Hé lộ những ngày cuối đời của tử tù Nguyễn Đức Nghĩa
Khi biết mình phải chịu tử hình bằng tiêm thuốc, Nghĩa tỏ ra buồn chán, đêm thường không ngủ, hoặc ngủ rất ít. Có hôm tử tù này thức đến 2 – 3g sáng rồi ngồi trầm tư.
Quản giáo kể chuyện về tử tù Nguyễn Đức Nghĩa
Trong số những tử tù mà quản giáo Lê Trung Hà trông coi có Nguyễn Đức Nghĩa. Ngay từ những ngày đầu mới bị bắt giam, anh là người được giao trông coi, cho đến thời điểm hiện tại. Anh bảo, ngày nào cũng vào trò chuyện với Nghĩa.
Nguyễn Đức Nghĩa đã bị thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc.
“Lần đầu gặp Nghĩa trong buồng giam, tôi không tin được cậu trai đeo mắt kinh cận dày cộp đang ngồi run lẩy bẩy chính là kẻ thủ ác mà báo chí và vác phương tiện thông tin đã đăng tải trong suốt một thời gian dài về hành vi giết người dã man. Hôm đầu tiên gặp quản giáo, Nghĩa không nói được gì, chỉ ngồi cúi gằm mặt. Mang đồ ăn đến, Nghĩa cũng không chịu ăn, ban đêm cũng không chịu ngủ…”, anh Hà nhớ lại.
Nắm được tâm trạng của Nghĩa, anh Hà bảo khi vào đã không nhắc gì đến chuyện gây án mà chỉ vào nói chuyện động viên. Anh nói rằng: “Sự việc xảy ra như thế rồi, em cố gắng nghỉ ngơi và hợp tác với cán bộ điều tra, nếu may mắn sẽ được hưởng sự khoan hồng của pháp luật”. Nghe câu nói của anh Hà, Nghĩa khóc òa như một đứa trẻ. “Vừa khóc, Nghĩa vừa mếu máo nói rằng thương bố mẹ đã cho mình ăn học, giờ gây ra tội lỗi thế này không biết phải làm sao nữa”, anh Hà nói.
Hàng ngày Nghĩa bị cùm chân, khi đến giờ mới được cán bộ đưa đi lao động, vệ sinh cá nhân. Cán bộ quản giáo cũng cho hay để đảm bảo sức khỏe cho tử tù này, anh đều động viên để Nghĩa không bỏ bữa ăn.Nhiều lần trong buồng giam, Nghĩa tỏ rõ ý định không muốn sống. Mỗi lần như vậy, anh Hà đều vào nói chuyện, động viên đồng thời tăng cường kiểm tra để phòng trường hợp Nghĩa tự gây sát thương.
Vài lần khi có mẹ và chị gái đến thăm, tinh thần Nghĩa có khá hơn nhưng chỉ được một hai ngày sau tử tù này lại suy sụp. Đặc biệt, khi biết mình phải chịu tử hình bằng tiêm thuốc độc, Nghĩa càng tỏ ra buồn chán, đêm thường không ngủ, hoặc ngủ rất ít, tới khoảng 2, 3 giờ sáng lại thức dậy ngồi trầm tư.
Tâm sự với phóng viên, cán bộ quản giáo Lê Trung Hà bảo điều khó nhất mà mỗi cán bộ quản giáo cần làm không phải trông coi thể xác của phạm nhân mà chính là nắm được phần hồn của họ, làm sao “chạm” được vào góc tâm hồn mà họ đang cố giấu, có như vậy mới là thành công.
Mỗi phạm nhân là một câu chuyện đời
Lê Trung Hà được cử về công tác tại trại tạm giam số 1 ( Xuân Phương, Từ Liêm, Hà Nội) từ năm1995. Anh tâm sự, thời gian đầu mới vào trại giam hết sức bỡ ngỡ vì ở đây toàn giam những phạm nhân gây trọng tội, trong đó có nhiều tội phạm hết sức liều lĩnh, nguy hiểm. Lúc này, anh chưa có nhiều kinh nghiệm.
Đại úy Lê Trung Hà.
Sau nhiều năm công tác trong ngành, hiện nay, nam quản giáo 41 tuổi này đang được giao trông coi 28 tử tù chờ đến ngày phán quyết vì những tội lỗi họ gây ra. Gần 8g sáng hàng ngày, anh lại điểm danh các can phạm và người bị tạm giữ, nắm tình hình các buồng giam do mình quản lí và thực hiện công tác chỉ huy, tổ chức đi cung phục vụ công tác tố tụng.
