Hãy để vết thương chiến tranh được lành da
Gần 50 năm tuổi quân, tham gia 4 chiến dịch lớn: Tết Mậu Thân 1968, chiến dịch Đường 9 Nam Lào 1971, chiến dịch mở màn Quảng Trị 1972 và chiến dịch Hồ Chí Minh 1975. Hơn ai hết, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu là người chứng kiến, thấm thía những đau thương mất mát và cả sự quý giá của hòa bình. Trước thềm kỷ niệm 40 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã dành cho Báo An ninh Thủ đô một cuộc trò chuyện.
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu (ngồi, thứ hai từ phải sang), bên cạnh là má Ngẫu – người đã chỉ đường cho mũi tấn công thọc sâu vào cầu Vĩnh Bình
Khoan hồng, bao dung Ngày chiến thắng
- PV: Thưa Thượng tướng, tròn 40 năm thời khắc ông có mặt trong đoàn quân tiến vào giải phóng Sài Gòn, ông nhớ nhất điều gì khi đó?
- Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: 40 năm qua nhanh như chớp mắt vậy! Tối 29-4, tôi 28 tuổi, Trung Đoàn trưởng Trung đoàn 27, Sư đoàn 320B, Quân đoàn 1 nhận nhiệm vụ dẫn một mũi đánh vào Lái Thiêu, cầu Vĩnh Bình, mục đích chiếm toàn bộ Bộ Tư lệnh thiết giáp của địch ở Gò Vấp cùng một số khu vực khác. Sẩm tối thì chúng tôi vào gần tới cửa ngõ Sài Gòn. Phát hiện một ngôi nhà le lói ánh đèn, chúng tôi đã gọi cửa. Chủ ngôi nhà là má Ngẫu cùng hai con là Phước và Đức.
Khi chúng tôi đưa tấm bản đồ tác chiến nhờ má chỉ đường để thọc sâu vào trung tâm thì má bảo, nhìn bản đồ má không hiểu, nói đoạn má vào nhà trong, đưa ra một tấm bản đồ Sài Gòn trải ra một chiếc bàn nhỏ để vạch đường đi cho chúng tôi. Chữ má đẹp lắm, sau này tôi mới biết má là giáo viên dạy Pháp văn. Chồng má bị địch bắt từ chiến dịch Mậu Thân năm 1968 rồi đày ra Côn Đảo và hy sinh ở đó. Má cũng chính là người cung cấp cho chúng tôi tình hình, rằng cách đó 5km có trại Huỳnh Văn Lương với 2.000 quân, tâm lý đang dao động, má bảo nên kêu hàng, không nên đánh. Kế đó má nói, Lái Thiêu và đặc biệt là cầu Vĩnh Bình có lực lượng tử thủ. Sáng hôm sau, theo ý má, chúng tôi đã kêu gọi 2.000 quân địch ra hàng, tránh được đổ máu.
Trận đánh ác liệt nhất ở cầu Vĩnh Bình, tôi không bao giờ quên hình ảnh Đại đội trưởng Hoàng Thọ Mạc khi đó. Anh cầm khẩu B40 nhảy khỏi xe chỉ huy, bắn cháy xe bọc thép của địch. Đến lúc bị trúng đạn, anh vẫn xách súng lao lên. Bất ngờ, một tiếng nổ vang trời, xe của anh bị bắn cháy, anh xô ngã người đồng đội rồi nằm đè lên. Đến phút cuối, anh vẫn cố gắng che chở cho đồng đội.
10h sáng 30-4, chúng tôi vào tiếp quản Tổng y viện Cộng hòa. Chỉ huy ở đó là Chuẩn tướng Phạm Hà Thanh – Cục trưởng Quân lực Quân y Việt Nam Cộng hòa (VNCH). Nghe giọng của tôi, ông ấy hỏi, có phải người Nam Định không, rồi tự giới thiệu là đồng hương và xin bàn giao, nhưng tôi thẳng thắn, các ông thua và phải đầu hàng. Tại đó có vài trăm thương binh của địch, quân y của ta vào tiếp quản rồi cùng các bác sĩ tại đây băng bó vết thương cho những người bị thương của cả hai bên rồi thông báo cho gia đình những người lính VNCH đến đón họ về chữa trị tại các bệnh viện trong thành phố. Phía bên kia luôn tuyên truyền rằng, khi quân giải phóng vào thì “tắm máu” nhưng sự thật là khi họ đã ra hàng, đã thua cuộc thì chúng ta luôn đối xử bằng chính sách khoan hồng, bao dung.
