Hệ lụy từ thỏa thuận khí đốt Nga – Trung
Hợp đồng khí đốt trị giá 400 tỷ USD được ký giữa Nga và Trung Quốc sẽ gây ra những tác động rất lớn đến cấu trúc địa chính trị thế giới. Phương Tây biết rõ điều này, song lại chẳng thể ngăn cản vì căn nguyên suy cho cùng cũng từ họ mà ra.
Liên minh năng lượng Nga-Trung khiến phương Tây lo ngại.
Ngày 21/5, Nga và Trung Quốc đã chính thức ký thỏa thuận khí đốt lịch sử sau đúng 10 năm đàm phán. Theo đó, Nga sẽ cung cấp cho Trung Quốc 38 tỷ m3 khí đốt mỗi năm và kéo dài trong 30 năm để đổi lấy số tiền thu về lên tới 400 tỷ USD.
Thỏa thuận được ký tại thành phố Thượng Hải nhân dịp Tổng thống Nga Vladimir Putin sang thăm chính thức Trung Quốc và dự Hội nghị thượng đỉnh “phối hợp hành động và củng cố lòng tin ở châu Á” (CICA).
Khỏi phải nói giới chức hai nước đã hoan hỉ đến mức nào trước sự kiện này, song với dư luận khu vực và phương Tây, cú bắt tay này ẩn chứa nhiều mưu đồ địa chính trị hơn là ý nghĩa kinh tế. Với bản thân hai nước đứng tên hợp đồng, những toan tính chính trị và lợi ích thu được cũng không tương xứng với nhau.
Hoàn cảnh đưa đẩy Nga
Với Nga, việc ký thỏa thuận chẳng qua cũng chỉ là “vạn bất đắc dĩ” khi việc đa dạng hóa các thị trường năng lượng ngoài Liên minh châu Âu (EU) có tầm quan trọng sống còn đối với Mátxcơva và trở thành vấn đề bắt buộc chứ không đơn thuần là một sự lựa chọn.
Lý do Nga buộc phải làm vậy là vì nước này đang phải hứng chịu các lệnh trừng phạt liên tiếp của Mỹ và châu Âu liên quan đến việc sáp nhập Crimea và cuộc khủng hoảng ở quốc gia láng giềng Ukraine. Với các lệnh trừng phạt ngày càng siết chặt, nền kinh tế Nga đang gặp phải không ít khó khăn khi các nhà đầu tư phương Tây ồ ạt rút vốn tron g khi thị trường xuất khẩu năng lượng chính của Nga là EU đang dần co hẹp.
Trong bối cảnh đó, Nga phải tận dụng mọi khả năng và cơ hội có được để thoát khỏi gọng kìm của phương Tây, qua đó đẩy lùi đà Đông tiến của NATO đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng sang khu vực sân sau truyền thống của Nga. Trong muôn vàn cách ứng phó, Nga luôn biết tận dụng sức mạnh vô đối của mình là dầu mỏ và khí đốt để nhắc nhở EU rằng “lục địa già” vẫn đang phải phụ thuộc vào Nga và rằng, Mỹ dù có muốn cũng chưa thể thế chân Nga tại thị trường này nếu như các hợp đồng bị dừng đột ngột.
Tuy nhiên, nói thế không có nghĩa sẽ không có chiều phụ thuộc ngược lại. Hiện tại, Nga xuất sang EU 160 tỷ m3 khí đốt mỗi năm. Với giá bán trung bình 350 USD/1.000 m3, số khí đốt này giúp Nga thu về 56 tỷ USD hàng năm cho ngân sách .
Video đang HOT
Là quốc gia chủ yếu dựa vào xuất khẩu năng lượng, khi nguồn thu bị siết lại, Nga buộc phải tìm thị trường thay thế. Nổi lên trong số này là châu Á và trong châu Á tiềm năng nhất lại là Trung Quốc, quốc gia vừa có nguồn lực tài chính vừa có nhu cầu năng lượng khổng lồ trong cả hiện tại lẫn tương lai. Theo ước tính, nhu cầu khí đốt của Trung Quốc sẽ vượt xa con số 38 tỷ m3/năm một khi các dự án đường ống vận chuyển hoàn tất và kinh tế nước này lấy lại đà tăng trưởng như trước đây.
