Hệ thống theo dõi vụ nổ toàn cầu của Mỹ
Lầu Năm Góc được cho là sở hữu một hệ thống có khả năng phát hiện các vụ nổ lớn trên toàn cầu trong mọi lúc mọi nơi.
Một vụ thử hạt nhân của Pháp năm 1971 – Ảnh: AFP
Trong lúc cả thế giới chú tâm theo dõi số phận chiếc máy bay mất tích bí ẩn của Malaysia, Lầu Năm Góc đã khiến không ít người bất ngờ trước năng lực trinh sát toàn cầu của họ. Các nước có thể sớm loại bỏ khả năng chiếc Boeing 777-200 nổ trên không sau khi tờ The New York Times dẫn lời một quan chức giấu tên tiết lộ Lầu Năm Góc đã rà soát hệ thống theo dõi các điểm lóe sáng trên toàn cầu và kết luận không có bằng chứng về vụ nổ nào vào thời điểm máy bay mất tích. Nhờ đó mới thu hẹp được phần nào các hướng tìm kiếm.
Thực tế, năng lực theo dõi các vụ nổ trên toàn cầu của Lầu Năm Góc đã được phát triển cách đây nhiều thập niên. Một trong những chương trình nổi bật nhưng đầy bí hiểm là Hệ thống phát hiện năng lượng hạt nhân Mỹ (USAEDS) do đơn vị có cái tên khá “vô hại” là Trung tâm ứng dụng kỹ thuật không quân (AFTAC) đặt tại căn cứ không quân Patrick (bang Florida) vận hành. Trách nhiệm chủ yếu của AFTAC là theo dõi việc các quốc gia nước ngoài tuân thủ hiệp ước cấm thử hạt nhân có hiệu lực từ thập niên 1960 và 1970, vốn cấm thử hạt nhân trên không và một số kiểu thử dưới mặt đất.
Theo website Bộ Quốc phòng Mỹ, vào năm 1947, Tham mưu trưởng lục quân Dwight D.Eisenhower đã chỉ thị cho không quân (khi đó còn thuộc lục quân) phát triển năng lực “phát hiện vụ nổ nguyên tử ở bất kỳ đâu trên thế giới”. Năm 1949, một cảm biến trên chiếc B-29 bay giữa Alaska và Nhật đã phát hiện mảnh vỡ từ vụ thử hạt nhân đầu tiên của Liên Xô, sự kiện mà các chuyên gia dự đoán chỉ có thể diễn ra vào khoảng giữa thập niên 1950. Từ đó, chương trình hiện do AFTAC vận hành đã phát triển thành một nguồn lực độc nhất vô nhị giúp quan sát mọi vụ nổ hoặc chấn động trên toàn thế giới. Nói nôm na, USAEDS hiện nay là một mạng lưới toàn cầu có thể “thấy”, “nghe”, “cảm nhận” và “ngửi” mọi vụ nổ dưới mặt đất, dưới biển, trên không trung hoặc không gian.
Mắt thần
Video đang HOT
Để theo dõi khí quyển, USAEDS có cảm biến đặt trên hơn 20 vệ tinh hợp thành Hệ thống định vị toàn cầu (GPS) và trên các vệ tinh cảm biến hồng ngoại của Chương trình hỗ trợ quốc phòng, theo David O’Brien, khoa học gia trưởng của AFTAC. Nhiều khả năng đây chính là hệ thống mà Lầu Năm Góc đã sử dụng để xác định có hay không một vụ nổ xảy ra vào rạng sáng 8.3 tại khu vực nơi chiếc máy bay của Malaysia mất tích thông qua việc rà soát hệ thống cảm biến ghi nhận các điểm lóe sáng.
Trong khi đó, 5 trạm thủy âm của USAEDS sẽ phát hiện những vụ nổ hạt nhân dưới mặt biển. Còn các cảm biến hạ âm của USAEDS sẽ đo đạc sự biến đổi của khí quyển xuất phát từ những sóng âm tần số thấp sinh ra từ vụ nổ hạt nhân trên mặt đất.
Các vụ nổ hạt nhân dưới mặt đất sẽ thuộc trách nhiệm của 40 trạm đo đạc địa chấn trên toàn cầu, vốn sử dụng công nghệ tương tự việc đo đạc động đất. Hệ thống các trạm địa chấn của USAEDS thậm chí còn mạnh hơn cả của Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ (USGS) bởi có thể phát hiện hoạt động địa chấn ở cường độ thấp hơn. USAEDS cũng thường xuyên đưa ra cảnh báo với USGS về những trận động đất lớn nhờ mạng lưới rộng khắp của họ.
