“Hãy tha thứ cho anh…”
Tôi hiểu, cuộc hôn nhân nào cũng có sóng gió nhưng cái cách mà những người trong cuộc đối xử với nhau mới là điều quan trọng nhất để gìn giữ hay phá vỡ nó.
“tôi biết, cuộc hôn nhân nào cũng có sóng gió…”
Hai đứa nhỏ tròn xoe mắt nhìn mẹ. Có lẽ chúng không hiểu tại sao bình thường mẹ hiền dịu thế mà hôm nay lại quyết liệt đến lạnh lùng. Người đàn ông đang ngồi rũ rượi dưới sàn nhà chính là ba của chúng. Từ lâu, người ấy không sống chung với mẹ con chúng nhưng thỉnh thoảng, họ vẫn gặp nhau.
Thằng Tâm, năm nay đã học lớp 12 nên có thể hiểu vì sao cha mẹ chúng ly dị. Còn bé Ngọc, ở vào tuổi mười ba, nó chỉ biết, mẹ đã rất khó khăn để có thể vừa làm mẹ, vừa làm cha. Lúc nhỏ, thỉnh thoảng, con bé thắc mắc: “Tại sao ba không ở chung với mình hả mẹ?”. “Vì ba có cuộc sống riêng rồi con à”.
Trả lời con như vậy, tôi biết nó không thỏa mãn. Nhưng tôi không biết giải thích thế nào để một đứa bé hiểu rằng, khi tình yêu biến thành lòng thù hận thì người ta không thể sống chung dưới một mái nhà.
Ngày tôi nói với Nam muốn tiếp tục đi học một khóa huấn luyện ngắn hạn để quay lại làm việc, anh đã quát ầm ĩ: “Học… học à? Đàn bà con gái học nhiều làm gì? Hay là muốn học cao để về chỉ huy chồng?”. Tôi cố dằn lòng: “Em không muốn suốt đời là kẻ ăn bám. Em muốn tự mình kiếm tiền”. Nam cười, giọng đầy mai mỉa: “Kiếm tiền à? Bao nhiêu? Em cần bao nhiêu? Nói đi. Tôi sẽ cho em gấp đôi để em yên tâm ở nhà nuôi con”. “Nhưng em muốn xài những đồng tiền của mình làm ra chứ không phải ngửa tay xin anh, em muốn có bạn bè chứ không phải suốt đời giam mình trong bốn bức tường nhà anh…”- tôi cố gắng giữ bình tĩnh.
Có lẽ chưa bao giờ nghe vợ nói thế nên Nam chồm dậy: “Em nói sao? Em nói lại coi? Muốn có bạn bè à? Thì anh và con là bạn của em đây. Em còn có ba má chồng, anh chị em chồng nữa kia mà?”. “Nhưng họ không phải là bạn. Họ là kẻ thù của em!”- không kềm được, tôi hét lên.
Mặt Nam trắng bệch. Anh ta vung tay lên, nhưng rồi lại bỏ tay xuống rồi cười khẩy: “Tôi nói cho em biết, dù có ghét họ thì em vẫn phải suốt đời ở chung với họ. Vậy nên phải tập cách yêu thương đi”.
Tôi bỗng hận cha mẹ mình. Họ đã chọn cho tôi bến nước này đây. Họ bảo rằng, đây là một gia đình gia giáo, dòng dõi con cái được giáo dục đến nơi đến chốn trên dưới nhường nhịn hai gia đình lại quen biết nhau trước năm 1972 từ hồi còn ở Huế nên không sợ bị lầm. Nam còn là một kiến trúc sư tài hoa, đầy triển vọng… Tôi nghĩ, biết đâu số phận đã sắp sẵn cho mình một bến đỗ bình yên nên vui vẻ chấp nhận cuộc hôn nhân ấy.
