Hệ lụy từ vay nợ tiền bạc: Bài 2: Chặt tận gốc mầm mống nguy cơ
Đánh giá của Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) CATP Hà Nội cho thấy, nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra gần đây đều phát sinh từ những mâu thuẫn do vay nợ tiền bạc. Không đòi nợ được bằng biện pháp đối thoại “hòa bình”, các đối tượng đã dùng vũ lực, thậm chí cả vũ khí “ nóng” để thanh toán nhau, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình ANTT.
Một đối tượng vi phạm pháp luật liên quan đến vay nợ tiền bạc
Nhiều thủ đoạn xiết nợ tàn bạo
Bạn đọc ANTĐ hẳn còn nhớ vụ bắn chết anh Nguyễn Minh Dương, 27 tuổi, ở TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, vào đêm 25-1-2011, tại trước cổng Trung tâm Thương mại Parkson, ngã tư Chùa Bộc – Thái Hà, quận Đống Đa. Qua điều tra của cơ quan công an, nguyên nhân dẫn đến vụ án mạng xuất phát từ việc anh Dương nợ một phụ nữ 30 triệu đồng. Không giải quyết được những khúc mắc trong vay nợ tiền bạc, người phụ nữ này đã nhờ bạn “thanh toán” công nợ… bằng súng.
Việc bắt cóc, dùng cực hình tra tấn “con nợ” cũng đã xảy ra ngay giữa lòng Hà Nội. Nạn nhân vụ việc này là chị Bùi Thị Oanh, SN 1973, ở quận Ba Đình, đã bị Triệu Thị Nguyệt, SN 1972, trú tại xã Triều Khúc, huyện Thanh Trì, cùng đồng bọn giam giữ trái pháp luật trong một căn nhà ở phố Vũ Ngọc Phan, quận Đống Đa, để xiết nợ. Nguyên nhân là do chị Oanh vay “nóng” Nguyệt một số tiền lớn, chưa có khả năng chi trả. Tại nơi bị giam giữ, chị Oanh bị Nguyệt cùng đồng bọn tra tấn dã man bằng kìm điện, cờ lê và dao, với những “độc chiêu” mà cho đến giờ chị Oanh vẫn bị ám ảnh.
Dùng đủ cách vẫn không moi được tiền, Nguyệt cùng đồng bọn thả “con tin” ra trong tình trạng bị gãy 2 xương sườn, trên người mang đầy thương tích. Trước đó, con gái chị Oanh là cháu Đỗ Ngọc Phương Nhi (4 tuổi), cũng bị Nguyệt đến tận nhà bắt đi trong khi cháu bé đang ngủ. Bố cháu là anh Đỗ Thanh Việt đã phải đi tìm suốt đêm, mới lần ra được nơi Nguyệt giam giữ cháu Nhi và cầu xin “nữ quái” này tha cho cháu.
Nhắc đến vụ bắn chết chị Nguyễn Thị Liên, nhà ở phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, xảy ra tại phố Xã Đàn, quận Đống Đa vào đêm 28-4 vừa qua, dư luận xã hội rất bức xúc không chỉ bởi hành vi tàn bạo của các đối tượng gây án, mà còn vì lối hành xử theo kiểu giang hồ của những kẻ chuyên cho vay “nóng” và đối tác của chúng.
Video đang HOT
Chỉ vì bảo vệ vị thế trên “giang hồ” của mình, Đồng Cao Cường (Cường “hổ”) và đám đàn em đã dùng súng tự chế sát hại chị Liên, người đứng ra vay hộ bạn 10 triệu đồng của đàn em Cường “hổ”. Trước khi xảy ra vụ án mạng, nhóm đàn em Cường “hổ” đã đòi chị Liên tiền và giữa hai bên đã xảy ra va chạm, dẫn đến việc hẹn nhau ra phố Xã Đàn để giải quyết mâu thuẫn.
Minh bạch giữa kẻ cho vay, người đi mượn
Theo Thượng tá Đào Thanh Hải, Trưởng Phòng CSHS – CATP Hà Nội, trong tình hình tài chính khó khăn hiện nay, hoạt động cho vay “nóng” với lãi suất cao đang diễn ra phức tạp. Trong khi các cơ quan chức năng của nhà nước chưa kiểm soát được hết các loại hình hoạt động tín dụng, thì các đối tượng bên ngoài xã hội đã lợi dụng cơ hội này để hình thành “tín dụng đen” và thường cho vay “nóng” với lãi suất lên tới 25-30%/triệu đồng/ngày.
