Hé lộ nhiều bí quyết mới trong chẩn đoán và điều trị ung thư
Đừng vội bi quan khi mắc bệnh hiểm nghèo, kể cả các loại ung thư, bởi hiện nay, y học điện quang và y học hạt nhân ở Việt Nam đang có những bước tiến mạnh mẽ trong chẩn đoán chính xác và điều trị hiệu quả.
Nhiều bệnh nhân ung thư đã được điều trị khỏi hoàn toàn. Điều này đã được khẳng định tại hội nghị quốc tế về điện quang và y học hạt nhân diễn ra tại Đà Nẵng, với các công bố mới nhất của các chuyên gia trong lĩnh vực này.
Ứng dụng y học hạt nhân trong điều trị ung thư ở Bệnh viện Bạch Mai
Những kết quả ý nghĩa
Chụp cộng hưởng từ là một trong những phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện đại, giúp xác dịnh chính xác tình hình bệnh. Nhưng với việc áp dụng, nghiên cứu ứng dụng, các chuyên gia còn đưa ra những đánh giá mới rất quan trọng, làm cơ sở giúp các thầy thuốc áp dụng trong khám, chữa bệnh.
Với gần 50 trường hợp ung thư vòm họng được nghiên cứu trong 3 năm (2016-2019), bác sĩ Lâm Đông Phong và cộng sự đã rút ra kết luận: Cộng hưởng từ thường quy và cộng hưởng từ khuếch tán với bản đồ ADC có giá trị cao trong chẩn đoán và phân loại giai đoạn của ung thư vòm họng. Không chỉ vậy, cộng hưởng từ thường quy còn cho phép xác định chính xác vị trí các nhóm hạch cổ.
Từ nghiên cứu thực tế trong các năm 2016-2019, các bác sĩ Nguyễn Thị Xoan, Nguyễn Duy Hùng của Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Việt Đức đã sử dụng cộng hưởng từ để chẩn đoán chấn thương đám rối thần kinh tay và khẳng định: Cộng hưởng từ có giá trị phát hiện vị trí, mức độ tổn thương đám rối thần kinh tay trước phẫu thuật.
Cũng từ 2 đơn vị y nghiên cứu khoa học y tế hàng đầu là Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Việt Đức, các bác sĩ Bạch Công Hưng, Lê Thanh Dũng đã chứng minh được hiệu quả và độ an toàn của phương pháp điều trị nút mạch ung thư biểu mô tế bào gan bằng hỗn hợp cồn tuyệt đối và Lipiodlo.
GS.TS. Mai Trọng Khoa – Phó Chủ tịch Hội Điện quang và Y học hạt nhân Việt Nam – trình bày các kết quả trong điều trị ung thư bằng y học hạt nhân
Ung thư gan giai đoạn tiến triển xâm lấn gây huyết khối tĩnh mạch cửa có tiên lượng xấu, điều trị rất khó khăn. Vì thế, kết quả nghiên cứu và điều trị của các bác sĩ của Trung tâm điện quang (Bệnh viện Bạch Mai) rất có ý nghĩa với cả bệnh nhân và thầy thuốc, khi kết luận việc điều trị căn bệnh này bằng nút mạch hóa dầu kết hợp truyền cisplatin, là có thể xem xét lựa chọn, vì kết quả đáp ứng khả quan.
Chụp X-quang phổ có tiêm thuốc cản quang (CESM) đang là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh mới phát triển vài năm qua. Nhưng các bác sĩ của Bệnh viện Quân đội 108 còn chủ động nghiên cứu về vai trò của CESM trong chẩn đoán ung thư vú. Kết quả nghiên cứu trên 50 bệnh nhân cho thấy CESM có độ chẩn đoán chính xác cao và có thể coi là một xét nghiệm hữu ích để đánh giá ban đầu các tổn thương vú.
Đột phá của y học hạt nhân
Y học hạt nhân đang có những bước tiến “vũ bão”, tạo nên sự đột phá trong chẩn đoán và điều trị ở Việt Nam – đặc biệt là trong ung thư. GS.TS. Mai Trọng Khoa – Phó Chủ tịch Hội Điện quang và Y học hạt nhân Việt Nam – một trong những chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực này, cho biết: Nhiều kỹ thuật tiên tiến có sử dụng bức xạ ion hóa trên thế giới đã được ứng dụng thành công, để chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư cùng nhiều bệnh lý khác tại Việt Nam, mà Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai) là một điển hình.
Trong chẩn đoán, hầu hết các kỹ thuật hiện đại đã được sử dụng thường quy ở Việt Nam, như siêu âm màu 3D, 4D, CT đa lớp cắt; chất chỉ điểm khối u trong máu, đếm tế bào u trong máu, xét nghiệm phát hiện các đột biến gen.
