Hãy mua chiếc xe càng nhiều ‘option’ càng tốt
Có những tiện ích trên xe chúng ta không bao giờ muốn dùng đến nhưng cần thiết như túi khí hay cảnh báo chống quên trẻ nhỏ.
Sáng ngày 26/7/2019, tại New York, Mỹ, người bố trẻ Juan Rodriguez (39 tuổi, ở Rockland County) đỗ chiếc Honda Accord màu bạc ở khu Bronx từ sáng và đi làm ca tại Trung tâm y tế James J. Peters V.A. Khoảng 16h, Rodriguez tan ca và trở lại xe. Anh ta vẫn lái xe đi một quãng ngắn trước khi hoảng hốt nhớ ra Mariza và Phoenix Rodriguez – 2 đứa con song sinh mới một tuổi của mình vẫn đang còn ở trong xe.
Hai đứa trẻ đã bị bố của mình bỏ quên suốt 8 giờ đồng hồ trên xe khi mà ngoài trời đang là 30 độ C và nhiệt độ trong xe còn kinh khủng hơn nữa. Người cảnh sát đầu tiên tiếp cận hiện trường đã nói rằng “Khi tôi đến nơi, nhìn vào trong xe, tôi biết rằng mọi điều đã quá muộn…”. Lúc đó, Juan Rodriguez đau khổ đi quanh xe và nói ” Không phải lỗi của tôi! Không phải lỗi của tôi! “. Tại sao một người cha làm việc trong ngành y tế lại có thể quên rằng mình còn có hai đứa con đằng sau ghế lái? Anh ấy đã nói rằng “Tôi cứ nghĩ đã gửi chúng đi nhà trẻ rồi”.
Quả thật, việc quên một điều gì đó là điều dễ hiểu. Chúng ta là con người, mà con người thì không hoàn hảo, chúng ta luôn có thể mắc sai lầm.
Khi bản tin này được chiếu trên đài truyền hình, có thêm một đoạn quảng cáo về tính năng chống để quên trẻ trên mẫu xe Hàn Quốc, khi mẫu xe này được tích hợp tính năng cảnh báo người còn ngồi ở ghế sau, kèm theo cả cảm biến phát hiện chuyển động (nếu đứa trẻ nghịch ngợm không ngồi trên ghế). Khi người lái bỏ quên trẻ em hay vật nuôi trên xe và khóa xe lại, chiếc xe sẽ bật cảnh báo qua còi và đèn liên tục, đồng thời gửi cả cảnh báo vào điện thoại qua hệ thống BlueLink…
Tôi bất chợt nghĩ rằng, nếu ông bố trẻ Juan Rodriguez kia đi xe có chức năng đó, mọi việc chắc sẽ không trở thành một tấn bi kịch. Ngày trước, khi tôi còn sở hữu chiếc Toyota, tôi hay vào box Toyota trên một diễn đàn để “chém gió” cùng những người đồng sở hữu. Trong một chủ đề của một người sở hữu mẫu Yaris 2016 ngồi tự khen chiếc xe của mình, có một thành viên “nhảy vào” chê: ” xe gì mà không có cân bằng điện tử, còn chẳng bằng con i10 mới”. Tôi nhớ bác chủ topic đã sửng cồ mắng lại và đưa ra lý do xe nhỏ đi trong phố, có đua đâu mà cần cân bằng điện tử, rồi nói xe Hàn chỉ được mấy cái option linh tinh lòe thiên hạ, cả đời có khi chả dùng đến, cái gì cần thiết nhất thì xe Nhật đã lắp rồi.
Tôi chỉ comment lại với bác chủ topic là: “Cụ ạ, đôi khi có những option chúng ta không bao giờ mong muốn phải dùng đến như: túi khí, dây an toàn hay cân bằng điện tử; nhưng một khi chúng được sử dụng, chúng có thể quyết định mạng sống của chúng ta”. Cuộc tranh cãi lúc đó mới đến hồi kết. Bác chủ topic đó chắc không biết rằng, bộ công nghệ cân bằng điện tử (Electronic Stability Control/Program – ESC/ESP) là trang bị bắt buộc đối với tất cả các dòng xe được bán ra ở châu Âu. Và hiện, ESP cũng đã được trang bị trên các mẫu xe Yaris/Vios đời mới của Toyota tại Việt Nam.
Năm ngoái, tôi bán đi chiếc Toyota cũ của mình và mua một chiếc xe cỡ nhỏ Hàn Quốc. Tất nhiên, mẫu xe này ngập tràn công nghệ, đúng theo phong cách của xe Hàn (mà một số bạn trên diễn đàn của VnExpress gọi là xe của các “thánh hưởng thụ” ) – xe 6 túi khí, đủ các option an toàn như ABS, ESP, BA, EDB, HAC, DBC, BSD… nói chung là kể mỏi mồm.
