Hệ thống y tế Australia vật lộn với Covid-19
Những thông điệp bất nhất của giới chức và tình trạng thiếu bộ xét nghiệm thách thức hệ thống y tế Australia, khi số ca nhiễm nCoV vượt 100.
Các bác sĩ và bệnh nhân chỉ trích quy trình khó hiểu và tùy hứng để được xét nghiệm nCoV ở Australia, dù giới chức y tế nước này cam kết cải thiện việc kết nối giữa bác sĩ và bệnh nhân để đối phó với Covid-19. Australia hiện ghi nhận hơn 100 ca nhiễm và ít nhất ba trường hợp tử vong vì nCoV.
Bộ trưởng Y tế Greg Hunt hôm 8/3 nói với người dân rằng họ nên làm xét nghiệm nCoV nếu thấy xuất hiện các triệu chứng giống cúm. Tuy nhiên, bác sĩ cho rằng thông điệp này đang đe dọa đẩy hệ thống y tế Australia vào tình trạng thiếu hụt trang thiết bị. Khi Covid-19 ngày càng lây lan, nhiều bệnh nhân cho biết quy trình tiếp cận xét nghiệm còn khá mơ hồ.
Izzy (phải) ngồi chờ xét nghiệm nCoV bên ngoài Bệnh viện Hoàng gia Melbourne hôm 10/3. Ảnh: Herald Sun.
Một bác sĩ ở ngoại ô phía đông Sydney cho biết nhiều đồng nghiệp của anh có cùng quan điểm rằng Australia đang “hỗn loạn” khi ứng phó với Covid-19 bởi có nhiều thông điệp mâu thuẫn.
Bác sĩ giấu tên này cho biết thông điệp của ông Huny đưa ra trong bối cảnh nhiều y bác sĩ đang vật lộn với việc thiếu hụt các vật tư y tế cơ bản như dung dịch rửa tay, trong khi nhiều cơ sở y tế trong thành phố sắp hết bộ dụng cụ xét nghiệm.
“Tôi đã thăm khám miễn phí qua điện thoại cho hai bệnh nhân vào hôm 9/3 theo đúng trình tự cần thiết và sau đó giới thiệu cả hai tới cơ sở xét nghiệm tư nhân được chỉ định”, bác sĩ này cho biết.
“Họ chưa ốm tới mức cần đến bệnh viện và chúng tôi không muốn hệ thống y tế bị quá tải. Nhưng chúng tôi cũng muốn xem sức khỏe của họ có thực sự ổn hay không. Lúc đó vào khoảng 10h sáng. 20 phút sau, tôi nhận được điện thoại từ cơ sở đầu tiên và được thông báo họ không thể làm xét nghiệm do đã hết bộ dụng cụ. Cơ sở thứ hai thậm chí thậm chí không trả lời điện thoại và cơ sở thứ ba cũng vậy”, bác sĩ này nói thêm.
Nhiều cơ sở y tế khác cũng rơi vào tình trạng quá tải. Hôm nay, dịch vụ xe cứu thương ở bang Victorina cho biết đường dây nóng về Covid-19 đã gặp sự cố khi có quá nhiều cuộc gọi đổ đến. Nhiều hình ảnh và video trên mạng xã hội cũng cho thấy dòng người xếp hàng xung quanh Bệnh viện Hoàng gia Melbourne.
Thành phố Sydney cũng ghi nhận cảnh tượng tương tự vào hôm 9/3, khi nhiều bệnh nhân chờ hàng giờ để xét nghiệm nCoV tại Bệnh viện Hoàng gia Prince Alfred (RPA).
Một phụ nữ sống ở thành phố Sydney chia sẻ cô xuất hiện triệu chứng giống cúm từ hôm 8/3, tuy nhiên một cơ sở y tế địa phương từ chối xét nghiệm cho cô. Sau đó, cô quyết định liên lạc với một đơn vị thuộc cơ quan y tế công cộng New South Wales (NSW), nhưng tới giờ, cuộc gọi vẫn bị chuyển tới hộp thư thoại.
Video đang HOT
“Tôi quyết định đợi tới sáng thứ 9/3 và thử gọi lại sau 9h sáng, nhưng chỉ nhận được tin nhắn trả lời tự động rằng đường dây nóng đang quá tải nên hãy gọi lại sau”, cô kể.
Sau hơn 20 phút cố gắng gọi mà không thu được kết quả, cô quyết định quay lại phòng khám tư từng giới thiệu cô tới bệnh viện RPA. Nhưng khi tới đây, dòng người xếp hàng đã ra đến cửa.