Video đang HOT
GS. Khoa cho biết thêm: Còn trong điều trị, hầu hết các kỹ thuật và phương pháp mới trên thế giới cũng được áp dụng ở Việt Nam: phẫu thuật tiên tiến, phẫu thuật robot, điều trị trúng đích, điều trị nội tiết, quang động học, gen trị liệu, tế bào gốc, điều trị miễn dịch và miễn dịch phóng xạ, xạ trị, xạ phẫu bằng sao Gamma và dao gamma quay, xạ trị trong chọn lọc, cấy hạt phóng xạ vv…
PGS.TS. Phạm Cẩm Phương – Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân – Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai) thông tin về những kết quả mới trong điều trị ung thư
“Chúng ta đang hy vọng, thời gian tới sẽ áp dụng các phương pháp điều trị hiện đại cho bệnh nhân ung thư như điều trị phóng xạ thụ thể peptid, xạ trị bằng hạt proton, hạt neutron, y học phóng xạ nano vv…” – GS. Khoa cho hay.
Cũng theo GS. Khoa, trong ung thư, kỹ thuật PET được ứng dụng để chẩn đoán u nguyên phát, di căn, tái phát, đánh giá giai đoạn, giúp lựa chọn phương pháp điều trị tối ưu nhất, đồng thời, đánh giá đúng sau điều trị.
Đến nay, đã có hơn 14.500 bệnh nhân ung thư các loại: phổi, ung thư não di căn, thực quản, vú, đại trực tràng, dạ dày vv… và 30 bệnh nhân sa sút trí tuệ do bệnh Alzheimer, đã được chụp PET-CT.
Đặc biệt, lần đầu tiên ở Việt Nam, PET/CT được ứng dụng để mô phỏng lập kế hoạch xạ trị ung thư với các kỹ thuật xạ trị 3D, IMRT. Đã có hơn 1.500 bệnh nhân ung thư phổi, đầu mặt cổ, thực quản, trực tràng được ứng dụng thành công bằng phương pháp này.
Các bác sĩ Việt Nam còn ứng dụng thành công CR128 dãy để mô phỏng lập kế hoạch xạ trị cho 6.000 bệnh nhân ung thư. Ngoài ra, có 72.366 bệnh nhân ung thư và bệnh lý khác được sử dụng kỹ thuật chụp SPECT để chấn đoán và theo dõi vv…
GS. Mai Trọng Khoa cho biết thêm: Trong điều trị, các bác sĩ đã ứng dụng thành công kỹ thuật cấy phóng xạ để điều trị cho bệnh nhân ung thư tiền liệt tuyến. Đặc biệt, lần đầu tiên Việt Nam đã thành công với kỹ thuật xạ trị trong chọn lọc và cấy hạt phóng xạ đạt hiệu quả cao và an toàn, đồng thời, nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật miễn dịch phóng xạ và thuốc phóng xạ để chẩn đoán, điều trị ung thư và một số bệnh khác. Đã có hàng nghìn bệnh nhân ung thư tuyến giáp, bướu tuyến giáp đã được chữa khỏi bằng các đồng vị phóng xạ vv…
Những thành công của các thầy thuốc Việt Nam trong nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ về điện quang và y học hạt nhân trong chẩn đoán và điều trị bệnh, không chỉ là tin vui, mà còn là cơ hội sống cho nhiều bệnh nhân ung thư và các bệnh khác.
Theo viettimes
GS.TS. Mai Trọng Khoa: Miễn dịch là phương pháp cứu cánh cho bệnh nhân ung thư di căn, tái phát
Tại hội nghị quốc tế TRANSMED vừa diễn ra 2 ngày tại Bệnh viện Bạch Mai, trong 40 công trình khoa học cập nhật các tiến bộ, công nghệ mới về điều trị ung thư, có các báo cáo của Việt Nam.
Trong đó, công trình "Điều trị đích và điều trị miễn dịch trong ung thư" của GS.TS. Mai Trọng Khoa (Trưởng đơn vị Gen - Tế bào gốc, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai) đã được giới chuyên môn đánh giá cao. Ngay khi kết thúc hội nghị, VietTimes đã có cuộc trao đổi với GS.TS. Mai Trọng Khoa:
GS.TS. Mai Trọng Khoa (đứng giữa) đang áp dụng các phương pháp điều trị hiện đai cho bệnh nhân ung thư
Thưa ông, hội nghị quốc tế TRANSMED lần đầu tổ chức tại Bệnh viện (BV) Bạch Mai. Với tư cách là thành viên Ban Tổ chức, ông hy vọng gì ở hội nghị quan trọng này?
