Hé lộ sự thật vụ sản phụ nguy kịch nghi vì truyền nhầm máu
Khi đang được truyền máu trong quá trình mổ tại Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây, sản phụ Nguyễn Thị Loan đã phải đưa lên cấp cứu bệnh viện tuyến trên do xuất hiện tình trạng đông máu.
Theo phản ánh của gia đình sản phụ Nguyễn Thị Loan (SN 1991, trú tại tổ 11, phường Phú Thịnh, Sơn Tây, Hà Nội), chị Loan vào Bệnh viện đa khoa Sơn Tây chờ đẻ từ ngày 11/10. Đến tối 21/10, chị Loan sinh hạ 1 cháu bé bằng phương pháp mổ đẻ.
Sau khi mổ đẻ, chị Loan bị băng huyết, có dấu hiệu xấu. Rạng sáng ngày 22/10, chị Loan được các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cắt tử cung vì bị rau tiền đạo trung tâm chảy máu. Trong quá trình phẫu thuật, chị Loan bị mất nhiều máu nên cần phải truyền máu bổ sung. Các bác sỹ đã truyền cho chị Loan tổng cộng 16 đơn vị máu (250ml/đơn vị).
Bác sỹ Nguyễn Đình Đính (trái), Phó Giám đốc BVĐK Sơn Tây, trao đổi với PV Dân trí.
Tuy nhiên, sau khi mổ lần 2, tình trạng sức khỏe của chị Loan xấu đi, có dấu hiệu đông máu, các bác sỹ đã phải chuyển chị Loan lên Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Được chẩn đoán bị đông máu nghi do truyền nhầm nhóm máu, chị Loan sau đó được chuyển sang khoa Hồi sức tích cực – Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu.
Thông tin chị Loan bị truyền nhầm máu khiến người nhà bệnh nhân hết sức bức xúc, kéo đến bao vây BVĐK Sơn Tây, yêu cầu ban lãnh đạo bệnh viện phải giải thích rõ và hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi được cấp cứu tại BV Bạch Mai, đến nay, sản phụ Loan đã qua cơn nguy kịch và đang dần hồi phục.
Trao đổi với PV Dân trí, bác sỹ Nguyễn Đình Đính, Phó Giám đốc BVĐK Sơn Tây, cho biết, không hề có việc BVĐK Sơn Tây truyền nhầm máu cho sản phụ như thông tin trong dư luận những ngày vừa qua.
Theo bác sỹ Đính, khi nhập viện (ngày 11/10), chị Loan đã được làm xét nghiệm xác định chị mang nhóm máu B. “Chị Loan nhập viện trong tình trạng thai 38 tuần, bị rau tiền đạo trung tâm. Sau khi mổ lấy thai (tối 21/10), các bác sỹ chẩn đoán chị Loan bị rau tiền đạo trung tâm chảy máu, có dấu hiệu rối loạn đông máu, phải mổ cắt tử cung bán phần để cầm máu”, bác sỹ Đính cho hay.
Do sản phụ mất nhiều máu, các bác sỹ đã truyền máu cho sản phụ. Tổng số trước, trong và sau khi mổ, chị Loan đã được truyền 16 đơn vị máu. “Tất cả các đơn vị máu được truyền đều là máu nhóm B và trước khi truyền đã được thử phản ứng chéo để xác định có phù hợp với máu của sản phụ hay không”.
Video đang HOT
Sau khi mổ lần thứ 2, tình trạng chị Loan có khá hơn. Song, các bác sỹ tiên lượng tình trạng của chị có thể xấu đi do vẫn có dấu hiệu rối loạn đông máu nên đã chuyển chị lên BV Phụ sản Hà Nội. BV Phụ sản Hà Nội sau đó đã chuyển sản phụ Loan sang BV Bạch Mai cấp cứu do nghi truyền nhầm nhóm máu.
“Chiều ngày 29/10, đại diện Bộ Y tế cùng với lãnh đạo Viện huyết học truyền máu Trung ương, BV Bạch Mai, BV Phụ sản Hà Nội, BVĐK Sơn Tây đã tiến hành hội chẩn, kết luận nhóm máu của chị Loan là nhóm máu B và BVĐK Sơn Tây không truyền nhầm nhóm máu”, bác sỹ Đính thông tin.
