩm gia cầm trên địa bàn tỉnh đang khá dồi dào. Hiện giá vịt bán tại trại dao động từ 38.000 - 40.000 đồng/kg; gà ta thả vườn từ 50.000 - 55.000 đồng/kg; giá gà công nghiệp từ 24.000 - 26.000 đồng/kg.
Tại huyện Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu), bà Hà Thị Loan - hộ chăn nuôi địa phương cho biết khoảng vài tháng trở lại đây, giá gà ở Châu Đức đã tăng mạnh lên mức 55.000 - 57.000 đồng/kg, gà mái giá 65.000 - 67.000 đồng/kg nên người nuôi có lãi khá. Nhờ giá tăng, bà Loan thu lãi khoảng 20 triệu đồng/1.000 con/lứa. "Hiện gia đình tôi đã tăng đàn gà từ gần 3.000 con gà lên 5.000 con. Hy vọng, từ nay đến cuối năm giá gà sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao" - bà Loan cho biết.
Mô hình chăn nuôi gà thả vườn chuyển hướng theo sang mô công nghiệp cũng góp phần làm tổng đàn tăng nhanh. Ảnh: N.V
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, DTLCP đã bùng phát tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, khiến gần 7.500 con, tương đương gần 500 tấn thịt lợn phải tiêu hủy; tổng đàn lợn cũng giảm khoảng 40.000 con kể từ khi có dịch. Loại dịch bệnh này còn gây thiếu hụt nguồn cung lợn giống nên khả năng tái đàn, tăng đàn trở lại là rất khó khăn.
Chính điều này làm dấy nên mối lo ngại nguồn cung thịt lợn sẽ thiếu trong thời gian dài. Vì thế không chỉ đàn gà, mà tổng đàn vịt ở Bà Rịa - Vũng Tàu cũng tăng khoảng gần 1,7 triệu con, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cân nhắc đầu tư
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), tỷ lệ đàn gia cầm ở nhiều quốc gia chiếm khoảng 40% cơ cấu sản phẩm chăn nuôi. Nhưng ở Việt Nam, thịt lợn chiếm tới 70% cơ cấu sản lượng thịt, trong khi gia cầm chỉ khoảng 20%, trâu bò chiếm 7%, còn lại là thủy sản và các loại thịt khác.
Vì vậy, Bộ NNPTNT đã có chủ trương nâng tỷ lệ gia cầm và đại gia súc trong cơ cấu các loại thịt. Tuy nhiên cũng chỉ tăng thêm khoảng 7% đối với gia cầm và 5% đối với bò thịt. Còn nếu tăng nóng nguồn thịt thì lại gây nhiều rủi ro cho chính người chăn nuôi.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 7 tháng đầu năm, các doanh nghiệp đã nhập khẩu hơn 80.000 tấn thịt gà các loại, chủ yếu từ các nước như Mỹ, Hàn Quốc, Hà Lan, Ba Lan, Brazil... Hiện Việt Nam xếp thứ 5 toàn cầu về nhập khẩu gà đông lạnh và tốc độ nhập khẩu tăng nhanh nhất thế giới. Đáng chú ý, tính trung bình giá thịt gà Mỹ về Việt Nam chỉ dưới 18.000 đồng/kg. Loại thịt gà nhập từ Mỹ chủ yếu là thịt đông lạnh loại nguyên con, đùi gà, cánh và chân gà công nghiệp.
Trước đây, giá gà Mỹ nhập vào Việt Nam cũng chỉ 19.000 - 23.000 đồng/kg. Hiện trên thị trường, tại các siêu thị lớn, siêu thị tiện lợi, giá đùi gà, cánh gà dao động từ 38.000 - 65.000 đồng/kg; giá gà ta tươi sống tại các chợ vào khoảng 110.000 - 150.000 đồng/kg. Dự báo các tháng cuối năm, lượng thịt gà nhập khẩu có thể gia tăng nếu các loại nông sản ở Mỹ còn khó khăn đầu ra.
Ông Nguyễn Thanh Phi Long - chủ trang trại nuôi gà thịt Long Bình ở Trảng Bom (Đồng Nai) cho biết, hiện nhiều trang trại có thể nuôi được từ 4 - 5 lứa gà công nghiệp/năm. Nếu nhu cầu thị trường về sản phẩm thịt gà tăng cao thì người chăn nuôi dễ dàng tăng lứa, tăng sản lượng đảm bảo nguồn cung cho thị trường.
Tuy nhiên từ đầu năm đến nay, thịt gà, thịt lợn đông lạnh nhập khẩu ồ ạt về Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp cũng đầu tư tăng đàn mạnh nên áp lực cạnh tranh của ngành chăn nuôi gia cầm ngày càng lớn. Thị trường thịt gà sẽ khó có mức giá cao và lợi nhuận lớn như kỳ vọng của người chăn nuôi.
Ông Lê Văn Quyết - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ thì cho rằng, việc dự báo "thiếu nguồn cung thịt lợn là cơ hội để tăng đàn gà" sẽ khó xảy ra. Bởi vẫn có nhiều loại thực phẩm khác thay thế chứ không chỉ riêng sản phẩm từ gà.
Theo ông Quyết, nếu thị trường cần thì việc nhập khẩu là bình thường nhưng phải làm tốt khâu kiểm soát nguồn thịt nhập nhằm đảm bảo về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Sẽ là thiếu chuyên nghiệp và rủi ro khi nhiều trang trại nuôi lợn tính chuyện chuyển đổi sang nuôi gà mà không sản xuất theo tín hiệu thị trường.
Theo Danviet
Nuôi gà "Quý phi" mào như vương miện, lãi nhẹ nhàng 30 triệu/tháng Người nuôi thành công giống gà Hoàng Gia (còn gọi là gà Quý phi, có nguồn gốc từ nước Anh) là anh Nguyễn Bửu Thanh, 32 tuổi ở khu vực Thới Hòa B, phường Long Hưng, quận Ô Môn, TP. Cần Thơ. Đổi 10 con chim trĩ lấy 1 con gà "lạ" Anh Thanh cho biết năm 2017, trong lúc giao dịch mua...