Hè đến, cẩn trọng với bệnh nguy hiểm trẻ nhỏ dễ mắc phải
Mùa hè với nền nhiệt độ cao, độ ẩm cao khiến các bệnh có khả năng bùng phát thành dịch. Đặc biệt với trẻ nhỏ, nhiều loại bệnh nguy hiểm có biểu hiện gần giống với những căn bệnh thông thường dễ khiến trẻ mắc bệnh rơi vào nguy hiểm, cha, mẹ hãy chú ý!
Mùa hè với nền nhiệt độ và độ ẩm cao dễ khiến trẻ nhỏ mắc các bệnh nguy hiểm
Viêm màng não – nguyên nhân khiến trẻ tử vong nếu điều trị muộn
Những ngày qua, tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành thuộc khu vực Bắc Bộ đã liên tiếp xuất hiện những đợt nắng nóng kỷ lục với mức nhiệt cao nhất trong vòng vài năm trở lại đây. Chính sự thay đổi về thời tiết này khiến nhiều dịch bệnh dễ bùng phát. Đặc biệt, chỉ mới đầu hè tại Trung tâm Y học các bệnh nhiệt đới trẻ em BV Nhi Trung ương đã tiếp nhận, điều trị cho khoảng 30 trẻ bị mắc viêm não, viêm màng não.
Không chỉ vậy, theo PGS.TS Trần Minh Điển – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương: “Trung bình mỗi năm Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận 300-500 ca mắc viêm não màng não. Hiện tại, khoa Điều trị tích cực – Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh Nhiệt đới của Bệnh viện cũng đang điều trị cho gần 30 bệnh nhi mắc viêm não màng não với nhiều lứa tuổi khác nhau. Hầu hết các trẻ này đều được chuyển từ tuyến dưới lên trong tình trạng bệnh đã nặng và có biến chứng thần kinh. Điều đáng nói, phần lớn các cháu đều chưa được tiêm phòng vắc-xin”, PGS.TS Trần Minh Điển – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương.
Theo các chuyên gia, viêm não, viêm màng não là bệnh do viêm nhiễm hệ thần kinh trung ương (nhu mô não và màng não). Nguyên nhân có thể do vi khuẩn, virus, nấm và kí sinh trùng. Theo thống kê, tỷ lệ trẻ bị mắc các bệnh lý về viêm màng não nhiễm khuẩn đứng thứ 3 trong số các bệnh lý vào điều trị và là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 2 cho trẻ dưới 5 tháng tuổi. Đây là một bệnh lý có tỷ lệ tử vong lên tới 50% nếu không được điều trị, 10-20% bị di chứng về thần kinh, giảm thính lực. Điều đáng nói, nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời trong vòng 24h – 48h khởi bệnh thì tỷ lệ tử vong giảm xuống chỉ còn hơn 10%. Do đó, nhận biết các triệu chứng và hành động nhanh là rất quan trọng.
Theo TS.BS Nguyễn Văn Lâm – Giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo, hiện đang là thời kỳ cao điểm của bệnh viêm não và viêm màng não, vì vậy để phòng tránh bệnh, các gia đình cần cho trẻ đi tiêm vắc-xin phòng bệnh theo đúng độ tuổi, đúng thời gian. Đặc biệt, khi phát hiện trẻ có những dấu hiệu sốt cao, đau đầu, buồn nôn và cứng gáy, các gia đình cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời.
Viêm não virus – để lại di chứng thần kinh và có nguy cơ tử vong cao
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh viêm não vi rút là một tình trạng bệnh nguy hiểm do nhiều loại vi rút gây nên thường gây tổn thương ở não, để lại di chứng thần kinh và nguy cơ tử vong cao. Tính từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 130 trường hợp mắc bệnh viêm não vi rút với 4 trường hợp tử vong; 7 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do mô cầu.
Các căn nguyên gây viêm não thường là các virus arbo – trong đó có virus viêm não Nhật Bản, virus herpes, các virus đường ruột, sởi, quai bị và các virus khác. Do triệu chứng lâm sàng rất khó phân biệt giữa các chủng virus nên việc chẩn đoán nguyên nhân phải thông qua việc xét nghiệm xác định virus.
