HDV du lịch xấu hổ vì nạn xả rác của người Việt
Một khách nhí 7 tuổi người Pháp từng hỏi vì sao mọi người lại khạc nhổ ra đường, và hướng dẫn viên đã không thể trả lời cô bé.
Dưới đây là chia sẻ của anh Đăng Tú, 41 tuổi, hướng dẫn viên chuyên dẫn khách quốc tế, về cảm nhận của du khách trước vấn đề rác thải tại Việt Nam .
Trong hơn 10 năm làm nghề, điều tôi cảm thấy ngại ngùng nhất với bạn bè quốc tế là hành động xả rác bừa bãi của một số người dân. Một người phụ nữ đi từ trong ngõ nhỏ ra quăng túi rác xuống lòng đường, anh xe ôm hút hết điếu thuốc rồi vứt đầu lọc ngay dưới chân, một bà mẹ lau mũi cho con và vứt mảnh khăn ướt xuống vỉa hè… là những hình ảnh quá quen thuộc. Họ làm điều đó ngay trước mắt đoàn khách nước ngoài. Khách Tây nhìn thấy và đều chú ý, họ không nói gì nhưng tôi biết họ cảm thấy khó chịu qua những cái nhíu mày rất khẽ.
Đến các điểm tham quan không có thùng rác, du khách nước ngoài thường cất rác vào túi, rồi mang về khách sạn vứt. Trên ảnh là Pù Luông, Thanh Hóa – một trong những điểm du lịch được khách châu Âu yêu thích bởi sự hoang sơ.
Nhiều lần, tôi từng ước mình có thể tàng hình để đỡ xấu hổ. Tôi cũng từng giải thích rằng, không phải tất cả người dân Việt Nam đều như thế. Những người mà họ nhìn thấy chỉ là số ít, và hiện giờ rất nhiều người Việt đều quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường.
Video đang HOT
Một trong những kỷ niệm tôi nhớ nhất là lần dẫn đoàn khách Canada. Khi giữa chúng tôi trở nên thân thiết hơn, tôi trò chuyện với họ về chủ đề môi trường. Cuối buổi giao lưu, cả đoàn liệt kê cho tôi những kiểu vứt rác ở Việt Nam mà họ chứng kiến. Một du khách kể rằng họ nhìn thấy hai bạn trẻ ăn kem rồi vứt que xuống đất trên phố đi bộ Hồ Gươm, trong khi thùng rác cách họ vài bước chân. Một khách khác giật mình trước cảnh rác vương vãi trong quán vịt quay. Chủ quán đặt nhiều chiếc giỏ nhựa đựng rác phía dưới bàn, nhưng nhiều người lại ném thẳng xuống chân họ. Trên quốc lộ, chai nhựa, giấy kẹo… “đập thẳng” vào mắt những du khách nước ngoài.
Nhiều du khách cũng hút thuốc, nhưng họ chưa bao giờ ném đầu lọc lung tung. Trên ảnh là hai du khách châu Âu đang đạp xe tại Vân Long, Ninh Bình. Ảnh: NVCC
Điều tôi thấy may mắn nhất là các vị khách quốc tế không… nhập gia tùy tục theo hành động xả rác này. Trong hơn 10 năm, tôi từng dẫn hơn chục nghìn du khách châu Âu và chưa thấy ai ném rác xuống đường. Trong một lần đoàn chúng tôi dừng chân mua kẹo lạc. 20 vị khách cùng bóc kẹo ăn, sau đó một số bỏ vào ngăn nhỏ của túi xách, số khác bỏ vào túi quần. Về đến khách sạn, họ lần lượt lấy vỏ kẹo ra và cho vào thùng rác trong sảnh. Vỏ chai nước, túi ni lông và khăn ăn đã dùng cũng được lấy từ trong túi xách ra và bỏ đúng nơi quy định. Tôi cũng chưa từng gặp vị khách tây nào nhả bã kẹo cao su xuống đường hay “tiện tay” dán lên gầm ghế xe ôtô. Xe bus chở khách du lịch châu Âu thường rất sạch, cuối mỗi buổi chúng tôi không phải ở lại để dọn rác do họ vứt ra. Nhiều du khách còn cười nói với tôi: “Xả rác là có tội”.
