Hé lộ câu chuyện bị bưng bít sau vụ ám sát hụt Nữ hoàng Anh
Một thiếu niên 17 tuổi đã thực hiện vụ ám sát hụt Nữ hoàng Anh Elizabeth II trong chuyến thăm của bà tới New Zealand năm 1981. Tuy nhiên, chính quyền sở tại được cho là đã bưng bít thông tin về vụ việc này.
Nữ hoàng Anh Elizabeth II cùng phu quân tới Wellington, New Zealand vào năm 1981. (Ảnh: Getty)
Một thiếu niên New Zealand đã âm mưu ám sát Nữ hoàng Elizabeth II trong chuyến thăm của Hoàng gia Anh tới Dunedin, New Zealand vào ngày 14/10/1981.
Theo tài liệu của Cơ quan tình báo an ninh (SIS) New Zealand, Christopher John Lewis, 17 tuổi, đã nổ súng bắn vào đoàn xe chở Nữ hoàng Elizabeth từ một phòng toilet trên tầng 5 của một tòa nhà nhìn ra đoàn xe chở các thành viên của Hoàng gia Anh.
Lewis đã bắn trượt, nhưng sau đó cũng không bị buộc tội cố ý giết người. Thiếu niên này chỉ bị xử một tội nhỏ là mang vũ khí và nã đạn.
Vụ ám sát Nữ hoàng Anh đã bị bưng bít trong vòng hơn một năm trước khi truyền thông New Zealand bắt đầu đưa tin rầm rộ vào giữa thập niên 90. Mới đây, nhà báo Hamish McNeilly cuối cùng cũng tiếp cận được các tài liệu mật của SIS, trong đó xác nhận âm mưu ám sát cũng như cuộc điều tra của cảnh sát về vụ ám sát này.
Những bản sao chép của các tài liệu mật trên đã được gửi cho CNN, trong đó mô tả cách thức Lewis, người được chẩn đoán mắc chứng tâm thần phân liệt, đã hành động thay cho một nhóm có tên gọi “Đội quân Du kích Hoàng Đế”. Theo các tài liệu trên, Lewis thực hiện âm mưu ám sát Nữ hoàng Anh với sự giúp sức của “hai người” mà thiếu niên này gọi là “Người Tuyết” và “Gấu Cực”, tuy nhiên đây cũng có thể chỉ là hai nhân vật giả tưởng.
Âm mưu ám sát
Christopher John Lewis được đưa tới tòa án quận Auckland. (Ảnh: Caters News)
Theo các tài liệu của SIS và ghi chép của nhà báo McNeilly, vào sáng ngày 14/10, Lewis đã đạp xe tới tòa nhà Adams cao 7 tầng và cuối cùng chọn một căn phòng trên tầng 5 – nơi có thể phóng mắt nhìn ra đoàn xe chở Nữ hoàng Anh khi đoàn xe di chuyển qua thành phố Dunedin ở phía nam New Zealand. Khi đó Lewis đang là học sinh phổ thông.
Từ bên trong một phòng toilet vắng vẻ trên tầng 5 của tòa nhà, Lewis đã đặt sẵn khẩu súng trường cỡ .22 mà y lấy cắp được lên bục cửa sổ và chờ chiếc xe Roll Royce chở Nữ hoàng Anh đi qua đám đông ở bên ngoài bảo tàng Otago. Khi Nữ hoàng bước ra khỏi xe và theo sau bà là phu quân – Công tước xứ Edinburgh, Lewis đã bóp cò.
Viên đạn sau đó đã không bắn trúng bất kỳ thành viên nào trong phái đoàn hoàng gia Anh và mọi hoạt động vẫn diễn ra như chưa từng có vụ nổ súng. Một tài liệu mật của cảnh sát cho biết việc Lewis chọn tòa nhà Adams làm nơi thực hiện vụ ám sát gần như không thể giúp thiếu niên này có tầm nhìn rõ về phía đoàn xe chở hoàng gia Anh. Từ vị trí đó, Lewis chỉ có tổng cộng 8 giây để có thể thấy rõ sự xuất hiện của Nữ hoàng.
“Đường đi của viên đạn có thể đã bay cao trên đầu đám đông, chứ không trúng mục tiêu trên đường”, báo cáo của cảnh sát cho biết.