Đây chính là lý do vì sao Nga quyết định khóa van châu Âu để mở van Trung Quốc, cho dù xét về giá cả, hợp đồng này không phải là món hời với Nga. Không chỉ chấp nhận giá bán không cao, Nga còn phải tính đến những nguy cơ nảy sinh từ việc phụ thuộc chặt chẽ vào thị trường Trung Quốc, cũng giống như đang phụ thuộc vào thị trường EU hiện nay. Các nhà lãnh đạo Nga không thể không tính tới điều này nhưng hoàn cảnh cấp bách khiến Mátxcơva không thể làm khác.
Chiến lược “chớp mồi” của Trung Quốc
Hiểu rõ thế khó của Nga, Trung Quốc đã chớp lấy cơ hội để đẩy nhanh tiến độ ký kết thỏa thuận và gây sức ép tối đa về mặt giá cả.
Kết quả là sau một thập kỷ thương lượng, cuối cùng Trung Quốc cũng đã ép được Nga ký siêu hợp đồng khí đốt tự nhiên có thời hạn lâu dài, kèm theo một lô nhượng bộ do phía Bắc Kinh đưa ra.
Cụ thể, toàn bộ khí đốt bán cho Trung Quốc sẽ được tính ngang bằng với mức giá bán cho châu Âu hiện nay, trong khi hợp đồng thì mãi đến năm 2018 mới chính thức có hiệu lực. Trong khi đó, Nga đã phải chi rất nhiều tiền cho việc xây dựng đường ống dẫn khí mới nối sang Trung Quốc. Với kinh phí xây dựng hơn 60 tỷ USD cho đường ống mới và việc phải bỏ không đường ống dẫn khí sang châu Âu, tính ra Mátxcơva đang chịu “thiệt đơn thiệt kép” trước “đối tác chiến lược toàn diện” của mình.
Lẽ thường là bên bán, Nga phải nắm quyền chủ động về giá, đặc biệt khi Nga là quốc gia sản xuất năng lượng lớn nhất thế giới còn Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ năng lượng nhiều nhất thế giới. Tuy nhiên, do quan hệ căng thẳng với phương Tây nên lợi thế đó của Nga giờ đã không còn nữa. Biết bị Trung Quốc ép giá song ông Putin vẫn phải quyết định “nắn dòng” khí đốt chảy sang Bắc Kinh, chấp nhận mất đi một phần lợi nhuận và làm giảm vị thế của Mátxcơva trong quan hệ đối tác với Bắc Kinh.
Nhưng cái thiệt của Nga chưa dừng lại ở đó. Qua siêu hợp đồng này, Trung Quốc còn muốn đẩy mạnh sử dụng đồng nhân dân tệ trong thanh toán thương mại quốc tế. Bắc Kinh tuyên bố sẵn sàng dùng nội tệ để chi trả nguyên liệu thô của Nga, hoặc sẽ trừ dần số tiền thanh toán vào hàng hóa và dịch vụ xuất sang Mátxcơva.
Theo số liệu thống kê, thương mại song phương giữa Nga và Trung Quốc đạt 90 tỷ USD trong năm 2013, trong đó Trung Quốc xuất sang Nga gần 50 tỷ và nhập về chừng 40 tỷ. Hai bên đặt mục tiêu sẽ nâng con số này lên 100 tỷ vào năm 2015 và 200 tỷ vào năm 2020. Với xu hướng xuất siêu của Trung Quốc, số tiền thanh toán khí đốt mua của Nga thừa sức chuyển hóa thành một phần hàng hóa và dịch vụ xuất sang Mátxcơva.
Và hệ lụy đối với địa chính trị thế giới
Việc Nga – Trung ký hợp đồng khí đốt 400 tỷ USD đang khiến phương Tây hết sức lo ngại.
Xét về kinh tế, giá trị thương mại của hợp đồng này không phải quá lớn khi lượng khí đốt Nga bán cho Trung Quốc từ năm 2018 chỉ chiếm 16% tổng lượng khí đốt xuất khẩu của Tập đoàn Gazprom. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Trung Quốc và Nga chỉ bằng 1/3 kim ngạch Trung Quốc – EU và 1/5 kim ngạch Trung – Mỹ.