Không chỉ khách lớn tuổi, khách nhí cũng rất có ý thức bảo vệ môi trường. Tháng 11 trong năm thường là thời điểm tôi dẫn đoàn có nhiều trẻ em đi cùng nhất. Đây là thời điểm trẻ em được nghỉ học. Những đứa trẻ luôn có điểm chung là không bao giờ vứt rác ra đường. Một lần, cô bé Sophie, 7 tuổi đến từ Pháp đã hỏi tôi “Vì sao người lớn hay khạc nhổ ra đường?”. Tôi đã bối rối và không thể trả lời cô bé, đành xin “nợ” cô bé một câu trả lời.
Khách Tây ngỡ ngàng khi không được nhường đường ở Việt Nam
"Giao thông Việt Nam như bể cá vàng. Phiền toái nhưng thật kỳ lạ khi nhìn từ trên cao", một du khách lần đầu tới Việt Nam nói.
Hơn 10 năm làm hướng dẫn viên du lịch, tôi hiểu rằng thử thách lớn nhất dành cho khách nước ngoài là hòa mình vào những con phố. Không tin về những gì hướng dẫn viên giới thiệu về giao thông Việt Nam trên đường từ sân bay về khách sạn, những vị khách nước ngoài chỉ thật sự giật mình khi lần đầu băng qua một con phố.
Giao thông Việt Nam khiến nhiều khách nước ngoài lần đầu ghé thăm e sợ, không dám băng qua đường vì sợ bị đâm trúng. Ảnh: Ngọc Thành
Tôi từng có lần mất gần 10 phút để có thể dẫn một nhóm 18 du khách Thụy Sĩ sang đường tại một con phố ở thủ đô. Nơi chúng tôi sang đường là làn đường dành cho người đi bộ, nhưng không có đèn tín hiệu. Xe cộ vẫn qua lại ầm ầm từ hai hướng, khiến các vị khách trong đoàn "chôn chân" trên vỉa hè, ngó qua ngó lại, không ai dám bước xuống. Tôi dẫn đầu đoàn, giơ tay xin nhường đường và ra hiệu cho đoàn khách bám sát theo sau. Nhưng không vị khách nào dám đi theo.
Một nam du khách gần 60 tuổi đã dũng cảm thử đặt chân xuống lòng đường, chậm chạp tiến khoảng một mét rồi quyết định... quay ngược lại. Tôi đành nói: "Các bạn cứ kệ họ. Họ sẽ tránh chúng ta, cứ bám sát nhau và đi thành đoàn". Đoàn khách mới bắt đầu di chuyển, nhưng rón rén, co cụm. Khi tới gần sát lề bên kia, họ lập tức chạy thật nhanh lên vỉa hè. "Qua được rồi, qua được rồi", đoàn khách râm ran nói với nhau khi vừa trải qua "thử thách" sang đường ở Việt Nam.
Đây không phải lần đầu tiên tôi gặp những tình huống như thế. Lần nào, tôi cũng phải giải thích cho khách hiểu, theo luật các phương tiện phải đi chậm, hoặc dừng hẳn khi có người trên vạch đi bộ qua đường. Nhưng đa số người tham gia giao thông ở Việt Nam chưa chấp hành tốt. "Tại sao họ không chịu dừng lại, tại sao họ không nhường đường cho người đi bộ?" là câu hỏi mà tôi nhận được nhiều nhất từ các vị khách của mình.
Một tình huống khác, với tôi đã trở nên quen thuộc, là khi dẫn khách đi bộ quanh các phố phường. Vỉa hè rộng 2 m, từng hàng xe máy dựng chiếm gần hết không gian, chừa lại một lối nhỏ cho người đi bộ. Nhưng không gian đó, nếu không bị quán cóc thì cũng bị những khách hàng ngồi trên ghế nhựa lấn chiếm. Tôi bất đắc dĩ phải dẫn đoàn khách đi bộ dưới lòng đường một quãng ngắn, rồi lại đi tiếp lên vỉa hè khi có chỗ. Cứ thế, chúng tôi "đánh võng" theo đồ thị hình sin đầy chật vật trong cung đường đi bộ khoảng 3 km.