Video đang HOT
Nhưng có về làm dâu, tôi mới thấy hết sự nghiệt ngã của số phận một cô dâu con nhà dòng dõi. Trước tiên, tôi phải rời bỏ công việc yêu thích của mình ở công ty thời trang. Đó là cú sốc đầu tiên sau tuần trăng mật ngọt ngào của hôn nhân. Không có công việc, không có bạn bè, không còn những mối quan hệ xã hội, tôi thấy hoảng loạn. Nhưng Nam an ủi: “Chỉ một thời gian thôi em à. Khi nào con cái lớn rồi thì em đi làm trở lại cũng được mà”. Điều đó có nghĩa, tôi sẽ phải mất thêm một thời gian để mang thai, sinh con, nuôi con lớn… Mẹ chồng tôi cũng nói: “Cái lệ của dòng họ nhà này là con dâu thì phải tề gia nội trợ, sinh con nối dõi tông đường”.
Tôi nghĩ họ xem tôi như một người quản gia hay tệ hơn, là một cái máy đẻ. Tôi chạy về khóc với ba mẹ tôi thì lại nhận được lời khuyên: “Thuyền theo lái, gái theo chồng. Ba mẹ gả con rồi thì không có chứa con nữa”.
Tôi gạt nước mắt quay về nhà chồng. Nhưng từ đó, những tháng ngày hạnh phúc đã lùi lại sau lưng. Tôi trở thành một bà nội trợ lem luốc, chỉ biết cá mắm, thịt thà, rau củ biết đầu tháng nhận tiền chợ từ mẹ chồng, cuối tháng tính toán sổ sách chi tiêu… Sống giữa Sài Gòn mà tôi như một người nhà quê, chỉ biết con đường từ nhà ra chợ, đến trường học của con và ngược lại. Tôi thèm một buổi tối cùng bạn bè hàn huyên trong quán cà phê, thèm được thả bộ một mình trên con đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa đầy lá me bay như thời đi học… Nhưng những thứ đó giờ trở nên xa xỉ… Tôi bức bối như thể đang bị giam cầm giữa chốn ngục tù…
Khi thằng Tâm 6 tuổi, con Ngọc 2 tuổi, tôi nói với Nam về việc đi làm thì anh gạt đi: “Chuyện đó để từ từ tính. Chờ cho bé Ngọc lớn chút nữa đã”. Mẹ chồng tôi thì bóng gió, xa xôi: “Nhà này lo cho con còn thiếu gì nữa mà con đòi đi làm? Đi ra ngoài để rồi hư hỏng, bỏ chồng bỏ con à?”.
Tôi bị choáng vì những lời lẽ ấy…
Từ hôm đó, mỗi lần tôi đề cập đến chuyện đi làm thì y như rằng vợ chồng lại gây gổ. Đến nỗi, tôi ngạc nhiên tự hỏi, xã hội ngoài kia có điều gì khủng khiếp lắm hay sao mà chồng tôi không dám cho vợ ra ngoài? Tôi làm gì, đi đâu cũng bị xét nét, hạch hỏi. Thậm chí, bạn bè gọi điện thoại tôi cũng không được phép nghe. Buổi sáng đưa con đến trường rồi đi chợ buổi chiều đón con về, thời gian biểu sít sao từng phút tôi chỉ cần về muộn 5 phút thì người mẹ chồng có nguồn gốc hoàng tộc của tôi đã vặn vẹo, xa gần…
Tất cả những điều đó khiến tôi trở nên u uất, sợ hãi. Nhưng điều kinh khủng nhất là tôi đã không còn tìm thấy ở chồng một sự đồng cảm một chỗ nương dựa, chở che. Tôi sợ anh ta, sợ sự chung đụng thân xác với một người mà mình dường như không còn yêu thương, kính trọng nữa…
Giới hạn cuối cùng của sự hoảng loạn ấy là tôi dọn sang ngủ với các con vì chỉ có ở bên chúng, tôi mới có cảm giác bình yên. Mới đầu Nam còn năn nỉ, sau đó là nặng lời, cuối cùng là chửi mắng bằng những lời lẽ thô tục. Và điều tôi không thể tưởng tượng ra ở một “trí thức con nhà dòng dõi” như Nam là anh đã đánh tôi ngay trước mặt mẹ chồng, em chồng khi biết tôi nhờ bạn bè xin việc cho mình…
Nhưng giới hạn vẫn chưa dừng lại. Một ngày nọ, anh bảo tôi: “Cô có hai sự lựa chọn: Tiếp tục cuộc sống hoặc ra đi với hai bàn tay trắng!”. Tôi chưa bao giờ dám nghĩ đến việc ra đi. Nam bảo anh sẽ giữ con và không cho tôi một xu nếu ly hôn. Lúc đó, tôi có cảm giác đang đứng giữa một bùng binh với dòng người, xe cuồn cuộn, không định hướng được mình phải rẽ vào con đường nào.
