Hệ lụy với những đứa trẻ trong gia đình tan vỡ
“Mẹ ơi, ba đi công tác sao lâu thế nhỉ. Hôm nay, ba bạn Sơ Ri vừa đi công tác về, đến lớp đón bạn ấy đó mẹ”, câu nói hồn nhiên của bé Tôm khiến chị Dung nghẹn lời.
“Ba đi công tác lâu lắm, hai mẹ con mình ở với ông bà ngoại vẫn vui mà”, chị Dung (quận 7, TP HCM) ôm con vào lòng, ứa nước mắt vì thương con và tủi thân. “Mai mẹ sẽ dẫn Tôm đi mùa quà Giáng sinh sớm nhé”, người mẹ đơn thân an ủi con cũng chính là an ủi bản thân mình. Tuy nhiên, không hiểu sao hôm nay Tôm lại nhớ bố đến thế, bé muốn bố đi cùng khiến chị đổi sang bực dọc. Nhớ lại sự phản bội của anh – nguyên nhân khiến anh chị ra tòa cách đây 2 năm, chị hậm hực: “Đợi ba thì đến Tết cũng chả xong. Ông ấy chả được tích sự gì cả, có coi mẹ con mình ra gì đâu…”.
Ánh mắt Tôm nhìn mẹ ngỡ ngàng khiến chị Dung giật mình vì đã lỡ lời. Chị vẫn tâm niệm cố giữ cho bé hình ảnh tốt về người cha để bé đỡ tủi thân nhưng nhiều lúc nhớ lại mình bị phản bội, không nén nổi uất giận, chị lên tiếng chì chiết bố bé. Thậm chí đôi lúc Tôm bị mẹ cho ăn đòn oan, chỉ vì chị vẫn còn giận chồng cũ.
Còn chị Tiên (Gò Vấp, TP HCM) thì vẫn ám ảnh về việc có cha mẹ ly hôn dù sự việc xảy ra đã gần 20 năm. Khi chị học lớp 4, cha mẹ chia tay sau rất nhiều năm xung đột, cãi vã. Chị là con út, được tòa xử cho ở với mẹ. Hàng ngày, chị tiếp tục được nghe những lời mẹ than vãn về chồng con. Cảm thấy mình bị bố mẹ, anh chị bỏ rơi, chị đã có thời gian đi theo đám trẻ bụi đời trong khu phố. May mắn sau đó, gia đình chuyển đi nơi khác sống, chị tách được đám bạn xấu kia. Tuy nhiên, những suy nghĩ tiêu cực về nam giới và hôn nhân đã ăn sâu vào tiềm thức của chị. Đến bây giờ gần 30 tuổi, có vài người theo đuổi nhưng chị vẫn sợ khi nghĩ đến việc gắn bó với một người đàn ông.
Video đang HOT
Điều quan trọng nhất là để trẻ thấy rằng mình luôn được yêu thương – Ảnh: telegraph.co.uk
Cha mẹ chia tay, việc đứa con bị hụt hẫng là điều không tránh khỏi. Thạc sĩ Nguyễn Thúy Uyên Phương, Giám đốc đào tạo trường ngoại khóa Tomato, TP HCM, nhận xét tâm lý chung của trẻ khi cha mẹ chia tay là rất bất an.Trẻ thấy mối tương quan trong gia đình, giống như một tam giác với ba đỉnh bố – mẹ – con đã có một cạnh cha – mẹ bị thay đổi. Nó lo lắng không biết liệu khi đó những cạnh cha – con, mẹ – con có bị thay đổi hay không. Trẻ lo lắng không biết mình có được cha mẹ yêu quý như trước nữa hay không?
Bên cạnh đó, t rẻ vốn có tâm lý so sánh mình với người khác. Trẻ sẽ rất tự ti nếu thấy mình không giống mọi người, thấy mình có vẻ đặc biệt, bất thường. So sánh mình với trẻ khác, thấy trẻ khác có cả bố, mẹ còn mình thì không, trẻ thấy cuộc sống của mình không bình thường, từ đó trẻ dễ có tâm lý mặc cảm và khó hòa đồng.
Nói về việc nuôi dạy con để trẻ không tổn thương sau khi cha mẹ chia tay, giáo sư, tiến sĩ tâm lý Vũ Gia Hiền, thành viên hội Khoa học Tâm lý và Giáo dục TP HCM khuyên, dù chuyện của người lớn thế nào thì cha mẹ vẫn cần phải giữ tình cảm cho con, không xúc phạm đến người kia trước mặt con. Người lớn có thế mắc lỗi với nhau nhưng con trẻ thì không cần phải biết những điều đó. Hãy giữ cho suy nghĩ của con được trong trẻo, để con vẫn có thể tự hào và hạnh phúc với bố mẹ của mình.
Nuôi con đơn thân không có nghĩa là ta có quyền tước đi những mối quan hệ họ hàng ruột thịt của trẻ – những thứ đã tồn tại sẵn từ trước khi trẻ ra đời. Ông Hiền cũng khuyên cha mẹ đơn thân nên cho trẻ biết họ hàng nội ngoại của mình, tuyệt đối không ngăn cấm trẻ đến với họ hàng của mình, “hãy để trẻ được quyền kính trọng và yêu thương họ”.