Cũng từ đây phát sinh những khoản nợ khó đòi, dẫn đến các loại hình “dịch vụ” thu nợ nở rộ như nấm sau mưa. Ngoài những công ty thu nợ được cấp giấy phép kinh doanh hoạt động hợp pháp, còn một số ổ nhóm tội phạm lợi dụng sự phức tạp về hoạt động cho vay với lãi suất cao để ép trả nợ, dưới nhiều hình thức như bắt giữ người trái pháp luật rồi xiết nợ, nhắn tin đe dọa qua điện thoại di động, hoặc giải quyết công nợ bằng cách bắt cóc rồi dùng cực hình tra tấn “con nợ”…
Phòng CSHS – CATP Hà Nội đã tổ chức đấu tranh, triệt phá nhiều ổ nhóm bảo kê, đòi nợ thuê cho các đối tượng chuyên cho vay với lãi suất cao hoạt động phạm tội. Trong những năm gần đây, một số công ty thu nợ hoạt động vi phạm pháp luật đã bị cơ quan công an phát hiện, xử lý như Công ty Thu nợ Phương Đông là ví dụ điển hình. Ngoài ra, nhiều nhóm tội phạm có dấu hiệu hoạt động phạm tội trong lĩnh vực thu hồi nợ cũng được Phòng CSHS và công an các quận, huyện trên địa bàn thành phố lần lượt bắt giữ như ổ nhóm tội phạm do các đối tượng Triệu Thị Nguyệt và Đồng Cao Cường cầm đầu, góp phần đảm bảo ANTT.
Tuy lực lượng Công an Hà Nội đã thường xuyên đấu tranh, phòng ngừa hoạt động của tội phạm liên quan đến vay nợ tiền bạc, nhưng hệ lụy của nó vẫn mang lại cho xã hội nhiều phức tạp. “Chưa có những chế tài xử lý hoạt động cho vay nặng lãi, do vậy vẫn chưa thể ngăn chặn tận gốc mầm mống tội phạm phát sinh từ dịch vụ này” – Thượng tá Đào Thanh Hải nhấn mạnh và cảnh báo hoạt động vay nợ tiền bạc phải được minh bạch giữa người cho vay và người đi mượn.
Theo ANTD
Hệ lụy từ chuyện nợ nần: Bài 1: Gặp lại nạn nhân những vụ "bắt cóc"
Nhiều nạn nhân của những vụ bắt giữ người trái pháp luật để xiết nợ, sau khi được lực lượng công an giải cứu trở về đoàn tụ với gia đình vẫn còn bàng hoàng, mỗi khi nhớ đến giờ phút phải sống bên cạnh những kẻ chuyên đòi nợ thuê bằng "luật rừng".
CAH Đông Anh tiếp nhận trình báo của người bị bắt giữ trái pháp luật để xiết nợ
6 giờ phập phồng lo sợ
Ngày 25-5, gần 1 tháng sau khi thoát khỏi sự khống chế của nhóm người chuyên đòi nợ thuê, anh Phạm Văn H, SN 1968, nhà ở xã Hải Bối, huyện Đông Anh, vẫn kinh hoàng mỗi khi nhắc lại sự việc. Do đam mê cờ bạc, anh H trót vay của Đỗ Văn Quyền, SN 1959, trú tại Yên Thành - Gia Lâm một số tiền lớn. Quyền là đối tượng chuyên cho vay với lãi suất cao trong "sới bạc" và anh H đã phải chạy vạy các kiểu, mới trả được cho Quyền gần hết số nợ của mình.
Do còn 20 triệu đồng chưa trả được, Quyền thúc anh H liên tục. 12h trưa 27-4-2011, Quyền cùng một số đối tượng đi trên 2 chiếc xe taxi, đến nhà anh H để đòi nợ. Anh H van xin khất nợ nhưng không được. Bố mẹ anh H cùng van xin thay cho con mình.
Anh H sợ Quyền cùng đồng bọn gây chuyện ở nhà mình, nên đã bảo họ ra ngoài nói chuyện. Vừa ra ngoài đường, nhóm đối tượng đòi nợ thuê ép anh H lên xe taxi, chở thẳng đến một nhà nghỉ ở khu vực cầu Đuống. Tại đây, chúng ép anh H phải viết giấy biên nhận nợ Quyền 670 triệu đồng. Theo Quyền, đây là số tiền được tính cả gốc lẫn lãi anh H phải trả. Anh H nhất quyết không ký và bị Quyền cùng đồng bọn đưa xuống một quán ăn ở khu vực Keo Sủi, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, tiếp tục đe dọa.