Bởi nhiệm vụ của AFTAC là phát hiện và báo cáo mọi vụ nổ hạt nhân, hệ thống của họ hoạt động 24/24 và suốt 365 ngày trong năm. Ngày nay, với sự phát triển về kỹ thuật, những công cụ ngày càng tinh vi của hệ thống này cũng có nhiều ứng dụng thực tiễn hơn, chẳng hạn giúp theo dõi sao băng, động đất hoặc các vụ nổ khả nghi. Dù lịch sử hoạt động phần nhiều vẫn nằm trong vòng bí mật, AFTAC thường đưa ra những thông cáo mỗi khi có sao băng lao vào trái đất, mô tả việc cảm biến ghi nhận được một điểm lóe sáng vào thời điểm cụ thể và kết luận đó là không phải là một vụ nổ hạt nhân.
Sai lầm mang tên Vela Vela là tên loại vệ tinh từng được AFTAC sử dụng để theo dõi các điểm lóe sáng trên toàn cầu trong thời kỳ đầu. Vào ngày 22.9.1979, một vệ tinh Vela đã phát hiện “điểm lóe kép”, đặc trưng cho một vụ nổ hạt nhân ở gần quần đảo Prince Edward ở Ấn Độ Dương. Giới chức an ninh quốc gia Mỹ lập tức báo cáo Tổng thống Jimmy Carter. Đáng chú ý là chỉ có một trong hai cảm biến của vệ tinh Vela ghi nhận được điểm lóe sáng và các bằng chứng khác không đưa ra kết luận dứt khoát về việc vụ nổ có xảy ra hay không. Một ủy ban được ông Carter giao trách nhiệm tìm hiểu sau đó kết luận điểm lóe sáng nhiều khả năng do vệ tinh va chạm với một thiên thạch nhỏ gây ra. Tuy nhiên, một số người cho rằng đây là vụ thử hạt nhân chung của Nam Phi và Israel. Tranh cãi vẫn còn kéo dài đến tận ngày nay do phần lớn thông tin về vụ việc vẫn được giữ bí mật.
Những phát hiện đáng chú ý của AFTAC – Ngày 16.10.1964, phát hiện vụ thử hạt nhân đầu tiên của Trung Quốc. – Ngày 18.5.1974, phát hiện vụ thử hạt nhân đầu tiên của Ấn Độ. – Ngày 28.5.1998, phát hiện vụ thử hạt nhân đầu tiên trong 5 vụ thử của Pakistan. – Năm 2006, xác nhận vụ thử hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.
Theo TNO
Ý hết ảo tưởng về 'luật danh dự' của mafia
Người Ý đang phải chấp nhận thực tế cay đắng rằng sự tồn tại "luật danh dự" của mafia chỉ là điều huyễn hoặc.
Giáo hoàng Francis (áo trắng) gặp gỡ thân nhân các nạn nhân của mafia ngày 21.3 - Ảnh: AFP
Bất chấp những tội ác tàn bạo, mafia Ý xưa nay vẫn được nhiều người dân nước này xem là những kẻ trọng danh dự. Một trong những quy định về "luật danh dự" của mafia Ý là không làm hại phụ nữ, trẻ em và linh mục. Tuy nhiên, ảo tưởng về điều này đã vỡ tan tành sau vụ cậu bé 3 tuổi Domenico Petruzzelli cùng mẹ bị giết vào ngày 17.3.