- Thưa Thượng tướng, khi đó chúng ta có chỉ đạo gì về chính sách đối với bên thua cuộc?
- Chúng tôi phải thực hiện 10 quy định. Đặc biệt là chính sách dân vận và chính sách khoan hồng của quân Giải phóng đã khiến các gia đình có con em đầu quân cho chính quyền VNCH cảm thấy nhẹ nhàng bởi không như lời đồn “tắm máu”. Bởi xét cho cùng, họ là người thua cuộc, nhưng cũng là nạn nhân của chiến tranh, nạn nhân của chính quyền VNCH.
Video đang HOT
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, nhà thơ, cựu binh Kevin Bowen, nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trong lần gặp mặt tại Ngày thơ Việt Nam
“May mà tôi với ông chưa gặp nhau”
- 40 năm qua đi, vết thương chiến tranh đã phần nào nguôi ngoai, giờ phút này, ông quan niệm thế nào về tư tưởng hòa giải dân tộc, thưa Thượng tướng?
- Trong “Đại cáo bình Ngô” mà Nguyễn Trãi viết có câu: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ Lấy trí nhân để thay cường bạo”, tôi nghĩ câu này đã đúc kết chủ trương của dân tộc ta trong mấy nghìn năm tồn tại, phát triển. Khi Tổ quốc lâm nguy, chúng ta nắm tay nhau nhất loạt đứng lên kiên cường bất khuất, đánh đuổi giặc ngoại xâm. Nhưng khi có hòa bình, chúng ta lại bao dung vị tha. 40 năm thống nhất rồi, đương nhiên phải khép lại quá khứ, hòa giải, hòa hợp và nêu cao tinh thần đoàn kết dân tộc. Vết thương chiến tranh của cả hai bên đều cần phải được xoa dịu, được lành da, không thể cứ khoét mãi sự đau xót ấy nữa.
- Trong thời gian đảm nhận cương vị Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, chắc ông đã nhiều lần gặp lại những cựu binh Mỹ, trong giờ phút chạm mặt “kẻ thù” xưa, các ông nói nhiều về điều gì?
- Tôi phụ trách mảng đối ngoại của Bộ Quốc phòng trong 10 năm, đã gặp lại nhiều cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam, giờ họ giữ chức vụ cao ở Hạ viện, Thượng viện Mỹ, rồi nhà thơ, nhà báo… Họ đều nói rằng, khi cầm súng sang Việt Nam, họ không hề được biết, được tìm hiểu về văn hóa và truyền thống cùng lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam. Bởi nếu họ hiểu được tinh thần Việt Nam, thì chắc chắn cuộc chiến dài đằng đẵng này đã không xảy ra. Sau 1975, những người Việt Nam sống ở nước ngoài cũng ít nhận được thông tin từ Tổ quốc, cũng có nhiều lý do, nhưng sau này, khi ông Nguyễn Cao Kỳ nhìn lại và nhận ra cần phải hàn gắn vết thương và hòa hợp dân tộc, ông ấy đã đưa những thông tin đa chiều, tiếp cận được với các gia đình người Việt. Họ đã trở về Việt Nam với tinh thần hòa giải, kể cả những người từng chống đối quyết liệt trước đây, họ đã thấy đổi mới, đã thấy đất nước phát triển và phồn thịnh – thành tựu của chúng ta sau 40 năm xây dựng đất nước.
- Hẳn là ông đã từng ngồi ăn cơm, uống rượu cùng kẻ thù một thuở chứ?
- Chẳng phải chỉ ăn cơm, uống rượu đâu mà còn đọc thơ cùng nữa ấy chứ (cười). Tôi cũng từng dẫn cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Robert McNamara tới gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Mới đây, tôi gặp nhà thơ Kevin Bowen – một cựu binh từng tham chiến ở Việt Nam tại Ngày thơ ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Sau khi được nhà thơ Hữu Thỉnh giới thiệu, đây là tướng Hiệu, người đã từng chiến đấu 9 năm liền ở đất lửa Quảng Trị, Kevin đã nói vui rằng, may ngày đó tôi với ông không gặp nhau, nếu không thì một trong 2 chúng ta có lẽ đã chết. Tôi nhìn thấy ông sẽ bắn rốc-két xuống, còn ông nhìn thấy tôi thì chắc hẳn cả tôi và máy bay đều ăn một quả tên lửa vác vai rồi. Nói đến đó, chúng tôi nắm tay nhau rồi cười rất vui vẻ. Bản thân Kevin Bowen (nguyên Giám đốc Trung tâm William Joiner thuộc trường Đại học Massachusetts – PV), là người có nhiều nỗ lực đưa hình ảnh Việt Nam nói chung và văn chương Việt nói riêng tới Mỹ, giúp xóa bỏ hận thù và ông có một cô con gái nuôi người Việt Nam.
