Hé lộ đường dây tuyển dụng phụ nữ cho IS
Một người Pháp đã bị buộc tội giúp đỡ một thiếu nữ 14 tuổi gia nhập tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS), theo hãng tin Al Jazeera ngày 7.3.
Các tay súng nữ của IS – Ảnh chụp màn hình Business Insider
Phiên tòa ngày 6.3 xét xử Riad Ben Cheikh đã làm sáng tỏ mạng lưới tuyển mộ các thiếu nữ châu Âu đến chiến đấu tại Syria. Ben Cheikh có thể đối mặt với tội cấu kết với kẻ xấu thực hiện các hoạt động khủng bố. Theo cáo trạng, Ben Cheikh là người tiếp tay, giúp đỡ cô trong thời gian tại Pháp và là bị cáo duy nhất tại tòa.
Theo tờ Le Figaro (Pháp), Riad Ben Cheikh (41 tuổi) đã có gia đình và 3 con, hiện là một công nhân. Ben Cheikh đã trả tiền phòng khách sạn và tiền đi lại của cô bé để đưa cô đến sân bay. Cô đã bị cảnh sát giữ lại tại sân bay Saint-Exupery ở Lyon khi đang chuẩn bị bay đến Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 25.2.2014.
Cô gái trên đã liên hệ với tên tuyển dụng của IS được gọi là “Tony Toxico” ở tại Syria, qua mạng xã hội Facebook. Gã này thuyết phục cô gia nhập IS tại Syria, nơi hắn hứa sẽ cưới cô và dạy cô cách chiến đấu.
Lúc đầu, cô gái từ chối. Tuy nhiên, sau sự thuyết phục của Toxico, cô đã đồng ý. Cô đã trải qua một đêm trong khách sạn ở thị trấn Villeurbanne trước khi xuất phát vào ngày 25.2.2014. Đó cũng là lúc Riad Ben Cheikh, theo lệnh của “Tony Toxico”, can thiệp để hỗ trợ con mồi mới này.
Tuy nhiên, Archibald Celeyron, luật sư của bị cáo quả quyết rằng thân chủ mình không quen biết “Tony Toxico”.
“Người đó đã liên lạc với ông ấy (Ben Cheikh) để nhờ đưa cô gái trẻ, mà người đó nói là vợ của mình, đến Syria. Ông ấy (Ben Cheikh) chỉ làm theo dịch vụ”, Celeyron nói.
Video đang HOT
Có sự khác biệt trong động cơ gia nhập IS giữa đàn ông và phụ nữ – Ảnh: Reuters
Về phần cô gái và những động cơ gia nhập IS, Le Figaro dẫn lời chuyên gia về khủng bố Alain Rodier tại Trung tâm nghiên cứu về tình báo Pháp (CF2R) cho biết: “Những phụ nữ muốn ra đi để sống trọn đạo tại đất Syria”.
Ông Rodier cũng cho rằng có sự khác nhau giữa động cơ của đàn ông và phụ nữ. Những hình ảnh về các cuộc chiến được phát tán trên các trang mạng tuyên truyền thường thu hút sự chú ý của đàn ông hơn.
Pháp đã tăng cường các chiến dịch truy quét những người ủng hộ các tổ chức vũ trang như IS và al-Qaeda sau những vụ tấn công liên tiếp làm rung động đất nước vào tháng 1, trong đó, có vụ xả súng đẫm máu tại tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo. Các quốc gia châu Âu hiện đang gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý làn sóng di cư sang Trung Đông nhằm gia nhập các nhóm vũ trang.
Theo nhà sử học và là chuyên gia về Syria, Frederic Pichon, một tầm nhìn nhân đạo cũng được nhìn nhận ở những phụ nữ.
“Họ muốn cảm thấy mình có ích và giúp đỡ các anh chị em bị hại của họ ở Syria”, ông Pichon nói.
Trong khi đó, chuyên gia Dounia Bouzar cho rằng Omar Omsen, người chuyên tuyển dụng các phần tử thánh chiến của Pháp, có vai trò quan trọng trong việc đưa phụ nữ, nhất là trẻ vị thành niên, ra nước ngoài. Gã này còn tích cực phát tán những video tuyên truyền bạo lực trên mạng.
Bảo Vinh
Theo Thanhnien
Chị của cơ trưởng vụ MH370: Không ai có quyền chỉ trích em tôi !