Vụ ám sát tàn bạo
Theo các nhà điều tra, Petruzzelli bị bắn ngay mặt trong một kế hoạch ám sát tàn nhẫn ở vùng Puglia. Người mẹ 30 tuổi Carla Maria Fornari cùng người tình Cosimo Orlando cũng chết ngay tại chỗ trong vụ mưu sát, được các nhà điều tra tin là một cuộc trả thù giữa các băng đảng. Theo thẩm phán Remo Epifani ở Puglia, nhiều khả năng Orlando, một tội phạm vừa mãn hạn tù, là mục tiêu chính của vụ ám sát. Orlando vừa mới hoàn tất án phạt 13 năm tù vì vụ giết người vào năm 1998 và có vẻ như chuẩn bị quay trở lại nghề buôn bán ma túy mà y bỏ dở cách đây gần 15 năm. Các nhà điều tra đang lần theo khả năng Orlando bị nhóm mafia đối địch Sacra Corona Unita ở Puglia thanh toán vì tranh giành thị phần. Tuy nhiên, họ cũng không loại trừ khả năng Fornari, vợ góa của một kẻ du côn, là mục tiêu do từng ra làm chứng chống lại những kẻ giết chồng mình vào năm 2011. Trước đây, có 3 kẻ tội phạm phải ngồi tù vì tội giết chồng của Fornari từng cử người đến đe dọa cô.
Vụ giết hại cậu bé Domenico Petruzzelli đã khiến dư luận Ý phẫn nộ bởi đa số người dân nước này có niềm tin mù quáng rằng mafia sẽ không đụng đến trẻ em theo một luật bất thành văn tồn tại lâu đời. Bộ trưởng Nội vụ Ý Angelino Alfano ngay lập tức đã ra lệnh triển khai thêm 60 cảnh sát đến khu vực trên để điều tra và cam kết sẽ có "phản ứng nhanh chóng và cụ thể trước một tội ác tàn bạo chưa từng thấy". Tuy nhiên, theo tờ La Stampa, phản ứng của người dân và cơ quan công quyền Ý chỉ là cơn sốc giả tạo bởi họ chóng quên những vụ giết hại tàn bạo trước đây và trẻ em luôn nằm trong số những nạn nhân của cuộc chiến giữa các băng đảng và gia tộc.
Sự dối trá lịch sử
Hồi tháng 1.2014, thi thể của cậu bé 3 tuổi khác tên Nicola Campolongo được tìm thấy trong một chiếc xe cháy đen ở vùngCalabria, cùng với xác ông nội và một người khác. Cảnh sát cho biết những sát thủ đến từ băng mafia khét tiếng &'Ndrangheta, còn các nạn nhân lớn tuổi đến từ một băng đối địch. Tờ The Independent dẫn lời công tố viên Franco Giacomantonio khi đó: "Có ai lại có thể giết một đứa bé 3 tuổi như thế. Tôi nghĩ đây là vụ giết người tàn bạo nhất mà mình từng điều tra trong nhiều năm công tác".
Trước đó, vụ giết hại trẻ em khét tiếng nhất trong lịch sử mafia Ý có lẽ là vụ bắt cóc Giuseppe Di Matteo, con trai 11 tuổi của một trùm mafia hoàn lương. Cả nước Ý đã bàng hoàng khi hay tin Di Matteo bị bắt cóc, giam cầm, tra tấn trong 2 năm cho đến khi bị siết cổ và nhúng vào một bể a xít năm 1996.
Nhà báo Goffredo Buccini viết trên tờ Corriere della Sera: "Ý niệm rằng mafia không giết trẻ em là một sự dối trá lịch sử". Ngày nay, sự trỗi dậy của những kẻ giết người bừa bãi cộng với việc sử dụng ma túy khiến những sát thủ không còn thời gian hoặc khả năng che giấu bộ mặt thật, theo ông Buccini. Tờ The Independent thì cho rằng điều huyễn hoặc về "luật danh dự" của mafia có thể đã được phóng đại bởi những cuốn tiểu thuyết hoặc phim ảnh Hollywood.
Nhà xã hội học chuyên về tội phạm có tổ chức Giacomo Di Gennaro nói với AFP rằng bạo lực đã trở nên tồi tệ hơn kể từ những vụ bắt bớ các ông trùm trong 15 năm qua. "Những kẻ "trọng danh dự" từng cấm cản giết linh mục, phụ nữ và trẻ em bởi họ kiểm soát lãnh địa chặt chẽ đến nỗi điều ấy là không cần thiết. Ngày nay, ranh giới lãnh địa thay đổi quá nhanh... và mọi lằn ranh đều bị xâm phạm", ông Di Gennaro nói.