Nhưng xét về chính trị, ý nghĩa của hợp đồng này lại có sức mạnh quá lớn, đến mức Tổng thống Putin đã buộc các nhà thương lượng của Nga phải đẩy nhanh tiến trình đàm phán để kịp “chốt hạ” ngay trong chuyến thăm. Việc ký hợp đồng không chỉ giúp Tổng thống Putin gỡ được “bàn thua trông thấy” trong cuộc đối đầu với phương Tây trên mặt trận năng lượng, mà còn tạo ra “liên minh ngầm” chống Mỹ, đối thủ lớn nhất đối với cả Nga và Trung Quốc hiện nay.
Tuy nhiên nếu đánh giá tổng thể, hợp đồng này chỉ có thể giúp Nga giải quyết được các vấn đề trước mắt, còn lâu dài sẽ mang lại không ít bất lợi.
Thứ nhất, để đảm bảo nguồn cung cho mình, châu Âu sẽ phải tìm các nhà cung cấp khác. Trong bối cảnh đó, Mỹ với nguồn khí đốt đá phiến dồi dào và Trung Đông với các giếng dầu khổng lồ sẽ là hai sự lựa chọn hoàn hảo thay thế cho Nga. Vì thế, hệ lụy đầu tiên mà hợp đồng này đem lại là quan hệ Nga – phương Tây sẽ ngày càng xa cách, thậm chí đối đầu căng thẳng khi sợi dây kết nối duy nhất là khí đốt bị cắt đứt. Châu Âu thậm chí sẽ càng có thêm lý do để thúc đẩy chính sách hướng Đông của mình.
Thứ hai, việc Nga và Trung Quốc tăng cường quan hệ – hiện đã lên mức “đối tác toàn diện và tương tác chiến lược” – không chỉ đưa tới việc ký kết hợp đồng khí đốt, mà còn cả các hợp đồng vũ khí công nghệ cao và sự “ủng hộ ngoại giao ngầm” đối với các tuyên bố lãnh thổ của hai bên. Việc Trung Quốc bỏ phiếu trắng cho Nga sau vụ Crimea và Nga gần đây đồng ý bán các máy bay chiến đấu tân tiến cho Trung Quốc, đồng thời “tỏ ra nhỏ nhẹ” trước việc Bắc Kinh đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là những ví dụ điển hình.
Thứ ba, sự bắt tay giữa Nga và Trung Quốc bắt nguồn từ sự nghi ngờ đối với Mỹ nhưng với tham vọng bá quyền của mình, Trung Quốc chắc chắn sẽ khó đáp lại mong muốn lãnh đạo của Nga. “Giấc mộng Trung Hoa” và sự cao ngạo của Bắc Kinh sẽ không cho phép Nga giữ vai trò chủ đạo ở châu Á như Tổng thống Putin mong muốn, mà thay vào đó Trung Quốc chỉ lợi dụng tình cảnh của Nga để làm lợi cho mình.
Thứ tư, dù coi là đối tác quan trọng bậc nhất nhưng Trung Quốc lại đang tìm cách thúc đẩy quan hệ với khu vực Trung Á vốn được coi là sân sau của Nga. Tại hội nghị SCO ở Bishkek tháng 9 năm ngoái, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đưa ra sáng kiến vành đai kinh tế có tên “Con đường tơ lụa mới”. Nếu hình thành, vành đai này sẽ là đối thủ cạnh tranh với Liên minh Á-Âu của Tổng thống Putin. Bước đi này cho thấy Trung Quốc chắc chắn sẽ không chấp nhận sự chế ngự của Nga dưới bất kỳ hình thức nào. Nói theo cách khác, ảnh hưởng của Nga ở Trung Á sẽ tỷ lệ nghịch với sự lớn mạnh của Trung Quốc ở khu vực này và Trung Á rất có thể sẽ trở thành mặt trận tranh giành ảnh hưởng mới giữa hai “người bạn” trong tương lai.
Với những phân tích trên, có thể thấy quan hệ Nga – Trung tuy bên ngoài đang tạo ra hình ảnh về một “liên minh mới nổi” giữa hai nước cùng muốn xây dựng viễn cảnh trật tự thế giới mới nhằm làm thay đổi căn bản cán cân sức mạnh toàn cầu. Nhưng nếu đi sâu hơn vào bản chất bên trong, đây chỉ là quan hệ thực dụng dựa trên những tính toán đôi bên cùng có lợi.