Video đang HOT
Nữ hoàng Elizabeth II và phu quân bước xuống máy bay ở Wellington trong chuyến thăm tới New Zealand vào tháng 10/1981. (Ảnh: Getty)
Lewis đã bị bắt giữ một tuần sau đó với cáo buộc ăn cắp vũ khí cùng với hai đồng phạm. Báo cáo của cảnh sát cho biết Lewis không phải đối mặt với bất kỳ tội trạng nào ngoài việc sở hữu và nổ súng. Nam sinh 17 tuổi được cho là hành động thay mặt cho một nhóm gồm 3 người và hai người còn lại mang mật danh bí ẩn, lần lượt là “Người Tuyết” và “Gấu Cực”.
“Tổ chức này được thành lập từ một nhóm thanh niên cực kỳ nổi loạn và không có thêm bất kỳ thành viên nào khác ngoài 3 người bị bắt vì tội trộm cướp. Lewis sống trong một thế giới mơ mộng và thường xuyên bị ảnh hưởng từ việc đọc những tạp chí như “Gun Ho”, trong đó chứa những thông tin về các trang thiết bị quân sự, các chiến thuật và cuộc chiến tranh du kích”, tài liệu của cảnh sát viết về Lewis và các đồng phạm.
Mãi cho tới khi một tờ báo đưa tin về sự tồn tại của một âm mưu ám sát Nữ hoàng Anh, một báo cáo do SIS chuẩn bị vào năm 1997 mới kết luận rằng: “Lewis ban đầu thực sự có chủ định ám sát Nữ hoàng”.
“Tuy nhiên, anh ta (Lewis) không tìm có một vị trí thuận lợi để nổ súng, và cũng không có khẩu súng trường đủ mạnh với tầm bắn đủ xa để bắn trúng mục tiêu”, tài liệu của SIS cho biết thêm.
Cố tình che giấu?
Nữ hoàng Elizabeth II bước qua một nhóm biểu tình chống hoàng gia trong chuyến thăm tới Dunedin năm 1981. (Ảnh: New Zealand Herald)
Mặc dù cảnh sát có mặt tại hiện trường và một số nhân chứng khai rằng họ có nghe thấy tiếng súng nổ của Lewis. Tuy nhiên, những gì được công bố chính thức lại cho thấy câu chuyện hoàn toàn khác.
Vào thời điểm xảy ra vụ bắn súng, hầu hết cánh phóng viên đều nghĩ rằng tiếng súng đó là tiếng nổ của pháo hoa. Trong khi một số phóng viên khác được trấn an rằng đó là âm thanh của một tấm biển rơi xuống, theo nhà báo McNeilly.
Chính điều này đã dẫn tới quyết định của các nhà chức trách New Zealand hòng giảm nhẹ tội cho Lewis. Từ chỗ có thể phải đối mặt với tội phản quốc, vốn bị quy vào án tử hình vào thời điểm đó, Lewis bị cáo buộc ở tội danh nhẹ hơn rất nhiều, đó là sở hữu súng trái phép và nổ súng nơi công cộng.
Câu chuyện chính thức về vụ ám sát Nữ hoàng Anh bắt đầu được hâm nóng trở lại vào thập niên 90 khi một số nguồn tin thân cận với cuộc điều tra về vụ việc bắt đầu tiết lộ với truyền thông. Vụ việc này càng gây chú ý hơn sau khi cuốn sách “Bưng bít và Trốn tránh” được sĩ quan cảnh sát nghỉ hưu Tom Lewis xuất bản năm 1998.
Truyền thông khi đó đã mô tả Lewis là kẻ “chống đối hoàng gia” và nhận định rằng, chính quyền New Zealand cố tình che đậy vụ việc vì lo sợ vụ này sẽ khiến các chuyến thăm hoàng gia trong tương lai bị hủy và Nữ hoàng Anh sẽ không quay lại New Zealand.