"Không ai có quyền chỉ trích em tôi với bất kỳ sai phạm nào", chị gái của cơ trưởng trong vụ rơi máy bay MH370 lên tiếng sau một năm vụ tai nạn bí ẩn nhất lịch sử hàng không thế giới.
Một năm trôi qua, người ta vẫn cầu nguyện - Ảnh: Reuters
Tuyên bố của cô Sakinab Shah, chị gái của cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah, là tiếng nói mạnh mẽ nhất từ gia đình cơ trưởng sau vụ chiếc máy bay Boeing 777 chở theo 239 người biến mất cách đây một năm.
Cô Shah bảo rằng trong bối cảnh chẳng có một bằng chứng xác thực nào, không ai, dù là chính trị gia, khoa học gia, chuyên gia hàng không, nhà điều tra, phi công, báo giới có quyền chỉ trích cơ trưởng Shah, theo báo Malaysian Insider.
Tuyên bố cũng được đưa ra ngay trước khi chính quyền Malaysia đưa ra bản báo cáo về kết quả điều tra vụ mất tích MH370, dự kiến sẽ có nhiều thông tin quan trọng mới. Cuộc điều tra được phối hợp giữa các chuyên gia 7 nước khác nhau, theo báoSydney Morning Herald.
Hàng loạt cuộc tìm kiếm quốc tế vẫn chưa xác định ngay cả vị trí máy bay rơi - Ảnh: AFP
Trong bối cảnh cuộc tìm kiếm chiếc máy bay kể trên không mang lại bất kỳ một kết quả nào sau một năm, hàng loạt giả thuyết vẫn tiếp tục được đưa ra, trong đó phi công tự tử là một trong những giả thuyết đầu tiên được tính tới. Bản thân nhà của cơ trưởng Shah cũng đã từng bị cảnh sát Malaysia lục soát.
Tuy nhiên, gia đình của cơ trưởng Shah đa phần giữ thái độ im lặng trước sự công kích của nhiều người và sự săn lùng "tới nơi tới chốn" của báo giới.
Con trai ông là Ahmad Seth chỉ một lần phát biểu trên báo Straits Times hồi năm ngoái rằng: "Tôi đã đọc tất cả mọi thứ trên mạng nhưng tôi phớt lờ mọi suy đoán. Tôi biết cha tôi rõ hơn mọi người".
Lần duy nhất vợ của cơ trưởng, cô Faizah Khan, phát biểu trước báo giới là để xác nhận giọng nói của chồng thu được trong buồng lái.
Quay lại diễn biến nêu ở đầu bài, người chị gái Zaharie Ahmad Shah bảo rằng lần cuối cùng cô gặp em trai là tại một bữa ăn gia đình 2 tuần trước khi vụ mất tích máy bay xảy ra. "Cậu ta hoàn toàn bình thường... Cậu ta ồn ào, vui vẻ, cười suốt...", cô Zaharie Ahmad Shah nói. Cô cũng bác bỏ những thông tin cho rằng em trai cô đang gặp rắc rối trong hôn nhân, bảo những thông tin này là "rác rưởi".
Zaharie Ahmad Shah bảo em cô rất yêu đời và chỉ trích báo giới là cố tình gán tội cho em cô. Zaharie Ahmad Shah là một phi công lão luyện người Malaysia đã có vợ và 3 con.
Sở dĩ có rất nhiều chỉ trích nhắm vào ông là vì hầu hết mọi phân tích của các nhà chuyên môn cho tới giờ phút này đều cho rằng dường như có sự phá hoại cố ý của một người am hiểu về máy bay từ bên trong buồng lái. Hệ thống liên lạc đã tắt vào lúc ít được chú ý nhất, máy bay lại thay đổi lịch trình một cách đột ngột.
Tuy nhiên, cho tới nay, các nhà điều tra tìm hiểu về nhân thân, gia đình, hoàn cảnh của cơ trưởng cho biết họ không phát hiện một dấu hiệu bất thường nào.
Kiều Oanh
Theo Thanhnien
Hé lộ thêm thông tin về thủ lĩnh tối cao của IS Tài liệu quân sự tiết lộ thủ lĩnh tối cao của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) từng bị giam giữ gần một năm trong nhà tù Mỹ ở Iraq với tư cách là "tù nhân dân sự", đồng thời cung cấp một số thông tin cá nhân về kẻ cầm đầu bí ẩn này. Bức ảnh của Abu Bakr al-Baghdadi trong hồ...