Hết thời ‘ca sĩ của mọi nhà’
Khi thể loại nhạc được phân khúc cũng có nghĩa thị hiếu thẩm mỹ thưởng thức của khán giả cũng phân khúc theo một cách rạch ròi.
Một thế hệ sáng tác mới nổi đang phủ bóng showbiz Việt với những sáng tác rất riêng của họ. Dù nhận được nhiều lời ca tụng từ giới chuyên môn hay mới chỉ được kỳ vọng là những tài năng sẽ làm nên chuyện trong tương lai gần thì rõ ràng, họ đang đóng vai trò vẽ nên bộ mặt âm nhạc Việt Nam thời gian tới.
“Thời thượng” của giới trẻ
“Because I’m too lonely lonely, girl/Xung quanh đông vui nhưng anh vẫn thấy sao mình thật cô đơn/Bao nhiêu suy tư hoang mang cứ dồn vào lòng/Chỉ riêng anh thôi/Nên đôi khi anh muốn tâm sự cùng người lạ/Một người không biết gì về đôi ta”… Đó là một phần điệp khúc bài hát Tâm sự cùng người lạ của Tiên Cookie – đang là hiện tượng của giới trẻ yêu nhạc, được đánh giá là chuẩn mực của thế hệ sáng tác trẻ hiện nay.
Sự phân khúc thị trường ca nhạc sẽ xóa bỏ quan điểm “ngôi sao của mọi nhà” như trước đây. Ảnh: LEON TRẦN
Với giới trẻ, ca khúc là câu chuyện được kể bằng âm nhạc, rất dễ hiểu và gần gũi với tâm tư của họ, nghĩ gì nói nấy, chuyện sao kể vậy, không quanh co, màu mè. Song, với người yêu nhạc đứng tuổi thì đó không phải là ca khúc họ mong muốn. Đây cũng là tình trạng chung của các ca khúc nhạc Việt trẻ hiện nay: Cận cảnh, đặc tả hay nói cách khác là nói thẳng, nói thật vấn đề một cách trần trụi, không chất văn chương và thiếu e ấp trong ca từ. “Đó không chỉ là hiện tượng của thị trường nhạc Việt mà của cả thế giới” – nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện nhận định.
Cùng với xu hướng thị hiếu thẩm mỹ này là sự lên ngôi của một số tác giả còn rất trẻ, như: Tiên Tiên, Vũ Cát Tường, Phạm Hồng Phước, Tiên Cookie, Đỗ Hiếu, Châu Đăng Khoa…, qua những ca khúc mạnh về tiết tấu. So với dòng nhạc thời thượng ở Âu Mỹ hay gần nhất là K-pop, nhạc Việt không kém cạnh về âm sắc (tất nhiên là mặt hình thức). Chỉ cần điều đó thôi đã đủ thu hút khán giả trẻ yêu nhạc.
Không thể thiếu hoài niệm
Video đang HOT
Trong khi đó, thống kê của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) cuối năm 2015 cho thấy trong suốt 5 năm qua, đứng đầu danh sách những nhạc sĩ có tác phẩm được sử dụng nhiều nhất (tiền tác quyền cao nhất) là Trịnh Công Sơn. Điều này dễ hiểu khi không chỉ ca sĩ kỳ cựu mà ngay cả những giọng ca mới cũng thường chọn ca khúc Trịnh Công Sơn và nhạc xưa để thể hiện.
Điều đó khẳng định ca khúc nhạc xưa với chất thơ trong nhạc luôn có sức hút khó cưỡng với công chúng đứng tuổi, có thời gian trải nghiệm. Khác với những năm trước, nhiều ca khúc nhạc xưa có chất trẻ trung hơn ra đời những năm 1970-1980 cũng đang được các ca sĩ khai phá trở lại. Hàng loạt buổi diễn thử của Hà Anh Tuấn, Noo Phước Thịnh, Quốc Thiên, Uyên Linh với những ca khúc xưa nhưng không cũ này đạt được hiệu ứng ngoài mong đợi từ phía người nghe. Đó là căn nguyên cho hàng loạt album thể hiện những ca khúc thời kỳ này chuẩn bị được giới thiệu với khán giả yêu nhạc trong thời gian tới.
“Chọn ca khúc thập niên 1980-1990 thay vì nhạc xưa thời kỳ trước đó vì nó gần gũi với thế hệ của tôi hơn và điều đó giúp tôi dễ dàng chuyển tải thông điệp của ca khúc hơn” – ca sĩ Hà Anh Tuấn lý giải. Đây cũng là lý do mà nhiều ca sĩ khác cũng thực hiện các album loại nhạc này.
“Suy cho cùng, đọng lại trong lòng khán giả vẫn là những ca khúc dạt dào cảm xúc. Những ca khúc thời thượng có thể cập nhật xu hướng nhưng lại dễ dàng trôi tuột đi dòng cảm xúc của người nghe. Trong khi đó, tìm kiếm những ca khúc hay và ý nghĩa như nhạc xưa thực sự khan hiếm ở thời điểm này. Vì vậy, hát lại ca khúc những thập niên trước là một giải pháp để giữ khán giả yêu nhạc” – ca sĩ Noo Phước Thịnh bày tỏ.
Ai thích nghe gì có đó
“Với sự phân khúc người nghe như hiện tại, thị trường âm nhạc không còn những ca sĩ của mọi nhà” – ca sĩ Đức Tuấn nhìn nhận.