Video đang HOT
“Mỗi phạm nhân trong buồng giam là một câu chuyện đời. Mỗi mảnh đời không ai giống ai. Là cán bộ quản giáo, không chỉ riêng tôi, các các bộ khác cũng đều phải lắng nghe những suy nghĩ, nắm bắt được tư tưởng của họ để kịp thời khuyên giải tránh để những phạm nhân bị kích động hoặc buồn bã mà dẫn tới những hành động tự làm thương tổn bản thân”, anh Hà chia sẻ.
Đại úy Hà nói, mỗi cán bộ quản giáo như một giáo viên tâm lí. Công việc chính của họ không chỉ là trông coi phạm nhân mà còn phải cảm hóa, giáo dục tư tưởng. Với mỗi trường hợp cần có một “giáo án” riêng để phân giải nhằm tạo sự thân thiện, tin tưởng để họ hợp tác với cơ quan điều tra, yên tâm cải tạo để hưởng sự khoan hồng của pháp luật, sớm trở về với gia đình.
Nam quản giáo cũng cho biết, trong trại tạm giam số 1 của công an Hà Nội, ngoài số người có án, các bị an nằm trong các vụ án chờ xét xử còn có người mang án tử hình. “Khó khăn nhất chính là việc trông coi những phạm nhân bị tội tử hình vì tâm lí của họ rất bất ổn, sẵn sàng tự sát bất cứ lúc nào nếu không được trông coi cẩn thận”, quản giáo Hà nói.
Theo Megafun/Zing News
Bí ẩn, Hỏa Lò...: Từ Hỏa Lò đến "Hỏa Lò mới"
Một kế hoạch chuyển tù lớn, cho đến thời điểm này là duy nhất trong lịch sử Công an TP Hà Nội, bốc 1.800 phạm nhân ở Trại giam Hòa Lò đến Trại giam mới được Công an TP Hà Nội chuẩn bị cực kỳ kỹ lưỡng và khoa học.
93 năm kể từ năm 1896 khi chính quyền thực dân Pháp đặt viên gạch đầu tiên xây dựng - từ Maison Centrale đến "Khách sạn Vỡ tim" rồi Trại giam Hỏa Lò - nhà số 1 phố Hỏa Lò, Hà Nội đã chính thức khép lại nhiệm vụ của nó, nhiệm vụ của một trại giam.
Từ năm 1994, phần lớn khối bê tông cốt thép mà ngày xưa, chính quyền thực dân đã phải cầu kỳ đưa từ chính quốc sang với những yêu cầu tối ngặt nghèo về độ an toàn, đã bị thổi bay. Mọc lên trên nền cũ của nhà giam là Tòa tháp Hà Nội (Ha Noi Tower), cao lừng lững bao trọn mặt tiền của hai con phố Lý Thường Kiệt - Thợ Nhuộm.
Hỏa Lò chỉ còn lại một phần diện tích nhỏ ở góc phía Đông Nam, nơi là cổng chính ngay từ thời Pháp thuộc, được giữ lại và trở thành di tích lịch sử và Đài tưởng niệm các chiến sĩ cách mạng bị tù đày, mở cửa suốt ngày cho khách vào tham quan, để hiểu thêm và tự hào về truyền thống đấu tranh bất khuất của những nhà CHÍ SĨ yêu nước.
Điều ấy, hẳn nhiều người đã biết.
Nhưng hậu trường của cuộc chuyển đổi từ Nhà tù Hỏa Lò thành Ha Noi Tower, từ Hỏa Lò đến "Hỏa Lò mới" thì không hẳn ai cũng tỏ tường...
1. Sau ngày 10/10/1954, Hà Nội giải phóng, chính quyền cách mạng vẫn sử dụng Hỏa Lò làm địa điểm giam giữ những người vi phạm pháp luật trên địa bàn Thủ đô. Hỏa Lò tiếp tục làm nhiệm vụ của một nhà giam sau ngày hòa bình lập lại. Con phố Hỏa Lò với duy nhất nhà số 1 vẫn là nỗi sợ hãi, không chỉ với đám "đầu gấu", "đầu mèo" ở Thủ đô mà ngay cả những người bình thường, khi có việc phải đi ngang con phố này, cũng cảm thấy lành lạnh sống lưng.
Câu ca dao đời mới, nghe nói của một "đầu gấu", ra vào Hỏa Lò như cơm bữa vì những vi phạm pháp luật hình sự, nghe đã thấy não nề: "Ai đưa tôi đến chốn này/ Bên kia tòa án, bên này nhà giam".