Sự việc trở nên tồi tệ khi Nam dắt về nhà một người phụ nữ. Anh ta bảo đó là bạn gái và tuyên bố: “Cô đừng có mà ghen tuông. Tôi không đủ kiên nhẫn đâu”. Tôi không ngờ Nam lại dám làm thế. Nhưng mẹ anh nói: “Không có thứ vợ nào mà lại không chịu ngủ chung với chồng. Con tôi không phải thứ ế ẩm gì mà phải chiều lụy cô. Còn gà trống là còn gà giò. Cô thu xếp đi”. Tôi hiểu “thu xếp” nghĩa là phải “biến đi, đừng ám người ta mãi” như lời Nam đã nói nhiều lần.
Không còn gì để nói với nhau, tôi đồng ý ly hôn và đòi nuôi con nhưng tòa án không chấp nhận vì cho rằng tôi không đủ điều kiện tài chính. Sau phiên tòa xử ly hôn 1 tuần, Nam tổ chức đám cưới với cô gái kia 2 tháng sau thì anh ta mang trả con với lý do “không thể chịu nổi sự quậy phá của chúng”… Sau này tôi biết, chính là vì cô vợ mới của Nam không chịu nổi hai đứa nhỏ bởi chúng cứ quấy khóc suốt ngày đêm. Thế là anh ta đem trả con vì nghe lời mẹ “còn gà trống thì còn gà giò”…
10 năm rồi. Nhưng nỗi đau vẫn còn nguyên đó. Giờ đây, tôi đã có thể ngẩng mặt lên để nói với Nam rằng, tôi và các con vẫn sống đàng hoàng, thậm chí sống tốt hơn khi không có anh ta. Tôi đã làm lụng, nuôi con lớn lên bằng chính đôi tay của mình.
Giờ đây, sau 10 năm, Nam trở lại: “Anh xin em và con… Hãy tha thứ cho anh đi em. Hãy về đi, mẹ yếu lắm rồi. Mẹ cứ nhắc em và hai đứa nhỏ… Lá rụng về cội mà…”.
“Hãy tha thứ cho anh”- câu nói ấy được lặp đi lặp lại phải đến hơn chục lần rồi. Tôi thấy đắng ngắt trong lòng. Giá như người phụ nữ kia sinh cho Nam những đứa con thì có lẽ anh ta đã không hạ mình như thế. “Ngày xưa, ai đã nói với tôi, có tiền là có tất cả? Anh hãy về với tiền của anh đi. Đừng để các con phải chứng kiến cảnh những người mà chúng gọi là cha mẹ sỉ nhục lẫn nhau”.
Nhưng thằng Tâm và con Ngọc đã chứng kiến tất cả. Chúng nhìn cha rồi bước về phía mẹ. “Ba về đi. Hãy để cho mẹ và chúng con được yên”- giọng thằng Tâm rành rọt, dứt khoát.
Nam không dám nhìn con mà gục đầu, đôi vai anh ta rung rung.
