Hệ lụy việc Trung Quốc để mất niềm tin của ASEAN
Nếu để mất niềm tin và tình bạn của ASEAN, Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia cô độc nhất trong lịch sử trên đường trở thành cường quốc, vì sẽ không có người bạn thực thụ nào trong số tất cả các nước láng giềng…
Đây là bài viết của Tiến sĩ Nguyễn Hùng Sơn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Biển Đông. Được sự đồng ý của tác giả, Dân trí xin đăng tải bài viết này.
Bài viết bằng tiếng Anh trước đó đã được đăng tải trên trang Straitstimes của Singapore ở địa chỉ: http://www.straitstimes.com/news/opinion/eye-the-world/story/china-sending-mixed-signals-asean-20140513
Trong khi các nước ASEAN còn đang bận nghiên cứu cách thức phản hồi tích cực đề xuất ký kết một “Hiệp ước Láng giềng tốt, Hữu nghị tốt và Hợp tác tốt” của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, và đang xem xét đề xuất của ông về việc cùng xây dựng “Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ XXI” thì ngay trước Hội nghị Cấp cao ASEAN, Trung Quốc đã thể hiện “tình hữu nghị” với ASEAN bằng món quà lụa là nhất: đưa giàn khoan dầu hơn 1 tỷ USD vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, đâm rách và bắn vòi rồng vào tàu các lực lượng chấp pháp của Việt Nam, gây thương vong cho nhiều cán bộ Việt Nam. Đồng thời, giới truyền thông Trung Quốc kêu gọi dạy cho Việt Nam một bài học nếu Việt Nam dám phản kháng.
Những việc làm này của Trung Quốc đang đi ngược lại những nỗ lực ngoại giao của nước này từ đầu năm 2013 nhằm củng cố quan hệ ASEAN – Trung Quốc, lấy lại lòng tin trong khu vực bằng những cử chỉ ngoại giao thân thiện, lời hứa kiềm chế và hợp tác cùng có lợi. Việc Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị chọn thăm ASEAN trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trong cương vị Ngoại trưởng vào tháng 5/2013 đã làm ASEAN dấy lên hy vọng rằng Trung Quốc sẽ dành ưu tiên cao nhất cho ngoại giao láng giềng và coi ASEAN là đối tác chiến lược quan trọng.
Vì vậy, ASEAN đã thực sự vui mừng đón tiếp Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường tới Đông Nam Á vào tháng 10/2013. ASEAN rất kỳ vọng vào những đề xuất của Bắc Kinh về tương lai khu vực. ASEAN hoan nghênh phát biểu lịch sử của Chủ tịch Tập Cận Bình tại Quốc hội Indonesia khi ông nói rằng ASEAN và Trung Quốc cần xây dựng “lòng tin và phát triển mối quan hệ láng giềng tốt” và “giữ vững đoàn kết cả khi đói cũng như khi no”.
ASEAN tiếp tục vui mừng khi Thủ tướng Lý Khắc Cường đề xuất đưa quan hệ ASEAN- Trung Quốc từ “thập kỷ vàng” sang “thập kỷ kim cương” bằng việc ký hết Hiệp ước Láng giềng tốt, Hữu nghị tốt và Hợp tác tốt tại Lễ kỷ niệm mười năm quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc. Trung Quốc còn chỉ ra rằng sáng kiến xây dựng “Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ XXI” lấy cảm hứng từ những chuyến du hành hòa bình của Đô đốc Trịnh Hòa đến Đông Nam Á từ thế kỷ XV, nhằm mục đích phát triển thương mại và mở rộng ảnh hưởng của nền văn minh Trung Hoa chứ không nhằm mở rộng lãnh thổ.
Với những tuyên bố như vậy, ASEAN rất hy vọng Trung Quốc sẽ thay đổi cách tiếp cận về các tranh chấp trên biển với các nước láng giềng. Các nhà lãnh đạo ASEAN đã kỳ vọng “Giấc mơ Trung Hoa” cũng có thể trở thành “Giấc mơ Đông Nam Á”.
ASEAN đã tranh thủ mọi cơ hội để đáp lại thiện chí của Trung Quốc. ASEAN nhanh chóng “ghi nhận và đánh giá cao” đề xuất của Trung Quốc về Hiệp ước “3 tốt”, nhất trí xây dựng Đối tác hợp tác hàng hải ASEAN – Trung Quốc, nhất trí thực hiện hiệu quả và đầy đủ Tuyên bố DOC, đồng thời tích cực đề xuất các biện pháp xây dựng lòng tin. ASEAN và Trung Quốc đã bắt đầu tham vấn về xây dựng Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC) và đã đạt một số tiến triển.