Vỉa hè không còn chỗ do xe máy lấn chiếm nên một nữ du khách phải đi bộ dưới lòng đường. Ảnh: Đăng Tú
Thi thoảng, có vị khách trong đoàn lại giật thót vì tiếng còi xe ô tô, xe máy. Tiếng còi đó với họ thật chói tai và lạ lẫm. Có lúc, họ bối rối không biết xử trí thế nào với một chiếc xe máy đi ngược chiều. "Chúa ơi, xe máy ở đâu mà lắm thế! Không ai nhường ai cả, họ cứ tiến lên và tiến lên, cứ có khoảng trống là họ điền vào", một vị khách thốt lên. Người khách sau đó cũng giải thích với tôi từng đọc thông tin về tình trạng xe máy ở Việt Nam, nhưng không nghĩ lại nhiều xe đến vậy.
Một lần trước khi kết thúc chuyến đi, tôi ngồi cùng đôi vợ chồng người Canada trên tầng 5 một tòa nhà nhìn ra Hồ Gươm. Claudia, người vợ, nói rằng mình thực sự "muốn khóc" khi xe ôtô phải nhích từng centimet để về khách sạn, trong khi chị đang cần vào toilet. Lần đó, đoàn khách của tôi đã phải ngồi 1 tiếng 40 phút trên xe cho quãng đường 15 km từ đoạn rẽ cuối đường cao tốc về đến khách sạn gần Hồ Gươm. Khi tôi hỏi tại sao chị không lên tiếng để tôi tìm một quán bia bên đường để xin "đi nhờ", Claudia lảng tránh: "Thôi, chuyện đã qua rồi".
Claudia chợt nhìn xuống, chỉ cho tôi một cảnh tượng bên dưới với vẻ suy tư: "Anh nhìn xem, có ba cái xe tải cỡ nhỏ, hàng chục cái ô tô con. À kìa, có thêm cái xe chở hàng bé tẹo, rồi hai người đi xe đạp nữa, tất nhiên có rất nhiều xe máy. Cái đi ngược, cái đi xuôi, cái rẽ dọc, cái rẽ ngang... hòa trộn trong những màu sắc khác nhau trông giống như cái bể cá vàng. Họ điều khiển thật khéo léo, thật tài tình, khi mà tất cả cùng chuyển động nhưng không cái nào va đập vào cái nào".
Bật cười vì sự hài hước của Claudia, tôi đáp: "Va chạm thì có, nhưng vì người Việt đã quen với môi trường, va chạm cũng ít xảy ra trong nội đô như thế này. Nếu lần đầu tôi phải đi xe máy giữa dòng người dưới kia thì chắc chắn tôi không thể cầm lái".
Claudia cùng chồng tận dụng khoảnh khắc hiếm hoi dạo bộ quanh Hồ Gươm vắng vẻ. Ảnh: Đăng Tú
Claudia giống tôi, cũng như nhiều vị khách nước ngoài khác mà tôi từng thử hỏi "Các vị có muốn thử lái xe không?", tất cả họ đều chắc nịch: "Ôi ôi, không dám đâu". Đơn giản, với họ đi bộ giữa các con phố ở Việt Nam đã là một thử thách cực đại, thì cầm vô lăng hay ngồi điều khiển xe gắn máy hẳn sẽ là một cực hình.
Giữa những thử thách đó cũng có những khám phá vô cùng thú vị và ngỡ ngàng. Họ ồ lên trước con số hơn 40 triệu xe máy ở Việt Nam, thắc mắc về những đứa trẻ không đội mũ bảo hiểm khi ngồi cùng bố mẹ trên xe, không hiểu vì sao một chiếc xe máy xi nhan hướng này nhưng rồi lại rẽ hướng khác, hay những nhịp còi xe bíp-bíp liên hồi từ sáng đến khuya... Tất cả đã được những vị khách Tây mục sở thị và trải nghiệm bằng chính đôi chân họ giữa đủ loại xe cộ trên cùng một con đường.
Người Việt đi du lịch Việt Đại dịch Covid gây ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung, trong đó ngành du lịch - vốn là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của nước ta lại phải chịu ảnh hưởng nghiêm trọng và nặng nề nhất. Đồng hành cùng với ngành du lịch để vượt qua giai...