Có lẽ đến tận lúc đó, anh ta mới hiểu hết những đớn đau đã gây ra cho vợ con mình. Vết thương trong lòng chúng tôi đã lành nhưng vì nó quá sâu nên vết sẹo vẫn còn đó. Tôi hiểu, cuộc hôn nhân nào cũng có sóng gió nhưng cái cách mà những người trong cuộc đối xử với nhau mới là điều quan trọng nhất để gìn giữ hay phá vỡ nó.
Tôi đã không ít lần quay đầu nhìn lại những năm tháng vợ chồng của mình. Tôi vẫn cảm ơn Nam, cảm ơn cuộc hôn nhân ấy vì nó đã cho tôi những đứa con, cho tôi hiểu một góc cạnh khác của cuộc sống và những ngóc ngách trong tâm hồn một con người mà có khi nhìn họ bên ngoài năm này qua năm kia ta cũng không thể nào hiểu được.
Tuy nhiên, bảo tôi quên đi tất cả, bảo tôi tha thứ, quay về thì là không tưởng. Tôi có thể dễ dàng tha thứ cho một người đã đẩy mẹ con tôi vào bước đường cùng sao?
Theo Bưu Điện Việt Nam
Tình yêu không có tội
Tôi, một phụ nữ đã trải qua nhiều giông tố trên con đường gìn giữ hạnh phúc và đã có lúc suýt trở thành "người đến trước" xin có vài lời chia sẻ với các chị em trong cuộc.
Tôi đã theo dõi những ý kiến, tâm tình của kẻ trước, người sau trong một "cuộc chiến" tình yêu - hôn nhân. Nực cười thay cho cái lý luận "cũ người, mới ta" của hai chiến tuyến, cái mà người đến trước cho rằng là thứ vứt đi, thì đối với kẻ đến sau, thứ ấy hãy còn... ngon lành lắm lắm!
Tôi, một phụ nữ đã trải qua nhiều giông tố trên con đường gìn giữ hạnh phúc và đã có lúc suýt trở thành "người đến trước" xin có vài lời chia sẻ với các chị em trong cuộc.
Ảnh chỉ mang tính minh họa - Ảnh: Phùng Huy
Trước nhất, xin các chị em đừng lớn tiếng hơn thua nhau làm gì nữa, vì đây là một cuộc chiến bất phân thắng bại. Điều cần làm, theo tôi là mỗi người hãy tự nhìn lại mình. Mình đã làm gì để dần biến mái ấm của mình thành "mái lạnh" biến những yêu thương, những niềm vui khi được chăm sóc chồng và những người thân của chồng thành một trách nhiệm nặng nề? Mình đã làm gì để kẻ thứ ba có cơ hội chen vào ngôi nhà thân thuộc của mình? Trước kia, chẳng phải vợ chồng đến với nhau vì tình yêu đó sao? Vậy thì, theo thời gian, tình yêu ấy phai nhạt dần là do đâu? Có phải chỉ một mình người đàn ông gây nên nông nỗi? Nếu thế, hãy nhẹ nhàng bước ra khỏi cuộc đời anh ta, để anh ta chọn một hướng đi riêng, theo cách của anh ta trong khi mình vẫn giữ được giá trị của mình. Còn nếu bản thân người phụ nữ đã có lúc hời hợt, vô tình thì hãy xem lại mình. Nếu còn cơ hội cứu vãn để tiếp tục được sở hữu ngôi nhà của mình thì hãy làm, còn không thì hãy nhẹ nhàng quay gót, xem như một bài học kinh nghiệm. Không nên tiếc rẻ những điều đã không còn thuộc về mình, vì đã có lúc mình không biết quý trọng chúng. Cuộc sống là phải luôn hướng về phía trước.
Những người đến sau xem ra cũng nhiều loại khác nhau. Có người đến sau để mưu cầu một hạnh phúc chân chính thực sự, mà trong vai trò là người đến trước, họ chưa có cơ hội tận hưởng. Tôi hoàn toàn nhất trí với bạn Đ.K.N. trong bài viết Rộng lượng với những mảnh vỡ - con người không phải là đồ vật mà giá trị sử dụng mang dấu trừ theo thời gian. Vậy thì cớ gì phải tranh nhau bình phẩm là còn... ngon lành hay đã hết đát?
