Hết cãi với camera trên mũ CSGT
Những đoạn phim do camera gắn trên mũ cảnh sát giao thông (CSGT) ghi lại sẽ là bằng chứng buộc người vi phạm giao thông phải ký vào biên bản.
CSGT sử dụng camera gắn trên mũ để theo dõi các hoạt động giao thông.
Đồng thời đây cũng là công cụ giám sát thái độ, cử chỉ, lời nói của CSGT khi giao tiếp với người dân.
Thiếu tá Trần Hồng Nam, phó đội trưởng đội CSGT Q.7 (thuộc Công an Q.7, TP.HCM), nhận xét như vậy về việc gắn camera trên mũ CSGT đã được cơ quan này triển khai thời gian qua.
Bằng chứng khách quan
Chiều 14-4, tổ xử lý vi phạm giao thông của CSGT Q.7 gồm bốn cán bộ do trung úy Phan Xuân Đức làm tổ trưởng đứng kiểm tra, xử lý vi phạm tại ngã tư Nguyễn Lương Bằng – Trần Văn Trà (Q.7).
Từ xa, trung úy Đức phát hiện một thanh niên chạy xe máy từ hướng Nguyễn Lương Bằng đến giao lộ Trần Văn Trà. Dù có tín hiệu đèn đỏ nhưng khi đến giao lộ, thanh niên trên vẫn chạy xe lấn qua vạch sơn trắng dành cho người đi bộ.
Chờ có tín hiệu đèn xanh, trung úy Đức ra hiệu cho thanh niên dừng lại. Người thanh niên được CSGT thông báo vi phạm lỗi. Cho rằng mình bị oan, người thanh niên trên cãi: “Tôi không vượt qua vạch sơn”.
Video đang HOT
Trung úy Đức liền cho biết lỗi vi phạm của anh này đã được camera ghi hình. Lập tức, người thanh niên hạ giọng chấp hành. Trung úy Đức nói: “Camera gắn trên mũ CSGT là bằng chứng khiến người vi phạm hết đường đôi co”.
Một số hạn chế
Theo một CSGT chuyên xử lý vi phạm, việc gắn camera ghi hình trên mũ CSGT cũng có một số hạn chế nhất định. Cụ thể, khi CSGT thực hiện nhiệm vụ thì camera sẽ dao động theo các hành động của CSGT, do vậy chất lượng hình ảnh đôi khi không đảm bảo.
Camera chỉ được gắn trên mũ CSGT yêu cầu dừng xe, trong khi việc xử lý trực tiếp người vi phạm lại do một CSGT phụ trách nên không biết chính xác hành vi vi phạm ra sao… Do vậy nếu sử dụng loại camera cầm tay sẽ dễ chủ động trong việc ghi hình hơn.
Thiếu tá Nam kể: “Tổ xử lý nồng độ cồn từng gặp một người đàn ông uống khá say. Sau khi đo nồng độ cồn, người này cự cãi, không chấp hành việc ký vào biên bản vi phạm… Tất cả hành vi của người này từ khi thổi ống đo nồng độ cồn, hành vi cự cãi đều được camera trên mũ CSGT ghi hình lại.
Hôm sau người này đến đội làm việc, khi cán bộ xử lý yêu cầu viết tường trình thì người này cố tình viết sai sự thật, chỉ đến khi cán bộ xử lý mời người này xem “phim” thì ông ta mới chịu ký nhận lỗi vi phạm”.
Giảm thời gian xử lý vi phạm
Theo thiếu tá Nam, việc gắn camera trên mũ CSGT xuất phát từ nhu cầu thực tế là trong xử lý một số lỗi vi phạm, tình huống nhạy cảm dễ xảy ra cự cãi.
Do vậy, cuối tháng 12-2014 đội CSGT đề xuất và được lãnh đạo Công an Q.7 trang bị cho đội năm camera (trị giá khoảng 10 triệu đồng/máy).
“Trong luật xử phạt hành chính, muốn xử lý người vi phạm thì phải chứng minh được hành vi vi phạm của họ, phải có bằng chứng rõ ràng. Camera là công cụ giúp CSGT ghi lại bằng chứng” – thiếu tá Nam nói. Qua hơn ba tháng áp dụng việc gắn camera trên mũ CSGT (bắt đầu tháng 12-2014), công cụ này giúp CSGT giảm được thời gian xử lý vi phạm.