GS.TS. Mai Trọng Khoa: Theo Globocan, mỗi năm thế giới có trên 18 triệu người mắc ung thư và trên 9,5 triệu người tử vong. Việt Nam mỗi năm có 165.000 ca mới mắc và 115.000 ca tử vong. Số người mắc và tử vong do ung thư ngày càng nhiều, do đó, vấn đề đặt ra là làm sao để chẩn đoán và điều trị bệnh tốt nhất.
Vì thế, hội nghị này sẽ cập nhật những tiến bộ mới nhất về sinh học phân tử, công nghệ gen, trí tuệ nhân tạo trong điều trị ung thư. Hội nghị cũng thu hút các nhà khoa học hàng đầu ở các lĩnh vực trên. Năm 2018 đã có giải Nobel trong điều trị ung thư bằng phương pháp miễn dịch, nên hội nghị này cũng có nhiều nghiên cứu mới đã được áp dụng trong thực tiễn trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Hội nghị đã có những báo cáo về điều trị đích, điều trị miễn dịch ung thư.
Trung tâm y học hạt nhân - ung bướu và Đơn vị gen- tế bào gốc (BV Bạch Mai) đã được Chính phủ, Bộ Y tế đầu tư nhiều thiết bị hiện đại trong chẩn đoán và điều trị ung thư, là nơi đầu tiên ở Việt Nam sử dụng phương pháp miễn dịch trong điều trị ung thư. Hiện đã có những dữ liệu đầu tiên, với những bệnh nhân đáp ứng tốt.
GS.TS. Mai Trọng Khoa kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân ung thư khi điều trị bằng các kỹ thuật tiên tiến
Do đó, tôi hy vọng qua hội thảo, các nhà khoa học Việt Nam chia sẻ được nhiều thông tin với các nhà khoa học trên thế giới và họ cũng biết được Việt Nam đã có những tiến bộ như thế nào trong chẩn đoán và điều trị ung thư từ công nghệ gen, tế bào gốc, kỹ thuật điều trị đích và phương pháp điều trị miễn dịch trong ung thư.
Ông có thể cho biết, Việt Nam đứng ở đâu trong bản đồ chẩn đoán và điều trị ung thư trên thế giới?
GS.TS. Mai Trọng Khoa: Trong điều trị ung thư hiện có nhiều phương pháp vàthế giới có phương pháp nào là Việt Nam có cái đó. Phẫu thuật thì có mổ mở, mổ nội soi, mổ robot, bảo tồn, tạo hình; Xạ trị có xạ trị 3D, IMRT, SBRT, VMAT, mô phỏng xạ trị bằng PET/CT, cấy hạt phóng xạ, SIRT...; phương pháp hóa trị, nội tiết thì có các loại hóa chất thế hệ mới; điều trị đích có kháng thể đơn dòng, kháng thể đơn dòng gắn phóng xạ, thuốc phân tử nhỏ, miễn dịch phóng xạ. Những năm gần đây, chúng ta đã có thêm phương pháp mới là điều trị đích và điều trị miễn dịch.
Tức là chúng ta đã tiệm cận với thế giới trong chẩn đoán và điều trị ung thư.
Tháng 3/2017, FDA của Hoa Kỳ phê duyệt Pemprolizumab cho điều trị bệnh Hodgkin, thì tháng 5/2017, Trung tâm hạt nhân -Ung bướu của BV Bạch Mai là nơi đầu tiên ở Việt Nam điều trị cho bệnh nhân loại thuốc này. Đó là một bệnh nhân mới 16 tuổi bị u lympho Hodgkin,đã được phẫu thuật, xạ trị, hóa chất nhưng khối u vẫn tiến triển. Rất may là có thuốc miễn dịch, bệnh nhân đã được điều trị và hiện còn sống, chất lượng cuộc sống được cải thiện. Ngoài ra, còn nhiều bệnh nhân bị ung thư phổi, ung thư hắc tố được sử dụng thuốc trên.
GS.TS. Mai Trọng Khoa và các cộng sự chúc mừng bệnh nhân ung thư đã điều trị thành công
Nhiều người cho rằng, điều trị đích hoặc miễn dịch là những phương pháp hiện đại nhất, có thể thay thế các phương pháp phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, nên rất lạc quan vì các phương pháp đó không đau đớn. Ông nghĩ sao về điều này?
GS.TS. Mai Trọng Khoa: Chúng ta đặt nhiều kỳ vọng vào phương pháp điều trị đích và miễn dịch, nhưng thực tế thì phải tùy bệnh nhân mà quyết định đơn trị, hay phối hợp nhiều phương pháp.