Anh H rất hoang mang vì nghe thấy bọn chúng còn bàn nhau nếu anh H không ký giấy biên nhận nợ, cuối giờ chiều cùng ngày sẽ đưa lên Sơn La. 16h chiều hôm đó, anh H vờ xin đi vệ sinh và lợi dụng cơ hội này chui qua lỗ thoáng trong khu phụ của quán ăn, lặn xuống mương nước thải của một khu công nghiệp gần đó để trốn. Từ 16h đến 18h, nhóm đối tượng đòi nợ thuê tay lăm lăm dao kiếm, sục sạo xung quanh mương thoát nước tìm anh H.
Nhưng chúng đã bị 2 người chăn bò đánh lạc hướng, rồi gọi anh H lên để cấp báo cho CAH Đông Anh truy bắt Đỗ Văn Quyền. "Tôi xác định nếu ký vào giấy biên nhận vay nợ chúng gần 700 triệu đồng, thì đời con tôi cũng không trả được hết nợ. Lúc bị Quyền cùng đồng bọn bắt cóc để xiết nợ, tôi đã xác định không giữ được mạng sống của mình. May thay, tôi gặp được 2 bác chăn bò tốt bụng, đã giúp tôi thoát nạn".
10 ngày sống trong sợ hãi
7 tháng sau khi xảy ra vụ "bắt cóc" anh Lưu Văn Vương, kỹ sư xây dựng công trình Keangnam, phóng viên ANTĐ đã gặp lại kỹ sư trẻ này khi anh đang đảm đương trọng trách mới, tại một công trình xây dựng của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, nằm trên đường Nguyễn Văn Huyên, quận Cầu Giấy. Trưa 2-10-2010, anh Vương ra khu vực cổng công trường xây dựng tòa nhà Keangnam để uống nước, bất ngờ bị một nhóm đối tượng lạ ép lên chiếc ô tô, đưa đến một nhà nghỉ ở quận Hoàng Mai.
Các đối tượng bắt cóc liên tiếp đe dọa, bắt "con tin" điện thoại về nhà cho gia đình, yêu cầu mẹ anh Vương phải trả cho một người tên là Khánh 3 tỷ đồng. Khi gia đình anh Vương chưa đáp ứng yêu cầu của nhóm đối tượng trên anh Vương tiếp tục bị đưa đi một số nhà nghỉ khác tại địa bàn huyện Chương Mỹ.
Trong những ngày này, anh Vương liên tục nhận được sự đe dọa chặt chân, tay và bị tra tấn dã man nếu mẹ nạn nhân không trả tiền cho chúng. "Tôi rất lo sợ, nhất là khi chúng đe dọa sẽ động đến cả anh trai, em gái và những người thân trong gia đình tôi" - anh Vương tâm sự và cho biết 10 ngày bị giam giữ trái pháp luật là chuỗi ngày sống trong địa ngục trần gian và lúc đó anh chỉ còn biết trông chờ vào sự may rủi của số phận.
Sau khi được lực lượng Cảnh sát hình sự CATP Hà Nội giải cứu an toàn, anh Vương luôn phải sống trong nỗi sợ hãi đến vài tháng sau. Anh cho biết: "Mãi sau này tôi mới biết nhóm người bắt cóc tôi, có mâu thuẫn trong một hợp đồng làm ăn kinh tế với công ty do mẹ tôi làm phó giám đốc. Thế nhưng, các đối tượng kia không trực tiếp giải quyết với công ty của mẹ tôi mà nhằm vào tôi để bắt cóc, hòng gây sức ép buộc mẹ tôi và công ty của bà phải trả họ tiền. Thật phi lý hết sức!" - anh Vương trả lời trong nỗi uất ức.
(Còn nữa)
Theo ANTD
Bộ Công an phối hợp Công an Thanh Hóa: Triệt phá bốn băng nhóm thanh toán nhau bằng bom Cục CSĐT tội phạm về TTXH (C45) Bộ Công an vừa lập chuyên án làm rõ 9 băng nhóm tội phạm hình sự mang dáng dấp "xã hội đen" sử dụng vũ khí nóng, dao, kiếm, "bom vi sinh"... để thanh toán nhau, đòi nợ thuê, hủy hoại tài sản, cố ý gây thương tích và gây rối trật tự công cộng. Lê...