Tiến Nguyên
Theo Dantri
Hà Nội: Chấn động scandal bệnh viện truyền nhầm máu sản phụ
Khi đang truyền 6 bịch máu trong quá trình mổ tại Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây - Hà Nội vào ngày 22/10, sản phụ Nguyễn Thị Loan, 22 tuổi, trú tại xã Phú Thịnh - Sơn Tây đã xảy ra tình trạng đông máu, phải đi cấp cứu ở bệnh viện trung ương trong tình trạng nguy kịch. Tại đây, các bác sĩ đã chẩn đoán chị Loan có thể đã bị truyền nhầm nhóm máu nên đã dẫn đến tình trạng máu đông.
Truyền máu cho bệnh nhân khi chưa kiểm tra
Đêm ngày 22/10, sản phụ Nguyễn Thị Loan được các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cắt tử cung vì bị bệnh rau tiền đạo. Trong quá trình phẫu thuật, chị Loan bị mất nhiều máu nên cần phải truyền bổ sung.
Các bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây đã truyền cho chị Loan tổng cộng 17 bịch máu (250ml/ bịch), trong đó có 7 bịch là do người nhà cho máu, 4 bịch của bệnh viện Sơn Tây và 6 bịch lấy từ bệnh viện Đa khoa Ba Vì, Bệnh viện 105.
Khi đang tiến hành truyền máu cho chị Loan thì các bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây đã phải chuyển chị Loan lên Bệnh viện Phụ Sản Trung ương trong tình trạng khả nghi là truyền nhầm nhóm máu.
Các bác sĩ ở bệnh viện Phụ sản Trung ương đã chẩn đoán bệnh nhân Nguyễn Thị Loan, 22 tuổi bị đông máu, nghi là do truyền nhầm nhóm máu nên đã chuyển ngay sang khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Bạch Mai để tiến hành cấp cứu.
Sự việc đã khiến cho người nhà bệnh nhân hết sức bức xúc, kéo đến bao vây bệnh viện đa khoa Sơn Tây yêu cầu ban lãnh đạo bệnh viện phải giải thích rõ và hoàn toàn chịu trách nhiệm về hành động sai trái này của mình.
Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây - Hà Nội, nơi phẫu thuật cho chị Nguyễn Thị Loan vào ngày 22/10.
Ngày 29/10, một bác sĩ ở khoa Xét nghiêm - Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây cho biết: "Sản phụ Nguyễn Thị Loan được truyền tổng cộng 17 bịch máu, trong đó có 6 bịch máu lấy từ bệnh viện khác đến nhưng chưa được kiểm duyệt xem có phản ứng với máu của bệnh nhân hay không mà lãnh đạo bệnh viện đã ký duyệt truyền cho sản phụ Loan.
Khi đang truyền thì xảy ra sự việc buộc phải chuyển sản phụ Loan đi cấp cứu trong tình trạng hết sức nguy kịch. Lúc đó, Sở Y tế Hà Nội cũng cử đại diện xuống bệnh viện, không biết thế nào".
Theo vị bác sĩ này cho biết, nếu đúng quy trình thì với bất kỳ trường hợp nhập máu từ ngoài vào (kể cả đó là bệnh viện ngoài) cũng phải nhập qua Khoa Xét nghiệm để thử từng bịch xem có phản ứng kết tỏa với máu của bệnh nhân hay không.
Nhưng 6 bịch máu nhập từ bệnh viện Ba Vì và bệnh viện 105 truyền cho chị Loan thì không thực hiện quy trình này mà đem ra vào truyền luôn. Sau đó thì xảy ra chuyện.
"Chính ông Nguyễn Đình Đính - Phó Giám đốc của Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây là người ký duyệt cho vào truyền luôn mà bỏ qua xét nghiệm. Nhưng khi trả lời báo chí, ông Đính lại cho rằng sự việc này là lỗi trực tiếp tại Khoa Xét nghiệm và những người xét nghiệm trong khi những người trong khoa không được tiếp nhận kiểm tra 6 bịch máu này", vị bác sĩ này nói thêm.
Nguồn tin riêng của báo tại bệnh viện Bạch Mai xác nhận: "Ngày 22/10, bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Thị Loan, 22 tuổi chuyển từ bệnh viên Phụ sản Trung ương sang trong tình trạng nguy kịch.