Luôn tin tưởng thế hệ trẻ
- Nhưng thưa ông, đâu đó vẫn còn những ý kiến trái chiều về hòa hợp dân tộc?
- Lịch sử là lịch sử. Cuộc chiến đã qua 40 năm. Quan điểm của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn mong muốn hòa bình và độc lập dân tộc. Để làm được điều này đương nhiên phải có tuyên truyền, có động thái tích cực, để xích lại gần, từ đó mới hiểu nhau hơn. Suốt cả nghìn năm, đất nước ta phải trải qua biết bao nhiêu cuộc chiến, với những kẻ thù mạnh. Vó ngựa Nguyên Mông một thời dẫm nát cả cỏ châu Âu, thế mà sang Việt Nam lại bị binh tướng nhà Trần đánh cho thảm bại những 3 lần đấy thôi. Một đất nước càng có nhiều chiến tranh thì càng khát khao hòa bình và không lệ thuộc.
- Thượng tướng đánh giá thế nào về thế hệ trẻ hôm nay. Liệu họ có đủ bầu nhiệt huyết và lý tưởng như thời tuổi trẻ của ông hay không?
- Thế hệ trẻ bây giờ sợ cái nhục mất nước, khao khát bảo vệ độc lập tự do, bảo vệ chủ quyền và vẫn luôn hừng hực khí thế. Bây giờ có khi còn sục sôi hơn chúng tôi ngày trước bởi họ có điều kiện tiếp cận các thông tin đa chiều, có thể phân biệt đúng sai và hiểu rộng rãi luật pháp quốc tế. Cùng với đó, còn có đầy đủ thông tin của các nhà khoa học, nhà sử học và các tầng lớp nhân dân, luật pháp Việt Nam, luật pháp quốc tế để đấu tranh trên các mặt trận. Vì thế, tôi đặt lòng tin vào thế hệ hôm nay.
- Xin cảm Thượng tướng. Kính chúc ông mạnh khỏe!
Theo ANTĐ
Không còn lối nào cho định kiến hẹp hòi
Tôi còn nhớ như in không khí của của ngày 30-4-1975. Cùng với niềm vui giải phóng là những trăn trở trong người dân. Nhiều người sợ sự trả thù. Đó là hệ quả của bộ máy tâm lý chiến mà kẻ địch đã rêu rao suốt ngày về việc Việt cộng vào sẽ biến thành biển máu. Nhưng sự thật là không có "biển máu" nào. Sau giải phóng, chúng ta đã có một bầu không khí hòa hợp, hòa giải và cho tới tận bây giờ. Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai - đó là con đường thênh thang hòa hợp dân tộc.
1. Nhớ lại những ngày tháng 3-1975, người dân đâu đâu cũng náo nức vì làng quê của mình được giải phóng. Nhưng sự thật là ai cũng có tâm lý hồi hộp và chờ đợi. Ngày đó tôi được giao nhiệm vụ về Hội An, sau đó là ra Đà Nẵng để tiếp quản cùng chính quyền non trẻ và ổn định đời sống nhân dân. Sau 6 năm xa nhà biệt tin nay được trở về quê hương, tôi bí mật gửi một tấm ảnh nhỏ với mấy dòng chữ, nhờ một người đi chợ mang về quê cho ông nội. Ra gặp tôi, ông nói giải phóng rồi nhưng người dân vẫn vừa tin vừa đề phòng. Ông nói khẽ bên tai tôi rằng ông sợ chém giết, sợ cảnh tang thương sẽ xảy đến, nhất là với những thành phần là ác ôn trong những khu dồn dân lập ấp chiến lược, những tên tay sai khét tiếng độc ác của bộ máy ngụy quân. Tôi nhớ đã kịp trấn an với ông rằng, chính quyền tự quản sẽ giữ gìn trật tự, sẽ bảo vệ cho mọi người dân.