Nhờ sự kiềm chế và nỗ lực nói trên, sau nhiều năm, tình hình Biển Đông đã lắng dịu hơn phần nào, số sự vụ xảy ra ít hơn, mặc dù vẫn có việc tỉnh Hải Nam ban hành quy chế đánh bắt cá mới và khả năng Trung Quốc xác lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông.
Chính vì vậy, việc Trung Quốc đưa giàn khoan lớn nhất vào vùng biển Việt Nam, đe dọa Việt Nam bằng cả tàu quân sự và bán quân sự, và từ chối đàm phán giải quyết tranh chấp với Việt Nam đã thực sự gây sốc với ASEAN và cộng đồng quốc tế. Đây là việc làm có chủ ý và tính toán kỹ từ Bắc Kinh, vì có sự phối hợp rất đồng bộ của nhiều lực lượng và địa phương khác nhau. Những hành động này đã đe dọa hòa bình và ổn định khu vực, trái với luật pháp quốc tế và những cam kết của Bắc Kinh về việc thực thi đầy đủ DOC. Hơn nữa, cũng hoàn toàn trái ngược với những động thái thân thiện của lãnh đạo Trung Quốc với ASEAN từ đầu năm 2013.
Những hành động gây hấn đó đã chứng tỏ Trung Quốc không còn muốn giữ nguyên trạng mà đang tích cực thiết lập một trật tự bá quyền Trung Quốc ở khu vực Đông Nam Á.
Video đang HOT
Lãnh đạo Bắc Kinh cần tự hỏi họ muốn Trung Quốc trở thành cường quốc kiểu gì? Liệu việc tự hủy hoại uy tín và hình ảnh của mình bằng những việc làm trái ngược với cam kết của lãnh đạo cấp cao có phải lợi ích lâu dài của Trung Quốc? Liệu việc phá vỡ môi trường hòa bình, ổn định và làm gia tăng căng thẳng ở khu vực có phải là lợi ích của Trung Quốc? Lãnh đạo Bắc Kinh thường nhắc nhở nhân dân rằng môi trường hòa bình và hợp tác trong khu vực là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển của Trung Quốc, giúp Trung Quốc tập trung vào các vấn đề nội bộ, để cải cách và tái cơ cấu kinh tế và nắm lấy “cơ hội chiến lược” để đuổi kịp kinh tế Mỹ và phương Tây. Nếu Trung Quốc cho rằng Mỹ đang sử dụng Biển Đông để chia rẽ ASEAN thì tại sao Trung Quốc không ngăn chặn điều này một cách dễ dàng bằng cách ký COC với ASEAN? Chẳng phải chính hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông đã khuyến khích Mỹ “can thiệp” hay sao?
ASEAN đã rất chân thành xây dựng quan hệ láng giềng tốt, hữu nghị tốt và hợp tác tốt với Trung Quốc. Nếu Trung Quốc để mất niềm tin và tình bạn của ASEAN, Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia cô độc nhất trong lịch sử trên đường trở thành cường quốc, vì sẽ không có người bạn thực thụ nào trong số tất cả các nước láng giềng.
Nguyễn Hùng Sơn
Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Biển Đông
Theo Dantri
Hai điều Việt Nam có, Trung Quốc không bao giờ có
Theo phân tích của Thiếu tướng Lê Văn Cương, trong vụ việc giàn khoan 981 nói riêng và các tranh chấp trên Biển Đông nói chung, Việt Nam có 2 điều mà Trung Quốc không bao giờ có, đó là đạo lý và pháp lý.
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Việt Nam không bao giờ liên kết với ai để chống Trung Quóc, nhưng độc lập thì phải giữ.
- Thưa Thiếu tướng, ông nhận xét gì về những điều mà Trung Quốc đang thực hiện ở Biển Đông?
Theo quan sát của tôi, trong thời gian gần đây, năm nào Trung Quốc cũng gây hấn với Việt Nam. Dân tộc Việt Nam chưa bao giờ được sống yên ổn. Năm 2001, Trung Quốc cắt cáp thăm dò địa chính của tàu Bình Minh 2, rồi cắt cáp thăm dò địa chính của tàu Viking 2. Họ cũng liên tục xua đuổi tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam đang đánh cá trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Tất cả ngư dân của Việt Nam chưa bao giờ đánh cá trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc, nhưng họ luôn bị Trung Quốc xua đuổi, thậm chí bắn, bắt... Tiếp đó, Trung Quốc ngang nhiên thành lập thành phố Tam Sa, bao gồm cả Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Đây là một hành động xâm lăng về mặt pháp lý, tôi cho là cực kỳ nghiêm trọng.