Để trẻ không cảm thấy mình là một đứa con bất hạnh, cha mẹ có thể nói cho con biết rằng hoàn cảnh xã hội mỗi người mỗi khác, mỗi nhà mỗi cảnh, không nhất thiết cha mẹ phải sống chung. “Điều quan trọng là cha mẹ vẫn luôn yêu thương con”, giáo sư nhấn mạnh.
Bổ sung thêm ý kiến này của giáo sư Vũ Gia Hiền, thạc sĩ Uyên Phương nhắc đến bộ giáo trình Trẻ em và thay đổi của Tổ chức vì gia đình và trẻ em FCS (Mỹ), hiện đã được chuyển thể và đưa vào dạy tại Việt Nam, giúp trẻ sống vững vàng dù cha mẹ đơn thân do ly dị hay tự nguyện. Trong cuốn truyện tranh The Families dành cho học sinh mẫu giáo, các nhà làm sách đã vẽ những bức tranh minh họa hình mẫu gia đình với những lời chú thích ngắn gọn: “Có gia đình rất đông”, “Có gia đình rất ít người”, “Có gia đình có bố mẹ con”, “Có gia đình chỉ có mẹ và con”, “Có gia đình sống cùng nhau”, “Có gia đình mỗi người ở một nơi”… Cuốn sách kết thúc bằng bức tranh “Ở tất cả các gia đình, mọi người đều yêu thương nhau và giúp đỡ nhau”. Với sách dành cho trẻ em tiểu học, nội dung cũng tương tự nhưng số lượng chữ nhiều hơn.
Hay truyện tranh Standing on my own two feet kể về một cậu bé có ba mẹ chia tay. Cậu bé thấy mình có hai ngôi nhà, lúc ở nhà bố, lúc ở nhà mẹ, thỉnh thoảng ở nhà người này lại nhớ người kia. Cậu nhìn trăng sao trên trời, cậu biết cha mẹ cậu đôi lúc cãi nhau không phải lỗi của cậu, cha mẹ cậu sống hai nơi không phải lỗi của cậu và cậu cũng không thể làm gì. Điều quan trọng nhất, cậu biết rằng cha mẹ vẫn luôn yêu thương mình.
Nếu cha mẹ có người mới thì sao? Có nên cho trẻ biết hay không? Cuốn truyện tranh Totally Uncool lại kể câu chuyện người cha dẫn bạn gái về nhà chơi. Ban đầu cậu con trai không thích bạn gái của bố nhưng sau thấy cô luôn sẵn sàng nói chuyện với mình, chơi thể thao cùng mình, cậu bé nhận thấy bạn gái của bố… cũng được.
Thạc sĩ Uyên Phương nhận xét, tất cả đều cố gắng để trẻ thấy rằng gia đình mình không phải là gia đình đặc biệt duy nhất. Các nhà giáo dục đã đưa ra một bức tranh rộng, vẽ ra cho trẻ nhiều khía cạnh của cuộc sống, để trẻ thấy hoàn cảnh của gia đình mình rất bình thường và mình vẫn luôn được cha mẹ yêu thương.
Chuyên viên xã hội học Nguyễn Thị Thanh Thúy, hội trưởng Hội quán các bà mẹ, cho rằng tình yêu thương chính là yếu tố quan trọng nhất để dạy con vững vàng dù có gặp phải hoàn cảnh không mong muốn. Đáng tiếc có những đứa trẻ trong những gia đình khuyết, bố mẹ chia tay, đứa trẻ gần như ở với ông bà. Áp lực cuộc sống, người mẹ đôi khi mang những bức xúc trong cuộc đời về áp đặt với con, đôi khi không đủ kiên nhẫn để dạy trẻ. Một số mẹ có điều kiện kinh tế lại lấy kinh tế để bù đắp tình cảm thiếu hụt cho con, hay chiều con quá mức, để rồi sau đó rất nhiều đứa trẻ đã nghiện game hoặc trở nên khó bảo.
Theo giáo sư Vũ Gia Hiền, bù đắp tình cảm bằng kinh tế hay chiều chuộng là điều tối kị trong nuôi dạy trẻ. Ông cho rằng, cha mẹ đơn thân chỉ có thể lấy tình cảm của người kia để bù đắp sự thiếu hụt tình cảm của chính người đó, ví dụ nhiều lúc, mẹ phải tự đi mua quà, rồi về nói với con là bố gửi quà cho con.
Chị Minh, một phụ nữ thành đạt trong sự nghiệp, một bà mẹ đơn thân của hai đứa con, một bé do ly hôn và một bé do thụ tinh nhân tạo, chia sẻ bí quyết nuôi dạy con của mình là không quá cầu toàn và mẹ nên chia sẻ tất cả mọi điều với con. Mẹ cũng là con người, mẹ cũng có những lúc nóng giận kiềm chế, nhưng nếu mẹ đã quát đánh con thì sau đó mẹ nên xin lỗi hơn là ngồi một mình dằn vặt mình, vừa lãng phí thời gian vừa cách xa tình mẹ con. Tuy nhiên, cũng có những nguyên tắc cần phải được tôn trọng: Mẹ luôn là mẹ và con luôn là con, nên không bao giờ có chuyện đôi co giữa mẹ và con.
Theo VNE