Trong giấy chuyển viện có ghi là nghi ngờ do truyền nhầm nhóm máu từ tuyến dưới chuyển lên. Qua thời gian cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai, chúng tôi đã tiến hành hội chẩn chuyên môn".
Hàng loạt sai phạm
Ông Nguyễn Đình Đính - PGĐ Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây cho biết: ' Sự việc này trước tiên liên quan đến những người trực tiếp tham gia. Đặc biệt là người xác định nhóm máu và người thực hiện truyền máu".
Theo quy định, việc kiểm tra nhóm máu để phát cho bệnh nhân trải qua 2 phương pháp là huyết thành mẫu và hồng cầu mẫu.
Nhưng hóa chất dùng để xét nghiệm hồng cầu mẫu ở bệnh viện đa khoa Sơn Tây đã hết từ ngày 21/9 nên chính vì thế trong hơn 1 tháng trở lại đây thì Khoa Xét nghiệm chỉ sử dụng 1 phương pháp huyết thành mẫu để xét nghiệm cho bệnh nhân, trong đó có bệnh nhân Nguyễn Thị Loan.
Ông Nguyễn Đình Đính - PGĐ Bệnh viện Sơn Tây là người trực tiếp ký truyền máu cho chị Loan mà không qua xét nghiệm.
Lý giải về sự việc chỉ sử dụng 1 phương pháp để xét nghiệm, các bác sĩ ở bệnh viện Đa khoa Sơn Tây cho biết vì quá trình lấy hóa chất ở Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương gặp khó khăn.
Trong quy trình xác định nhóm máu của ngành Y tế, thì việc định danh nhóm máu ở đầu giường mỗi bệnh nhân ở bệnh viện Đa khoa Sơn Tây cũng chưa được thực hiện.
Tất cả những quy trình trong việc xét nghiệm, truyền máu ở bệnh viện Đa khoa Sơn Tây chỉ được nhân viên tự ý tìm hiểu, lấy lại từ mạnh internet rồi gián lên tường chứ chưa có văn bản cụ thể nào từ phía ban lãnh đạo bệnh viện.
Thế nhưng, ông Nguyễn Đình Đính lại thanh minh rằng: "Việc triển khai trên lý thuyết là có còn việc thực hiện như thế nào là chuyện của nhân viên. Trong các cuộc giao ban chúng tôi vẫn đôn đốc nhân viên là phải thực hiện làm đúng quy trình".
Câu trả lời này khiến cho nhiều nhân viên trong bệnh viện không khỏi băn khoăn khi ban giám đốc bệnh viện không ban hành quy trình cụ thể vậy thì căn cứ vào đâu để bắt nhân viên làm đúng, đến khi xảy ra chuyện thì lại đổi tội cho nhân viên của bệnh viện.
Theo các cán bộ ở bệnh viện Đa khoa Sơn Tây, sự việc này diễn ra cả chục năm nay, hàng năm các đoàn thanh tra của Sở Y tế Hà Nội vẫn xuống kiểm tra bệnh viện, tại sao không phát hiện ra những sai phạm sơ đẳng này mà vẫn buông lỏng cho bệnh viện hoạt động?
Hàng loạt sai phạm chấn động vừa xảy ra tại bệnh viện Hoài Đức, thẩm mỹ viện Cát Tường. Đến vụ việc tại bệnh viện Đa khoa Sơn Tây, dư luận cần câu trả lời cá nhân nào chịu trách nhiệm tại Sở Y tế Hà Nội? Theo các đại biểu quốc hội, quy định về quy trách nhiệm người đứng đầu đã rõ. Người đứng đầu Sở Y tế Hà Nội là ông Nguyễn Khắc Hiền vẫn chưa lên tiếng trong các vụ việc vừa qua.
Theo Đất Việt
Nóng 24h: Truyền nhầm máu sản phụ; đón chào công dân 90 triệu BV truyền nhầm máu sản phụ; BS Tường không bị khởi tố tội Giết người; chào đón công dân thứ 90 triệu... là những thông tin đáng chú ý trong ngày 1/11. Hình ảnh tổng hợp tin tức trong ngày Chào đón công dân thứ 90 triệu của Việt Nam Bé Nguyễn Thị Thùy Dung, chào đời lúc 2h45 sáng 1/11, nặng 3,2...