“Tất cả họ đều đeo khẩu trang, nhưng nhìn kiểu dáng và kích cỡ khẩu trang khác nhau, có thể thấy đây là đồ họ đã tự mua. Tôi thử hỏi một người đàn ông đứng cuối hàng rằng có phải phòng khám phát khẩu trang không, nhưng câu trả lời là không, do đó tôi đã không có khẩu trang. Tôi băn khoăn liệu đây có phải một nơi tốt nhất để thăm khám nếu như tôi chỉ bị cảm cúm”, cô nói.
Phát ngôn viên của cơ quan y tế NSW cho biết bang này đang chuẩn bị mở một cơ sở xét nghiệm lớn hơn và trong thời gian này, người dân sẽ phải chờ đợi để xét nghiệm, đồng thời khẳng định điều này sẽ không kéo dài.
Người phát ngôn này cho biết mọi người phải mất 2-3 tiếng để được thăm khám vào hôm 9/3, trong khi trước đó, họ chỉ mất chưa tới một giờ. “Chúng tôi hy vọng hôm nay mọi người sẽ không phải chờ đợi lâu như vậy khi quy trình được cắt giảm”, cô nói.
Bộ trưởng Y tế Hunt hôm nay thừa nhận đường dây nóng tư vấn sức khỏe đã phải tiếp nhận số lượng cuộc gọi lớn vào cuối tuần qua, trong khi Giám đốc Y tế Brendan Murphy tìm cách trả lời những câu hỏi liên quan tới việc ai cần hoặc không cần xét nghiệm nCoV.
“Hiện tại, chúng tôi muốn tập trung xét nghiệm cho những người vừa trở về từ quốc gia khác, có xuất hiệu triệu chứng viêm đường hô hấp cấp, đau họng và từng tiếp xúc với người nhiễm bệnh”, ông Murphy nói.
“Chúng tôi không khuyến nghị những người khác có triệu chứng của cảm lạnh, cúm thông thường phải làm xét nghiệm”, ông nói thêm.
Nhân viên y tế nói chuyện với người đứng chờ xét nghiệm bên ngoài Bệnh viện Hoàng gia Melbourne hôm 10/3. Ảnh: Herald Sun.
Tuy nhiên, nhiều bác sĩ lo ngại về việc hệ thống y tế thiếu sự chuẩn bị để đối phó với số người yêu cầu xét nghiệm ngày càng tăng và ngân sách để ứng phó với Covid-19 đang dành cho những hoạt động nhỏ hơn.
Bác sĩ Jared Dart ở Brisbane cho biết việc thăm khám cho bệnh nhân tốn nhiều thời gian và nguồn lực bởi nCoV có khả năng lây nhiễm cao. Dart nói rằng đã chi thêm khoảng 7.000 USD đầu tư cho cơ sở y tế của ông trong tháng 2.
“Để có thể điều trị cho các ca nhiễm có nguy cơ lây nhiễm cao, bạn phải có phòng khám riêng, phòng chờ riêng và thiết bị bảo hộ cho nhân viên, khẩu trang cho bệnh nhân. Điều đó khiến nhiều phòng khám gặp khó khăn”, ông nói.
Dart cũng cho biết để thăm khám cho bệnh nhân nghi nhiễm nCoV, ông phải tạm dừng một số dịch vụ y tế khác, cũng như thực hiện thăm khám từ xa mà không được bảo hiểm chi trả.
“Ở Queensland, chúng tôi may mắn khi việc xét nghiệm được thực hiện tại các cơ sở y tế tư nhân, không giống như mô hình ở nơi khác”, ông nói.
Murphy cam kết sẽ cải thiện việc kết nối giữa bệnh nhân với bác sĩ. Tuy nhiên, nhiều người đã phản ứng gay gắt sau khi một bác sĩ ở Melbourne bị chỉ trích vì điều trị cho bệnh nhân khi không biết mình bị nhiễm nCoV.
“Chúng tôi được yêu cầu tiếp nhận các ca có nguy cơ cao để đánh giá và nếu bất kỳ chuyện gì xảy ra, uy tín của chúng tôi sẽ tan tành và có thể phải đóng cửa cơ sở trong vòng hai tuần”, bác sĩ Dart nói.
