Hệ quả mở rộng của việc áp giá trần đối với dầu thô của Nga nhìn từ eo biển Bosphorus
Loạt tàu chở dầu ách tắc ở vùng biển Thổ Nhĩ Kỳ là dấu hiệu đầu tiên cho thấy những hậu quả tiềm ẩn ngoài ý muốn của việc can thiệp vào thị trường toàn cầu
Eo biển Bosphorus và Dardanelles là những tuyến hàng hải quan trọng nối các cảng bên Biển Đen với Địa Trung Hải và thị trường quốc tế. Ảnh: Getty Images
Kế hoạch của G7 và EU nhằm duy trì dòng chảy dầu thô của Nga trong khi siết doanh thu của Moskva đang phải đối mặt với vấn đề đầu tiên.
Đến chiều ngày 6/12, chưa đầy 48 giờ sau khi lệnh trừng phạt của EU và quy định trần giá dầu mà cả EU và G7 đã thống nhất với dầu Nga có hiệu lực, ít nhất 22 tàu chở dầu thô đã bị chặn lại khi đi qua vùng biển Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này là do lo ngại ở Ankara rằng các tàu không được bảo hiểm có nguy cơ gây thiệt hại “thảm khốc” trên vùng eo biển Thổ Nhĩ Kỳ.
Các cuộc đàm phán đang được tiến hành để giải quyết bế tắc, nhưng sự gián đoạn đó là dấu hiệu đầu tiên cho thấy những hậu quả không mong muốn tiềm ẩn do sự can thiệp của phương Tây vào thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Vấn đề là gì?
Ùn tắc xảy ra do các yêu cầu mới của Thổ Nhĩ Kỳ rằng tất cả các tàu chở dầu thô đi qua eo Bosphorus, biển Marmara và eo Dardanelles – được gọi chung là Eo biển Thổ Nhĩ Kỳ – phải chứng minh rằng họ có bảo hiểm hợp lệ để chi trả cho các sự cố như tràn dầu và va chạm.
Đồ họa minh họa các tàu chở dầu ách tắc ở Biển Đen khu vực cửa ngõ vào eo biển Bosphorus, Thổ Nhĩ Kỳ. Nguồn: Financial Times
Yêu cầu trên bắt đầu có hiệu lực vào ngày 2/12, là một phản ứng đối với các lệnh trừng phạt mới của EU cấm các tàu vận chuyển dầu thô của Nga tiếp cận bảo hiểm hàng hải châu Âu trừ khi dầu được bán với giá dưới 60 USD/thùng.
Video đang HOT
Các biện pháp trừng phạt của EU có hiệu lực từ ngày 5/12 và bao gồm lệnh cấm gần như hoàn toàn đối với việc nhập khẩu dầu thô của Nga bằng đường biển vào khối này. Các biện pháp này quy định một lệnh cấm vận trên toàn thế giới đối với việc cung cấp dịch vụ vận chuyển và bảo hiểm cho các tàu chở dầu Nga được bán trên giá trần 60 USD/thùng. Mức giá trần, ban đầu được thiết kế bởi Mỹ, nhằm cho phép duy trì các chuyến hàng dầu thô của Nga đến các nơi khác trên thế giới, qua đó hạn chế tác động đến thị trường toàn cầu, nhưng vẫn hạn chế được nguồn tiền chảy vào ngân khố của Nga.
Trước cuộc xung đột ở Ukraine, Nga là quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, vận chuyển khoảng 8 triệu thùng dầu thô và sản phẩm dầu mỏ mỗi ngày, tương đương 8% nguồn cung toàn cầu.
Thổ Nhĩ Kỳ muốn gì?
Tổng giám đốc hàng hải của Thổ Nhĩ Kỳ, nal Baylan đã viết thư cho các chủ tàu và công ty bảo hiểm vào ngày 16/11 yêu cầu các nhà bảo hiểm hàng hải và bồi thường, được gọi là câu lạc bộ P&I, cung cấp thêm thư xác nhận các tàu đã được bảo hiểm đầy đủ.
