Hé lộ cái ơn của danh ca Ái Vân đưa Chí Tài đến với diễn xuất, tạo nên 1 danh hài lừng lẫy
“Chị Ái Vân đã cho tôi cơ hội từ nhạc sĩ chuyển sang phụ diễn, rồi từ phụ diễn chuyển sang ca nhạc kịch, từ đó mới thành diễn hài” – nghệ sĩ Chí Tài nói.
Sự ra đi của cố nghệ sĩ Chí Tài là tổn thất lớn đối với showbiz Việt. Trước khi qua đời, nghệ sĩ Chí Tài vẫn làm việc miệt mài và vẫn còn nhiều chương trình đang dang dở. Một trong số những chương trình đó là talk show của riêng anh mang tên Chí Tài lên mây.
Dù Chí Tài đã ra đi, nhưng chương trình vẫn tiếp tục được lên sóng. Trong số mới nhất, Chí Tài tâm sự kỷ niệm giữa mình và danh ca Ái Vân.
Tôi có được ngày hôm nay một phần nhờ vào sự giúp đỡ của chị Ái Vân
Tôi có được ngày hôm nay một phần nhờ vào sự giúp đỡ của chị Ái Vân. Ái Vân lớn tuổi hơn tôi nên từ những ngày đầu tiên gặp tôi đã kêu là chị.
Lúc đó, tôi làm hòa âm một số ca khúc cho Ái Vân như Tát nước đầu đình, Lý cây đa. Khi tôi hòa âm xong, Ái Vân rất thích và chuyển bản thu qua cho giám đốc trung tâm Thúy Nga, bảo với họ rằng có người tên Chí Tài hòa âm rất vui nhộn, duyên dáng.
Mọi người nên biết hòa âm nhạc dân ca như vậy rất khó, có những chỗ phải ngừng lại để thoại, có những chỗ lại hát tự do. Hồi xưa công nghệ chưa cao nên phải thu trực tiếp để lấy được đoạn hát tự do đó, mà chị Ái Vân lại ở bên Đức, còn tôi ở bên Mỹ. Ái Vân thu xong rồi gửi sang cho tôi.
Khi hòa âm những bài đó, tôi phải tự tưởng tượng ra các nhịp như thế nào. Chị Ái Vân nghe xong bản hòa âm mới bảo rằng hợp với loại nhạc vừa hát vừa diễn của chị ấy.
Một lần khác, Ái Vân gọi điện qua cho tôi nói: “Tài à, mình sẽ hát bài Trăng sáng vườn chè (bài hit của Ái Vân), Tài hòa âm cho mình bài đó”. Bài này vốn được cô Xuân Sơn hát trước đó.
Tôi viết lại mới toàn bộ hòa âm rồi gửi qua cho Ái Vân, chứ không dùng hòa âm cũ. Ái Vân nghe xong rất thích. Đến lúc thu hình, chị ấy gọi qua nói: “Bây giờ mình nhờ Tài phụ diễn bài này được không. Tài chỉ việc ngồi, mình ra hát tới đâu Tài diễn tới đó”.
Đây là một cơ hội mới với tôi lúc ấy. Đó cũng là lần đầu tiên tôi bước lên sân khấu Paris By Night với vai trò diễn xuất.
Chị Ái Vân đã cho tôi cơ hội từ nhạc sĩ chuyển sang phụ diễn, rồi từ phụ diễn chuyển sang ca nhạc kịch, từ đó mới thành diễn hài
Trước đó, tôi làm hòa âm cho các ca sĩ chỉ được để tên vào cuối cùng, chẳng ai biết. Thói quen của người xem là xem hết ca khúc rồi thôi, ai để ý tên người hòa âm.
Tuy vậy nhưng việc ngồi diễn một chỗ với tôi khá khó vì không biết phải làm gì trong một bài hát dài hơn 7 phút. Thà ra múa may, nhảy nhót còn dễ hơn ngồi một chỗ để diễn theo ca sĩ.
Lúc ra tập, tôi mới thấy sợ kinh khủng. Suốt 7 phút cứ ngồi cầm cuốn sổ, giả vờ đọc, không được nói câu nào, rất căng thẳng.
Vậy mà diễn xong tôi lại nhận được nhiều lời khen. Đầu tiên, Ái Vân khen tôi hóa thân đúng nhân vật, nhìn mặt là thấy ghét (vì tôi nhập vai ông chồng làm biếng học, chỉ mơ tưởng chuyện chăn gối, vợ phải giục học).