Nhà văn chuyên về mafia Corrado De Rosa nói vụ giết hại Domenico lại một lần nữa chứng minh thực tế rằng "luật danh dự" của mafia không hề tồn tại. "Người ta thường nói các ông trùm không đụng đến phụ nữ và trẻ em. Điều này không có thật", ông nói. Theo ông De Rosa, ý thức về "luật danh dự" của mafia được mô tả rõ ràng vào đầu thập niên 1990 qua câu nói của ông trùm băng Cosa Nostra Salvatore "Toto" Riina. Khi Riina lên kế hoạch đánh bom ám sát các cảnh sát và quan tòa, một tay chân đã nhắc rằng có khả năng các trẻ em vô tội sẽ thiệt mạng. Rinna trả lời: "Có vô số trẻ em đang chết ở Sarajevo, mắc chi bay quan tâm?".
Giáo hoàng lên án mafia
Thái độ đạo đức giả của mafia Ý tiếp tục bị vạch trần bởi người đứng đầu Giáo hội Công giáo trong buổi lễ cầu nguyện cho nạn nhân của mafia ngày 21.3. Hơn 1.000 người đã tham dự buổi lễ với Giáo hoàng Francis tại một nhà thờ gần Vatican, nơi tên của 842 nạn nhân được xướng lên, kể cả những trẻ em vô tội và viên thẩm phán chống mafia nổi tiếng Giovanni Falcone, người bị đánh bom năm 1992. Đây là lần đầu tiên một giáo hoàng tham dự buổi lễ cầu nguyện thường niên do Hiệp hội Chống mafia Libera tổ chức trong 19 năm qua. "Tiền bạc vấy máu, quyền lực vấy máu, các người không thể mang theo bên mình đến đời sau", Giáo hoàng Francis cảnh báo. Trong lời lên án mạnh mẽ nhất từ trước đến nay, ông cũng tuyên bố những tên mafia sẽ xuống địa ngục nếu không biết sám hối.
Theo Reuters, lập trường của Giáo hoàng Francis có ý nghĩa đáng kể bởi các trùm mafia thường muốn thiết lập quan hệ gần gũi với các giáo sĩ địa phương, nhằm khoe khoang rằng quyền lực của chúng được thừa nhận bởi giáo hội. Có nhiều linh mục đã chiến đấu chống lại các tổ chức tội phạm Cosa Nostra ở Sicily, 'Ndrangheta ở Calabria, Camorra ở Naples. Đôi khi họ phải trả giá cho sự dũng cảm bằng tính mạng. Thế nhưng trong lịch sử giáo hội cũng có những mối liên hệ gây tranh cãi với mafia, đặc biệt là quan hệ bí ẩn giữa mafia và Ngân hàng Vatican mà Giáo hoàng Francis đang cố gắng cải tổ. Nhiều trùm mafia luôn sốt sắng đi lễ nhà thờ, thể hiện rằng mình là một con chiên ngoan đạo biết kính sợ Chúa và rộng tay đóng góp tiền bạc cho nhà thờ. Những ông trùm này cũng luôn khẳng định mình sống theo "luật danh dự". Tuy nhiên, linh mục Marcello Cozzi, Phó chủ tịch Hội Libera nói vụ giết hại cậu bé 3 tuổi Petruzzelli là bằng chứng mới nhất cho thấy "luật danh dự" không hề tồn tại. "Trong danh sách các nạn nhân có ít nhất 80 trẻ em. Không có chuyện mafia không giết trẻ em. Chúng luôn làm thế", ông nói.
Thậm chí, quyết tâm chống tham nhũng của Giáo hoàng Francis còn làm dấy lên những cảnh báo rằng bản thân ông có thể trở thành nạn nhân của mafia vì đe dọa đến lợi ích của chúng. Vào tháng 11 năm ngoái, công tố viên nổi tiếng ở vùng Calabria Nicola Gratteri nói rằng tổ chức 'Ndrangheta đang lo vì Giáo hoàng Francis. "Nếu có thể, các ông trùm sẽ không bỏ lỡ cơ hội cản đường ông ấy", ông Gratteri cảnh báo.
Theo TNO
Tàu ngầm hạt nhân thế hệ thứ năm của Nga có gì đặc biệt? Ngày 19-3, Tư Lệnh hải quân Liên bang Nga, Đô đốc Viktor Chirkov thông báo với các phóng viên là các chuyên gia Nga đã bắt đầu việc thiết kế tàu ngầm hạt nhân thế hệ thứ năm. Theo Tư lệnh, nỗ lực chính trong thiết kế tàu ngầm tên lửa chiến lược sẽ được tập trung vào việc bảo đảm tính bí...