“Hãy dựng tượng đài Bác Hồ trong lòng dân”
“Xây tượng đài hoành tráng không hợp với tấm lòng Bác cũng như truyền thống văn hóa Việt Nam. Theo tôi điều quan trọng nhất lúc này hãy tập trung xây dựng tượng đài Bác Hồ trong lòng dân”, Giáo sư Mạch Quang Thắng, giảng viên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nói.
Trước thông tin tỉnh Sơn La xây dựng tượng đài Bác Hồ hoành tráng ở thành phố Sơn La, trao đổi với phóng viên Dân trí, Giáo sư Mạch Quang Thắng, giảng viên Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, số tiền đó nên để xóa đói giảm nghèo, phát triển cơ sở hạ tầng, góp phần nâng cao đời sống đồng bào dân tộc miền núi.
Thông tin tỉnh Sơn La lên kế hoạch xây dựng tượng đài Bác Hồ hoành tráng, nhiều người cho rằng, với một tỉnh còn nhiều khó khăn, phương án đó là không hợp lý. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
Khi nhân dân nhiều vùng còn ăn không đủ no, mặc không đủ ấm thì dựng nhiều tượng hành tráng chẳng để làm gì. Theo tôi nghĩ, vấn đề quan trọng nhất hiện nay cần phải tập trung làm đó là xây dựng tượng đài Bác Hồ trong lòng dân. Điều đó phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam, cho cả tương lai xa hơn nữa của đất nước và theo đúng phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh.
Theo GS Mạnh Quang Thắng tỉnh Sơn La không nên xây dựng tượng đài thật hoành tráng
Được biết, khi Bác chưa về với tổ tiên, nhân dân, lãnh đạo nhiều Bộ ngành, tỉnh thành đã đề nghị và mong muốn Bác cho dựng tượng, vẽ tranh. Nhưng tất cả những đề xuất ấy đều không được Bác Hồ đồng ý?
Bác Hồ không thích người ta dựng tượng, vẽ tranh về mình. Tôi thấy nhiều người gợi ý dựng tượng Bác, ngay cả Bộ Văn hóa, thời điểm đó cũng đề nghị dựng tượng ở nhiều nơi nhưng không được Bác đồng ý. Bác bảo dùng tiền đó mà xây nhà thương, trường học cho nhân dân.
Qua nghiên cứu tôi thấy duy nhất có một lần ở đảo Cô Tô, theo đề nghị, Bác đã đồng ý cho dựng tượng mình ở trên đó. Tôi cũng như nhiều người suy luận rằng, Bác nghĩ đến những vấn đề gắn với chủ quyền đất nước, không cho nước khác lấn đất, lấn biển nên mới cho dựng tượng mình trên đảo Cô Tô.
Bây giờ xây dựng tượng đài nhiều là không đúng ý của Bác Hồ. Hãy để tượng đài Bác sống trong lòng dân, trong trái tim mỗi người Việt Nam, chứ còn chỗ nào cũng xây dựng tượng là không hợp lý. Câu chuyện tượng đài cũng không phù hợp với văn hóa Việt Nam, không phù hợp với ý nguyện, phong cách Hồ Chí Minh.
Cả cuộc đời, sự nghiệp của Bác Hồ luôn lo cho dân, cho vận mệnh của đất nước. Đã bao giờ Bác mong muốn nhân dân đáp lại tấm lòng đó của mình bằng việc xây dựng tượng đài, khu tưởng niệm, quảng trường thật to lớn, hoành tráng không, thưa ông?
Video đang HOT
Bác Hồ yêu thiên nhiên, cây cảnh. Thiên nhiên thế nào thì Bác sống hòa đồng với nó thế đấy. Các trường hợp đốn cây, chặt cây là Bác ngại lắm, ghét lắm. Nhiều lần Bác nói với ông Hoàng Đạo Thúy và nhiều người khác rằng, Bác thích sống trong khung cảnh bình yên, thư thái. Khi nào nghỉ cụ sẽ lui về câu cá, trồng rau, sớm hôm làm bạn với các cụ già và trẻ chăn trâu.
Lãnh đạo tỉnh Sơn La cho biết, số tiền để xây dựng tượng đài được huy động từ ba nguồn khác nhau trong đó có từ Trung ương, địa phương và xã hội hóa. Nhiều người cho rằng, số tiền để xây tượng đài lấy ở đâu thì đều là của dân đóng góp?