Đến phút cuối, tôi phải thực hiện động tác bế Ái Vân vào. Quay đến cảnh thứ hai thì tôi bị té, khiến Ái Vân la: “Tài diễn phải tập trung chứ, té ngã thì sao”.
Nhờ bài hát đó mà các trung tâm khác mới để ý đến tôi, nhờ tôi hát và diễn những ca nhạc hài.
Nhân đây, tôi muốn gửi lời cám ơn đến chị Ái Vân đã cho tôi cơ hội từ nhạc sĩ chuyển sang phụ diễn, rồi từ phụ diễn chuyển sang ca nhạc kịch, từ đó mới thành diễn hài. Đó là cái ơn của chị Ái Vân với tôi.
Khi tôi mới về Việt Nam diễn tại một phòng trà, chị Ái Vân đứng đợi tôi ngoài cửa
Chị Ái Vân một thời là tượng đài hát dân ca trong lòng khán giả, khó thay thế. Thực ra, dân ca thì nhiều người hát hay nhưng chị Ái Vân lại được cái diễn xuất thần.
Nếu coi Ái Vân hát trên sân khấu, mọi người sẽ quên hẳn chuyện chị ấy đang hát cái gì, chỉ coi sự diễn xuất của chị ấy rồi lôi cuốn theo.
Tôi cộng tác được với Ái Vân được 4 năm rồi thôi. Khi tôi mới về Việt Nam diễn tại một phòng trà, chị Ái Vân đứng đợi tôi ngoài cửa.
Tôi vừa diễn xong thì chị ấy ra bắt tay chúc mừng rồi nói: “Không ngờ sau một thời gian không gặp, Tài lại chuyển qua lĩnh vực hài”.
Sau đó, tôi chỉ gặp lại chị Ái Vân thêm một hai lần nữa. Thời điểm ra mắt hồi ký, chị ấy có tặng tôi một cuốn. Tôi đọc thấy có nhắc đến mình trong đó. Tôi rất hạnh phúc vì được là người em chị ấy nhớ tới.
Tuổi thơ cơ cực của Chí Tài
Lúc Chí Tài còn nhỏ, gia đình sống trong một căn nhà dưới hầm Bưu điện TP HCM. Ông bắt đầu ra đời sớm, kiếm tiền bằng nhiều nghề khác nhau.
Cố nghệ sĩ Chí Tài sinh trưởng tại TP HCM trong một gia đình bố làm công chức bưu điện, có đông anh chị em đến nỗi ông không nhớ nổi con số chính xác. Trong hoài niệm của ông, đó là một tuổi thơ nhiều khó khăn. Đồng lương chính của bố khá ít ỏi. Để tiết kiệm chi phí, gia đình ông phải sống trong một căn nhà dưới hầm của Bưu điện TP HCM. Cuộc sống bị bủa vây bởi sự thiếu thốn về kinh tế khiến người con thứ tám của gia đình - Chí Tài - nung nấu ý chí tự lập và mong muốn kiếm tiền ngay từ nhỏ.
Chí Tài thuở niên thiếu.
Thuở ấy, cậu học sinh mới lớp hai - Chí Tài - quan sát xung quanh khu vực mình ở, thấy hàng ngày có rất nhiều người đến giao dịch ở bưu điện. Một ý nghĩ loé trong đầu cậu, đó là nhận giữ xe cho khách. Cầm trên tay một miếng khăn cũ, Chí Tài của tuổi lên 8 đã đến từng người nhỏ nhẹ xin được giữ xe. "May mắn, mọi người thấy tôi còn nhỏ nên thương và đồng ý. Làm quen tay, tôi kiếm được kha khá so với cái tuổi chỉ biết ăn học ấy", ông nhớ lại. Lớn lên thêm một chút, Chí Tài nhận thêm việc phụ dán tem thư cho khách hàng. Cứ như thế, Chí Tài sớm bước ra đời và lớn lên cùng sự phát triển của phố thị.