Con đường tù tội
Bức ảnh chụp Christopher Lewis vào tháng 12/1996, gần một năm trước khi tự sát (Ảnh: Dominion Post)
Sau vụ ám sát bất thành, Lewis bị kết án 3 năm tù giam và được chuyển đến một trung tâm giam giữ thiếu niên và các bệnh viện tâm thần với mức độ an ninh cao. Theo nhà báo McNeilly, sau khi được thả vào năm 1985, Lewis tiếp tục bị bắt vì các cáo buộc liên quan tới trộm cắp và bị kết tội thêm 8 năm tù.
Sau khi ra tù năm 1992, Lewis vẫn “ngựa quen đường cũ” khi thực hiện vụ cướp ngân hàng và bị tống vào nhà giam không lâu sau đó. Vào năm 1995, Nữ hoàng Anh tiếp tục có chuyến thăm tới thủ đô Auckland của New Zealand. Lewis, lúc này 31 tuổi, đã được trả tự do ra ngoài.
Theo một tài liệu mật, mặc dù Lewis đã cho thấy sự cải thiện nhiều về tính cách, song cảnh sát vẫn nghi ngờ bản tính của người đàn ông này vì những hành động có liên quan tới bệnh tâm thần trong quá khứ. Theo đó, cảnh sát vẫn giữ liên lạc hàng ngày với Lewis trong thời gian diễn ra chuyến thăm của Nữ hoàng Elizabeth tới Auckland. Lấy ly do về quá khứ của Lewis, cảnh sát đã đưa người đàn ông này tới đảo Great Barrier ở ngoài khơi vùng biển phía bắc của New Zealand và chi phí cho chuyến đi do chính phủ chi trả.
Một năm sau đó, Lewis tiếp tục vướng vào vòng lao lý khi bị cáo buộc sát hại Tanya Furlan, một bà mẹ 3 con tại Auckland, và bắt có một trong số các con của người phụ nữ này. Lewis đã tự tử trong nhà giam vào ngày 23/9/1997 khi đang trong thời gian chờ xét xử.
Thành Đạt
Tổng hợp
Theo Dantri
Muốn vào hoàng cung Anh làm việc, hãy nộp đơn ứng tuyển những vị trí này
Nhưng trước đó, bạn phải vượt qua hàng rào các yêu cầu khó nhằn do hoàng gia Anh đưa ra.
Tuyển nữ giới đi giày mới hộ nữ hoàng Anh
Điều kiện: size 35, chân không có mùi hôi.
Chắc hẳn nhiều người sẽ thắc mắc: Vì sao nữ hoàng không đích thân đi giày mới? Stewart Parvin - người đảm nhiệm phần trang phục cho nữ hoàng suốt 11 năm qua cho biết: "Giày đi vào phải mang lại cảm giác dễ chịu ngay, nữ hoàng phải tìm người có cùng size chân để thử giày mới (giày sẽ mềm và giãn ra). Bởi một nữ hoàng không bao giờ có thể than thở "Tôi không thấy thoải mái, không đi nổi nữa".
Tuy nghe có vẻ là một công việc dễ dàng nhưng thật ra lại rất khó tìm được người thích hợp. Nữ hoàng đi giày size 4 (tính theo đơn vị đo của Anh), bằng size 35 ở châu Á - size khá nhỏ và ít người cùng cỡ.
Ngoài ra, không chỉ có cùng cỡ chân là đủ, người được tuyển phải chuẩn bị sẵn tinh thần "hy sinh không sợ đau". Theo nhân viên trong nội bộ hoàng gia tiết lộ, người chuyên đi thử giày mới trong cung điện Buckingham chỉ được phép đi tất ngắn màu be trong giờ làm việc, hơn nữa chỉ được phép đi lại trên thảm.
Do tính chất công việc và địa vị xã hội, nữ hoàng thường đi giày lễ phục - loại giày được thiết kế tinh tế, đẹp mắt nhưng khi đi vô cùng khó chịu. Vì vậy, nữ hoàng cần người đi hộ giày mới để giãn rộng giày. Và tất nhiên, người này không được mắc bệnh... hôi chân.
Nhân viên nghe điện thoại
Do có quá nhiều cuộc điện thoại gọi đến cung điện Buckingham mỗi ngày, nữ hoàng Elizabeth II đã phải tuyên bố tuyển thêm một nhân viên chuyên nghe máy.
