Hệ sinh thái khởi nghiệp Ai Cập tăng trưởng kỷ lục
Hệ sinh thái cung cấp nguồn vốn đầu tư mạo hiểm cho các startup tại Ai Cập đã tăng trưởng kỷ lục 176% trong năm 2021 so với năm trước đó.
5 thương vụ khởi nghiệp lớn nhất chiếm 53% tổng vốn đầu tư vào các startup Ai Cập trong năm 2021. Ảnh minh họa: TTXVN
Báo cáo mới công bố của nền tảng Magnitt chuyên theo dõi các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) tại Trung Đông – Bắc Phi cho biết hệ sinh thái cung cấp nguồn vốn đầu tư mạo hiểm cho các startup tại Ai Cập đã tăng trưởng kỷ lục 176% trong năm 2021 so với năm trước đó.
Theo Magnitt, số thương vụ khởi nghiệp được ký kết tại quốc gia Bắc Phi này đã chạm ngưỡng cao nhất trong hệ sinh thái, ghi nhận các mức tăng trưởng liên tiếp về dòng giao dịch và hoạt động tài trợ. Báo cáo cho biết 5 thương vụ khởi nghiệp lớn nhất chiếm 53% tổng vốn đầu tư vào các startup Ai Cập trong năm 2021.
Bên cạnh đó, số nhà đầu tư tài trợ cho các startup Ai Cập năm ngoái cũng tăng kỷ lục 65% so với năm trước đó. Đáng chú ý, các thương vụ khởi nghiệp có liên quan tới lĩnh vực tài chính công nghệ cao (fintech) chiếm 17% tổng số thương vụ được hoàn tất.
Trên bình diện khu vực, Ai Cập đứng thứ 3 sau Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) và Saudi Arabia về phương diện số thương vụ startup được ký kết trong năm 2021, đồng thời phần lớn các vòng gọi vốn ở nước này có quy mô dưới 500.000 USD. Ai Cập chiếm 15% tổng số giao dịch và 11% tổng số vốn đầu tư cho startup tại Trung Đông – Bắc Phi năm 2021.
Báo cáo của Magnitt tiết lộ khu vực Trung Đông – Bắc Phi đã đạt mức cao nhất trong lịch sử về đầu tư mạo hiểm cho các startup năm vừa qua với tổng số vốn 2,6 tỷ USD. Các chuyên gia nhận định khu vực này đã phục hồi sau giai đoạn sụt giảm các giao dịch đầu tư cho startup hồi năm 2020, ghi nhận số lượng kỷ lục 590 giao dịch năm 2021./.
Ai Cập phản đối Israel phá dỡ nhà của người Palestine tại Đông Jerusalem
Ngày 20/1, Bộ Ngoại giao Ai Cập lên tiếng phản đối việc Israel gần đây phá dỡ nhà của một gia đình người Palestine trong khu Sheikh Jarrah ở Đông Jerusalem.
Cảnh sát Israel phá dỡ nhà ở của một gia đình người Palestine ở khu vực Sheikh Jarrah, Đông Jerusalem, ngày 19/1/2022. Ảnh: AFP/TTXVN.
Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ai Cập Ahmed Hafez nhấn mạnh việc đuổi các gia đình người Palestine ra khỏi nhà của họ ở Sheikh Jarrah là hành động vi phạm luật pháp quốc tế và luật nhân đạo quốc tế. Cairo cho rằng hành động phá dỡ nhà là sự tiếp nối chính sách cưỡng bức di dời đối với người Palestine, đồng thời cảnh báo điều này sẽ làm phức tạp thêm tình hình tại các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng.
Ai Cập tái khẳng định phản đối chính sách định cư của Israel trên các vùng lãnh thổ Palestine, bất kể là xây các khu định cư mới hay mở rộng những khu định cư hiện nay, cũng như việc tịch thu đất và di dời người dân Palestine.
Trước đó, ngày 19/1, cảnh sát Israel đã cưỡng chế 18 người Palestine rời khỏi ngôi nhà trên và tiến hành phá dỡ. Từ tháng 5/2021, Israel đã tiến hành cưỡng chế nhiều nhà của người Palestine tại Shiekh Jarrah, dẫn tới bùng nổ cuộc xung đột kéo dài 11 ngày giữa Israel và các nhóm vũ trang Palestine tại Dải Gaza. Cộng đồng quốc tế đã nhiều lần kêu gọi Israel chấm dứt hoạt động cưỡng chế nhà của người Palestine.
Israel đã giành quyền kiểm soát khu vực Đông Jerusalem trong cuộc chiến năm 1967, sau đó sáp nhập vùng đất này và tuyên bố toàn bộ thành phố Jerusalem là thủ đô không thể chia cắt của Israel. Theo đó, lâu nay, Israel luôn bác bỏ quyền công dân của người Palaestine tại vùng đất này và chỉ cấp quy chế "cư trú" cho người Palestine sinh sống tại đây. Hơn 200.000 người định cư Do Thái đã chuyển đến khu vực Đông Jerusalem.
Cộng đồng quốc tế không công nhận động thái trên của Israel, trong khi người Palestine xác định Đông Jerusalem là thủ đô của Nhà nước Palestine trong tương lai.
Ai Cập và Algeria kêu gọi ủng hộ 'giải pháp nội bộ' cho cuộc khủng hoảng Libya Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, tại cuộc gặp ở Cairo ngày 16/1, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry và người đồng cấp Algeria Ramtane Lamamra đã nhấn mạnh sự cần thiết phải ủng hộ một giải pháp nội bộ cho cuộc khủng hoảng Libya và ngăn chặn mọi hình thức can thiệp của nước ngoài vào các vấn đề của quốc...