Hà Nội, trong sự chuyển mình sau giải phóng, mỗi ngày một to đẹp hơn. Đó là sự cố gắng, phấn đấu của cả bộ máy chính quyền và mỗi người dân Thủ đô. Trong bức tranh Thủ đô vừa cổ kính, thâm nghiêm, hào hoa vừa hiện đại, hình ảnh một trại giam với những bức tường đá xám xịt ôm trọn 4 con phố chính giữa trung tâm Thủ đô, có vẻ như không được đẹp.
Phần nữa, dù được chính quyền thực dân xây dựng một cách kiên cố với yêu cầu ngặt nghèo về độ bền của nguyên vật liệu nhưng trải qua gần trăm năm vận hành, Trại giam Hỏa Lò bị xuống cấp nghiêm trọng. Nhất là vào những năm cuối 1980, khi ấy tính tuổi, Hỏa Lò đã bắt đầu bước qua tuổi bát thập. Gần trăm năm chống chọi, dãi dầu với nắng mưa, cho đến thời điểm đó, cơ sở vật chất của Trại giam Hỏa Lò đã bị xuống cấp trầm trọng. Trần buồng giam, mục đến mức, phạm nhân có thể chọc thủng được.
Một góc trại giam Hà Nội mà người dân vẫn quen gọi là Hỏa Lò mới.
Hoàng Văn Tiến (biệt danh Tiến "phỉ", quê ở Gia Lâm, Hà Nội), một phạm nhân bị giam tại buồng giam số 8 vì tội cướp, đêm 21/2/1990 đã trốn thoát khỏi Hỏa Lò, nhờ vào trần buồng giam bị mục. Hoàng Văn Tiến với sự hỗ trợ của một phạm nhân khác đã dùng quần dài túm lại buộc vào chấn song cửa sổ để đu lên đục trần. Trần bằng vôi rơm, được xây dựng từ hàng trăm năm trước, vốn đã mục, nay Tiến chỉ cần dùng sức người là dỡ được ra.
Rồi cứ thế, Tiến chạy theo đường mái ngói từ buồng 8 sang khu bếp rồi ra chòi gác số 2. Từ đây, Tiến "phỉ" dùng chăn vắt qua đường dây điện trần bảo vệ để nhảy xuống đường tuần tra trong trại. Để an toàn ra cổng, Tiến "phỉ " đã vào khu nhà làm việc của cán bộ, lấy bộ cảnh phục của anh em giặt phơi ngoài sân, mặc vào rồi tiện tay dắt luôn cả chiếc xe đạp ở đấy đường hoàng đi ra cổng.
Sau này, nghe kể, đến cổng, Tiến "phỉ" còn bình thản dừng lại, ghé vào chốt gác xin đồng chí cảnh sát bảo vệ thuốc lá, châm lửa hút phì phèo rồi mới lên xe phóng đi. Nhiều năm sau, phải dày công truy tìm, qua nhiều nguồn tin quần chúng, Công an TP Hà Nội mới tìm ra Tiến "phỉ" tại một tỉnh phía Nam và Thượng tá Nguyễn Thanh Hùng - Trưởng phòng Truy nã tội phạm - khi ấy đang là Phó trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự chính là người bắt giữ Tiến "phỉ". Tiến "phỉ" đã ra tù và đang làm chủ một nhà hàng ở ngoại thành Hà Nội.
Cũng tại một buồng giam chung ở Hỏa Lò, một phạm nhân khác, lợi dụng việc một bức tường sửa chữa, ngay khi vữa còn chưa kịp khô đã đào tường để ra ngoài buồng giam. Từ đây ra được đến cổng còn phải vượt qua nhiều trạm gác nữa và đối tượng này đã tìm được cách đào thoát ngoạn mục. Ấy là đợi lúc một cán bộ trại giam đi ngang qua, phạm nhân này lững thững theo sau. Cứ thế, lững thững ra cổng chính rồi biến mất hút, lẫn vào dòng người trên phố...
2. Vì tất cả những lý do như đã nêu trên, cho đến cuối những năm 80 đầu 90 của thế kỷ trước, Hà Nội đã có kế hoạch sẽ di dời Hỏa Lò ra khỏi trung tâm thành phố đến một địa điểm khác. Quá trình lựa chọn địa điểm cho một "Hỏa Lò mới" được tiến hành hết sức kỹ lưỡng.