Video đang HOT
Thời gian đầu, thực sự là tôi cũng không có ấn tượng nhiều về các tính năng này, do chỉ đi trong phố, chỉ cảm nhận xe êm hơn, đi bốc hơn do là xe đời mới, máy 2.0 to hơn 1.5 cũ thì tất nhiên là đi sướng hơn. Cho đến một hôm tôi về nhà vào buổi tối, trời mưa, khi đang xi-nhan để rẽ thì hệ thống cảnh báo điểm mù (BSD) kêu ” tít – tít”, tôi tạm ngừng đánh lái, nhìn lại trên gương phải thì không thấy gì; bất thình lình sau đó, một chiếc xe máy không bật đèn lao vút đi bên cạnh xe của tôi. Hóa ra trời mưa, tầm nhìn kém, lại thêm xe máy không bật đèn mà tôi đã không thể nhìn thấy gì đằng sau. Nếu lúc đó, tôi vô tư xi-nhan và đánh lái, có thể tai nạn đã xảy ra.
Vậy đấy, đôi khi có những tình huống nằm ngoài dự đoán/năng lực của con người, đó là khi những option an toàn phát huy tác dụng. Điều này cũng thể hiện cả trên xe máy, khi vài năm trước, tôi bán chiếc Jupiter V cũ và mua chiếc Vision. Hôm đó, tôi chở vợ tôi đang mang bầu đi làm, bất chợt một chiếc xe từ trong ngõ lao ra, lúc đó, tôi chỉ kịp phanh dúi dụi. Ai đi xe có phanh đĩa đời đầu thường sẽ hiểu là những pha phanh gấp như vậy kiểu gì cũng dễ bị “xòe” – tuy nhiên may mắn rằng chiếc Vision đó có hệ thống phanh kết hợp CBS – Combi Brake System, do vậy lực phanh được phân bổ đều và xe vẫn đứng vững, điều này chắc khó đảm bảo nếu tôi vẫn đi chiếc Jupiter V cũ với hệ thống phanh đĩa thông thường.
Hoặc những “option” an toàn trên ngôi nhà như hệ thống chữa cháy tự động cũng phát huy hiệu quả khi chủ vắng nhà hay đang ngủ say… Đến đây, một số bạn sẽ nói rằng, xe càng nhiều option càng dễ hỏng vặt, vì vậy chưa chắc đã đáng tin cậy. Đúng là như vậy, cư dân mạng vẫn lan truyền câu nói của một giám đốc truyền thông BMW: “Thưa anh, mỗi chiếc Toyota có khoảng 30.000 chi tiết, tính đến mức nhỏ nhất là con ốc. Trên BMW là 50.000. Vì thế, xe Toyota không thể hỏng những gì nó không có”.
Volvo là hãng xe sản sinh ra những mẫu xe an toàn nhất thế giới, là hãng xe phát minh ra kính chắn gió an toàn, dây đai an toàn 3 điểm, khung xe chịu lực, túi khí bên, cảnh báo điểm mù… là hãng xe đầu tiên trang bị ABS, đèn phanh chính giữa phía sau, đèn ban ngày, túi khí cho người đi bộ… và vô vàn những option khác nữa. Do vậy mà Volvo cũng thường đứng đầu bảng về tỷ lệ triệu hồi xe (xếp thứ 4 với 83.5% xe dính lỗi – theo Iseecars, 2014) hay tỷ lệ lỗi trong 90 ngày đầu (xếp thứ 3 với tỷ lệ 122 lỗi trên 100 xe – theo JDpower, 2018). Lỗi nhiều như vậy, nhưng ai nói Volvo là thương hiệu không đáng tin cậy?
Một vị lãnh đạo của một hãng xe Hàn Quốc đã từng nói, tập đoàn của họ không hướng tới sản xuất những mẫu xe “bền mãi với thời gian”, mà chú trọng hơn vào tính năng an toàn, trải nghiệm của người lái, do đó họ không nhất thiết phải đua tranh với các hãng khác về độ bền động cơ mà còn ưu tiên vào những thứ khác nữa. Điều này không hẳn là nói bốc, khi tập đoàn đó có thể sản xuất những động cơ máy dầu tốt nhất thế giới, dùng cho xe tải hay tàu thủy.
