Hệ thống xử lý nước thải 800 triệu USD sẽ “hồi sinh” sông Tô Lịch?
Sáng 7/10, UBND TP Hà Nội khởi công Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá (Thanh Trì) với công suất 270.000 m3/ngày đêm. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 800 triệu đô la này được kỳ vọng sẽ làm “sống lại” các con sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và một phần sông Nhuệ.
Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, đây là lần đầu tiên Thủ đô có một dự án xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải tập trung quy mô lớn với công suất 270.000 m3/ngày đêm. Quy mô xây dựng dự án bao gồm: nhà máy xử lý nước thải công suất 270.000 m3/ngày đêm và hệ thống thu gom, cống bao, hệ thống cống đấu nối (dọc hai bờ sông Tô Lịch, sông Lừ) và một phần sông Nhuệ với tổng chiều dài cống các loại khoảng 52 km.
Nhà máy xử lý nước thải với công suất 270.000 m3/ngày đêm
Phần lớn hệ thống cống thu gom nước thải được thi công bằng công nghệ khoan kích ngầm. Với phương pháp khoan ngầm sẽ giúp tránh được việc vận hành phức tạp của các trạm bơm, quỹ đất yêu cầu nhỏ hơn. Đặc biệt việc thi công cống được thực hiện dưới các dải cây xanh và dưới lòng sông, làm giảm ảnh hưởng xấu của hoạt động thi công lên hệ thống hạ tầng giao thông, hạn chế tác động tới môi trường và cư dân xung quanh.
Hệ thống trên sau khi hoàn thành sẽ thu gom nước thải các quận Ba Đình, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Đống Đa, Hoàng Mai, Hà Đông và huyện Thanh Trì với diện tích khoảng 4.874 ha. Dự án sử dụng vốn ODA của Nhật Bản (JICA) với tổng mức đầu tư khoảng 800 triệu đô la.
Video đang HOT
Khu vực được quy hoạch xây dựng nhà máy xử lý nước thải ở huyện Thanh Trì
Phát biểu tại lễ khởi công, ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá có ý nghĩa lớn trong việc cải tạo môi trường, giúp làm “sống lại” các con sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và một phần sông Nhuệ, góp phần tạo cảnh quan, sinh thái đô thị, phát triển bền vững Thủ đô.
Từ trước đến nay, nước thải của thành phố được thu gom bởi hệ thống cống, kênh mương rồi xả ra các hồ và bốn con sông thoát nước chính là sông Kim Ngưu, sông Sét, sông Tô Lịch và sông Lừ. Vì vậy, nhiều kênh mương, sông, hồ trên địa bàn bị ô nhiễm nặng, tác động xấu tới điều kiện vệ sinh, điều kiện sống của người dân.
Quang Phong
Theo Dantri
Bí thư Hà Nội: Phải tìm ra nguyên nhân cá chết ở Hồ Tây
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải yêu cầu các đơn vị của thành phố cùng phối hợp điều tra để tìm ra nguyên nhân khiến hàng trăm tấn cá chết ở Hồ Tây, từ đó có phương hướng xử lý.
Ngày 6/10, tại Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội, ông Hoàng Trung Hải - Bí thư Thành ủy Hà Nội - đã dành nhiều thời gian nói về vấn đề ô nhiễm môi trường trên địa bàn Thủ đô. Tại đây, ông Hải cũng đề cập đến tình trạng cá chết ở Hồ Tây gây hoang mang trong những ngày qua.
Theo ông Hải, ngay từ lúc xảy ra sự việc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Công an TP (Cảnh sát môi trường) vào cuộc điều tra, phối hợp cùng Sở Tài nguyên và Môi trường. Đến thời điểm này, Bộ Công an cũng vào cuộc với TP Hà Nội.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải chỉ đạo tìm ra nguyên nhân cá chết ở Hồ Tây để xử lý
"Chúng ta cũng phải tiếp tục điều tra để tìm ra nguyên nhân làm cho cá chết ở Hồ Tây. Phải tìm ra nguyên nhân để xử lý", Bí thư Thành ủy Hà Nội nói.
Bí thư Hoàng Trung Hải cho biết, thành phố sẽ đầu tư hệ thống quan trắc mặt nước, đồng thời tiếp tục rà soát tất cả nguồn nước thải ở Hồ Tây.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, từ nhiều năm nay, mặc dù Hồ Tây đã được đầu tư hệ thống gom nước thải, xây dựng 2 nhà máy xử lý nước, nhưng đến nay vẫn còn tình trạng các hộ sản xuất, kinh doanh xả thải trực tiếp ra hồ. Bí thư Hà Nội yêu cầu thành phố và các đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý vấn đề này.
"Chúng ta phải kiên quyết làm việc đó, không để tình trạng này xảy ra một lần nữa. Bây giờ chưa biết nguyên nhân, nhưng rõ ràng để xảy ra như vậy là chúng ta vẫn còn sơ sểnh, quản lý vẫn còn chưa tốt", ông Hoàng Trung Hải lưu ý.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, quản lý đô thị và môi trường là thách thức lớn đối với thành phố. Hiện nay, thành phố đang đầu tư cải tạo 17 hồ nước và tập trung đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải sông Tô Lịch tại Yên Xá (huyện Thanh Trì) để thời gian tới Hà Nội nâng tỷ lệ xử lý nước thải từ 22% lên 40-50%.
Ngoài ra, thành phố còn phải tập trung đầu tư gấp các dự án chống ngập, đặc biệt là các khu vực như Hà Đông, Thanh Xuân và khu vực Nhuệ - Đáy. "Đây là những vấn đề tồn tại, bất cập từ quy hoạch, cho nên chúng ta phải đầu tư để tháo gỡ", ông Hoàng Trung Hải yêu cầu.
Ông Hoàng Trung Hải cho biết, ô nhiễm không khí ở Hà Nội là vấn đề lớn nhất, trong đó ô nhiễm từ benzen (khi thải từ động cơ ô tô, xe máy...) chiếm tới 70% lượng bụi ở thành phố; còn ỗ nhiễm công nghiệp, xây dựng chiếm 30% ô nhiễm không khí.
Vì vậy, theo ông Hải, ngoài việc vệ sinh môi trường, đầu tư máy hút bụi, thì nhiệm vụ cần phải thực hiện của thành phố trong thời gian tới là đầu tư cơ sở hạ tầng để tiến tới hạn chế phương tiện cá nhân.
Tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cũng đề cập đến vụ việc xảy ra giữa phóng viên báo Tuổi trẻ TP HCM với cảnh sát hình sự Ngô Quang Hưng (Đội Cảnh sát hình sự, Công an huyện Đông Anh) diễn ra vào ngày 23/9 trên cầu Nhật Tân. Ông Hải yêu cầu các đơn vị liên quan của Thành phố phải phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để xử lý dứt điểm vấn đề này, tạo sự ổn định và lòng tin cho dư luận.
Quang Phong
Theo Dantri
Chủ tịch Hà Nội: Tìm nguyên nhân nước mặt Hồ Tây không có ô xy Ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, về nguyên nhân cá chết, ban đầu Thành phố xác định là do nước mặt Hồ Tây không có ô xy và hiện thành phố đang làm rõ vì sao nước mặt tại đây lại như vậy. Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung trực chiến chỉ đạo xử lý...