Hé lộ cuộc truy bắt cựu đặc vụ CIA nghi “chỉ điểm” cho Trung Quốc
Các nhà điều tra Mỹ đã dùng nhiều cách để tiếp cận một cựu đặc vụ CIA vì nghi ngờ người này chính là gián điệp tuồn thông tin mật cho Trung Quốc khiến mạng lưới điệp viên Mỹ ở nước ngoài bị tê liệt.
Trụ sở làm việc của CIA tại Mỹ (Ảnh: Reuters)
Bắt giữ nghi can
BBC dẫn thông báo của Bộ Tư pháp Mỹ cho biết Jerry Chun Shing Lee, một công dân nhập quốc tịch Mỹ, đã bị bắt giữ ở sân bay John F Kennedy vào ngày 15/1. Tính đến năm 2007, Lee từng làm việc cho Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) 13 năm trước khi rời Mỹ đến Hong Kong.
Năm 2012, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã mở cuộc điều tra về sự biến mất bí ẩn của hàng loạt điệp viên CIA khi khoảng 20 đầu mối thông tin của cơ quan này bị sát hại hoặc bỏ tù tại Trung Quốc trong 2 năm trước đó. Theo New York Times, từ năm 2010-2012, Bắc Kinh đã tiến hành chiến dịch làm tê liệt các hoạt động tình báo của Mỹ ở Trung Quốc.
Các nhà điều tra không biết liệu từng tồn tại một gián điệp “hai mang” hay do tin tặc tấn công khiến danh tính các điệp viên của CIA tại Trung Quốc bị rò rỉ dẫn tới việc họ bị bắt giữ và sát hại. Trong khi đó, truyền thông Mỹ dẫn một số nguồn tin nói rằng các nhà điều tra đang nghi ngờ Lee chính là người đã giúp đỡ Trung Quốc.
Jerry Lee là ai?
Hồ sơ tòa án cho biết Jerry Chun Shing Lee, hay còn gọi là Zhen Cheng Li, từng phục vụ trong Lục quân Mỹ từ năm 1982-1986. Lee bắt đầu làm việc tại CIA từ năm 1994 với chức vụ là đặc vụ phụ trách nhiều mảng như thông tin liên lạc bí mật, phát hiện trinh sát, tuyển dụng,… Với vai trò này, Lee từng có cơ hội tiếp cận với nhiều thông tin tuyệt mật và ký các thỏa thuận mật.
Theo New York Times, khi Lee rời CIA vào năm 2007, “tất cả những người biết anh ta đều nói rằng Lee rời cơ quan này một cách bất mãn sau khi xây dựng được sự nghiệp thăng hoa”. Sau khi rời Mỹ, Lee đến Hong Kong. Tới năm 2012, người đàn ông này lại quay về Mỹ và sống ở bắc Virginia. Lý do khiến Lee trở về được cho là bởi một lời mời làm việc tại Mỹ.
Công việc giả
Jerry Lee từng làm việc tại CIA trong 13 năm (Ảnh: Getty)
Video đang HOT
Công việc gần đây nhất của Lee là giám đốc phụ trách an ninh của hãng đấu giá nổi tiếng Christie’s ở Hong Kong. Hãng này cho biết Lee đã làm việc ở đây khoảng 20 tháng.
Khi bắt đầu nghi ngờ Lee là kẻ phản bội, FBI đã lên kế hoạch “dụ dỗ” Lee trở về Mỹ để phục vụ công tác điều tra. Cách họ sử dụng là vẽ ra một công việc giả dành cho Lee ở thủ đô Washington.
Khi Lee và gia đình quay về Mỹ vào tháng 8/2012, cựu điệp viên CIA đã nghỉ chân ở Honolulu, Hawaii trong vài ngày. Khi đó, đội ngũ trinh sát Mỹ đã bí mật khám xét căn phòng khách sạn và hành lý của Lee, đồng thời chụp ảnh các tài sản của ông này. Tiếp đó, khi gia đình Lee tới bang Virginia, các nhà điều tra Mỹ tiếp tục khám xét một khách sạn khác và phát hiện nhiều tài liệu bí mật.
Trong số các tài liệu được các nhà điều tra tìm thấy có một cuốn sổ ghi ngày tháng dày 49 trang và một cuốn sổ ghi địa chỉ dày 21 trang với rất nhiều thông tin quý báu mà bất kỳ điệp viên Trung Quốc nào cũng muốn sở hữu. Trong các cuốn sổ còn có tên thật và số điện thoại của hàng loạt nhân viên CIA ngầm, địa chỉ các cơ sở của CIA và các ghi chú về những nơi gặp mặt bí mật.
Sau khi Lee quay về Mỹ năm 2012, FBI đã thẩm vấn Lee 5 lần song người đàn ông này môt mực phủ nhận mình là gián điệp. Lee cũng không hề nhắc tới việc sở hữu những cuốn sổ chứa các thông tin mật. Vào thời điểm năm 2013, khi các cơ quan chức năng Mỹ vẫn đang tiến hành điều tra, Lee đã rời khỏi Mỹ và quay trở lại Hong Kong.
Thiệt hại lớn
Cáo trạng của tòa cho biết các thông tin thu được từ tài liệu của Lee được xếp vào từ mức mật cho tới tuyệt mật và “việc rò rỉ những thông tin này có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho an ninh quốc gia của Mỹ”. Theo một cựu quan chức của cơ quan phản gián, đây là “một trong những tổn thất và thất bại tình báo lớn nhất trong lịch sử hiện đại” của Mỹ.
“Có một thời kỳ khi việc báo tin cho cộng đồng tình báo Mỹ tại Trung Quốc gần như bị tê liệt hoàn toàn. Và bạn không thể xây dựng lại cơ sở dữ liệu thông tin (tình báo) đó chỉ trong một đêm”, Frank Figliuzzi, trợ lý giám đốc FBI năm 2011 và 2012, cho biết.
Bộ Tư pháp Mỹ cho biết Chun Shing Lee, 53 tuổi, đã bị buộc tội “nắm giữ trái phép các thông tin quốc phòng và có thể đối mặt với mức án lên tới 10 năm tù giam”. Tuy nhiên, Lee không bị buộc tội làm gián điệp và tránh được mức án tử hình. Một số nguồn tin cho rằng điều này xuất phát từ lý do Mỹ không muốn tiết lộ các thông tin mật trước tòa, hoặc do FBI chưa thu thập đủ chứng cứ để buộc tội Lee với tội danh gián điệp.
Cáo trạng của tòa cũng không đề cập tới bất kỳ mối quan hệ ngầm nào giữa Lee và Trung Quốc. Lee đã ra trình diện tại tòa án liên bang Brooklyn hôm 16/1 sau khi bị bắt ở sân bay. Hiện các nhà chức trách Mỹ vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn về việc Lee đã tuồn những thông tin nào ra nước ngoài.
Thành Đạt
Theo BBC, NBC
Theo Dantri
Tình báo Mỹ đánh giá sai khả năng của Triều Tiên như thế nào?
Các tài liệu của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cùng cộng đồng tình báo Mỹ cho thấy, họ quá chủ quan khi thất bại trong việc dự báo chính xác thời điểm Triều Tiên có thể phát triển tên lửa có khả năng gắn đầu đạn hạt nhân và vươn tới lãnh thổ Mỹ.
Ngay từ khi bắt đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump, cơ quan tình báo Mỹ đã báo cáo với chính quyền mới rằng, dù Triều Tiên chế tạo được bom hạt nhân thì Mỹ vẫn còn thời gian 4 năm để làm chậm hoặc ngừng hẳn chương trình phát triển tên lửa mang đầu đạn hạt nhân có khả năng vươn tới lãnh thổ Mỹ.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố thử thành công vụ nổ hạt nhân lần thứ sáu tháng 9.2017
Ngỡ ngàng vì phán đoán sai
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã ra lệnh thử nghiệm 8 tên lửa tầm trung vào năm 2016, nhưng 7 quả trong số đó nổ ngay trên mặt đất hoặc vỡ tan trong quỹ đạo bay. Một số quan chức cho rằng, một phần thất bại này là do chương trình phá hoại ngầm của Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama. Và mặc dù Triều Tiên đã thực hiện 5 cuộc thử nghiệm nguyên tử dưới lòng đất, cộng đồng tình báo Mỹ vẫn ước tính còn rất xa Triều Tiên mới phát triển được loại mạnh hơn như bom hydro.
Thế nhưng, chỉ trong vòng vài tháng những đánh giá này đã biến mất một cách đáng hổ thẹn. Ông Kim đã đưa ra công nghệ tên lửa mới, dựa trên thiết kế động cơ đẩy của Liên Xô hàng thập kỷ trước. Dường như Triều Tiên áp dụng một chương trình phát triển song song tên lửa đẩy và đầu đạn hạt nhân để nhanh chóng có được thứ vũ khí có thể bay tới Guam, sau đó là Bờ Tây và cuối cùng là Washington.
Vào ngày 4.7.2017, Triều Tiên làm thế giới choáng váng với thử nghiệm thành công đầu tiên một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) và lặp lại thành công một vài tuần sau đó. Đến chủ nhật đầu tiên của tháng 9, Chủ tịch Triều Tiên cho phát nổ quả bom hạt nhân thứ 6. Sau vài giờ lưỡng lự, cuối cùng các nhà phân tích cũng đồng thuận lên tiếng đây là cuộc thử đầu tiên thành công của Triều Tiên về bom hydro, với lực nổ cao gấp 15 lần so với quả bom nguyên tử làm san bằng Hiroshima. Trong tháng 11, Triều Tiên phóng thử thành công một ICBM đã cải thiện rất nhiều, được gọi là Hwasong-15, có thể bay khoảng 15.000km, đủ xa để đe dọa tất cả các nơi trên đất Mỹ.
CIA và các lực lượng tình báo Mỹ khác đã dự đoán thời điểm này cuối cùng rồi sẽ đến nhưng họ hoàn toàn bất ngờ trước bước tiến nhanh chóng của Triều Tiên chỉ trong vòng vài tháng. Phải nhớ rằng, nhiều thập kỷ trước đó, cơ quan tình báo Mỹ luôn dự báo đúng quỹ đạo chương trình hạt nhân Triều Tiên. Điều gì làm họ không kết nối được thông tin từ Triều Tiên để rồi đưa ra phán đoán sai về mặt thời gian?
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ H.R.McMaster thừa nhận các cơ quan tình báo Mỹ đã thất bại trong việc dự báo về Triều Tiên
Sai lầm nhiều mặt
Các quan chức tình báo cấp cao cho biết, họ bắt đầu chú tâm vào việc thu thập thông tin về chương trình vũ khí của Triều Tiên từ năm 2012. Họ thừa nhận đã đưa ra 2 giả thuyết và cả 2 đều sai. Thứ nhất, họ cho rằng Triều Tiên sẽ cần khoảng thời gian để giải quyết vấn đề khoa học tên lửa giống như các quốc gia khác trong thời Chiến tranh Lạnh. Họ đánh giá thấp việc sử dụng mô hình máy tính tiên tiến và chuyên môn nước ngoài của Triều Tiên. Thứ hai, họ cũng đánh giá sai về ông Kim Jong-un, 33 tuổi, người lên nắm quyền vào cuối năm 2011 và đã đưa chương trình vũ khí trở nên ưu việt hơn lãnh đạo tiền nhiệm.
"Triều Tiên cần ít nhất 2 năm nữa, phải trải qua một số cuộc thử tên lửa và hạt nhân để hoàn thiện vũ khí có khả năng đe dọa Mỹ. Vẫn còn thời gian để bắt đầu một cuộc đối thoại. Đó là giải pháp giảm căng thẳng, tránh hiểu lầm có thể dẫn tới chiến tranh". Tiến sĩ Siegfried S. Hecker (Cựu Giám đốc Phòng thí nghiệm quốc gia Mỹ Los Alamos)
Theo các tài liệu giải mật gần đây, CIA đã nhận ra tham vọng của Triều Tiên vào đầu những năm 1980, khi các vệ tinh gián điệp lần đầu tiên phát hiện ra bằng chứng cho thấy Triều Tiên đang chế tạo một lò phản ứng để sản xuất plutoni, nhiên liệu chính cho vũ khí hạt nhân. Một bộ phận của CIA ngày đêm nghiên cứu các nhà máy và lò phản ứng của Triều Tiên, cố gắng đánh giá mức độ đạt được trong quá trình phát triển động cơ, nhiên liệu chuyên dụng và đầu đạn hạt nhân của đất nước mà họ cho rằng vô cùng lạc hậu.
Sau sự sụp đổ của Liên Xô, làn sóng các nhà khoa học tên lửa bắt đầu hướng tới Triều Tiên. Mặc dù lực lượng an ninh Nga đã chặn được một số, những người khác vẫn hỗ trợ Triều Tiên từ xa. Và với cơ quan tình báo Mỹ, chắc chắn họ đã bỏ lỡ những lần chuyển giao công nghệ đáng kể.
Các tên lửa mà Triều Tiên đưa ra thử nghiệm những tháng gần đây mang nhiều dấu hiệu xuất xứ của Liên Xô. Tuy nhiên, các nhà phân tích và các quan chức tình báo không biết cụ thể công nghệ này chuyển đến Triều Tiên như thế nào.
Trước đó, vào khoảng năm 1994, Triều Tiên đã đình chỉ chương trình vũ khí hạt nhân do căng thẳng với Mỹ đưa hai nước gần chiến tranh hơn bao giờ hết. Khi chính quyền của Tổng thống Clinton cân nhắc các lựa chọn quân sự thì cựu Tổng thống Jimmy Carter đã đến Triều Tiên đàm phán đạt được một thỏa thuận dẫn đến đóng băng chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Thỏa thuận đó dường như đã được giữ trong 6 năm. Nhưng trên thực tế, Triều Tiên có thể bắt đầu vi phạm thỏa thuận ngay trong những năm này. Triều Tiên bí mật thay đổi cách thức chế tạo các quả bom bằng sử dụng nhiên liệu uranium.
Từ đầu năm 2000, Hội đồng Tình báo Quốc gia (NIC) là trung tâm của tư duy chiến lược nhiệm kỳ và dài hạn trong Cộng đồng Tình báo Mỹ đã có những nhận định rõ ràng về tổng thể chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Một bản báo cáo ít được để ý đưa ra trong Hội đồng này nhận định, Triều Tiên có thể tấn công Mỹ vào năm 2015. Bốn năm sau, khi Mỹ sa lầy vào cuộc chiến tranh Iraq, hội đồng này lại đưa ra những dự báo thay đổi, Triều Tiên có thể đạt năng lực hạt nhân trong 15 năm tới, tức là không muộn hơn năm 2019.
Ngày 29.11, Triều Tiên phóng thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-15 có khả năng bay tới lãnh thổ Mỹ
Liên tiếp bỏ lỡ thông tin tình báo
Tổng thống George W. Bush bắt đầu một chương trình ngăn cản tàu vận chuyển nguyên liệu cho chương trình vũ khí của Triều Tiên và ông đã tăng tốc các hoạt động bí mật làm tê liệt chương trình bằng cách phá hoại chuỗi cung ứng của nó. Nhưng mục tiêu chính của CIA là chống khủng bố và vùng phủ sóng vệ tinh tại Triều Tiên thường phải chuyển hướng để trợ giúp quân đội Mỹ tại Trung Đông.
Mỹ đã rất ngạc nhiên vào năm 2006, khi nhận được lời cảnh báo về cuộc thử nghiệm hạt nhân đầu tiên của Triều Tiên từ Trung Quốc, chỉ 1 một giờ trước khi xảy ra vụ nổ. Năm 2010, Triều Tiên đã mời TS Siegfried S. Hecker, cựu Giám đốc của Phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos, một trong các viện nghiên cứu đa ngành lớn nhất thế giới của Mỹ, đến thăm và cho ông ta thấy một nhà máy làm giàu uranium hoàn chỉnh được xây dựng bên trong một tòa nhà cũ ở Yongbyon. Người Triều Tiên đã xây dựng nguyên một nhà máy tại địa điểm dưới sự giám sát thường xuyên của vệ tinh, mà không bị phát hiện. Có nhiều lý do chính đáng để lý giải điều này. Các Chính phủ nước ngoài gần như không bao giờ thành công trong việc tuyển dụng các nhà khoa học Triều Tiên làm việc vì họ hiếm khi được phép ra nước ngoài. Triều Tiên dường như đã tìm ra các mô hình của một số vệ tinh gián điệp của Mỹ.
Và mặc dù các tài liệu do Edward J. Snowden đưa ra cho thấy, Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) đã xâm nhập vào Triều Tiên, nhưng vẫn chưa rõ liệu khả năng xâm nhập qua mạng máy tính có thu thập được bất cứ thứ gì hữu ích trong một quốc gia có mạng máy tính tối thiểu.
Bước vào năm 2018, vẫn còn một số mâu thuẫn trong giới tình báo về khả năng của Triều Tiên. Hầu hết các cơ quan tình báo nói rằng Triều Tiên có kho vũ khí khoảng 20 hoặc 30 vũ khí hạt nhân nhưng Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ đưa ra con số trên 50. Nhưng chắc chắn, các cơ quan tình báo sẽ không bỏ lỡ việc dự báo bước tiến tiếp theo của Triều Tiên.
Theo Hoàng Tiến (ANTD)
CIA tuyển mật vụ biết tiếng Hàn giữa lúc căng thẳng với Triều Tiên Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã đăng tuyển mật vụ có khả năng nói tiếng Hàn Quốc trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên ngày càng có chiều hướng gia tăng. Bên trong trụ sở Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) (Ảnh: Reuters) Theo Korea Times, Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) ngày 28/11 đã viết...