Hèn
Ngày đó, chị yêu và xác định đến với anh vì tính anh hiền lành, nhỏ nhẹ, không bao giờ muốn hơn thua ai. Vậy mà chỉ sau 5 năm chung sống, cũng vì tính cách ấy, chị lại âm thầm gắn cho anh một chữ “hèn”.
Chính vì cái sự “hèn” ấy mà nhiều lúc chị nghĩ đến chuyện rẽ sang một con đường khác.
Ý nghĩ đó càng thôi thúc hơn sau cuộc gặp gỡ giữa chị với Hoa – cô bạn thời đại học. Hoa may mắn lấy được người chồng thành đạt, giỏi giang, tạo cho gia đình một cuộc sống sung túc mà không cần vợ phải bon chen ngoài xã hội. Hoa chỉ việc đi mua sắm, ăn mặc đẹp và nấu những bữa cơm ngon đón đợi chồng về. Từ ngưỡng mộ Hoa giỏi… “bắt chồng”, chị ngầm so sánh mà tủi thân. Chồng chị không có chí tiến thủ. Anh an phận với chân nhân viên nhập liệu – một công việc khó bề thăng tiến, trong khi nhu cầu, vật giá ngày càng tăng, nhất là từ khi bé Bi chào đời, tằn tiện mấy gia đình vẫn thiếu trước hụt sau. Như một sự “bù trừ” của tạo hóa, anh rất yêu chiều vợ, cởi chiếc áo công việc là anh “một đường thẳng” chạy về nhà, chờ vợ sai bảo lặt vặt.
Video đang HOT
Sóng gió thực sự nổi lên vào ngày chị nhận được quyết định thăng chức. Về khoe với chồng, câu trước chị hồ hởi “từ rày, lương em cao lắm”, câu sau đã dấm dẳng chuyện muốn anh nghỉ việc, ở nhà thay chị lo cho con. Anh quyết liệt không chịu từ bỏ công việc. Thương vợ, vì sự nghiệp của vợ, anh định hứa sẽ thu xếp giúp vợ nhiều hơn chuyện cửa nhà, con cái thì bị chị chặn ngang: “Anh làm một tháng đâu bằng em ráng một tuần”. Anh nghe mà nghẹn đắng. Chị không tha, càng cay nghiệt hơn: “Không có em, chỗ làm đó có đủ nuôi sống bản thân anh?”. Anh nhìn chị. Lần đầu tiên, chị thấy mặt anh đỏ bừng vì giận. Cái nư chưa đã, chị tiếp tục hất mặt thách thức. Anh ném mạnh điếu thuốc, bỏ đi.
Vẫn giữ lời… tự hứa của mình, anh cố gắng tròn vai người đàn ông của gia đình sau một ngày mệt nhoài ở công ty với nhiệm vụ đưa đón con đi học, cơm nước, bếp núc, giặt giũ… Lắm khi chị về trễ, đã thấy nhà cửa tinh tươm, ngăn nắp. Nhưng chị vẫn không hài lòng. Chị nghĩ, thời buổi này, đàn ông phải biết mang thật nhiều tiền về cho vợ, chứ “bon chen” việc nhà là hèn, là không đáng mặt. Chị coi thường đồng lương ít ỏi của chồng, trở nên khó chịu, hay cằn nhằn và vô cớ trút giận lên anh những chuyện không đâu. Anh chọn cách im lặng, nhịn, đợi vợ nguôi ngoai mới nhẹ nhàng khuyên lơn, phân tích. Thái độ đó của anh càng khiến chị bực dọc, đôi ba lần trách anh nhu nhược, hèn, khác hẳn những đối tác nam đầy quyết đoán, bản lĩnh mà chị được tiếp xúc. Có lần, tỉnh giấc giữa đêm, thấy chồng còn cọc cạch bên máy tính, chị không kìm được, cười khẩy: “Việc ra việc, ngồi cong cả lưng để nhận mấy đồng bạc lẻ, chi mệt vậy! Chồng cái Hoa bạn em, một giờ đồng hồ có thể kiếm bạc triệu, vợ con chỉ lo nghĩ cách tiêu xài sao cho hết thôi”. Tiếng anh quẳng vào bóng đêm: “Em để anh yên”. Chị vu vơ: “Giỏi thì bằng được một góc của người ta đi”. Anh tắt máy tính, bỏ ra sân. Chị nằm trên giường, thấy chán ngán, đầu óc luẩn quẩn ý nghĩ mình còn phải chịu đựng cái sự hèn của chồng đến bao lâu?
Sáng ra, chị hẹn gặp cô bạn thân là luật sư để trút bầu tâm sự. Bạn huyên thuyên kể về phiên ly hôn vừa tham gia bào chữa. “Ông chồng tệ quá. Ỷ kiếm tiền giỏi nên không coi vợ ra gì. Vợ xin đi làm thì không cho, còn ở nhà thì cứ say lên là chửi vợ ăn bám”. Bạn nói, cái hèn của ông ta trong tư cách một người đàn ông, một người chồng còn là việc “ổng ngang nhiên đưa người tình về nhà, bắt vợ cơm nước phục dịch như một cô giúp việc, làm không vừa ý là ông ta đánh tả tơi. Tệ hơn, mỗi ngày, ông chỉ phát cho vợ một khoản tiền nhất định để chợ búa, mua sắm. Đàn ông thế có tệ không? May mà tòa cho cô vợ ly hôn, thoát khỏi gã chồng hèn” – bạn kết luận.
