Hé lộ kịch bản tập trận gây sốc của Nga
Trong cuộc tập trận hồi tháng 3.2015 huy động đến 33.000 binh sĩ, Nga đã luyện kịch bản vô hiệu hóa kế hoạch gia tăng sức mạnh của NATO tại 3 nước Baltic.
Hải quân Nga phô diễn sức mạnh đổ bộ – Ảnh: Reuters
Tấn công 4 nước một lúc
Trên đây là kết quả phân tích của Trung tâm phân tích chính sách châu Âu (CEPA), tổ chức độc lập chuyên nghiên cứu chính sách công ở đông và trung Âu, về cuộc tập trận cực kỳ quy mô của Nga, diễn ra hồi tháng 3.2015.
Báo The Telegraph (Anh) ngày 26.6 dẫn báo cáo của ông Edward Lucas, Phó Chủ tịch cao cấp của CEPA, cho biết trong kịch bản, ngòi nổ là một cuộc nổi loạn chống lại Tổng thống Nga Vladimir Putin có bàn tay phương Tây thò vào, khiến Nga đồng thời tấn công 4 nước vùng Baltic bao gồm Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch và Phần Lan.
Cụ thể, binh sĩ Nga thực tập tấn công Na Uy nhằm chiếm một khu vực ở miền bắc nước này. Trong khi đó, một đạo quân khác của Nga sẽ chiếm đảo Aland của Phần Lan. Cùng lúc, đảo Gotland của Thụy Điển và đảo Bornholm của Đan Mạch cũng bị lính Nga tấn công.
Giữa một cuộc tập trận của Nga với Belarus – Ảnh: AFP
Những phần lãnh thổ trên đều nằm ở khu vực Baltic, vắt qua những tuyến đường biển huyết mạch, đồng nghĩa đó cũng là những mục tiêu quân sự chiến lược. Việc chiếm đóng những đảo này sẽ khiến Nga “niêm phong” luôn khu vực Baltic, nơi tọa lạc của 3 nước thành viên NATO gồm Estonia, Latvia và Lithuania. 3 quốc gia này có thể sẽ là nơi bố trí các khí tài hạng nặng do Mỹ triển khai trong kế hoạch tăng cường cho lực lượng phản ứng nhanh của NATO.
Trong số 4 nước nằm trong kịch bản tấn công của Nga thì Đan Mạch, Na Uy là thành viên NATO; Phần Lan và Thụy Điển là nước trung lập.
Video đang HOT
Ông Lucas cho rằng cả 4 nước này đều cần thiết phải tăng cường hợp tác về mặt quân sự với những quốc gia dễ “rơi vào tầm ngắm” của Nga , đặc biệt là Estonia, Latvia, Lithuania và Ba Lan.
Luyện tấn công hạt nhân
Trong thời gian qua, Nga liên tục tập trận ở sát biên giới các nước NATO, bao gồm cả tập trận trên không, trên biển và trên đất liền.
Lính Mỹ đến Latvia để tham gia một cuộc tập trận của NATO – Ảnh: Reuters
Đáng chú ý, hồi tháng 6.2014, không quân Nga luyện kịch bản cuộc tấn công hạt nhân vào Bornholm – một hòn đảo của Đan Mạch đúng lúc đó đang tổ chức một lễ hội thường niên, quy tụ hàng loạt chính khách cao cấp và 90.000 khách.
Ông Lucas kết luận trong báo cáo: “Nếu cuộc tấn công như thế này xảy ra thực sự, Đan Mạch sẽ bị cắt ngọn”.
Thêm vào đó, theo báo cáo, máy bay ném bom Nga cũng thường xuyên dò la khả năng phòng không của các nước NATO, xâm phạm không phận của các nước này để khiêu khích máy bay chiến đấu vào cuộc. Máy bay Nga thường tắt thiết bị nhận/phát tín hiệu, vốn giúp máy bay nhận biết sự hiện diện của nhau, dẫn đến tình huống vài lần suýt va chạm với máy bay dân sự.