Kiều bào vui mừng họp mặt mừng Xuân Ất Mùi tại TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG
Đúng 1 tháng sau ngày tôi gặp ông nội, Sài Gòn được giải phóng. Tôi được thưởng phép về thăm nhà ở xã Bình Giang, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Đó là lúc tôi có điều kiện để chứng kiến làng quê sau ngày giải phóng. Trái với nỗi lo sợ về sự chém giết, trả thù, người dân khắp nơi hối hả bắt tay vào việc dựng lại đống đổ nát sau chiến tranh, không một ai bị trả thù, không cảnh trả thù đẫm máu như nhiều người lo sợ. Sự thật là nhiều người "có tội" nhưng không bị trả thù. Hồi đó ở quê tôi có một chị du kích tên Muôn, về sau không rõ động cơ gì đã phản bội lại tổ chức. Toàn bộ 6 xã vùng sâu của huyện Thăng Bình bị chiếm hết, cán bộ du kích bật hết khỏi địa bàn, chỉ còn một chỗ ẩn náu khá an toàn là một bàu sen. Mọi người phải xuống đó đội lá sen để thở. Trong lúc này, chị Muôn báo cho địch mang xe tăng đến, cứ có động tĩnh là bắn, ngày cũng như đêm, bắn cho đến khi không còn một ai sống sót. Cả bàu sen nhuộm máu đỏ, tang thương vô cùng. Cho nên sau giải phóng, chị Muôn sống trong sợ hãi tột bậc vì thấy mình tội ác chất chồng. Nhưng rốt cuộc, chẳng có ai tìm đến đòi "nợ máu" với chị ấy ngoài việc chị phải đi học tập cải tạo một thời gian ngắn. 40 năm trôi qua, chị Muôn hiện vẫn còn sống mạnh khỏe ở quê tôi.
2. Những câu chuyện đó là minh chứng cho thấy, sau ngày giải phóng mọi người chân thành cởi mở và bắt tay vào công cuộc lao động. Thực tế đó khác xa với những gì mà bộ máy tâm lý chiến của địch tuyên truyền trong dân chúng vào thời điểm năm 1975.
Đó cũng là nhờ ta làm rất tốt công tác tuyên truyền. Tất cả cơ quan dân-chính-đảng đều có nhiều cuộc gặp gỡ từng hộ gia đình, vận động các tầng lớp nhân dân để nói rõ quan điểm của cách mạng là hòa giải, hòa hợp dân tộc ngay từ ngày đầu, giờ đầu giải phóng. Thực ra hồi đó, mọi cán bộ chúng tôi hay là bộ đội giải phóng đều được học tập chuẩn bị cho giờ phút tấn công và nổi dậy. Nhưng ngay cả bản thân từng người chúng tôi vẫn có những e dè riêng, sợ xảy ra điều bất trắc, nhất là trong vùng bị chiếm đóng lâu ngày với sự tác động của bộ máy tâm lý chiến của địch. Nhưng sự thật là, lúc đó nhân dân rất tin tưởng chính quyền cách mạng, nên dù có những đoàn người di tản khá hỗn loạn mà trật tự vẫn được lập lại nhanh chóng. Người dân cùng bộ đội đã nhanh chóng dọn dẹp những đống đổ nát, thông những con kênh, dòng nước. Và rất ngạc nhiên, chỉ sau mấy tháng, màu xanh đã trở lại trên những cánh đồng trước phong trào rủ nhau khai hoang phục hóa làm thủy lợi, trả lại màu xanh cho đồng ruộng. Dường như ai cũng cố làm một việc gì đó để bù đắp lại sự mất mát qua cuộc chiến lâu dài thương đau và nghiệt ngã.
Một tướng lĩnh quân đội giải phóng từng nói với người chiến tuyến bên kia khi họ đầu hàng: "Trong cuộc chiến này, người Việt Nam chúng ta không ai là người thắng, không ai là người thua cuộc. Chỉ có giặc ngoại xâm mới là kẻ thua trận, mới là kẻ thua đau". Đó chính là tinh thần bao dung của người Việt Nam chúng ta: lúc chiến tranh thì hai chiến tuyến, lúc đã hòa bình thì bỏ qua hận thù, đối xử với nhau rất độ lượng.
