Hệ quả khôn lường khi Trump tiết lộ tin tối mật cho Nga
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tiết lộ tin mật cho giới chức Nga, đã vô tình đe dọa đến tính mạng của điệp viên Israel, người mạo hiểm trà trộn vào hàng ngũ phiến quân Hồi giáo IS.
Rắc rối bủa vây ông Trump sau cáo buộc chia sẻ thông tin mật với Nga.
Theo Daily Mail, Israel hiện nay chưa chính thức lên tiếng xác nhận rằng nước này chính là nguồn thông tin mà ông Trump tiết lộ cho Nga.
Nhưng ABC News đã tiếp cận được các quan chức Mỹ có liên quan để khẳng định thông tin này. Quan chức này cũng thừa nhận, tính mạng của điệp viên Israel đang bị đe dọa.
Nguồn tin giấu tên nói Israel chỉ chấp nhận cung cấp thông tin tình báo cho Mỹ với điều kiện danh tính của những cá nhân liên quan sẽ được giữ kín.
Thông tin mật bao gồm việc Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) lên kế hoạch dùng laptop cài thuốc nổ để đánh bom các chuyến bay thương mại.
Mặc dù cố vấn an ninh quốc gia Mỹ HR McMaster nói hành động của ông Trump “hoàn toàn phù hợp”, các quan chức Israel dường như đã có động thái thận trọng hơn với chính quyền Mỹ.
Cựu Giám đốc cơ quan tình báo Israel Mossad, Danny Yatom nói trên Jerusalem Post rằng, đây có thể là hành động “vi phạm nghiêm trọng” nguyên tắc chia sẻ thông tin tình báo, thậm chí đe dọa đến tính mạng của người cung cấp tin.
Ông Trump từng gặp Đại sứ Israel tại Mỹ, Ron Dermer năm 2014.
“Chúng tôi sẽ phải suy nghĩ kỹ trước khi cung cấp thêm thông tin nhạy cảm cho họ”, ông Yatom nói.
Video đang HOT
Trả lời câu hỏi liệu chính quyền Trump có thể “chữa cháy” bằng cách nào, ông Yatom nói: “Mỹ có thể sửa chữa sai lầm bằng cách hứa sẽ không lặp lại hành động này. Sau một khoảng thời gian ngắn, quan hệ hai nước sẽ được khôi phục, trừ khi Washington tiếp tục chủ trương chia sẻ thông tin cho bên thứ ba”.
Chính phủ Israel luôn coi Iran là mối de dọa tiềm tàng. Nhưng Iran lại có quan hệ thân cận với Nga. Quan chức Israel từng nhiều lần bày tỏ lo ngại rằng các thông tin tiết lộ cho Mỹ, bằng cách nào đó lại tìm được đường đến Iran.
Trong khi đó, Đại sứ Israel tại Mỹ, Ron Dermer tuyên bố: “Israel hoàn toàn tin tưởng vào mối quan hệ tình báo với Mỹ và hy vọng sẽ thúc đẩy quan hệ này hơn nữa trong chính quyền Trump”.
Thông điệp này được cho là nỗ lực hàn gắn cuối cùng của Israel với Nhà Trắng, sau những thông tin gây tranh cãi vừa qua.
Ông Trump cũng bảo vệ quan điểm khi tuyên bố trên Twitter: “Với tư cách là Tổng thống, tôi muốn chia sẻ thông tin với Nga và tôi có quyền làm điều đó vì lý do nhân đạo. Tôi muốn Nga tăng cường nỗ lực chống khủng bố”.
Theo Danviet
Tiết lộ tin mật cho Nga, ông Trump có bị luận tội?
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump chia sẻ thông tin tình báo tối mật với quan chức cấp cao Nga tại Nhà Trắng dấy lên nghi vấn liệu ông Trump có vi phạm pháp luật.
Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Theo Washington Post, ông Trump được cho là đã chia sẻ thông tin tình báo tối mật về việc Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) có kế hoạch cài thuốc nổ vào máy tính xách tay để đánh bom các chuyến bay thương mại.
Tổng thống Mỹ thậm chí còn nêu tên thành phố ở Syria, nơi cung cấp nguồn thông tin tình báo này.
Ông Trump sau đó lên tiếng khẳng định, ông có quyền chia sẻ thông tin được lựa chọn với Nga. Ông Trump nói chia sẻ thông tin vì "những lý do nhân đạo và muốn Nga đẩy mạnh cuộc chiến chống IS và chủ nghĩa khủng bố".
Tuy nhiên, làn sóng chỉ trích và yêu cầu phế truất Tổng thống Trump ngày càng tăng cao hơn bao giờ hết.
Ông Trump có phạm pháp hay không?
Các chuyên gia nhận định, Tổng thống Mỹ có quyền giải mật các tài liệu tình báo. Do đó, ông Trump không hề vi phạm các quy định của luật pháp Mỹ.