Phản ứng lại, NATO cũng tăng cường tập trận, gồm BALTOPS 2015, cuộc tập trận ở khu vực Baltic trong tháng này, quy tụ 49 tàu chiến thuộc 14 quốc gia cả thảy. Đáng chú ý, 2 nước trung lập là Phần Lan và Thụy Điển cũng tham gia tập trận với danh nghĩa là “đối tác” của NATO.
Chưa thể
Một cuộc tập trận của NATO ở Estonia – Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, theo nhận định của CEPA, Nga sẽ chưa thể tấn công vào các láng giềng Baltic một khi còn đang “điều lực lượng” tới Ukraine. Giới chức Mỹ tin rằng binh lính Nga đang phối hợp với lực lượng ly khai ở Uraine, cung cấp vũ khí, hậu cần, huấn luyện, chỉ đạo và kiểm soát các lực lượng này, theo The Telegraph.
The Telegraph dẫn lời ông Daniel Baer, đại sứ Mỹ tại Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu phát biểu rằng các nhà quan sát đã phát hiện xung đột đang gia tăng ở Ukraine. Hồi tuần trước, các nhà quan sát phát hiện 700 vụ nổ ở miền đông Ukraine. Ông Baer nói thêm: “Anh sẽ không thể làm được điều đó nếu không có hệ thống cung cấp được một nhà nước tài trợ, nếu không có cả một hệ thống hậu cần, tái cung cấp đứng đằng sau. Những gì đang xảy ra đã không thể xảy ra nếu không có sự tham gia của Nga”.
Trong khi đó, Nga bác bỏ mọi cáo buộc dính líu quân sự ở Ukraine.
Kiều Oanh
Theo Thanhnien
Mưu đồ tấn công hạt nhân của IS
Tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo được cho là đã vạch kế hoạch mua vũ khí hạt nhân và đưa vào Mỹ để tấn công khủng bố.
Viễn cảnh IS đưa lậu vũ khí hủy diệt vào Mỹ đang gây lo ngại lớn - Ảnh: Breibart
Dưới lá cờ đen in dòng chữ "Không có Chúa trời nào ngoài Allah, Muhammad là sứ giả của Allah", các tay súng Nhà nước Hồi giáo (IS) đang tung hoành tại nhiều khu vực ở Trung Đông khiến Mỹ và các đồng minh chật vật tìm kế sách ngăn chặn. Những toan tính IS đưa ra ngày càng táo bạo và nguy hiểm. Trong đó ý đồ tấn công nước Mỹ bằng vũ khí hạt nhân được đánh giá là đáng lo ngại nhất.
Mới đây, tạp chí Dabiq, công cụ tuyên truyền của IS, loan tin tổ chức này tuyên bố có thể sở hữu vũ khí hạt nhân trong vòng 1 năm và tuồn vào Mỹ theo cùng phương thức buôn lậu ma túy từ Nam Mỹ vào châu Âu qua ngả Tây Phi. IS tuyên bố kế hoạch "tận thế" này được sự hỗ trợ đắc lực của lực lượng Hồi giáo Boko Haram ở Nigeria. Boko Haram, vốn đang kiểm soát một khu vực lãnh thổ rộng lớn tại châu Phi, đã tuyên thệ trung thành với IS từ tháng 3.
Đi theo con đường ma túy
Theo Dabiq, IS "có hàng tỉ USD trong tài khoản và chỉ cần gọi điện cho "người quen" ở Pakistan là có thể mua được vũ khí hạt nhân thông qua nhiều đường dây thân cận với các tướng lĩnh tham nhũng. Đây sẽ là cơn ác mộng kinh hoàng nhất cho phương Tây". Trong trường hợp không thể đạt mục đích chính, IS vẫn có thể mua đủ lượng vật liệu phóng xạ để chế tạo bom bẩn. Tạp chí này còn tuyên bố các lô hàng mua từ Pakistan sẽ đi qua Libya và Nigeria rồi đến Nam Mỹ. Từ đây, IS sẽ bỏ tiền thuê các băng nhóm ma túy khét tiếng trong khu vực để vận chuyển vũ khí hủy diệt vào nước Mỹ thông qua những đường hầm vẫn dùng đưa "hàng trắng" vào các bang Texas hay Arizona.