Ngồi nghe chuyện, chị đặc biệt để ý đến chữ “gèn” của bạn khi nhấn mạnh trách nhiệm, sự tôn trọng, thương yêu, cách ứng xử của người chồng đối với vợ con hơn là nghĩa vụ phải đóng góp kinh tế trong gia đình. Bạn quả quyết: “Ai chịu khó đều có thể kiếm được tiền, nhưng thời buổi này, kiếm được một người chồng đúng nghĩa, biết yêu chiều, quan tâm, chia sẻ với vợ mới là điều khó”…
Bần thần suốt cả chặng đường về, chị tự hỏi, chị còn cần gì hơn nữa ở chồng? Vừa lúc điện thoại chị reo báo có tin nhắn, của anh: “Anh nhận thêm việc design cho mấy tạp chí, từ nay không để em lo lắng nữa”, chị bỗng bật khóc ngon lành.
Theo VNE
Mẹ là bóng mát
Ngày nào cũng vậy, từ 3g sáng mẹ đã thức dậy khìa thịt, trộn cải chua, pha cà phê và những việc linh tinh khác cho tới 4g30. Mọi việc đâu vào đó rồi mẹ chất tất cả lên chiếc xe, hì hục đẩy một đoạn khá xa, ra tới ngã tư đầu đường, kế bên cây cột điện, nơi mà mấy chục năm rồi mẹ gắn bó ở đó để buôn bán.
Bây giờ mẹ đã qua tuổi lục tuần mà hàng ngày vẫn công việc cũ, vẫn lối sống đạm bạc như xưa để lo cho con trai vừa cưới vợ đang thất nghiệp và phụ nuôi cháu ngoại vì con gái vừa ly hôn.
Ngày nào con cũng đi từ 8g sáng tới 22g mới về. Mẹ vừa bán buôn vừa chăm bé Na chưa đầy một tuổi, cho cháu ngồi trong chiếc xe đẩy, khi vắng khách lại đút cháo cho bé Na ăn, thay tã lót cho nó, tập cho bé đi. Mà con bé cũng thật tội nghiệp, nó biết cảnh nhà neo đơn nên rất dễ ăn dễ ngủ, cho gì ăn nấy, không khóc la vòi vĩnh này nọ. Ăn no rồi ngồi chơi, buồn ngủ thì nằm úp mặt xuống chiếc xe tập đi ngủ ngon lành.
Nhiều lúc nhìn gương mặt khắc khổ, già nua của mẹ, lòng con quặn thắt nhưng con chưa biết làm thế nào để đỡ đần cho mẹ. Tiền lương con ba cọc ba đồng chỉ đủ chi tiêu cho hai mẹ con, hàng tháng con đưa cho mẹ số tiền quá ít ỏi, vậy mà mẹ cũng không trách móc điều gì. Tháng này con xin làm hai ca để có thêm tiền phụ với mẹ. Đêm con về khá khuya, người mệt rã rời, mẹ nhìn con lo lắng, hỏi han mọi chuyện, động viên an ủi khiến con rơm rớm nước mắt. Con cố gắng không muốn để nỗi buồn lộ ra trước mặt mẹ làm mẹ bấn rối thêm. Mẹ thường nói: "Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời, con cứ tự tin là mình làm được tất cả, vượt qua được tất cả mọikhó khăn".
Con nghe mẹ nói mà xót xa vô hạn. Cả cuộc đời mẹ vì chồng vì con mà lao đao lận đận, mà tàn phai nhan sắc, cái nhan sắc đã một thời có nhiều chàng trai mê đắm, theo đuổi, mà không biết vì sao mẹ chọn ba con, một thanh niên nghèo nhưng cần mẫn, hiền lành. Từ lúc ba bị tai biến, nhà trở nên túng quẫn, mẹ phải một mình gánh vác mọi chuyện. Từ một phụ nữ yếu đuối, mẹ đã vượt qua tất cả để lo cho chồng con. Nguồn sống của cả gia đình bây giờ chỉ trông cậy vào chiếc xe bánh mì của mẹ.
Con muốn nói với mẹ rất nhiều, nhưng không hiểu sao cứ nghẹn ngào mỗi khi mở miệng. Con muốn nói "Mẹ là bóng mát che chở cho con những tháng ngày khó khăn buồn tủi nhất. Mẹ đỡ nâng con vượt lên chính mình".
Theo Dantri
Mánh lới của chồng Em hay nói với chồng: "Anh có phải là người không đấy?", ai vô tình nghe được hẳn sẽ trợn mắt, hoảng hồn, nhưng thật ra chồng rất thích nghe câu ấy, bởi vế sau là "hay là tiên đến che chở cuộc đời em". Đến giờ phút này em vẫn thấy, mọi thứ mà không có chồng xử lý sẽ đều rối...