Hết chỗ lấy mẫu phế liệu nhập khẩu
Chiều 30.7, Tổng cục Hải quan tổ chức họp báo về công tác quản lý đối với phế liệu nhập khẩu.
Container tại cảng Cát Lái ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Theo cơ quan này, sau khi Trung Quốc thực hiện chính sách cấm nhập khẩu 24 loại phế liệu, hoạt động nhập khẩu, mua bán phế liệu ở nước ta có chiều hướng gia tăng mạnh, có nhiều diễn biến phức tạp, nguy cơ gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường sống gây bức xúc trong dư luận.
Qua theo dõi, phế liệu nhập khẩu năm 2017 tăng gấp hơn 2 lần trong năm 2016. Trong đó khối lượng sắt, thép, nhựa, giấy và xỉ hạt nhỏ tăng từ 200% đến 400% so với năm 2016. Tuy nhiên, theo Tổng cục Hải quan, nhiều lô hàng phế liệu nhập khẩu không đáp ứng các điều kiện quy định về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Các doanh nghiệp (DN) không đến làm thủ tục hải quan hoặc không được cơ quan hải quan giải quyết thủ tục thông quan dẫn đến tình trạng có một lượng lớn các loại phế liệu nhập khẩu đang tồn đọng tại các cảng biển VN. Cụ thể, tại cảng Cát Lái (TP.HCM), tính đến ngày 25.7 đang tồn 3.579 container; cảng Hải Phòng tính đến ngày 5.7 tồn 1.485 container.
Về nguyên nhân ùn ứ tại cảng, ông Mai Xuân Thành, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, cho biết phế liệu là mặt hàng đặc thù, phải lấy mẫu và xem hàng hóa đó có thực sự đảm bảo yêu cầu hay không. Nếu muốn kiểm tra đầy đủ, đúng quy trình thì phải dỡ bỏ hết hàng từ container xuống, nhưng khó khăn là cảng không còn đủ chỗ lấy mẫu, nếu như mở tung hết các container ra sẽ không có chỗ để.
Video đang HOT
Bên cạnh đó, cũng rất khó để phát hiện ngay được DN nào là DN thực sự được Bộ TN-MT cấp giấy chứng nhận trong nhập khẩu nguyên liệu phế liệu để sản xuất. Cơ quan hải quan không đối chiếu được theo Thông tư 41 do chỉ có giấy bản sao chứng thực và bản photo giấy mua bán lô hàng để kiểm tra thông quan. “Để khắc phục khó khăn này, chúng tôi có kiến nghị Bộ TN-MT đưa danh sách các DN được cấp chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất và giấy thông báo lô hàng nhập khẩu lên cổng 1 cửa để cơ quan hải quan có đủ tư liệu đối chiếu”, ông Thành nói.
Ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý, cho biết thêm đối với hàng hóa phế liệu đã tồn đọng tại cảng, cơ quan hải quan tiến hành rà soát, phân loại và xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp hàng hóa nhập khẩu quá 90 ngày kể từ ngày đến cửa khẩu nhưng không có người đến nhận thì chủ phương tiện vận tải, người điều khiển vận tải hoặc người được chủ phương tiện vận tải ủy quyền phải vận chuyển hàng hóa đó ra khỏi lãnh thổ VN.
Theo Cục Điều tra chống buôn lậu, đơn vị này cũng đang chủ trì triển khai kế hoạch “Điều tra, xác minh, xử lý vi phạm trong hoạt động nhập khẩu phế liệu”. Theo đó, tổ chức điều tra, xác minh các trường hợp có dấu hiệu nghi vấn trong hoạt động nhập khẩu phế liệu từ tháng 1.2016 – 5.2018 và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật, tập trung vào đấu tranh làm rõ các hành vi vi phạm: làm giả giấy xác nhận nhập khẩu phế liệu; làm giả, sửa chữa thông báo nhập khẩu phế liệu của các cơ quan có thẩm quyền…
Theo TNO
Bộ TNMT đề xuất loại bỏ 5 loại phế liệu khỏi danh mục nhập khẩu
Sáng ngày 24.7, Bộ Tài nguyên Môi trường (TNMT) đã có buổi làm việc với các Bộ, ngành liên quan về việc rà soát, điều chỉnh danh mục phế liệu được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất. Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp.
