Hệ lụy khôn lường khi Kiev dùng vũ lực ở miền đông
Các lực lượng chính phủ Ukraina bắt đầu chiến dịch trấn áp phe biểu tình ở miền đông đất nước một cách quyết liệt hơn và lần đầu tiên họ giành lại được lãnh địa.
Sau những đòn đánh mạnh tay ở trong và xung quanh Kramatorsk, binh lính Ukraina giờ đây đã chiếm lại đài truyền hình, cùng trụ sở cơ quan an ninh ở địa phương.
Ở miền đông, chiến sự cũng đang diễn ra ác liệt. Có thông tin cho biết đụng độ đã bùng phát gần Andreevka, Kostyantynivka và Sloviansk – thành trì của những người phản đối Kiev.
Lính Ukraina gần một chốt kiểm tra ở Slaviansk, đông Ukraina. (Ảnh: Reuters)
Chính phủ tạm quyền ở Kiev dường như đang quyết tâm “dẹp loạn”, nhưng liệu họ đạt được mục tiêu của mình?
Nhiều người cũng đặt câu hỏi liệu vũ lực có thể mang lại sự thống nhất cho đất nước đang chìm trong hỗn loạn này hay không, hay nó càng tiếp sức cho những chia rẽ bè phái vốn đang trầm trọng đến độ khủng hoảng?
Sau tất cả, những người thân Nga vẫn tiếp tục kiểm soát nhiều thị trấn và cơ quan công quyền ở khắp miền đông Ukraina. Và mỗi lần muốn dấn bước, chính quyền Kiev lại gặp vô số trở ngại, không ở nơi này thì ở chốn khác.
Trong vòng 24 giờ qua, các “chiến binh” thân Nga đã tập kích văn phòng của thị trưởng ở thành phố Donetsk. Còn ở cảng Mariupol thuộc miền nam, họ chiếm giữ một ngân hàng cùng trụ sở đảng Fatherland của cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko. Nhiều địa phương khác xưa kia vốn yên bình giờ cũng trở nên bất ổn.
Thành phố Odessa giờ đây chẳng khác gì một thùng thuốc súng sau những cuộc đụng độ đẫm máu giữa hai phe thân Nga và ủng hộ Kiev hôm 2/4 làm hơn 40 người mất mạng.
Tình trạng bạo lực và thương vong càng chứng tỏ sự thụ động, và có thể là cả sự bất trung, của lực lượng cảnh sát Ukraina khi họ đứng sang một bên, để mặc hỗn loạn tiếp diễn ngay trước mắt.
Những gì vừa xảy ra ở Odessa cũng cho thấy tình trạng chia rẽ ngày càng trầm trọng trong xã hội Ukraina. Những người ủng hộ Nga dường như chỉ chiếm số ít trong tổng số dân của Ukraina. Tuy nhiên, có một phân nhóm rất lớn người Ukraina ủng hộ phong trào của họ và nhiều người khác nữa dường như trung lập nhưng rốt cuộc cũng sẽ thụ động ngả về một bên.
Video đang HOT
Và giờ đây, những người thân Nga ở đông Ukraina đang lợi dụng sự trả thù cho cái chết của những người cùng phe ở Odessa như một lời kêu gọi tập hợp sức mạnh.
Quân đội Ukraina bắt đầu mạnh tay dẹp loạn ở các thành phố và thị trấn miền đông.(Ảnh: AP)
Kể từ khi lên nắm quyền hồi tháng 2, các lãnh đạo lâm thời ở Kiev đã phải đối mặt với một tình thế tiến thoái lưỡng nan trong việc dẹp bỏ những tay súng thân Nga được trang bị vũ khí “tận răng”. Lực lượng ấy giờ đây còn tiếp tục lan truyền ảnh hưởng đến phần còn lại của Ukraina.
Nếu mạnh tay trấn áp, Kiev có nguy cơ gây thương vong lớn cho dân thường và cả những người địa phương ủng hộ li khai. Nhiều người ở miền đông, mặc dù ủng hộ một Ukraina thống nhất, vẫn nhìn chính phủ mới ở Kiev với con mắt nghi ngờ, nếu không muốn nói là thù địch. Và những giọt máu rơi trên đường phố Sloviansk, Donetsk cùng nhiều thị trấn khác, với nhiều thanh niên trai tráng nằm trong số bị thương, có thể càng thổi bùng lên ngọn lửa tức giận đang âm ỉ cháy.
Nhưng nếu Kiev không làm gì, hoặc theo đuổi một cách tiếp cận thận trọng, thì những người li khai chắc chắn sẽ tiếp tục vây chiếm dần toàn bộ miền đông Ukraina, bắt cóc các con tin và cuối cùng là lập ra một nền cộng hòa tách biệt của riêng họ.
Ngoài những bất ổn và hỗn loạn ở miền đông, chính quyền Kiev còn đang phải đương đầu với một nguy cơ bị tấn công từ bên ngoài. Tổng thống Vladimir Putin từng tuyên bố Moscow có thể can thiệp bằng quân sự nếu những người nói tiếng Nga ở Ukraina bị đe dọa.
Có thể nói mục tiêu chính của Kiev vào lúc này là giữ cho Ukraina toàn vẹn. Nhưng chưa rõ chính sách nào, nếu có, có thể giúp họ thực hiện được điều này.
Thanh Hảo
Theo_VietNamNet
Những câu trả lời thuyết phục nhất của ông Putin
Tổng thống Nga Putin đã tiến hành màn hỏi đáp được truyền hình trực tiếp hôm 17/4, trả lời 81 câu hỏi của công chúng trong suốt 3 giờ 55 phút.