Điều này hoàn toàn dễ hiểu khi thể loại nhạc được phân khúc cũng có nghĩa là thị hiếu thẩm mỹ thưởng thức của khán giả cũng phân khúc theo một cách rạch ròi. Ưa chuộng thể loại nhạc nào, khán giả sẽ tìm đến các sản phẩm đúng “chất nhạc” đó với yêu cầu và kỳ vọng ngày càng cao cho chính ca sĩ và sản phẩm mang lại.
“Đó là một sự công bằng” – nhiều ca sĩ đồng quan điểm khi nói đến sự phân khúc thị trường âm nhạc tại Việt Nam thời gian gần đây. “Thực tế này cho thấy đó chính là con đường phát triển chuyên nghiệp và là điều tất nhiên ở các thị trường âm nhạc phát triển trên thế giới” – ca sĩ Tùng Dương nhận xét.
Những cộng đồng khán giả yêu thích rock, jazz/blue jazz, pop ballad, R&B, dance, electro, worldmusic hay semi classic… hoạt động rõ nét hơn trước. Cùng với sự định hình rõ ràng của các cộng đồng yêu thích một dòng nhạc, các ca sĩ dường như tự tin hơn về con đường phát triển âm nhạc mà họ lựa chọn.
Sau nhiều năm thể nghiệm, Hà Anh Tuấn tiếp tục theo đuổi R&B dù ở thị trường nhạc Việt hiện tại, dòng nhạc này không còn là xu hướng đình đám so với sự phủ bóng của nhạc điện tử (EDM). “Tôi có lượng khán giả của mình và những người yêu mến R&B, dù chưa nhiều. Tôi hài lòng với những khán giả thực sự thích và đồng cảm với những gì mình làm ra, chứ không bị chi phối bởi tên tuổi, vị trí của bản thân” – ca sĩ Hà Anh Tuấn bộc bạch.
Đó cũng là tư duy và con đường đi của Tùng Dương, Đức Tuấn, Nguyễn Đình Thanh Tâm, Phương Linh, Phương Vy, Thảo Trang…
Khán giả định hình sở thích
“Với sự phân khúc rõ ràng này, đối với khán thính giả, không còn “ngôi sao của mọi nhà” như nhiều thập niên trước cũng là điều dễ nhận ra” – nhạc sĩ Hồ Hoài Anh cho biết. Nếu trước đây, lượng ca sĩ ít và sự phân chia con đường âm nhạc của từng người cũng không rõ nét thì ngày nay, mọi thứ đang trở nên rất rõ ràng.
“Sự cập nhật nhanh nhạy của khán giả cũng giúp họ định hình về sở thích. Ca sĩ của dòng nhạc nào có khán giả của dòng nhạc đó. Tất nhiên, không có ca sĩ nào có thể hát tốt tất cả thể loại để gom khán giả ở mọi thể loại. Đó là chưa kể khi đã dồn sự tập trung cho một thể loại, dòng nhạc nào đó, khán giả cũng sẽ có những đòi hỏi cao hơn theo kiến thức, sự hiểu biết của họ” – nhạc sĩ Phương Uyên phân tích.
Theo Thuỳ Trang/ Người Lao Động
Tiên Cookie quay MV 'Tâm sự với người lạ' ở Thái Lan
Chọn đất nước chùa vàng để thực hiện những cảnh quay trong MV "Tâm sự với người lạ", Tiên Cookie thấy hài lòng vì bối cảnh, câu chuyện đã diễn tả được cảm xúc chủ đạo của bài hát.
Ra mắt dịp Giáng sinh 2015, ca khúc Tâm sự với người lạ trở thành bản hit mới của Tiên Cookie. Sau khi phát hành, ca khúc liên tiếp dẫn đầu tại các bảng xếp hạng âm nhạc trực tuyến, được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội.
Hình ảnh Tiên Cookie trong MVTâm sự với người lạ.
Thành công của Tâm sự với người lạ khiến Tiên Cookie quyết định thực hiện MV cho ca khúc.
Trong MV, cô đảm nhận nhân vật chính, tình cờ gặp lại một người lạ đã gặp trên đường và tâm sự người ấy. Cả hai đều có những mối đồng cảm đặc biệt, chịu tổn thương về tình yêu đã vỡ.
Nữ nhạc sĩ sinh năm 1994 chia sẻ thêm: "Câu chuyện của nhân vật trong video cũng chính là câu chuyện ngoài đời thực mà tôi đã trải qua".
Tâm sự với người lạ - Tiên Cookie
Chọn Thái Lan làm bối cảnh của MV, Tiên Cookie cho biết vì Bangkok là thành phố đông đúc, nhộn nhịp khiến mỗi người có thể cảm thấy cô đơn bất cứ lúc nào.
"Chuyến du lịch nước ngoài đầu tiên trong đời tôi là Thái Lan. Tôi vẫn nhớ như in cảm giác đứng giữa thành phố Bangkok vào giờ tan tầm, xung quanh nhộn nhịp đông đúc xe cộ, vừa háo hức, phấn khởi nhưng bất giác lại cảm thấy lạc lõng, cô đơn" - cô nói.
"Đó cũng là cảm xúc chủ đạo của ca khúc Tâm sự với người lạ. Tôi muốn tái hiện lại cảm xúc này trong video mới nhất" - Tiên Cookie cho biết thêm.
Theo Zing
Tiên Cookie: 'Không bán bài hát để kiếm tiền' Coi viết nhạc là niềm hạnh phúc nên Tiên Cookie cảm thấy rất chạnh lòng khi ca sĩ mặc cả giá mua bài hát. Nữ nhạc sĩ 9x sẵn sàng tặng không sáng tác của mình cho người cô yêu quý. - Tại sao chị chọn "Tâm sự với người lạ" là sản phẩm âm nhạc đánh dấu sự trở lại lần này?...