“Trong quá trình đi qua Eo biển Thổ Nhĩ Kỳ, tàu chởcác loại hàng hóa như sản phẩm dầu thô có thể gây ra hậu quả thảm khốc cho đất nước, tài sản và người dân của chúng tôi trong trường hợp xảy ra tai nạn, chúng tôi bắt buộc phải xác nhận theo một cách nào đó rằng bảo hiểm P&I của họ vẫn còn hiệu lực và toàn diện “, ông Baylan viết trong lá thư.
Eo biển Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất trên thế giới và là một trong bốn tuyến đường xuất khẩu dầu thô bằng đường biển của Nga. Các tuyến còn lại nằm ở biển Baltic, biển Barents và biển Nhật Bản.
Đi qua eo biển Bosphorus, dài 32 km và rộng chỉ 550 mét tại điểm hẹp nhất, có thể là một thách thức. Gần đây nhất là vào năm 2008 đã xảy ra một vụ va chạm tàu chở dầu trong khu vực. Mỗi năm ước tính có khoảng 48.000 tàu chở dầu băng qua tuyến đường thủy này, chở khoảng 3 triệu thùng dầu mỗi ngày .
Một tàu chở dầu thô neo đậu ngoài khơi cảng Nakhodka, Nga. Trước cuộc xung đột ở Ukraine, Nga là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới. Ảnh: Reuters
Ngành vận tải biển nói gì?
Các câu lạc bộ bảo hiểm hàng hải P&I lập luận rằng yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ “vượt xa” những đảm bảo mà các công ty bảo hiểm thường cung cấp.
Câu lạc bộ P&I London cho biết ngày 5/12 rằng yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ buộc các câu lạc bộ P&I phải đảm bảo bảo hiểm, ngay cả khi điều đó xảy ra với một con tàu đã vi phạm lệnh trừng phạt. Họ nói rằng làm như vậy sẽ khiến chính các câu lạc bộ P&I vi phạm lệnh trừng phạt, đồng thời cho rằng vai trò của họ không phải là đánh giá trước liệu một con tàu có tuân thủ các lệnh trừng phạt hay không.
Các nhà môi giới tàu biển phương Tây cho biết không có câu lạc bộ P&I nào đồng ý với cách diễn giải mà Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu.
Tàu chở dầu của hãng vận chuyển Stena Bulk. Ảnh: Oilprice
Tuy nhiên, một chủ tàu có tàu chở dầu thô Kazakhstan đi về phía nam bị mắc kẹt ở cửa eo biển Bosphorus đã cáo buộc các câu lạc bộ P&I “vô lý”, đặc biệt là do việc vận chuyển dầu thô Kazakhstan không bị hạn chế.
Chủ tàu này lập luận rằng các câu lạc bộ P&I có thể cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ sự đảm bảo mà không phải chịu trách nhiệm pháp lý liên quan đến các lệnh trừng phạt. Ví dụ, các chủ hàng vận chuyển dầu thô của Kazakhstan đã cung cấp thông tin chi tiết về nguồn gốc hàng hóa của họ để được bảo hiểm.
Trong khi đó, Bộ Tài chính Anh cho biết Anh, Mỹ và EU đang “hợp tác chặt chẽ” với chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng như ngành vận tải biển và bảo hiểm để “đạt được một giải pháp”. Người phát ngôn Bộ Tài chính Anh cho biết: “Không có lý do gì để các tàu bị từ chối tiếp cận eo biển Bosporus vì những lo ngại về môi trường hoặc sức khỏe và an toàn”.
Ai đang bị ảnh hưởng?
Tác động từ hành động của Thổ Nhĩ Kỳ đối với các tàu chở dầu thô của Kazakhstan là một ví dụ ban đầu cho thấy các biện pháp trừng phạt và cơ chế giá trần với dầu Nga có thể làm gián đoạn các chuyến hàng dầu thô hợp pháp.