Biểu hiện chính của bệnh là sốt cao và kèm theo các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương bao gồm: nhức đầu dữ dội, buồn nôn và nôn mửa, cứng cổ, lú lẫn, mất định hướng, thay đổi nhân cách, co giật, rối loạn nghe nói, ảo giác, mất trí nhớ, đờ đẫn, hôn mê… Người già và trẻ em là những người có nguy cơ cao bị mắc bệnh nặng, dễ biến chứng và tử vong.
Đặc biệt, với bệnh viêm não do virus, tác nhân gây bệnh thường tấn công trực diện vào nhu mô não, tỉ lệ tử vong từ 10-15% và 35-45% để lại các di chứng về thần kinh, vận động. Trẻ cũng có thể mắc viêm não thứ phát sau khi mắc các bệnh như cúm, sởi, thuỷ đậu quai bị… do virus biến thể, gây viêm não, thường sau 1-2 tuần.
Ngoài hai căn bệnh viêm màng não, viêm màng não mủ, viêm não virus, vào thời điểm mùa hè, trẻ nhỏ rất dễ bị “đe dọa” bởi nhiều loại bệnh khác: viêm não Nhật Bản, tay chân miệng, sốt xuất huyết, sốt phát ban dạng sởi, ngộ độc thực phẩm…
Cụ thể, theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê trong tháng 4/2019, cả nước có 2,9 nghìn trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, 9,5 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, 67 trường hợp mắc bệnh thương hàn, 46 trường hợp mắc bệnh viêm não vi rút, 1 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do mô cầu và 413 người bị ngộ độc thực phẩm. Đáng lưu ý là bệnh sởi có dấu hiệu gia tăng vào thời điểm giao mùa đông xuân, trong tháng 4/2019 (từ 19/3 đến 18/4/2019), cả nước đã phát hiện 5,9 nghìn trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 942 trường hợp mắc sởi dương tính. Tính chung 4 tháng đầu năm, cả nước có 16,1 nghìn trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó 2,2 nghìn trường hợp mắc sởi dương tính (2 trường hợp tử vong).
Video đang HOT
Do vậy, để phòng tránh bệnh, viêm màng não, viêm não virus Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần:
Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở, chuồng gia súc sạch sẽ để hạn chế nơi trú đậu của muỗi. Nên dời chuồng gia súc xa nhà, xa nơi sinh hoạt của trẻ em, loại bỏ các ổ bọ gậy.
Đối với các virus arbo, bệnh lây qua côn trùng tiết túc do muỗi, ve… đốt, quan trọng nhất là hạn chế các nguy cơ bị côn trùng, muối đốt khi sinh hoạt hoặc làm việc ngoài trời. Đặc biệt là vào lúc bình minh hoặc hoàng hôn (thời điểm muỗi hoạt động mạnh nhất) thông qua việc mặc áo quần phủ kín tay, chân như mặc áo dài tay, mang tất cùng với việc sử dụng các chất xua đuổi côn trùng, nằm màn khi ngủ.
Tiêm vắc-xin phòng bệnh viêm não, đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất hiện nay.
Ngọc Nga – Tuấn Anh
Theo baophapluat
Bác sĩ chỉ cách nhận biết sớm trẻ bị viêm não, cha mẹ nào cũng cần biết
Vào mùa nắng nóng, số lượng trẻ nhập viện vì viêm não, viêm màng não tăng cao, tuy nhiên hầu hết đều đến trễ vì cha mẹ không biết những dấu hiệu sớm.
Sau 4 ngày sốt cao, bác sĩ phải mở hộp sọ cứu sống bé 13 tuổi
Dùng tăm bông ngoáy tai, người đàn ông bị nhiễm trùng não
Quý ông Phú Thọ bị sán làm tổ trong não vì món ăn nhiều người thích
Mùa hè - mùa viêm não, viêm màng não
Viêm não và viêm màng não là bệnh lý rất nặng, tỉ lệ tử vong và di chứng rất lớn nếu không được điều trị kịp thời.