Lên lớp 6, ông dần tìm thấy niềm đam mê với âm nhạc. Vì nhà không có điều kiện, ông cố gắng tự tìm tòi học nhạc. Nhờ sự nhanh nhạy, Chí Tài có thể học thuộc làu một bàn nhạc dài tận bốn trang giấy. Nhưng ngày ấy, cố nghệ sĩ chỉ mê chơi đàn guitar, thích được đứng trên sân khấu và lên truyền hình. Với tưởng tượng của cậu nhóc 13 tuổi, hình ảnh nghệ sĩ chơi đàn trông cá tính và hấp dẫn hơn, còn công việc ca sĩ đòi hỏi nhiều kỹ năng, điều kiện khác.
Suốt bốn năm, Chí Tài miệt mài học đàn, đồng thời sinh hoạt ở quận đoàn Phú Nhuận. Ông không ngại làm nhiều công việc khác như múa tập thể, hát tốp ca... để tìm kiếm cơ hội. Một bữa nọ, một người nhạc sĩ nghỉ bệnh nên ông mới liều xin vào thay thế. Từ đó, ông bén duyên và bắt đầu đi diễn kiếm tiến, sau này còn thành lập cả một ban nhạc tên Lướt Sóng để phát triển sự nghiệp âm nhạc.
Với Chí Tài, quận đoàn Phú Nhuận là nơi chắp cánh ước mơ nghệ thuật của mình bay cao. Và sau bao nhiêu năm, mỗi khi đi ngang nơi chốn cũ trên đường Hoàng Văn Thụ, ông đều quay ngước nhìn và bày tỏ một niềm trân trọng.
Chí Tài gắn bó với guitar từ thuở niên thiếu đến tuổi xế chiều.
Đến năm 1981, Chí Tài theo gia đình sang Mỹ, mở ra một chương mới của cuộc đời ông. Ông thành lập một ban nhạc khác tên Chi Tai's Brothers, rồi gặp gỡ và kết hôn bà xã Phương Loan năm 1987. Sau đó, Chí Tài nhận lời mời từ danh hài Hoài Linh, thử sức theo đuổi nghiệp diễn hài và trở thành tên tuổi được công chúng yêu mến. Dù vậy, sự nghèo khó từ quá khứ phần nào ảnh hưởng đến Chí Tài lúc trưởng thành, trong đó có quan điểm về chuyện con cái.
Chí Tài tâm sự ông muốn kinh tế gia đình phải thật ổn định mới nghĩ đến đón thêm thành viên mới. " Tôi tự đặt ra câu hỏi: Tại sao mình phải đưa mình vào hoàn cảnh khó xử và con mình vào hoàn cảnh thiếu thốn? Tôi chờ đủ kinh tế rồi mới tính" , ông nói. Từ đó, ông tập trung toàn bộ thời gian làm việc và kiếm tiền. Thời gian thấm thoắt trôi qua, đến lúc hai vợ chồng lớn tuổi mà không có con cái kề bên, Chí Tài không khỏi tiếc nuối. Lúc này, ông cũng không muốn sinh con bởi con có thể không được khỏe mạnh bình thường như bao đứa trẻ khác.
Điều khiến Chí Tài phần nào an lòng là bà xã không trách cứ ông đam mê nghệ thuật mà quên mất chuyện con cái. Ngược lại, Phương Loan cũng có quan điểm giống chồng. Cả hai cho rằng quan trọng là họ tận hưởng bình yên, sống vui vẻ trong từng khoảnh khắc bên nhau.
Nghệ sĩ Chí Tài đột quỵ và qua đời chiều 9/12, để lại nhiều thương tiếc cho gia đình, đồng nghiệp và khán giả.
Dự kiến sáng 12/12, thi hài nghệ sĩ Chí Tài sẽ được làm lễ nhập quan. Lễ viếng cố danh hài bắt đầu từ 9h sáng đến 16h cùng ngày tại Nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng, quận Gò Vấp, TP HCM. Sau đó linh cữu Chí Tài được đưa ra sân bay Tân Sơn Nhất làm thủ tục về Mỹ theo nguyện vọng của gia đình. Danh hài Hoài Linh giữ vai trò trưởng ban tang lễ.
Danh hài Chí Tài: Bán nụ cười cho đời, giấu nỗi buồn vào tim Chí Tài đã sống một đời không có gì để thẹn. Hình ảnh, câu chuyện về "người đàn ông đàng hoàng và tình cảm nhất giới nghệ sĩ" sẽ in sâu trong lòng đồng nghiệp, khán giả. Nghệ sĩ có sự nghiệp trải dài hơn 4 thập niên Những năm 1976 - 1977, Chí Tài bắt đầu sự nghiệp là nhạc sĩ, nhạc...