Trái lại, cũng có người tự nguyện làm người đến sau chỉ vì muốn thỏa mãn sự thích thú... tầm thường của mình và sẵn sàng núp dưới bóng một người đàn ông quyền lực, thành đạt, yêu vợ thương con... như bạn MTX trong bài viết Hãy yêu chính mình. Vậy mà bạn còn lên tiếng "dạy đời" các bà vợ chân chính. Bạn thử nghĩ xem bạn nhận được gì trong "mối tình ảo" đó? Chỉ là những thứ vụn vặt trong khi bạn lại đánh mất một thứ rất lớn: đánh mất nhân cách của mình! Cứ thử nghĩ xem: một phụ nữ có học, có công việc, có chồng con đề huề mà sẵn sàng biến mình thành con thiêu thân để bay vào lửa như bạn thì thật dại dột. Bạn yêu bản thân mình đến mức sẵn sàng đánh mất giá trị của nó bởi những thứ phù phiếm hay sao? Cứ tưởng tượng chồng bạn, các con bạn sẽ nghĩ gì khi biết bạn là người như thế? Còn nữa: bạn khờ khạo đến mức tưởng rằng người đàn ông ấy cũng khờ khạo như mình. Bạn tưởng rằng ông ấy tin vào cái gọi là tình yêu của bạn ư? Không có chuyện ấy đâu, bạn ạ. Mất một ít tiền vặt và một chút giả vờ để được... giải trí vui vẻ nhằm giảm bớt stress trong công việc thì ông nào mà không làm? Và, nếu một mai chuyện đổ bể ra, ông ấy sẽ dễ dàng được vợ con tha thứ, còn bạn, liệu có còn con đường cho bạn quay về không?
Tóm lại, ngôi nhà và những tài sản trong ngôi nhà ấy chỉ là những thứ vật chất tầm thường, chỉ có trái tim của người đàn ông và một mái ấm đúng nghĩa mới thật sự có giá trị đối với một tình yêu chân chính, một nền tảng gia đình vững chắc. Bạn không cần phải đóng chặt cửa để giữ người đàn ông của mình hãy để anh ấy tự do bước ra khỏi cửa và tự động quay về vì thấy không ở đâu vui bằng nhà mình. Bạn có thể là người đến sau, nhưng đến là để tái tạo niềm vui và hạnh phúc của một mái ấm đã sụp đổ, chứ không phải rình rập, tìm cơ hội xen vào chỉ vì ngôi nhà ấy có một cây cột đã lung lay. Lại càng đừng nên tham lam những thứ không phải là của mình. Niềm hạnh phúc chân chính không thể xuất phát từ nỗi đau của người khác, lại không thể có được từ sự giành giật, toan tính hơn thua. Tình yêu vốn rất thiêng liêng, đẹp đẽ và không có tội. Xin ai đó đừng nhân danh tình yêu mà vô tình (hay cố ý) biến nó thành thứ vật chất sở hữu tầm thường, làm vẩn đục ý nghĩa cao cả của tình yêu. Dẫu là người thứ... n trong cuộc đời của người đàn ông mà vẫn tìm thấy hạnh phúc ngập tràn thì thật là một điều tuyệt vời, phải không các bạn?
Theo Bưu Điện Việt Nam
Anh vẫn sẽ mãi là người em yêu Anh! Bây giờ ngồi nhớ lại những kỷ niệm đã qua của chúng ta, thì cảm giác ấm áp vẫn vẹn nguyên trong em như ngày nào, cứ ngỡ như em lại được trải qua cảm giác hạnh phúc ấy một lần nữa. Tuy giờ đây, em không có anh ở bên, nhưng trái tim em đang hướng về anh, và tâm trí...