Mỗi năm, BV Nhi TƯ tiếp nhận khoảng 500 bệnh nhi mắc 2 bệnh lý nói trên, hiện tại, đang có khoảng 30 bệnh nhi phải nằm viện điều trị, nhiều trường hợp nặng phải thở máy, hồi sức tích cực.
PGS.TS Trần Minh Điển, Phó giám đốc BV Nhi TƯ biết, viêm màng não liên quan đến vi khuẩn với 3 loại phổ biến là phế cầu, hib và não mô cầu, ngoài ra còn có tụ cầu, liên cầu, E.coli...
Khi đó, màng ngoài của não sẽ bị vi khuẩn tấn công, tỉ lệ tử vong khi mắc viêm màng não lên tới 50% nếu không được điều trị. Trường hợp được chẩn đoán sớm trong 24-48 giờ đầu, tỉ lệ tử vong còn 8-15%.
Bệnh nhi 12 tuổi bị viêm não đang điều trị tại BV Nhi TƯ. Ảnh: T.Hạnh
Tuy nhiên tỉ lệ để lại di chứng về thần kinh, vận động khá lớn, chiếm 10-20%. Tuổi càng nhỏ, tiên lượng càng xấu.
Theo thống kê của BV Nhi TƯ, tỉ lệ trẻ bị mắc các bệnh lý về viêm màng não đứng thứ 3 trong số các bệnh lý vào điều trị. Và là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 2 cho trẻ dưới 5 tháng tuổi.
Trái lại, viêm não thường do virus (chiếm 60%), phổ biến nhất là virus viêm não Nhật Bản, Herpes, virus EV gây bệnh tay chân miệng... Tác nhân gây bệnh thường tấn công trực diện vào nhu mô não, tỉ lệ tử vong từ 10-15% và 35-45% để lại các di chứng về thần kinh, vận động.
Trẻ cũng có thể mắc viêm não thứ phát sau khi mắc các bệnh như cúm, sởi, thuỷ đậu quai bị... do virus biến thể, gây viêm não, thường sau 1-2 tuần.
Cả viêm não và viêm màng não đều mắc quanh năm, tuy nhiên bệnh hay xảy ra vào mùa nắng nóng, đặc biệt từ tháng 5 - 8.
Dấu hiệu sớm cha mẹ cần lưu ý
ThS.BS Đào Hữu Nam, Phụ trách đơn nguyên Hồi sức tích cực, Trung tâm y học lâm sàng và các bệnh nhiệt đới trẻ em, BV Nhi TƯ cho biết, ở giai đoạn muộn, viêm não và viêm màng não đều có các triệu chứng thần kinh giống nhau như lờ đờ, kích thích vật vã, co giật, hôn mê...
Tuy nhiên ở giai đoạn sớm viêm não, cha mẹ cần đặc biệt lưu ý đến các dấu hiệu sớm. Nếu sốt cao uống hạ sốt không đỡ, trẻ kèm thêm đau đầu, mệt, buồn nôn và nôn, kích thích, thay đổi ý thức nhẹ cần đưa vào viện ngay. Với viêm não do virus tay chân miệng, trẻ có thể xuất hiện các bọng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân hay các chấm hoại tử.
Với viêm màng não, ngoài sốt cao, trẻ có thể cứng cổ, nếu còn thóp có thể thấy thóp phồng căng.
BS Nam lưu ý, cha mẹ không nên cố giữ trẻ ở nhà điều trị dẫn đến hôn mê, co giật mới đưa đến viện, lúc đó đã ở giai đoạn muộn, dễ để lại di chứng nặng nề.
BS Nam cho biết, đến nay điều trị viêm não khó khăn, do chủ yếu điều trị triệu chứng, bệnh nhân đến muộn thường bị phù não nặng.
TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm y học các bệnh nhiệt đới trẻ em, BV Nhi TƯ chia sẻ thêm, các bệnh viêm não, màng não thường không có dấu hiệu điển hình ở giai đoạn sớm, với các biểu hiện lâm sàng giống các bệnh đường hô hấp khác như sốt, đau đầu, buồn nôn.