Được biết, lương khởi điểm năm đầu của công việc này là 23.000 bảng Anh, ngoài ra còn có thêm các loại trợ cấp, về hưu được cộng thêm 15% lương, được cung cấp bữa trưa miễn phí, mỗi năm còn được nghỉ phép 33 ngày. Đây được coi là công việc hàng đầu trong lĩnh vực nghiệp vụ hoàng gia.
Quản lý Twitter cho nữ hoàng
Ngày 12 tháng 2 vừa qua, theo trang The Sun của Anh, cung điện Buckingham bất ngờ đăng tuyển vị trí quản lý trang mạng xã hội Twitter cho nữ hoàng, mức lương đưa ra là 30.000 bảng Anh/năm. Đây là công việc toàn thời gian, bao gồm quản lý tài khoản Twitter của nữ hoàng, thông báo các hoạt động của bà tới thế giới và phát huy tác dụng của hoàng gia trong đời sống xã hội.
Trên trang web hoàng gia Anh, vị trí này mang tên "Chuyên gia viễn thông số". Theo suy đoán, ngoài việc quản lý Twitter cho nữ hoàng, người đảm nhiệm vị trí này còn phải phụ trách đăng tải nội dung, thông tin trên Facebook và kênh Youtube, đồng thời đưa tin về các chuyến viếng thăm ngoại giao nước ngoài, các nghi thức ban thưởng của nữ hoàng.
Trợ lý quản gia
Ngày 29 tháng 8, trang Daily Mail của Anh đưa tin, nữ hoàng Elizabeth II đăng tuyển trợ lý quản gia làm việc ở cung điện Buckingham. Ứng viên phải có khả năng làm việc tỉ mỉ, tự hào về chức trách của mình, giỏi giao tiếp, biết cách bố trí thời gian hợp lý. Nội dung công việc chủ yếu bao gồm dọn vệ sinh, chăm sóc các vật dụng trong phòng dù đó là tấm thảm trải sàn thông thường hay những vật trang trí đắt giá có lịch sử lâu đời.
Nhân viên rửa bát
Ai bảo làm nghề rửa bát là không giàu? Hoàng gia Anh năm ngoái từng tuyển nhân viên rửa bát với mức lương lên tới 16.755 bảng Anh/năm. Thời gian làm việc 5 ngày/tuần, một năm được nghỉ phép 33 ngày, được cung cấp ba bữa ăn miễn phí mỗi ngày và đặc biệt được sống trong cung điện Buckingham.
Nhân viên quản lý đồng hồ
Tháng 9 năm 2013, giới truyền thông Anh đưa tin cung điện Buckingham cần tuyển một nhân viên chuyên quản lý đồng hồ cho hoàng gia. Nội dung của công việc có giá 31.200 bảng Anh/năm này bao gồm: điều chỉnh 1.000 chiếc đồng hồ của nữ hoàng Elizabeth II, đảm bảo chúng vận hành chính xác. Ứng viên bắt buộc phải là chuyên gia về đồng hồ, có kinh nghiệm phong phú trong lĩnh vực cơ khí, có khả năng làm sạch máy móc và chế tạo linh kiện mới.
Phía cung điện cho biết, nhiệm vụ lớn nhất của người đảm nhiệm vị trí này là điều chỉnh tốc độ đồng hồ nhanh hơn vào tháng 3 hàng năm và làm ngược lại vào tháng 10. Ngoài ra, người này còn phải phụ trách công việc bảo vệ, trùng tu và sửa chữa đồng hồ. Được biết, hoàng gia Anh sở hữu vô vàn mẫu đồng hồ khác nhau. Có những cái to bằng tháp đồng hồ, có cái chỉ nhỏ như đồng hồ quả quýt.
Theo Danviet
Hoàng thân Anh nghỉ hưu ở tuổi 96 Hoàng thân Philip sẽ bắt đầu nghỉ hưu, từ bỏ các nghĩa vụ Hoàng gia Anh, từ hôm nay. Hoàng thân Philip và Nữ hoàng Anh Elizabeth II trong một sự kiện năm 2016. Ảnh: PA. Hoàng thân Philip, Công tước xứ Edinburgh, chồng Nữ hoàng Elizabeth II, hôm nay sẽ dự lễ diễu binh của thủy quân lục chiến hoàng gia Anh...