Vì vậy trong thời gian tới, Nga và Trung Quốc chỉ có thể tiếp tục hợp tác chọn lọc mà chưa thể thực sự trở thành đồng minh. Đây cũng là điều đã được chính Tổng thống Putin khẳng định bên lề Diễn đàn kinh tế quốc tế ở St Peterbour ngày 24/5. Có lẽ ông Putin hiểu rằng trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Nga sẽ không thể “hết mình” cho mối quan hệ mang lại lợi ích nhiều hơn cho Trung Quốc, nước có thể sẽ trở thành đối thủ của Nga trong tương lai, nhất là ở khu vực Trung Á.
Đức Vũ
Theo Dantri
Khí đốt từ Mỹ không thể ảnh hưởng xuất khẩu năng lượng của Nga
Tổng thống Nga Putin đã loại bỏ khả năng nguồn cung khí đốt từ Mỹ sang châu Âu sẽ làm ảnh hưởng tới doanh thu bán khí đốt của Nga và cho biết các công ty Mỹ nên tập trung thị trường châu Á.
"Nhằm xuất khẩu khí đốt hoá lỏng, cơ sở hạ tầng phải được xây dựng ở cả hai bờ Đại Tây Dương và chắc chắn cả Mỹ và châu Âu đều hiểu điều đó. Điều này sẽ tiêu tốn cả thời gian lẫn tiền bạc", tổng thống Putin nói với các lãnh đạo công ty trong hội nghị kinh tế quốc tế ở St. Pertersburg.
"Giá khí đốt ở vùng châu Á Thái Bình Dương đang cao hơn khoảng 1,6 lần so với châu Âu. Đó là minh chứng cho việc các công ty Mỹ đầu từ vào thị trường châu Á sẽ có lãi hơn. Không ai muốn bỏ qua một cơ hội để kiếm được nhiều tiền hơn", ông Putin nói thêm.
Ông Putin nhận định rằng Mỹ chưa thể thay thế được mọi hoạt động cung cấp khí đốt từ Nga
Sau khi công nghệ "phân rã thuỷ lực" bùng nổ ở Mỹ, điều đang dần khiến nước này vượt Nga trở thành nhà sản xuất khí đốt lớn nhất thế giới, Washington đã thay đổi lại lệnh giới hạn xuất khẩu khí đốt. 7 công ty đã được trao quyền xuất khẩu và rất nhiều cảng khí hoá lỏng, cần thiết cho việc xuất khẩu, đang được xây dựng.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Mỹ có thể thay thế Nga trong mọi hoạt động cung cấp khí đốt. Năm 2013, riêng tập đoàn Gazprom đã đạt mức xuất khẩu 162,7 tỉ m3 khí đốt sang châu Âu, chiếm khoảng 1/3 nhu cầu khu vực này. Để thay thế được điều đó, Mỹ phải điều chỉnh 1/4 lượng khí đốt của mình sang châu Âu. Hơn nữa, cơ sở hạ tầng để vận chuyển khí đốt từ Mỹ sang châu Âu mới chỉ được lên kế hoạch xây dựng vào khoảng năm 2017 đến 2020.
"Giá khí đốt từ Nga rất cạnh tranh, và điều quan trọng là chúng tôi đặt giá sau khi đã nghiên cứu rất kĩ những nhân tố có thể khiến nó thay đổi", tổng thống Putin nói về những hợp đồng lâu dài mà Gazprom kí kết với các khách hàng quốc tế.
Ngoài việc phân tích về khí đốt của Mỹ, ông Putin khẳng định Nga sẽ tiếp tục phát triển ngành công nghiệp năng lượng: "Chúng tôi không những có kế hoạch duy trì và phát triển vị thế của mình là một nhà sản xuất khi đốt hàng đầu, mà sẽ còn cố gắng trong việc thay đổi chất lượng trong ngành công nghiệp này".
Nga mở cảng khí hoá lỏng đầu tiền ở vùng Sakhalin vào năm 2009 và có kế hoạch mở thêm 4 cảng tương tự trong những năm tới. Tất cả đều nằm ở vùng duyên hải phía đông đất nước.
Theo ANTD
Châu Âu vẫn muốn duy trì thoả thuận khí đốt với Nga Hội đồng châu Âu (EC) hi vọng hợp đồng cung cấp khí đốt từ Nga sang Trung Quốc sẽ không làm ảnh hưởng đến thoả thuận khí đốt Nga - EU từ lâu nay, người đại diện của EC, bà Sabine Berger phát biểu vào 22/5. "Chúng tôi sẽ không đưa ra lời nhận xét gì về thoả thuận Nga - Trung Quốc....