Về phía người tiêu dùng, bạn có trông chờ một chiếc xe 20 năm vẫn chạy tốt? Liệu bạn có đủ “chung thủy” để gắn bó với chiếc xe của mình từng đó thời gian không? Cá nhân tôi thì không. Tôi cho rằng nếu bạn mua chiếc ôtô với mục đích làm tài sản (là thứ giúp bạn kiếm ra tiền) để kinh doanh, lái taxi, thì hãy chọn chiếc xe càng ít option càng tốt, càng bền càng tốt. Nhưng nếu bạn mua một chiếc xe để che mưa nắng, để chở đủ cả nhà đi chơi, đi làm, đưa con đi học, mua chiếc xe để bảo vệ an toàn cho cả nhà thì hãy cố gắng mua một chiếc xe càng nhiều option càng tốt.
Theo VnExpress
Ngắm chiếc minivan đầu tiên trên thế giới
Chiếc minivan đầu tiên trên thế giới được chế tạo trong thế chiến thứ II và cũng là 1 trong những chiếc ô tô có hình dáng 'dị' nhất hành tinh sẽ được trưng bày tại một cung điện ở nước Anh trong tháng 9 tới.
Chiếc minivan đặc biệt này có tên Stout Scarab, do một kỹ sư có tên William Bushnell Stout thiết kế vào năm 1936. Trên thế giới, chỉ có 9 chiếc xe loại này được sản xuất.
Chiếc minivan đầu tiên trên thế giới.
Kỹ sư William Bushnell Stout muốn tạo ra một chiếc xe như một kiệt tác có thể tồn tại hơn 100 năm. Sau khoảng 3 năm từ khi có ý tưởng thiết kế, tới năm 1939, chiếc xe mới được hoàn thiện. Lúc đó, nó có mức giá 5.000 USD (tức gần 100.000 USD hiện nay). Đây được coi là một mức giá khá đắt đỏ.
Vì có giá đắt nên chiếc minivan này không được sử dụng nhiều trong thế chiến thứ II. Nó chủ yếu được cất trong nhà để xe, giống như nhiều chiếc xe hơi của Martin Martin và Ferrari.
Xe được chế tạo trong thế chiến thứ II.
Trong thế chiến thứ II, Stout Scarab chỉ được sử dụng để tổ chức một cuộc họp giữa tướng Eisenhower (Hoa Kỳ) và tướng Charles de Gaulle (Pháp).
Chiếc minivan Stout Scarab được trang bị nhiều công nghệ hiện đại, đầu tiên trên thế giới (vào thời điểm đó) như thân bằng sợi thủy tinh, hệ thống treo khí và cửa khóa điện.
Đây cũng là 1 trong những chiếc ô tô có hình dáng 'dị' nhất hành tinh.
Vào những năm 1950, Stout Scarab thuộc sở hữu của một chủ rạp xiếc. Chiếc xe được dùng để mang theo những con khỉ phục vụ diễn xuất cho đoàn xiếc.
Sau đó, chiếc xe lại được bán cho một nhà thiết kế người Pháp, người này đã mang nó đến đặt tại một bảo tàng. Chủ sở hữu hiện tại đã khôi phục nguyên bản chiếc xe này vào năm 2001.
Và ngày 6-8/9 tới đây, chiếc minivan đầu tiên trên thế giới này sẽ được trưng bày tại cung điện Hampton Court (Anh), cùng với những chiếc xe danh tiếng khác của Aston Martin Zagato hay những chiếc xe giá trị khác có trong bộ sưu tập lịch sử 100 năm của hãng xe Bentley hay loạt xe cổ của Ferrari.
Chiếc xe sẽ được trưng bày tại một cung điện ở nước Anh trong tháng 9 tới.
Stout Scarab không chỉ là chiếc minivan đầu tiên trên thế giới được sản xuất mà nó còn được coi là chiếc xe rất có ý nghĩa trong lịch sử công nghiệp ô tô thế giới.
Andrew Evans, Giám đốc điều hành của triển lãm, cho biết: "Stout Scarab không chỉ đẹp mà còn hiếm và tương đối lạ. Bạn chỉ có thể nhìn thấy nó tại Hampton Court Palace và hầu hết mọi người sẽ không bao giờ nhìn thấy một chiếc Stout Scarab khác".
Theo Carbuzz
Toyota Camry LE đời 2008 nhập Mỹ, hơn 10 năm giá vẫn gần 600 triệu Trên thị trường xe cũ, Toyota Camry LE đời 2007-2008 có giá dao động từ 500-550 triệu đồng. Sang đến đời 2009, mức giá tăng lên hơn 700 triệu đồng. Xuất hiện ở Việt Nam vào giai đoạn 2007-2008 dưới dạng xe lướt (cùng thời điểm với Camry lắp ráp trong nước), Toyota Camry nhập Mỹ được nhiều người dùng ưa chuộng. Tại...