Mọi cuộc xâm lăng về thực binh và vũ khí nóng đều kết thúc ở chỗ kẻ đi xâm lược phải rút về vị trí cũ, còn xâm lược về pháp lý thì tôi không biết đến bao giờ Thủ tướng Lý Khắc Cường của Trung Quốc mới phủ quyết quyết định thành lập Thành phố Tam Sa.
Còn trong một thời gian ngắn này, về hành vi học, Trung Quốc có 3 loại hành vi. Thứ nhất là kéo dàn khoan 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; thứ 2 là hành vi bạo lực, dùng tàu hải giám, hải cảnh đâm thẳng vào tàu của Việt Nam và phun nước. Đây là hành động không thể chấp nhận được trong thế kỷ này; loại hành vi thứ 3 là lừa dối dư luận, nói rằng tàu Việt Nam bao vây, tấn công tàu Trung Quốc.
Như vậy, trong một thời gian ngắn, họ đã thực hiện 3 loại hành vi vi phạm cả pháp lý, đạo lý.
Trong một thời gian ngắn,Trung Quốc đã thực hiện 3 loại hành vi vi phạm cả pháp lý, đạo lý
- Theo Thiếu tướng, tại sao Trung Quốc lại chọn thời điểm này để thực hiện cùng lúc 3 loại hành vi đáng lên án đó?
Theo cá nhân tôi, xa xa là chuyện Ucraina đang khiến cả Mỹ, EU và Nga tốn nhiều công sức. Nhưng cái chính là chuyến đi của ông Obama sang 4 nước châu Á, chủ yếu là Nhật Bản. Lần đầu tiên, Tổng thống Mỹ tuyên bố công khai rằng, Hoa Kỳ sẽ theo điều 51 hiệp định song phương an ninh Mỹ - Nhật để bảo vệ toàn vẹn các vùng lãnh thổ Nhật Bản đang quản lý, bao gồm cả quần đảo Senkaku.
Việc ông Obama tuyên bố công khai như vậy đã làm cho Trung Quốc nhụt chí, không dám gây sự với Nhật Bản vào lúc này. Lúc đầu họ tưởng là có thể "giết khỉ dọa gà", nhưng nay "khỉ" không giết được thì họ quay ra "giết gà dọa khỉ".
- Ông nhận xét như thế nào về phản ứng của Việt Nam với những hành động gây hấn của Trung Quốc trong vụ giàn khoan 981?
Tất cả những lần trước, phản ứng của Việt Nam và thế giới khác lần này. Những lần trước, Việt Nam phản ứng chưa tương xứng với hành động gây hấn của Trung Quốc. Nhưng lần này, tại Hội nghị cấp cao ASEAN, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu rất cương quyết, mạch lạc, nói rõ những hành động của Trung Quốc, kêu gọi quốc tế ủng hộ Việt Nam.
Tôi đã có 42 năm nghiên cứu Trung Quốc từ năm 1972 đến nay không ngưng nghỉ, nhưng đây là lần đầu tiên trong 3 thập kỷ qua, chưa bao giờ, từ cấp cao đến người dân của Việt Nam có phản ứng một cách mạch lạc cương quyết như vậy. Phản ứng này là cần thiết, đúng đắn. Chính phản ứng của Việt Nam rõ ràng, mạch lạc như vậy đã tạo điều kiện cho cộng đồng quốc tế, cũng chưa bao giờ, trong 3-4 thập kỷ nay, lên tiếng nhanh, kịp thời và cương quyết phản đối hành động ngang ngược của Trung Quốc như vậy.
Ngay cả chuyện 23/11 năm ngoái, khi Trung Quốc thành lập vùng cấm bay trùm lên quần đảo SenKaku của Nhật Bản và 2 quần đảo của Hàn Quốc với diện tích 2.300km2, dù ngang ngược nhưng cũng chưa dấy lên một phản ứng mạnh mẽ trong cộng đồng quốc tế như lần này.
- Theo ông, sức mạnh của Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ lần này là gì?
Theo tôi, luận điểm của Việt Nam đã kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại. Phản ứng của dân tộc Việt Nam đã cộng hưởng với phản ứng của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh sự đồng tình ủng hộ Việt Nam thì cũng có nhiều ý kiến băn khoăn lo lắng tương quan lực lượng giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Trong bang giao quốc tế và giải quyết tranh chấp quốc tế thì nước nào cũng có 2 nhân tố tạo nên sức mạnh của quốc gia, đó là nhân tố vật chất có thể đong đo đếm được, ví dụ họ có thừa đến 3.900 tỷ đô la nhưng Việt Nam thì không có; ví dụ súng đạn, tàu ngầm, tên lửa... thì chắc chắn Trung Quốc nhiều hơn Việt Nam... nhưng trong giải quyết bang giao quốc tế thì yếu tố đó không phải khi nào cũng có tính quyết đinh.