Ngân sách của Trung ương hay địa phương cũng đều từ tiền thuế do nhân dân đóng góp. Còn xã hội hóa là gì, cũng là nhân dân, doanh nghiệp đóng góp mà thôi. Tôi không quan tâm mỗi nguồn đó đóng góp bao nhiêu phần trăm vào việc xây dựng tượng đài mà tôi thấy đâu đâu cũng xây dựng tượng đài Bác Hồ là không phù hợp. Thông tin Sơn La xây dựng tượng đài Bác Hồ, tôi thấy chưa được ai khen cả.
Nếu tỉnh Sơn La lấy tiền từ ngân sách xây dựng tượng đài Bác Hồ hoành tráng ở thành phố, ông có nghĩ các tỉnh khác sẽ đua theo, dẫn đến phong trào xin chủ trương được xây tượng đài hay không?
Đúng vậy, nhiều tỉnh thành họ sẽ nghĩ nếu Sơn La làm được thì sao họ không được làm vì nhân dân tỉnh nào chẳng kính trọng Bác Hồ. Như vậy họ sẽ đua theo nhau thôi. Không khéo sau này tỉnh nào cũng đề xuất xây tượng đài Bác Hồ hoành tráng thì giải quyết thế nào? Tôi đưa ra ví dụ cụ thể hiện nay đó là phong trào xây quảng trường, trụ sở hành chính thật hoành tráng đang diễn ra ở một số tỉnh hiện nay.
Qua nhiều năm tôi nghiên cứu, Bác Hồ đã trở thành giá trị văn hóa, truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác bằng một “kênh” riêng chứ không phải dựng thật nhiều tượng đài mới làm được điều đó.
Với một tỉnh còn nhiều khó khăn như Sơn La, theo ông số tiền lớn dành để xây dựng tượng đài Bác Hồ nên để làm gì thì phù hợp nhất lúc này?
Nhiều vùng còn nghèo, do vậy tỉnh Sơn La nên dành nguồn lực cho phát triển, ưu tiên đầu tư cho giáo dục, xóa đói giảm nghèo cải thiện đời sống nhân dân. Trong điều kiện khó khăn Sơn La không nên xây dựng tượng đài hoành tráng, vì hiện nay trong hội trường, cơ quan nào chẳng có ảnh, tượng Bác Hồ. Hơn nữa, mỗi trái tim người Việt Nam đều có giá trị văn hóa Hồ Chí Minh rồi.
Xin cảm ơn ông!
Quang Phong (thực hiện)
Theo Dantri
Chủ tịch tỉnh Sơn La lý giải nguồn tiền xây dựng tượng đài "nghìn tỷ"
Ông Cầm Ngọc Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La khẳng định, không có chuyện xây dựng tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc trị giá 1.400 tỷ tại Sơn La. Tượng đài chỉ là một hạng mục nhỏ với mức kinh phí dự kiến khoảng 200 tỷ đồng.
Trước thông tin tỉnh Sơn La công bố đề án xây dựng công trình tượng đài gắn với quảng trường trị giá nghìn tỷ đồng gây xôn xao dư luận, trao đổi với PV Dân trí, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Cầm Ngọc Minh cho biết, tổng số tiền 1.400 tỷ trong đề án nhắc tới bao gồm việc xây dựng một loạt công trình với tổng diện tích dự kiến khoảng 20ha, bao gồm: Quảng trường (san lấp mặt bằng, hệ thống thoát nước, đường giao thông...), tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc, xây mới Trung tâm hành chính của tỉnh, khu tái định cư và giải phóng mặt bằng, đền thờ Bác Hồ (dự kiến sẽ dùng nguồn vốn xã hội hóa) và bảo tàng, cây xanh...
Trụ sở hành chính UBND tỉnh Sơn La cũng được nhắc đến dự kiến sẽ di dời để thực hiện kèm với các công trình xây dựng tượng đài có kinh phí tổng thể lên đến khoảng 1.400 tỷ đồng.
"Tượng đài chỉ là một hạng mục nhỏ trong đề án này, với kinh phí dự kiến khoảng 200 tỷ đồng. Trước mắt, địa phương sẽ ưu tiên xây dựng và hoàn thiện 2 công trình quảng trường, tượng đài Bác vào dịp 7/5/2019 để kỷ niệm sự kiện 60 năm bác hồ về thăm đồng bào các dân tộc Tây Bắc" - vị lãnh đạo tỉnh cho biết.
Việc xây tượng đài sẽ phân kỳ đầu tư, trong đó có cả hình thức xã hội hóa, chứ không thể dùng toàn bộ ngân sách. Tuy nhiên, chủ trương vẫn trên tinh thần tiết kiệm, đảm bảo hiệu quả và đúng quy định. "Trung tâm hành chính thì chúng tôi sẽ tiến hành từng bước. Việc huy động nguồn vốn xã hội hoá từ các doanh nghiệp thì thực hiện theo theo hình thức BT. Riêng 200 tỷ đồng kinh phí dự kiến xây dựng tượng đài, trong đó có huy động cả xã hội hoá chứ không sử dụng ngân sách Nhà nước 100%" - Chủ tịch tỉnh Sơn La phân trần.