“Nếu phòng khám đóng cửa, tôi sẽ không có nguồn thu nhập nhưng vẫn phải trả lương cho nhân viên. Chúng tôi đang ở trong tình thế rất khó khăn khi đảm nhận trách nhiệm chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng. Đây là việc chúng tôi muốn làm cho mọi người, cho bệnh nhân nhưng chúng tôi dường như không được hỗ trợ để làm điều đó”.
Thanh Tâm (Theo Guardian)
Theo vnexpress.net
Đại học Australia cho tiền sinh viên Trung Quốc
Đại học Western Sydney thông báo sẽ cấp 1.400 USD cho các du học sinh Trung Quốc quá cảnh ở nước thứ ba khi đến đây học.
"Học sinh của chúng tôi đang mong chờ đến Australia và bắt đầu năm học mới sớm nhất có thể. Sau khi xem xét các chi phí phát sinh khi phải quá cảnh ở một nước khác, trường quyết định hỗ trợ các sinh viên một khoản trợ cấp trị giá 1.400 USD", đại diện đại học Western Sydney cho biết.
Australia cấm nhập cảnh người bay thẳng từ Trung Quốc đại lục từ 1/2, nhằm ngăn dịch Covid-19 lan rộng. Lệnh cấm hôm qua được gia hạn, có hiệu lực đến ngày 29/2. Tuy nhiên, chính phủ Australia cho biết các sinh viên đã rời Trung Quốc hơn 14 ngày sẽ được phép nhập cảnh.
Trong bối cảnh năm học mới ở Australia đã bắt đầu, các trường đại học lo ngại hàng nghìn sinh viên sẽ thôi học và xem xét các lựa chọn thay thế nếu không thể đến lớp trong những tuần tới.
Du học sinh Trung Quốc tốt nghiệp tại đại học Western Sydney hồi năm 2017. Ảnh: AFP.
Các sinh viên nước ngoài mang về cho nền kinh tế Australia 23,1 tỷ USD/năm, với số sinh viên Trung Quốc chiếm khoảng 1/3.
8 trường đại học lớn nhất của Australia, có khoảng 105.000 sinh viên Trung Quốc, hồi tuần trước cho biết lệnh cấm nhập cảnh đã khiến nền kinh tế thiệt hại hơn 660 triệu USD. 7.500 người có nguy cơ mất việc nếu số sinh viên Trung Quốc giảm 10%.
Lãnh đạo hãng hàng không Qantas Airways hôm qua cho hay hãng đã được các trường đại học ở Australia yêu cầu đảm bảo thực hiện đủ các chuyến bay đưa sinh viên Trung Quốc trở lại học khi các lệnh hạn chế được dỡ bỏ.
Thủ tướng Australia Scott Morrison đang đứng trước áp lực xóa bỏ các lệnh hạn chế đi lại, do gánh nặng của nó với kinh tế Australia.
Theo truyền thông Australia, chính phủ đang bàn về việc cho một số sinh viên Trung Quốc không đến từ Vũ Hán nhập cảnh. Tuy nhiên, người phát ngôn của Thủ tướng Morrison từ chối bình luận về vấn đề này. Morrison hôm nay khẳng định chính phủ đang tìm cách giảm bớt gánh nặng song sẽ không hỗ trợ tài chính trực tiếp cho các trường đại học.
"Chúng tôi đang thực hiện một số dự án trong lĩnh vực giáo dục... Tuy nhiên, đừng quên rằng các trường đại học của chúng ta có nguồn vốn dồi dào", Morrison nói.
Australia ghi nhận 15 trường hợp nhiễm nCoV và chưa phát hiện thêm ca nhiễm mới nào kể từ khi lệnh cấm nhập cảnh người đến từ Trung Quốc có hiệu lực. 10 trường hợp đã hồi phục, 5 người còn lại đang trong tình trạng ổn định.
Dịch Covid-19 khởi phát ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc từ tháng 12/2019, đã xuất hiện ở 28 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Tính đến hôm nay, dịch đã khiến 2.247 người chết, 76.202 người nhiễm bệnh, trong đó có 18.221 người bình phục.
Quốc Hưng (Theo Reuters)
Theo vnexpress.net
Dịch COVID-19: Sinh viên Trung Quốc phải "đi vòng" để sang Australia Sinh viên Trung Quốc đang cố gắng trở lại học tập ở Australia bằng cách lưu trú tại một nước thứ ba đủ số ngày quy định khi Australia áp lệnh cấm nhập cảnh với người đến từ Trung Quốc. Ảnh minh họa Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, năm học mới của các trường đại học tại Australia sẽ chính thức bắt...