Các dân tộc còn có nhân tố thứ 2 để bảo vệ độc lập, đó là nhân tố văn hóa tinh thần. Người Việt Nam đã 2600 năm nay, bằng một mạch chảy liên tục với nhân cách hòa hiếu và bao dung, không bao giờ xâm lược nước khác. Lịch sử Việt Nam chủ yếu là lịch sử chống xâm lược, và điều đó tạo ra một nhân cách bao dung hòa hiếu với láng giềng. Nhưng trước kẻ thù xâm lược, người Việt Nam lại bất khuất sáng tạo, lấy ít thắng nhiều, lấy yếu thắng mạnh, lấy đạo nghĩa để thắng hung tàn. Điều này được ghi khắc trong lịch sử các cuộc chiến tranh chống xâm lược của Việt Nam, từ năm 179 trước Công nguyên đến bây giờ.
Bạn bè quốc tế ủng hộ Việt Nam, biểu tình chống Trung Quốc tại Pháp - ảnh: ANTĐ
Còn tính về tương quan lực lượng, vào mùa xuân năm 1954, khi Việt Nam bắt đầu chiến dịch Điện Biên Phủ, nền kinh tế của chúng ta lúc đó chỉ bằng 5% của Pháp. Lúc đó Việt Nam chưa làm nổi súng máy, còn Pháp thì đã sản xuất ra máy bay. Nhưng kết cục vẫn có chiến thắng Điện Biên Phủ. Năm 1970, GDP của Việt Nam chỉ bằng 1% của Hoa Kỳ, vũ khí thì "khỏi nói". Và Việt Nam cũng đã chiến thắng.
Trong cuộc đọ sức, đấu tranh bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ lần này, Việt Nam có 2 thứ mà Trung Quốc không bao giờ có. Thứ nhất, pháp lý thuộc về Việt Nam trong khi Trung Quốc không có một tí nào cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của họ đối với vùng nước bao chiếm trong đường lưỡi bò. Thứ hai, dân tộc Việt Nam có đạo lý. Cộng đồng quốc tế trong những ngày vừa qua, chưa bao giờ có phản ứng quyết liệt với hành động gây hấn của Trung Quốc như vậy. Điều đó chứng tỏ họ đã chia sẻ với chúng ta sức mạnh đạo lý. Hai điều đó cộng hưởng với sức mạnh vật chất sẽ tạo nên một sức mạnh bất khuất, sức mạnh bất khả chiến bại trước bất cứ một nước nào.
Cái yếu nhất của Trung Quốc là không có cả đạo lý và pháp lý, họ sẽ bị cả thế giới cô lập. Nếu như 8 tỷ người trên hành tinh này cùng một tiếng nói thì họ sống với ai?
Người Việt Nam hòa hiếu và nhân hậu. Chúng ta tiếp tục con đường đối thoại, vẫn xem Trung Quốc là bạn, ghi nhận công lao của nhân dân Trung Quốc, nhà nước Trung Quốc trong 70-80 năm qua. Nhưng lúc này, khi họ xâm phạm chủ quyền thì Việt Nam sẽ dùng mọi cách để bảo vệ bằng được.
Tôi có thể khẳng định rằng, Việt Nam không bao giờ kích động chủ nghĩa dân tộc để chống Trung Quốc. Thứ hai, Việt Nam cũng không bao giờ liên kết với nước nào để chống Trung Quốc. Người Việt Nam nói với 1,3 tỷ người Trung Quốc rằng, 1,3 tỷ người Trung Quốc vẫn là bạn của Việt Nam. Việt Nam không bao giờ liên kết với ai để chống Trung Quóc, nhưng độc lập thì phải giữ.
Chúng ta vẫn coi Trung Quốc là bạn và đang tận dụng mọi cơ hội đối thoại, nhưng người Việt Nam không bao giờ từ bỏ các biện pháp khác để bảo vệ chủ quyền.
- Xin cảm ơn Thiếu tướng.
Tuệ Khanh
Theo_VnMedia
Trung Quốc miệng hô hòa bình tay vung súng vòi rồng Chỉ chưa đầy 6 tháng sau khi Thủ tướng Lý Khắc Cường đến Việt Nam đọc câu "thần chú" cửa miệng về "hòa bình", về mối "quan hệ truyền thống hữu nghị" và về "phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt", nước này đã nhanh chóng tung ra hành động đi ngược lại hoàn toàn với câu thần chú trên. Thay...