Hai địa điểm đã được giới thiệu để lựa chọn nhưng rồi do cả hai đều không thể đáp ứng được yêu cầu xây dựng một trại giam mới nên thôi. Một là khu đất rộng mênh mông ở Sóc Sơn. Nơi này đất rộng nhưng khô cằn. Đã thế, quãng đường từ đó về Hà Nội, chạy ôtô cũng phải mất... 2 tiếng. Nếu hàng ngày đưa phạm nhân về tòa án ở trung tâm Hà Nội xét xử - cả cán bộ dẫn giải lẫn phạm nhân - để đảm bảo cho 8 giờ sáng có mặt tại phiên tòa, thì phải đi từ lúc gà gáy. Cán bộ điều tra, kiểm sát viên, luật sư... đến làm việc với phạm nhân cũng phải đi quá xa.
Địa điểm thứ hai là một khu đất rộng ở Đông Anh. Nơi này, về khoảng cách thì gần hơn so với điểm Sóc Sơn nhưng về Hà Nội, tính đường chim bay cũng gần ba chục cây số. Nhưng đường vào đây lại rất khó đi, nhất là vào mùa mưa.
Cuối cùng, nơi được chọn là một khu đất khá rộng 10 ha ở xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, cách trung tâm Hà Nội 13 km. Địa điểm này đảm bảo tương đối tốt các yêu cầu xây dựng trại mới.
Hỏa Lò mới xây xong cũng là lúc kế hoạch chuyển phạm từ Hỏa Lò cũ đến đây đã được Công an TP Hà Nội hoàn tất. Kế hoạch này được đặt tên là G93.
Nghe tên thì ngắn gọn, giản đơn vậy nhưng khó mà kể được hết toàn bộ cả núi công việc mà các cán bộ chiến sĩ Công an TP Hà Nội đã phải làm trước và trong kế hoạch. Mà việc nào, dù là nhỏ, cũng phải làm một cách hết sức cụ thể, chi tiết.
Ví như, việc khảo sát tuyến đường từ Hỏa Lò cũ đến Hỏa Lò mới chẳng hạn. Độ dài tuyến đường thực tế phải được đo cụ thể: 13 km, chạy từ đông sang tây thành phố. Trên đường, có bao nhiêu điểm dễ gây ùn tắc như kiểu ngã tư Cầu Giấy, Cầu Diễn; có bao nhiêu điểm chắn tàu. Giờ di chuyển, bắt buộc phải không trùng với giờ các đoàn tàu ra, vào ga Hà Nội đi qua các điểm chắn đó để xe ôtô không phải chờ đợi, ùn tắc...
Ví như, thời gian để hoàn tất việc chuyển phạm nhân từ trại cũ đến trại mới, tất tần tật mất bao nhiêu phút, từ đó mới tính toán được tổng thời gian của cuộc di chuyển. Nghe nói, vào thời điểm ấy, các cán bộ Công an Hà Nội đã nhiều lần phải thực tập làm công việc này - từ việc xuất phạm khỏi trại cũ (gọi tên phạm từ buồng giam ra, đối chiếu danh sách, đảm bảo các yêu cầu an toàn dẫn giải, tập trung đưa ra xe đến trại mới) đến việc nhập phạm vào trại mới (đọc tên, dẫn xuống xe, đối chiếu danh sách, đưa vào buồng giam) - với những chiếc... đồng hồ bấm giây trên tay.
Sau năm 1993, phần lớn nhà tù Hỏa Lò đã bị phá bỏ để xây tòa tháp Hà Nội (HaNoi tower).
Ví như, trên cả chặng đường 13 km, ngoài lực lượng trực tiếp tham gia dẫn giải, lực lượng trực tiếp bảo vệ thì còn bao nhiêu điểm cần lực lượng ứng trực để làm sao đảm bảo nếu có sự cố thì công tác tương trợ, phối hợp sẽ nhanh nhất, chuẩn nhất, đạt hiệu quả cao nhất.
Nhưng căng thẳng nhất có lẽ là kế hoạch để ứng phó với các tình huống phát sinh. Kế hoạch này cũng đã được các cán bộ công an giỏi nghiệp vụ và dày kinh nghiệm lường trước cùng với những phương án xử lý hết sức cụ thể. Đó là các phương án xử lý khi đoàn xe chuyển phạm đang di chuyển mà gặp ùn tắc giao thông; khi xe đột ngột chết máy trên đường; khi mất điện và phạm nhân gây lộn xộn; khi phạm nhân gây rối và tập kích cướp phạm.