Thiếu tá Nam nhận định: “Các đoạn phim do camera gắn trên mũ CSGT ghi hình là bằng chứng khách quan, người quay phim không can thiệp vào phim. Trong một số trường hợp, khi người vi phạm cho rằng bị CSGT làm khó dễ… thì phim này sẽ được sử dụng để chứng minh hành vi đúng, sai của CSGT”.
Thiếu tá Nam còn nói: “CSGT không thể xóa những đoạn phim trong camera, phải có máy vi tính thì mới có thể lấy, xóa phim được”.
Trao đổi về việc gắn camera cho lực lượng CSGT thuộc Phòng CSGT đường bộ – đường sắt (PC67) Công an TP.HCM, đại tá Trần Thanh Trà – trưởng PC67 – cho biết: “PC67 đang đề xuất ban giám đốc Công an TP.HCM cấp 200 bộ camera để gắn trên mũ của CSGT nhằm phục vụ cho công tác tuần tra, xử lý vi phạm giao thông.
Số camera này sẽ được cấp phát cho các đội CSGT trực thuộc PC67 sử dụng. Những hình ảnh do camera ghi hình sẽ được CSGT dùng làm bằng chứng để xử lý các trường hợp vi phạm giao thông”.
Theo Tuổi Trẻ
Đề xuất gắn camera trên mũ cảnh sát giao thông
Chương trình cưỡng chế, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về an toàn giao thông TP.HCM đề xuất trang bị 200 camera gắn trên mũ bảo hiểm của cảnh sát giao thông.
Sáng 31-3, Ban an toàn giao thông TP.HCM đã làm việc với Quỹ Bloomberg Philanthropies (Hoa Kỳ) về chương trình cưỡng chế, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về an toàn giao thông.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tường - phó ban chuyên trách Ban an toàn giao thông TP, chương trình trên đã đề xuất Quỹ Bloomberg Philanthropies trang bị 200 camera gắn trên mũ bảo hiểm của cảnh sát giao thông nhằm tăng cường khả năng giám sát, xử lý các vi phạm về giao thông người đi đường.
Theo đề xuất, việc gắn camera nhằm tăng cường khả năng giám sát, xử lý các vi phạm về giao thông người đi đường.
Ngoài ra trang bị thêm 50 máy đo nồng độ cồn, 10 camera giám sát tốc độ tự động cho lực lượng cảnh sát giao thông.
Cũng theo ông Tường, TP.HCM là một trong 10 TP trên thế giới được Quỹ Bloomberg Philanthropies tài trợ với tổng vốn 120 triệu USD nhằm triển khai các giải pháp nâng cao năng lực giao thông, mục tiêu nhằm giảm TNGT cũng như số người chết vì TNGT.
Trên cơ sở những đề xuất của các TP, Quỹ Bloomberg Philanthropies sẽ xem xét, cân đối có những gói tài trợ cụ thể cho từng TP.
Cùng ngày, hội nghị trực tuyến công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông quý 1 và nhiệm vụ trọng tâm quý 2-2015 với 63 tỉnh thành đã được tổ chức.
Tại hội nghị, phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu ngành công an xử phạt mức cao nhất đối với các hành vi vi phạm giao thông, đặc biệt là các vi phạm liên quan đến tải trọng phương tiện và vận tải hành khách.
"Việc xử phạt này không phải vì tiền mà nhằm tăng tính răn đe với mục tiêu tính mạng con người là trên hết" - Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo. .
Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong quý 1-2015 cả nước xảy ra 5.851 vụ tai nạn giao thông (TNGT) làm chết 2.345 người, làm bị thương 5.488 người.
So với cùng kỳ năm 2014, số vụ TNGT giảm 731 vụ, giảm 82 người chết, giảm 974 người bị thương. Tuy nhiên có 23 địa phương có số người chết vì TNGT tăng, trong đó có 16 tỉnh tăng trên 10%, đặc biệt có năm địa phương có số người chết vì TNGT tăng trên 50% là: Bình Dương, Hải Dương, Gia Lai, Bắc Ninh, An Giang.
Theo Tuổi Trẻ
20/3, Hà Nội công bố kết quả phạt "nguội" vi phạm giao thông Ngày 20/3, Công an TP Hà Nội sẽ thông báo cụ thể những vấn đề liên quan đến phạt "nguội" người vi phạm giao thông qua camera giám sát được lắp đặt tại các nút giao thông. Ảnh minh họa. Trước những băn khoăn của dư luận về kế hoạch phạt "nguội" người vi phạm giao thông qua camera giám sát được lắp...