Tuy nhiên cũng có trẻ cũng không có những triệu chứng này, đặc biệt ở nhóm trẻ sơ sinh, ban đầu trẻ có thể chỉ quấy khóc, rên rỉ, hay nhìn ngược, hay trớ, chán ăn... Do đó việc phát hiện viêm não, viêm màng não ở trẻ nhỏ rất khó khăn.
Chọc dịch não tủy là cách chính xác để phát hiện trẻ có bị viêm não, viêm màng não hay không
Vì vậy, khi nhập viện, bác sĩ cần theo dõi bệnh nhi rất kĩ, khám trực tiếp xem trẻ có bị cứng cổ, cứng gáy, cứng cơ.... để quyết định chọc dịch não tủy - đây là cách chính xác nhất để chẩn đoán viêm não, viêm màng não.
Nhiều cha mẹ lo lắng chọc dịch não tủy sẽ ảnh hưởng đến con, tuy nhiên TS Lâm cho biết, bác sĩ sẽ chọc thắt lưng lấy dịch não tủy, đây là phương pháp đơn giản, hầu như không có biến chứng.
Theo TS Lâm, thực tế có nhiều ca chuyển lên BV Nhi TƯ chỉ theo dõi viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết với các triệu chứng như sốt thông thường nhưng khi chọc dịch não tủy, kết quả lại khẳng định viêm não.
Có bệnh nhi 5 ngày tuổi đi khám, bác sĩ khám thóp không phồng, họng hơi đỏ, trẻ quấy khóc, bác sĩ cho điều trị kháng sinh 5 ngày vẫn không đỡ. Trẻ lại quay lại khám, siêu âm thóp vẫn bình thường, tiếp tục cho kháng sinh thêm 5 ngày, nhưng trớ nhiều hơn. Khi đến BV, kết quả siêu âm lại phát hiện não thất đã bị giãn. Kết quả chọc dịch não tủy khẳng định bị viêm não.
Cách phòng ngừa
PGS Điển cho biết, hầu hết những trẻ mắc viêm não, viêm màng não từ các căn nguyên đã có vắc xin chưa được tiêm phòng hoặc tiêm phòng không đầy đủ.
Riêng viêm não do virus tay chân miệng (đứng thứ 3 sau viêm não Nhật Bản, Herpes), dù chưa có vắc xin phòng bệnh nhưng vẫn có thể phòng ngừa nhờ vệ sinh cá nhân, vệ sinh cộng đồng do nguyên nhân gây bệnh liên quan trực tiếp đến đường phân, miệng.
Theo đó, cha mẹ cần rửa tay sạch sẽ khi chăm sóc trẻ, thực hiện vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống sôi, rửa tay trước khi ăn, các chất xuất tiết của trẻ phải được thu gom...
Việc tiêm vắc xin để ngừa bệnh khá hiệu quả. Tuy nhiên 1 vắc xin chỉ phòng được 1 bệnh viêm não hoặc màng não.
Hiện nay ở Việt Nam đã có vắc xin ngừa viêm não Nhật Bản, viêm màng não mủ do HIB, vắc xin viêm màng não do mô cầu type A, C, vắc xin ngừa phế cầu...
Riêng vắc xin viêm não Nhật Bản cần tiêm đủ 3 mũi lúc trẻ 1 tuổi, mũi 2 sau mũi 1 từ 7-14 ngày, mũi 3 cách mũi 2 một năm, sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại đều đặn cho đến khi trẻ 15 tuổi.
Ngoài ra để tránh viêm não thứ phát, các bậc cha mẹ cũng nên cho con tiêm phòng đầy đủ các bệnh sởi, quai bị, thủy đậu, cúm...
Thúy Hạnh
Theo vietnamnet
Hà Nội: Tăng cường phòng, chống dịch bệnh trong mùa hè Mùa hè là thời gian gia tăng hoạt động đi lại, du lịch, buôn bán, vận chuyển gia cầm vì vậy nguy cơ nhiều dịch bệnh dễ dàng bùng phát, do đó, lãnh đạo Sở Y tế yêu cầu tiếp tục củng cố và nâng cao khả năng phản ứng nhanh của các đội chống dịch cơ động trên địa bàn thành phố....