"Tôi không nghĩ ông Trump đã làm gì sai. Tổng thống có quyền giải mật thông tin", Cristina Rodriguez, chuyên gia luật tại Đại học Columbia. "Tuy nhiên, ông Trump có thể đã bất cẩn, không phải cứ có quyền làm như vậy thì những điều Tổng thống làm đều hợp lý".
Ông Trump đã phá vỡ nguyên tắc nào?
Ông Trump gặp quan chức cấp cao Nga tại Nhà Trắng.
Một số chuyên gia cho rằng, thông tin mật mà Trump đã chia sẻ thuộc dạng tối mật. Cộng đồng tình báo Mỹ cũng không thể tiết lộ thông tin này với các đồng minh, huống chi Tổng thống Mỹ lại kể cho Nga.
Do đó, hành động của ông Trump có thể đã vi phạm lời tuyên thệ khi nhậm chức. Tổng thống Mỹ thề "giữ vững và bảo vệ hiến pháp Mỹ". Việc ông Trump chia sẻ thông tin mật cho Nga, nước bị cáo buộc can thiệp bầu cử Mỹ năm ngoái có thể là hành động vi phạm lời thề.
"Hành động bất cẩn của ông Trump thậm chí có thể dẫn đến việc ông bị luận tội. Ông Trump không cần phải gây ra tội nghiêm trọng để bị phế truất, mà chỉ cần có hành động lạm quyền hoặc lạm dụng niềm tin của người công chúng", chuyên gia luật Rodriguez nói.
Ai có thể điều tra Tổng thống Mỹ Donald Trump?
Mọi cuộc điều tra về quá trình luận tội Tổng thống sẽ chỉ có thể diễn ra nếu Quốc hội đạt được sự đồng thuận.
Tuy nhiên, những nghị sĩ đảng Dân chủ đang muốn bổ nhiệm một công tố viên độc lập để điều tra cáo buộc về mối liên hệ giữa chiến dịch tranh cử của Trump với Nga. Vị công tố độc lập này cũng có thể cũng sẽ xem xét việc tiết lộ thông tin của Tổng thống.
David Golove, giáo sư luật tại trường Đại học New York nhận định, ông Trump có thể xua tan ngờ vực của dư luận nếu nói tiết lộ thông tin để "xây dựng lòng tin" trong quan hệ với Nga.
Bên cạnh đó, phần lớn các nghị sĩ đảng Cộng hòa cho đến nay vẫn ủng hộ ông Trump, cho nên rất khó có khả năng Quốc hội Mỹ nhất trí luận tội Tổng thống.
Công chúng Mỹ có thể giận dữ và gây sức ép với ông Mitch McConnell, lãnh đạo phe Cộng hoà ở Thượng viện. Nhưng ông McConnell sẽ cố gắng cầm cự và cân nhắc dựa trên lợi ích chính trị của đảng.
Việc ông Trump tiết lộ tin mật cho Nga có thể khiến đồng minh quay lưng.
"Miễn là Trump còn được đảng Cộng hoà bảo vệ thì ông ấy sẽ không bị ảnh hưởng", giáo sư Golove nhấn mạnh.
Điều này tác động ra sao đến đồng minh?
Giới quan sát nhận định, việc ông Trump bị tố tiết lộ thông tin mật cho Nga nhiều khả năng sẽ khiến các đồng minh của Mỹ tức giận.
Họ có thể ngừng cung cấp thông tin nhạy cảm cho Mỹ vì lo ngại những thông tin này có thể bị bàn giao không đúng người.
New York Times tiết lộ, những thông tin mà ông Trump nói với Nga đến từ Israel. Cơ quan tình báo Nga lại có mối quan hệ chặt chẽ với Iran, quốc gia đối thủ của Israel.
Giới chức tình báo Mỹ cũng lo ngại khả năng Nga tận dụng các thông tin trên để truy ra nguồn cấp tin, từ đó ngăn chặn khả năng các thông tin này ảnh hưởng đến hoạt động của Nga ở Syria.
"Chưa nói đến tính pháp lý, nguyên tắc từ xưa đến nay là không ai được phép làm lộ nguồn cấp thông tin, dù bằng cách này hay cách khác", Mark J. Rozell, hiệu trưởng trường Chính sách và Chính phủ tại Đại học George Mason nói.
Theo Danviet
Thăm dò: 48% người Mỹ muốn luận tội Tổng thống Trump Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đối mặt với khủng hoảng niềm tin sâu sắc từ người dân, sau khi cuộc khảo sát mới nhất cho thấy đa số người được hỏi muốn luận tội ông Trump. Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đối mặt với khủng hoảng niềm tin từ người dân. Theo Independent, Public Policy Polling từng được tờ Wall Street...