Những tuyên bố này không hẳn là chuyện không tưởng khi Chỉ huy Bộ Tư lệnh miền nam Mỹ (Southcom), tướng John Kelly từng cảnh báo các nhóm khủng bố như IS có thể tận dụng các mạng lưới ma túy ở Colombia và Mexico để mang vũ khí hủy diệt hàng loạt xâm nhập nước này.
Ngoài ra, theo ông, ma túy từ Nam Mỹ được vận chuyển "thông qua Tây Phi, lên vùng Tây Bắc Phi và vào châu Âu". Từ đó, các chuyên gia lo ngại IS hoàn toàn có thể vận chuyển vũ khí hủy diệt đến Mỹ bằng con đường này nhưng theo lộ trình ngược lại. Nghĩa là từ Tây Phi vào Nam Mỹ rồi chuyển tiếp đến Mexico. Tại đó, thông qua hàng loạt đường hầm bí mật mà bọn tội phạm đào thông sang Mỹ để vận chuyển ma túy và người nhập cư lậu, các tay súng có thể trà trộn vào dòng người nhập cư "với một quả bom hạt nhân trong thùng xe".
Tính khả thi cao
Trước đó, báo Anh The Sunday Times cũng hé lộ một kế hoạch hạt nhân điên rồ khác của IS. Dẫn nhiều nguồn tin tình báo giấu tên, tờ báo cho biết IS toan tính cho Nga quyền khai thác các mỏ dầu mà chúng chiếm được tại Trung Đông để đổi lấy việc nước này cắt đứt quan hệ với Iran và chia sẻ các bí mật hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo này. Kế hoạch này do Abdullah Ahmed Meshedani, thành viên cấp cao trong cái gọi là "nội các chiến tranh" của IS chấp bút. Tuy nhiên, âm mưu của Meshedani bị đánh giá là hoàn toàn phi thực tế. Ngược lại, theo các chuyên gia, ý đồ thu mua vũ khí hạt nhân để tấn công Mỹ có tính khả thi cao hơn nhiều.
Bên cạnh đó, Ấn Độ hồi tháng trước đã lên tiếng báo động về khả năng IS có thể sở hữu vũ khí hạt nhân của nước láng giềng Pakistan. "Với sự lớn mạnh của IS ở Tây Phi, người ta lo ngại rằng họ có thể tiếp cận kho vũ khí hạt nhân của những quốc gia như Pakistan", Bloomberg dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rao Inderjit phát biểu bên lề hội nghị an ninh khu vực mang tên Shangri-La ở Singapore.
Theo Đài RT, Pakistan hiện nằm trong nhóm các nước bị xếp hạng thấp về an ninh hạt nhân và đang sở hữu một số lượng tương đối lớn vũ khí hạt nhân. Thống kê của Tổ chức Nghiên cứu Hội đồng An ninh đối ngoại (Mỹ) cho thấy Pakistan hiện có 100 - 120 đầu đạn so với con số 90 - 100 đầu đạn của Ấn Độ.
Trùng Quang
Theo Thanhnien
Báo Pháp: Triều Tiên tấn công hạt nhân Hàn Quốc là "tự sát chế độ" Theo Đài RFI, nhận định về sức mạnh quân sự của Triều Tiên, tờ Le Figaro của Pháp số ra ngày 15/6 đã có bài viết "Liệu có nên sợ Triều Tiên của Kim Jong-un." Nhà lãnh đạo Triều Tiên thăm trung tâm điều khiển vệ tinh mới vào ngày 3/5 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN) Bài viết trên đã nêu ra 4 vấn...