Cuộc khủng hoảng Ukraina là tâm điểm trong màn trả lời phỏng vấn năm nay của Tổng thống Putin. Nhà lãnh đạo này nhận được 35 câu hỏi về khủng hoảng Ukraina trong tổng số 81 câu.
Dưới đây là những câu trả lời thuyết phục nhất của người đứng đầu nước Nga trong màn hỏi đáp vừa qua, theo RT.
"[Yanukovich] không đủ dũng khí để phê chuẩn một hành động cho phép dùng vũ lực chống lại người dân"
Trả lời một câu hỏi của một cựu chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Berkut, Ukraina về việc có phải Tổng thống Ukraina bị lật đổ là Viktor Yanukovich luôn là "kẻ phản bội và yếu đuối" không, Tổng thống Putin nói, Yanukovich đã thực hiện nghĩa vụ của mình vì cho thế là đúng, thích hợp và cần thiết.
"Tôi đã nói chuyện với ông Yanukovich nhiều lần, trong suốt cuộc khủng hoảng, và sau khi ông ấy tới Liên bang Nga; chúng tôi nói chuyện về việc sử dụng vũ lực... Thực chất câu trả lời của ông ấy là, ông ấy đã nghĩ tới việc sử dụng vũ lực nhiều lần, song không đủ dũng khí để dùng vũ lực chống lại nhân dân", Tổng thống Putin trả lời.
"Faina Ivanovna thân mến, bà cần Alaska để làm gì?"
Khi được một người về hưu hỏi liệu Alaska có theo bước Crưm hay không, người đứng đầu Nga trả lời: "Chúng ta là một quốc gia ở phía bắc. 70% lãnh thổ của Nga là ở phía bắc. Chả phải Alaska ở nam bán cầu sao? Ở đó lạnh và rất ổn. Chúng ta hãy cứ để nó vậy".
Putin nói, ông biết một số người Nga gọi Alaska là "Ice-Krym" ("Krym" trong tiếng Nga nghĩa là Crưm).
"Họ không muốn thấy chúng ta ở trong PACE? Mất còn hơn thấy!"
Nga không cần cứ cố phải có mặt trong một số tổ chức quốc tế, nhưng không có ý định rời khỏi nó để phản đối, Tổng thống Putin nói.
Người đứng đầu Kremlin nhấn mạnh, có một số vấn đề trong cuộc đối thoại giữa Moscow và các đối tác châu Âu.
"Nhiều quốc gia phương Tây tự nguyện từ bỏ quyền lợi của mình với một phần tương đối lớn thuộc chủ quyền của họ. Điều đó, trong số những thứ khác, là kết quả của chính sách khối. Đôi khi, thực sự khó thương thuyết với họ về vấn đề địa chính trị".
"Rất khó để trò chuyện với những người nói chuyện thì thầm ngay ở chính trong nhà của họ, vì sợ Mỹ nghe trộm. Đây không phải là nói đùa, tôi nói nghiêm túc".
"Obama là một người đứng đắn, dũng cảm, ông ấy đã giúp tôi khỏi chết đuối"
Đáp lại câu hỏi liệu Tổng thống Mỹ có cứu ông khỏi chết đuối không, Putin trả lời, Tổng thống Mỹ là một người đứng đắn, dũng cảm và sẽ cứu ông.
Tuy nhiên, Putin nhấn mạnh, quan hệ giữa hai người không thân thiết lắm.
"Ngoài quan hệ liên chính phủ, còn có những quan hệ cá nhân, nhưng tôi không cho rằng mình có quan hệ gần gũi với Obama", Tổng thống Putin nói.
"Ông Snowden, ông là một cựu điệp viên, tôi cũng có liên quan tới việc này, vì thế chúng ta nói chuyện như người trong nghề"
Tổng thống Nga nhận được một câu hỏi từ Edward Snowden, người được Nga cấp phép tị nạn chính trị hồi tháng 8. Snowden hỏi, liệu Nga có liên quan tới "nghe trộm, lưu giữ và phân tích các dữ liệu liên lạc của hàng triệu người" hay không và liệu Tổng thống Nga có cho rằng việc kiểm soát số đông kiểu đó là công bằng và hợp pháp không.
Tổng thống Putin nhấn mạnh Snowden là một cựu điệp viên, trong khi ông cũng từng ở trong ngành tình báo, vì vậy, ông sẽ nói chuyện như những người trong nghề.
"Trước hết, chúng tôi có quy định pháp lý nghiêm ngặt về việc sử dụng hoạt động giám sát đặc biệt của cơ quan mật vụ, kể cả việc nghe lén các cuộc điện thoại, giám sát trên Internet cùng các hoạt động khác. Việc này không được thực hiện trên quy mô lớn và bừa bãi ở Nga. Và luật không cho phép làm vậy."
Ông Putin, làm Tổng thống hai nhiệm kỳ liên tiếp 2000-2008 và tái cử năm 2012, được hỏi liệu có muốn làm tổng thống cả đời không.
"Không", đó là câu trả lời của người đứng đầu nước Nga.
Hoài Linh
Theo_VietNamNet
Ukraine phải ngừng sử dụng vũ lực ở miền Đông Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh rằng chính quyền Kiev cần lắng nghe mong muốn của người dân miền đông Ukraine chứ không phải sử dụng vũ lực với họ. Ngoại trưởng Nga Lavrov (trái) và Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh gặp gỡ báo chí sáng 16/4 Trao đổi với báo giới sau hội đàm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng...