Hé lộ công ty đa cấp có dấu hiệu lừa đảo “kiểu Muaban24″
“Gắn mác” là các công ty cổ phần nhưng thực chất bên trong lại chẳng mua bán hàng hóa. Hình thức kinh doanh của các công ty này chủ yếu dựa vào việc bán hàng đa cấp, góp vốn đầu tư trả hoa hồng.
Một hình thức đa cấp có dấu hiệu lừa đảo như Muaban24 đang dần bị bóc trần
Theo kết quả điều tra bước đầu của cơ quan điều tra, được thành lập vào cuối năm 2010, Công ty cổ phần cuộc sống Phú Hưng Thịnh do bà H.T.T.P. (29 tuổi, ngụ Đồng Nai) làm giám đốc hoạt động được vài tháng thì bà P. ủy quyền cho Nguyễn Văn Thúy (47 tuổi, quê Quảng Nam) trực tiếp điều hành. Biết được một số mô hình kinh doanh bán hàng đa cấp “hái” ra tiền nên đến tháng 3/2012, công ty thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do chính Nguyễn Văn Thúy đứng tên làm giám đốc.
Thời điểm này, công ty Phú Hưng Thịnh chẳng mua bán hàng hóa gì. Thúy đưa ra hình thức kinh doanh cơ bản là mỗi người khi mua một mã số có giá trị 6.050 triệu đồng sẽ được nhập vào cổ đông của công ty. Sau đó, người này buộc phải giới thiệu thêm 2 người khác tham gia kết nạp, nộp tiền mua mã số của công ty. Giai đoạn tham gia này của một người được xem như chu kỳ thứ nhất.
Cứ như vậy khi kết thúc chu kỳ thứ nhất mà có được 15 thành viên thân thiết thì người đầu tiên sẽ được hưởng 10 triệu đồng. Theo phương thức hoạt động mà Thúy đưa ra thì càng lôi kéo được nhiều người tham gia mua mã số với số tiền trên thì những người vào công ty sớm nhất có thể nhận được cả trăm triệu đồng.
Bên cạnh đó, Thúy cũng đưa ra hai “gói” lựa chọn khác. Cụ thể một người mua một trong hai mã số có trị giá 1,3 triệu hoặc 5 triệu đồng thì được gọi là “thành viên góp vốn”. Để nhận thưởng chu kỳ thứ nhất, khách hàng phải giới thiệu được hai thành viên góp vốn thì được xem thoát chu kỳ 1 và nhận hưởng số tiền 500 ngàn đồng. Khi phía dưới có hai thành viên góp vốn được công nhận thoát chu kỳ 1, thì thành viên góp vốn được công nhận thoát chu kỳ 2 với số tiền 1 triệu đồng. Cứ như thế đến chu kỳ thứ 10 thì được nhận số tiền 1 tỷ đồng.
Với các chương trình đa cấp như vậy, Nguyễn Văn Thúy đã kêu gọi được rất nhiều người tham gia, từ đó chiếm đoạt số tiền khoảng 5 tỷ đồng rồi bỏ trốn.
Cũng với thủ đoạn bạn hàng đa cấp Công ty CP đầu tư thương mại dịch vụ Cộng Đồng Việt (trụ sở tại quận Tân Phú) đã đưa ra hình thức kinh doanh với loại hình đầu tư trả hoa hồng. Theo đó, khi mua một mã hàng với giá 1,8 triệu, khách hàng trở thành đại lý vip của công ty và được cấp một tài khoản cùng mật khẩu để đăng nhập vào trang web.
Nếu khách hàng giới thiệu được đại lý khác sẽ được hoàn vốn và nhận hoa hồng của công ty. Mức hoa hồng giao động từ 2 triệu đến 4 tỷ đồng. Nhiều người “nhẹ dạ” đã tham gia vào mô hình này. Sau khi nhận tiền, công ty Cộng Đồng Việt không thực hiện đúng hợp đồng và đã chiếm đoạt của khách hàng nhiều tỷ đồng.
Video đang HOT
Liên quan đến công ty Phú Hưng Thịnh, cơ quan CSĐT công an TP.HCM yêu cầu Nguyễn Văn Thúy ra trình diện để làm rõ vụ việc nêu trên. Đồng thời công an TP.HCM cũng yêu cầu ai là nạn nhân của hai công ty trên liên hệ với Cơ quan CSĐT Công an TPHCM (Đội 9) địa chỉ 324 Hòa Hưng (phường 13, quận 10) để làm rõ việc tham gia đầu tư và số tiền bị chiếm đoạt.
Trước đó, dư luận đã bị chấn động bởi mạng lưới Muaban24. Cũng với hình thức bán hàng đa cấp. Hệ thống Muaban24 đã “vươn vòi” ra trên 50 chi nhánh ở nhiều tỉnh, thành cả nước. Trong vòng 1 năm, Muaban24 đã phát triển tới 120.000 gian hàng, với số tiền nộp vào hệ thống này lên tới hơn 600 tỷ đồng.
Song thực tế, chỉ có khoảng 5% tổng số gian hàng được bán có hàng để bán. Còn lại chỉ với mục đích mua suất, kêu gọi, lôi kéo người khác tham gia đóng tiền để hưởng % hoa hồng.
Theo Dantri
Mô hình kinh doanh đa cấp gây tranh cãi tại Mỹ
Hệ thống bán hàng đa cấp của công ty Herbalife khiến nhiều người dân Mỹ lâm vào cảnh nợ nần không thể kiểm soát nổi chỉ vì mơ làm giàu nhanh khi tham gia bán sản phẩm Herbalife.
Nhóm phóng viên của hãng tin CNBC đã thực hiện một cuộc điều tra đặc biệt kéo dài 10 tháng nhằm vào hệ thống bán hàng đa cấp của công ty Herbalife.
Bản tin của CNBC bắt đầu với câu chuyện của một người phụ nữ có tên Nicole Lopez. Cô Lopez muốn kiếm thêm tiền và được làm việc ở nhà để có thời gian gần gũi với con cái nhiều hơn. Nhưng rốt cục, cô mất hàng nghìn USD khi tham gia vào hệ thống bán hàng của Herbalife, công ty tiếp thị đa cấp với các sản phẩm như thực phẩm chứng năng bổ sung và giảm cân.
Không muốn lôi kéo người khác vào mạng lưới bán hàng này, cách mà hầu hết những người bán hàng Herbalife thực hiện để kiếm tiền, cô Lopez quyết định dừng cuộc chơi sau 11 tháng và chịu mất 10.000 USD tiền đầu tư.
Herbalife đã kịch liệt "phản pháo" những lời chỉ trích cho rằng công ty này là một mô hình lừa đảo kim tự tháp. Ảnh: CNBC
Sau đó, khi được CNBC "hỏi thăm", Herbalife đã trả lại một phần tiền mà cô Lopez bị mất và gọi trường hợp của cô là kết quả của "sự tư vấn tồi". Nhưng theo hãng tin này, trường hợp của cô Lopez không phải là duy nhất. Cuộc điều tra của CNBC đã tìm ra hàng chục người rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Bán hàng đa cấp (multi-level marketing) là cách thức bán hàng mà sản phẩm được bán thông qua một hệ thống các nhà phân phối thuộc các cấp khác nhau, trong đó có nhiều người làm việc tại nhà và được trả tiền dựa trên sản phẩm được bán cũng như số nhà phân phối khác mà họ lôi kéo tham gia.
Nhiều người được CNBC phỏng vấn cho biết, họ phát hiện ra rằng, việc bán sản phẩm khó hơn họ tưởng. Sau khi không còn "mồi chài" được bạn bè người thân mua hàng, người bán hàng thường xoay sở bằng cách chi ra hàng trăm thậm chí là hàng nghìn USD để mua sản phẩm lấy doanh số, nhưng đôi khi chẳng đi đến đâu.
Họ phát hiện ra rằng, tiền mà họ thực sự kiếm được là từ việc lôi kéo người khác tham gia bán sản phẩm, tạo ra một mạng lưới các nhà phân phối "cấp dưới". Họ càng lôi kéo được nhiều nhà phân phối thì càng kiếm được nhiều tiền, và họ ở cấp càng cao trong mạng lưới thì tỷ lệ lợi nhuận mà họ nhận được càng cao.
Bởi vậy mà ở Mỹ đang dấy lên một cuộc tranh cãi về việc liệu Herbalife và các công ty bán hàng đa cấp khác có thực chất chỉ là những mô hình lừa đảo dạng kim tự tháp (pyramid scheme). Trong những mô hình dạng này, các nhà phân phối kiếm tiền bằng cách tuyển những người bán hàng khác thay vì tự thân bán sản phẩm, với lợi nhuận của những người ở cấp trên cùng của mạng lưới đồng nghĩa với thiệt hại của những người ở cấp dưới cùng.
Cuộc tranh cãi này đã thu hút được sự chú ý của Phố Wall, dẫn tới một cuộc đấu quyết liệt giữa các quỹ đầu cơ khổng lồ xung quanh cổ phiếu Herbalife.
Một tài liệu của nhà chức trách Mỹ công bố hôm thứ Tư tuần này cho thấy, quỹ Third Point do Dan Loeb dẫn đầu đã mua 8% cổ phần của Herbalife. Động thái này đưa Loeb vào thế đối đầu với một nhà quản lý quỹ đầu cơ khác là Bill Ackman, người đã bán khống hơn 20 triệu cổ phiếu Herbalife, tương đương khoảng 1/4 số cổ phiếu đang lưu hành của công ty này.
Tới lúc này, nhiều nhà phê bình cho rằng, các quy định giám sát đối với hoạt động bán hàng đa cấp của Mỹ đã lỗi thời.
Trong vai những người muốn tham gia hệ thống, phóng viên của CNBC đã tham gia vào một sự kiện tuyển nhà phân phối của Herbalife ở New York. Sự kiện này do một cặp đôi đến từ Long Island đã bán hàng Herbalife hơn 20 năm đứng ra tổ chức. Diễn ra trong một phòng hội nghị của khách sạn, sau vài lời giới thiệu, các nhà phân phối Herbalife, bao gồm cả một học sinh phổ thông, bước lên sân khấu kể chuyện rằng Herbalife đã giúp họ "đổi đời" ra sau. Họ nói về số cân nặng họ giảm được, huyết áp cải thiện, năng lượng dồi dào hơn, và đương nhiên là cả số tiền mà họ kiếm được. Có người cho biết họ kiếm được hàng nghìn USD mỗi tháng, thậm chí là 10.000 USD, 20.000 USD, và 65.000 USD.
Một nhà phân phối nói rằng, "chiếc xe đầu tiên của tôi là một chiếc Mercedes và tôi mua được nó nhờ Herbalife". Tuy nhiên không ai nói rõ là họ kiếm được tiền từ bán sản phẩm hay là từ tuyển dụng người mới.
Joe Mariano, Chủ tịch Hiệp hội Bán hàng trực tiếp, cho biết ranh giới giữa mô hình kim tự tháp và kinh doanh đa cấp hợp pháp rất mong manh. "Vấn đề nằm ở hoa hồng. Nếu phần lớn hoa hồng chỉ đến việc tuyển dụng thay vì đến từ bán sản phẩm thì hoạt động kinh doanh đó có vấn đề".
Những công ty như Herbalife tuyên bố họ có những quy định chặt chẽ, nhưng cuộc điều tra của CNBC đã phát hiện ra rằng, rất khó để giám sát hoạt động của hàng triệu nhà phân phối khắp thế giới. Chẳng hạn, các nhà phân phối được yêu cầu phải chứng minh được một số lượng sản phẩm nhất định được bán cho khách hàng thật bên ngoài hệ thống phân phối. Tuy nhiên, thông tin từ một tài liệu của Herbalife cho thấy, công ty không hề đảm bảo được điều này.
Herbalife đã kịch liệt "phản pháo" những lời chỉ trích cho rằng công ty này là một mô hình lừa đảo kim tự tháp. "Tại sao các anh lại nói đến Bernie Madoff ở đây? Nói vậy là có ý gì?", CEO Herbalife, ông Michael Johnson, nói.
Phóng viên CNBC cũng đã thâm nhập vào các câu lạc bộ dinh dưỡng của Herbalife. Được mở ra đầu tiên ở Mexico vào năm 1999 bởi một nhà phân phối, những câu lạc bộ này giờ đã trở thành động cơ tăng trưởng của Herbalife và là một nỗ lực để giảm tình trạng các nhà phân phối phải đi gõ cửa từng nhà để bán hàng và lôi kéo người tham gia như trước đây. Bỏ ra khoảng 4-6,5 USD tiền mặt mỗi ngày, các thành viên trong câu lạc bộ nhận được một cốc đồ uống giảm cân và một cốc trà.
Hiện ở Mỹ vẫn chưa có một cơ quan chức năng nào thể hiện rõ vai trò giám sát hoạt động bán hàng đa cấp. Có chuyên gia nói rằng, đó là Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) và cơ quan này có nhiều thẩm quyền nhất. Tuy nhiên, cũng có người cho rằng, kiểu gì Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Mỹ (SEC) sẽ vào cuộc.
Theo ông David Vladeck, cựu Giám đốc Uỷ ban Bảo vệ người tiêu dùng Mỹ, có một lý do khiến các công ty kinh doanh đa cấp trá hình không bị phá luật "sờ gáy" là vì có ít người chịu đứng lên tố cáo. Trên thực tế, nhiều người đã "sập bẫy" với bán hàng đa cấp nhưng họ ngần ngại không muốn làm to chuyện.
Do xấu hổ, những người như Nicole Lopez và Sharon Shea thường tự trách mình thay vì đứng lên kể rõ câu chuyện của mình. Lopez đã bán Herbalife từ năm 2005 sau khi tìm hiểu qua bạn bè và Internet. Theo Lopez, cô đã nói với người tuyển dụng rằng cô chẳng biết gì về kinh doanh nhưng người này đã bảo cô không có gì đáng ngại, Herbalife có một kế hoạch "sẵn có" để bất cứ ai cũng có thể thành công.
Còn Shea, người đã sử dụng Herbalife để giảm cân, đã quyết định thử tham gia hệ thống này khi chồng mất. Cô đã trở thành nhà phân phối vào năm 2010 với mức áp doanh số rất cao. Shea cho biết cô đã chi 3.000 USD tiền mặt để trở thành "người giám sát" (supervisor). Shea được thuyết phục rằng cô có thể dùng Internet để bán hàng và tuyển dụng, nhưng rốt cục, để duy trì doanh số cô đã phải bỏ tiền ra mua hàng. Chỉ vài tháng sau, cô đã từ bỏ công việc này, chấp nhận mất 15.000 USD.
Khi CNBC liên hệ với Herbalife về những gì đã xảy ra với Shea và Lopez, công ty này đã hoàn trả lại cho họ một phần khoản thua lỗ, và cho rằng những thất bại của họ là do được tư vấn kém. CEO Johnson của Herbalife nói trong cuộc phỏng vấn với CNBC: "Chúng tôi không vui vì những gì xảy ra với họ. Ai cũng buồn cả thôi. Cơ hội của họ đã không được nhận ra".
Theo VNE
Thương mại điện tử Việt Nam kỳ vọng vào năm 2013 Những rắc rối của MB24, Nhóm Mua, Deal Sốc,... là điển hình cho khó khăn của thương mại điện tử Việt Nam năm 2012. Dù vậy, các chuyên gia vẫn nhận định năm 2013 sẽ xuất hiện thời cơ tốt để lĩnh vực này "cất cánh". Theo một số chuyên gia, 2012 được xem là năm khó khăn nhất trong 20 năm của...