Tôi nhấn mạnh là, trong ung thư không có phương pháp điều trị duy nhất, vấn đề là chẩn đoán đúng giai đoạn nào để có chỉ định phù hợp.
Ông có thể nói rõ hơn về 2 phương pháp hiện đại nhất này?
GS.TS. Mai Trọng Khoa: Điều trị đích ra đời sớm hơn miễn dịch. Đó là phương pháp tác động vào các phân tử đặc hiệu cần thiết cho quá trình sinh ung thư và phát triển khối u; tác động vào các thụ thể nằm trên màng tế bào hoặc trong tế bào.
Liệu pháp trúng đích trong điều trị ung thư có 2 nhóm. Nhóm thuốc là kháng thể đơn dòng, do một dòng tế bào B sản xuất ra kháng lại một quyết định kháng nguyên duy nhất.Cơ chế tác động là các thuốc dạng kháng thể đơn dòng kháng thụ thể đặc hiệu trên tế bào ung thư.
Từ 2007, Trung tâm y học hạt nhân - Ung bướu của BV Bạch Mai đã triển khai điều trị đích và đến nay đã điều trị thành công hơn 6.200 ca với hiệu quả cao, được khẳng định là phương pháp an toàn, ít tác dụng phụ.
GS.TS. Mai Trọng Khoa thực hiện kỹ thuật mới trong điều trị cho bệnh nhân ung thư
Còn miễn dịch ung thư là phương pháp điều trị mới ra đời với nhiều hứa hẹn. Đây là phương pháp điều trị khác biệt so với các phương pháp trước đó, do sử dụng các khả năng tự nhiên của hệ thống miễn dịch của bệnh nhân để chống lại ung thư. Tức là liệu pháp miễn dịch ung thư tác động vào hệ thống miễn dịch của cơ thể để chống lại ung thư, chứ không tác động trực tiếp vào khối u.
Từ năm 2015, Trung tâm y học hạt nhân - Ung bướu đã thực hiện nhiều thử nghiệm lâm sàng quốc tế, đa trung tâm về điều trị miễn dịch sinh học, mang lại kết quả khả quan: Đã điều trị cho 29 bệnh nhân, gồm các loại ung thư phổi, dạ dày, đường niệu, hắc tố và Hodgkin Disease...
Điều trị miễn dịch có thể sử dụng đơn trị cho bệnh nhân di căn hoặc đã thất bại các phương pháp trước đó, hoặc phối hợp với phương pháp khác như hóa trị.
Cho dù phối hợp với phương pháp nào chăng nữa, cũng không thể phủ nhận, phương pháp điều trị miễn dịch là có thêm một phương pháp điều trị, chứ không phải là tất cả.
Việc điều trị miễn dịch hiệu quả hay không phụ thuộc vào việc chẩn đoán có đúng giai đoạn không, sử dụng chỉ định có đúng không, cơ thể người bệnh có đáp ứng thuốc không.
Đây không phải là phương pháp điều trị duy nhất, mà thầy thuốc cần phải biết khi nào sử dụng, khi nào không sử dụng, thậm chí có trường hợp chống chỉ đinh.
Cần lưu ý là, với điều trị ung thư, không thể bỏ phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, nội tiết, điều trị đích và miễn dịch là góp thêm phương pháp điều trị mới, chứ không phải là phương pháp thay thế cho các phương pháp điều trị trước đó. Vấn đề là chỉ định đúngcho bệnh nhân mới hiệu quả.
Miễn dịch là phương pháp cứu cánh cho bệnh nhân ung thư di căn, tái phát, giúp lui bệnh và tăng chất lượng cuộc sống. Nhiều bệnh nhân di căn lên não nhưng được điều trị phối hợp đã khỏi hoàn toàn.
Tuy nhiên, miễn dịch là thuốc mới, khá đắt, bảo hiểm y tế chưa chi trả, nên việc chỉ định còn phụ thuộc vào khả năng kinh tế của bệnh nhân, liều lượng, quá trình điều trị dài hay ngắn.
Cám ơn ông đã chia sẻ!
Theo viettimes
Báo động trẻ hóa nhiều loại ung thư Các chuyên gia y tế cảnh báo nhiều loại ung thư trước đây chỉ xảy ra ở đối tượng trung niên, cao tuổi thì nay đã xuất hiện trên nhóm đối tượng trẻ. "Tử thần" trẻ hóa Các chuyên gia khuyến cáo việc tầm soát thường xuyên sẽ giúp phát hiện sớm, tăng khả năng điều trị ung thư - Ảnh: Hà Linh....