Triển khai Luật Bảo vệ Môi trường, Bộ TNMT đã phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan trình Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg ngày 19.12.2014 quy định Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất, theo đó có 36 loại phế liệu được cấp phép nhập khẩu. Tuy nhiên, trên thực tế không phải loại phế liệu nào cũng đáp ứng được nhu cầu sản xuất trong nước, hoặc chỉ đáp ứng nhu cầu rất nhỏ.
Chưa kể việc nhập khẩu và sử dụng phế liệu nếu không được quản lý, kiểm soát chặt chẽ sẽ dẫn đến nguy cơ nhập khẩu chất thải vào Việt Nam, tác động rất xấu đến sức khỏe con người và môi trường.
Bên cạnh đó, chính sách hạn chế hoặc cấm nhập khẩu phế liệu của một số nước đã làm dịch chuyển lượng phế liệu nhập khẩu lớn tràn về các nước trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Giấy loại hoặc bìa loại thu hồi được kiến nghị loại bỏ khỏi danh mục phế liệu nhập khẩu theo Quyết định 73. Ảnh: IT
Từ thực tế trên, Bộ TNMT đã báo cáo Thủ tướng, đồng thời kiến nghị, để xuất sửa đổi Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg, cụ thể: thắt chặt, loại bỏ những loại/mã phế liệu có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao (đặc biệt là các loại phế liệu thuộc danh mục 24 loại chất thải rắn mà Trung Quốc thông báo cấm nhập khẩu).
Loại bỏ những phế liệu không được hoặc ít được các doanh nghiệp nhập khẩu và có nguồn cung cấp ở trong nước. Điển hình: bỏ loại phế liệu "Giấy loại hoặc bìa loại thu hồi (mã HS 47079000) vì lý do đây là loại phế liệu giấy có tính chất hỗn hợp nhiều chất liệu giấy khác nhau, thường được sử dụng để tái chế các loại giấy có chất lượng thấp, phát sinh nhiều chất thải và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.
Loại bỏ phế liệu thạch cao (mã HS 25201000) vì lý do loại phế liệu này chỉ có 1 doanh nghiệp đề nghị được nhập khẩu nhưng chưa triển khai hoạt động nhập từ khi được cấp giấy chứng nhận đến nay.
Vì không có doanh nghiệp nào đề nghị nhập khẩu nên "Các yếu tố hóa học đã được kích tạp dùng trong điện tử" cũng được đề xuất loại bỏ. Ảnh minh họa.
Tơ tằm cũng nằm trong danh sách kiến nghị loại bỏ vì lý do loại phế liệu này chỉ có 1 doanh nghiệp đề nghị nhập với khối lượng rất nhỏ, bên cạnh đó đây cũng là loại phế liệu phát sinh trong nước, vì vậy phải khuyến khích doanh nghiệp thu mua triệt để trong nước...
Đa số các ý kiến của các đại biểu đại diện các Bộ, ngành, Hiệp hội đều đồng tình và nhất trí cao với Dự thảo sửa đổi Quyết định 73 của Bộ TNMT, đặc biệt là yêu cầu đưa ra quy trình giám sát chặt chẽ các loại phế liệu nhập khẩu, tránh thực trạng tồn đọng các container phế liệu nhập khẩu như hiện nay khiến dư luận rất bức xúc.
Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà nhấn mạnh: "Chỉ những doanh nghiệp có đủ năng lực, có kho bãi, có đủ công nghệ xử lý chất thải thì mới được cấp phép nhập khẩu phế liệu, tránh tình trạng những người sản xuất trực tiếp thì thiếu nguyên liệu, trong khi nhiều doanh nghiệp không đủ năng lực lại xin nhập khẩu phế liệu về, gây thực trạng lãng phí vô cùng lớn".
Cũng theo Bộ trưởng Hà, việc kiến nghị sửa đổi Quyết định 73 cũng sẽ tạo cơ chế quản lý, kiểm soát và phòng ngừa từ xa đối với hoạt động xuất nhập khẩu phế liệu; giảm lượng phế liệu nhập khẩu; loại bỏ nguy cơ biến Việt Nam trở thành trung tâm tái chế chất thải, phế liệu có chất lượng thấp.
Theo Danviet
Ngăn chặn phế liệu ồ ạt vào Việt Nam Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, địa phương tìm ra giải pháp căn cơ để ngăn chặn tình trạng nhập khẩu phế liệu ồ ạt vào Việt Nam. Phế liệu không có giấy phép, không rõ người nhận thì dứt khoát không cho nhập. Tại cuộc họp...