Khu đất mới tại tổ 4 phường Tô Hiệu, thành phố Sơn La được sử dụng để xây dựng tượng đài Bác Hồ và phục vụ việc di dời dân từ Công viên 26/10 sang tái định cư.
Lý giải về việc xây mới Trung tâm hành chính, ông Chủ tịch tỉnh nói thêm, hiện nay trụ sở HĐND, UBND, Đoàn Đại biểu Quốc hội và các sở, ngành đều nằm trên đồi Khau Cả, TP Sơn La. Khu đồi này thuộc quy hoạch Khu di tích cấp Quốc gia, đặc biệt Nhà tù Sơn La được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Do đó Trung tâm hành chính sẽ được di dời xuống địa điểm mới để phục vụ cho khu di tích nhằm giáo dục truyền thống cách mạng. Trung tâm hành chính sẽ được xây dựng hoàn thiện theo từng bước, tùy thuộc vào số tiền từng thời điểm.
Theo lý giải của ông Minh, tỉnh Sơn La hiện nay chưa có quảng trường, do đó cần thiết phải xây dựng để phục vụ các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội và các hoạt động chung khác của tỉnh.
Khu phố dãy lẻ kéo dài gần 1km đường Điện Biên, trung tâm thành phố Sơn La sẽ được di dời để phục vụ cho việc thi công xây dựng công trình tượng đài Bác Hồ và các hạng mục liền kề khác.
Theo đề án, tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc được đặt tại quảng trường Tây Bắc nằm ở phường Chiềng Cơi, phường Tô Hiệu, phường Quyết Thắng - TP Sơn La, thuộc quy hoạch lô số 01, 02 khu đô thị mới gắn với dự án thoát lũ suối Nậm La, TP. Sơn La.
Công trình bao gồm các hạng mục chính như đền thờ Bác Hồ (trong đó có tượng Bác Hồ cao từ 5m-8m); đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ; bảo tàng tổng hợp; khu điều hành và đón tiếp; khuôn viên cây xanh, quảng trường có sức chứa 20.000 người...
Theo lời ông Minh, dự kiến nhân dịp kỷ niệm kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Sơn La (10/10/2015), địa phương sẽ tổ chức lễ động thổ và công bố khu quy hoạch cụ thể về dự án này. Những công trình trên hoàn thành sẽ góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật của thành phố Sơn La, từng bước hoàn thiện các tiêu chí của đô thị loại II vào năm 2020.
Công văn đồng ý của Chính phủ về việc bổ sung tượng đài: "Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc" tại thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La được phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký phê duyệt cuối năm 2014.
Ông Cầm Ngọc Minh cũng lý giải thêm rằng, việc xây dựng công trình tượng đài là thể theo nguyện vọng của đồng bào các dân tộc ở khu vực Tây Bắc. Năm trước, tỉnh Sơn La đã xin chủ trương của Ban Bí thư về việc xây dựng tượng đài nhằm đáp ứng nguyện vọng và tình cảm biết ơn sâu sắc của đồng bào các dân tộc Tây Bắc nói chung và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La nói riêng đối với Bác Hồ kính yêu. Qua đó, nâng cao và để giáo dục truyền thống cách mạng đối với thế hệ trẻ.
"Kinh phí xây dựng tượng đài của tỉnh Sơn La cũng tương tự như kinh phí xây dựng tượng đài Bác Hồ mà tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện. Công trình này có ý nghĩa lớn về mặt giá trị văn hóa và lịch sử, không chỉ là nơi dành riêng cho đồng bào Tây Bắc mà còn là nơi phục vụ cho việc nhân dân địa phương, trong nước tham quan; ngoài ra còn là công trình phục vụ cho việc đối ngoại với một số tỉnh Bắc Lào thân thiết với Sơn La" - ông Minh khẳng định.
Q. Đô
Theo Dantri
"Tôn kính Bác Hồ không nhất thiết phải xây tượng đài hoành tráng" "Bác Hồ được nhân dân tôn kính nhưng không phải vì thế mà xây tượng đài thật hoành tráng. Theo tôi nghĩ tôn kính Bác, phải học tập làm theo tấm gương của Bác đó là giản dị, tiết kiệm, biết lo cho dân", ông Tráng A Pao - nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội nói. Trước thông tin tỉnh...