Dầu thô của Kazakhstan được xuất khẩu từ các cảng Biển Đen của Nga nhưng việc di chuyển của nó không bị hạn chế theo lệnh trừng phạt Nga của phương Tây. Trong số 22 tàu chở dầu đang phải chờ đợi đến ngày 6/12 có 11 chiếc đang ở lối vào Bosphorus trên Biển Đen, trong khi 11 chiếc đã đi qua eo biển Bosphorus và đang ở biển Marmara. Chiếc tàu đầu tiên đến từ ngày 29/11 và đã chờ đợi 6 ngày. Theo các nhà môi giới tàu và dịch vụ theo dõi tàu chở dầu, hầu hết các tàu đó đang chở dầu thô của Kazakhstan chứ không phải của Nga.
Trong khi đó, các tàu chở dầu thô được đi qua Eo biển Thổ Nhĩ Kỳ có thể lại là tàu chở dầu của Nga. Một người tham gia ngành dầu mỏ có hiểu biết về tình hình cho biết các công ty bảo hiểm của Nga đã cung cấp các thư xác nhận được yêu cầu cho chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ.
Các tàu khác chở dầu của Nga đang gửi thư từ các câu lạc bộ P&I ngoài châu Âu mới thành lập và nằm ngoài International Group – tập đoàn đại diện cho 90% ngành công nghiệp và đã từ chối yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ.
EU tăng cường trừng phạt Nga
Ngày 7/12, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất gói trừng phạt thứ 9 đối với Nga, trong đó đưa thêm gần 200 cá nhân và thực thể vào danh sách trừng phạt, cũng như ngăn chặn Nga tiếp cận các thiết bị bay không người lái.
Ngày 7/12, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất gói trừng phạt thứ 9 đối với Nga. Ảnh: DW
Trong một tuyên bố, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho biết việc áp dụng 8 gói trừng phạt đến nay thể hiện quan điểm cứng rắn của Liên minh châu Âu (EU), song EC vẫn muốn "gia tăng áp lực đối với Nga". Theo đó, gói trừng phạt thứ 9 bao gồm việc bổ sung gần 200 cá nhân và thực thể vào danh sách, trong đó có các lực lượng vũ trang, công ty công nghiệp quốc phòng và 3 ngân hàng của Nga. EC đề xuất cấm giao dịch hoàn toàn với Ngân hàng phát triển khu vực Nga.
Bên cạnh đó, EC cũng đề xuất ban hành những quy định kiểm soát và hạn chế xuất khẩu đối với các hóa chất thiết yếu, chất độc thần kinh, linh kiện điện tử và công nghệ thông tin mà Nga có thể sử dụng. EU cũng sẽ ngăn chặn hoạt động cung cấp thiết bị bay không người lái và máy bay không người lái cho Nga, cũng như cấm xuất khẩu mặt hàng này sang nước thứ ba.
Ngoài ra, EC cũng sẽ cấm phát sóng 4 kênh truyền thông của Nga, dỡ bỏ các kênh này khỏi tất cả các nền tảng phát sóng. Ủy ban cũng đang đề xuất các biện pháp trừng phạt kinh tế tiếp theo đối với lĩnh vực khai khoáng và năng lượng của Nga, trong đó có lệnh cấm đầu tư khai khoáng mới ở Nga.
Kể từ khi xảy ra cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine hồi tháng 2/2022, EU đã triển khai 8 gói trừng phạt với Nga, tác động đến hơn 1.200 cá nhân và 118 thực thể có liên quan đến nước này.
Theo quy định, để có hiệu lực, đề xuất gói trừng phạt thứ 9 phải được Hội đồng châu Âu và Nghị viện châu Âu thông qua.
EU cân nhắc áp lệnh cấm đầu tư vào lĩnh vực khai thác mỏ của Nga Tờ Financial Times dẫn các nguồn thạo tin cho biết Ủy ban châu Âu (EC) đang cân nhắc bổ sung lệnh cấm đầu tư vào lĩnh vực khai thác mỏ của Nga trong gói trừng phạt thứ 9. Ảnh minh họa: Getty Images Nguồn tin cho biết lệnh cấm sẽ đưa ra ngoại lệ đối với một số sản phẩm trong ngành khai...