Một kế hoạch chuyển tù lớn, cho đến thời điểm này là duy nhất trong lịch sử Công an TP Hà Nội, bốc 1.800 phạm nhân ở Trại giam Hòa Lò đến Trại giam mới được Công an TP Hà Nội chuẩn bị cực kỳ kỹ lưỡng và khoa học. Kỹ lưỡng đến cả tình huống sẽ phải đặt xe chữa cháy ở những điểm nào để nếu có sự cố cháy xảy ra ở bất cứ điểm nào trên cả đoạn đường 13 km này thì xe cứu hỏa sẽ đến được chỉ sau... 3 phút.
Đúng 19 giờ 30 phút ngày 16/3/1994, toàn bộ các phương tiện vận chuyển và các lực lượng bảo vệ phục vụ cuộc chuyển tù lớn nhất trong lịch sử Công an Hà Nội, đã tập kết đầy đủ ở Cung Văn hóa hữu nghị Việt - Xô. Cùng thời điểm đó, tại cả hai đầu Trại Hỏa Lò cũ và Hỏa Lò mới cùng tất cả các điểm chốt trên tuyến đường 13 km và những vùng lân cận, tất cả các lực lượng đều đã sẵn sàng.
21 giờ, Đại tá Vũ Đình Hoành - lúc đó là Phó giám đốc Công an TP Hà Nội - ra lệnh kiểm tra tổng thể lần cuối cùng.
Đúng 22 giờ, cuộc chuyển tù lớn nhất trong lịch sử Công an Hà Nội bắt đầu.
Đêm buông xuống nhưng trước cổng nhà số 1 phố Hỏa Lò sáng rực bởi những chiếc đèn pha mới được Phòng Hậu cần Công an TP lắp thêm hồi sáng mà những người dân vô tình đi qua đây hoặc tới thăm, gặp người nhà cứ ngỡ là của một đoàn làm phim nào đó.
Rời Hỏa Lò cũ trong chuyến đầu tiên là 6 bị án tử hình. Chuyến xe đầu tiên chuyển bánh là lúc 22 giờ 15 phút.
Đúng 5 giờ kém 15 phút ngày 17/3, phạm nhân cuối cùng của Hỏa Lò cũ "nhập" Hỏa Lò mới an toàn. Thời gian sớm hơn kế hoạch ít phút.
Nhà số 1 phố Hỏa Lò, khi ấy, lần đầu tiên trong lịch sử gần 100 năm tồn tại bỗng trở nên vắng vẻ đến lạ kỳ. Bên ngoài cánh cổng sắt, vẫn im ỉm khóa, người ta thấy có 1 tấm biển thông báo trại đã chuyển xuống địa điểm mới tại xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội.
Để rồi, chỉ ít lâu sau, trên nền của phần lớn Hỏa Lò cũ, một liên doanh nước ngoài đã cho khởi công một tòa tháp mang tên Tháp Hà Nội (HaNoi Tower). Nhà số 1 Hỏa Lò chỉ còn nguyên trạng một góc phía đông nam, nơi là cổng chính ngay từ thời Pháp thuộc, được giữ lại và trở thành di tích lịch sử và Đài tưởng niệm các chiến sĩ cách mạng bị tù đày, mở cửa suốt ngày cho khách vào thăm quan, để hiểu thêm và tự hào về truyền thống đấu tranh bất khuất của các chiến sĩ cách mạng.
Khu trại giam mới ở xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, được gọi tên trong các văn bản, giấy tờ là Trại tạm giam Công an TP Hà Nội. Nhưng người dân thì vẫn quen miệng gọi đó là Hỏa Lò.
Thế nên, 6 năm sau đó, vào đêm 28/10/2001, khi xảy ra vụ trốn tù của 2 bị án tử hình ở đây thì người dân vẫn truyền nhau thông tin rằng tù Hỏa Lò, trốn trại.
Và, chiến dịch truy lùng 2 tử tù trốn trại ròng rã suốt 17 ngày đêm, chiến dịch mà khi thành công, Công an TP Hà Nội không dám nhận đó là chiến công mà chỉ coi là việc phải làm vì danh dự của Công an Thủ đô và vì sự nghiêm minh của pháp luật, sẽ được tiếp tục kể hầu bạn đọc ở phần sau...
Theo Đặng Huyền
An ninh thế giới
Bọ xít hút máu lại tấn công Khoảng hơn tháng nay, bọ xít hút máu người đã bất ngờ xuất hiện trở lại sau hơn 4 năm. Nhiều người dân Hà Nội đã quên vụ côn trùng này gây "náo loạn" thủ đô và lơi lỏng đề phòng, trong khi chúng nguy hiểm hơn, đang rình rập dưới chân giường, kẽ tủ. Độc hơn, hại hơn Ở Hà Nội, vài...