Dân tộc Việt Nam là một
3. Ai cũng thấy trong cuộc chiến tranh tương tàn, có những người không có lý tưởng tình cờ bị bắt quân dịch, làm lính bảo an hay trong trận càn quét nào đó đã rơi vào tay của Mỹ ngụy, bị bắt làm bia đỡ đạn... Họ chẳng qua là bị hoàn cảnh xô đẩy.
Vì vậy, hòa hợp dân tộc là điều phù hợp trong điều kiện một đất nước có chiến tranh mà sự nhận thức không phải ai cũng giống nhau. Chúng ta đã làm việc đó ngay từ ngày đầu, giờ đầu giải phóng và đã vượt qua rồi. Các giai đoạn tiếp nối gần đây hầu như đã được định đoạt trong nhận thức của mọi người chứ không chỉ ở đường lối. Hòa hợp hòa giải dân tộc đã trở thành tiếng gọi của lương tâm. Nó không chỉ là sự đợi chờ chính sách, đó là sự thúc giục từ chính lương tâm mỗi người Việt Nam để từ đó, chúng ta đã làm được rất nhiều việc. Cách mạng luôn luôn trao cho mọi người cả nhận thức và mong muốn khép lại quá khứ và hướng tới tương lai. Đó cũng chính là tinh thần của tất cả mọi người đã thực hiện chứ không phải là sự cổ vũ, hô hào.
4. Nhiều năm qua, tham gia công tác mặt trận, tôi đã nhiều lần có các cuộc tiếp xúc với đồng bào ta ở nước ngoài. Trong số họ có nhiều người từng tham gia chính quyền cũ. Rất nhiều người như ông Trần Bá Phúc ở Australia (bây giờ là Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) đã từng cầm cờ ba que tới Đại sứ quán để chống cộng quyết liệt, nhưng giờ lại là người rất xuất sắc trong việc vận động kiều bào ủng hộ đất nước. Có những người trước đây rất bất mãn, vì lý do này khác hoặc vì chính sách thực hiện không tới nơi tới chốn thì bây giờ đều đã thay đổi. Họ đã gạt đi những gì là cá nhân vị kỷ, họ được giải thoát. Chính sự nghiệp đổi mới của chúng ta đã thuyết phục họ một cách sâu sắc nhất. Đó chính là sự tự nhận thức.
Sự thật, nhiều đồng bào ta ở nước ngoài, nhất là những người ngoài 50 tuổi thường bắt đầu quay về quê hương. Tuổi thành niên thì bôn ba. Nhưng có tuổi là tìm về đất mẹ. Hiện nay Đảng và Nhà nước ta có nhiều chính sách từ nhà ở, đất đai đến kinh doanh đầu tư cho kiều bào... Tất cả những cái đó chính là phản ánh sự hoà hợp dân tộc. Không chỉ đơn giản là chuyện làm ăn, mà chiều sâu của nó chính là sự hòa giải, hòa hợp dân tộc, là mở ra cơ hội đều là người Việt Nam cũng có cơ hội xây dựng đất nước.
Tháng 3-1975, khi ở trên núi xuống tiếp quản đô thị Đà Nẵng, trong đoàn đi có một vị hòa thượng. Ông nói một câu, "Sài Gòn cũng sắp đến ngày giải phóng, bầu không khí thanh tâm an lạc sẽ mau mau đến với đồng bào". Ngẫm lại, tôi thấy ông nói rất đúng. Từ ngày ấy đến bây giờ hai thế hệ thanh niên sinh ra và trưởng thành. Sau 40 năm, hai thế hệ thanh niên đó cùng với đồng bào cả nước đã góp phần viết tiếp những trang sử hào hùng của dân tộc. Thiết nghĩ rằng con đường mới thênh thang và rộng dài không còn lối nào cho định kiến hẹp hòi. Sự hòa giải hòa hợp dân tộc là một tất yếu lịch sử.
Năm nay chúng ta kỷ niệm 40 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, tôi tin mọi người Việt Nam - dù ở trong nước hay kiều bào sống xa Tổ quốc đều nghĩ mình là máu đỏ da vàng, chung một cội nguồn, chung một con đường xây dựng. Tâm trí của họ chỉ mong muốn làm sao dân giàu, nước mạnh phồn vinh giống như Bác Hồ mong muốn.
Vũ Trọng Kim (Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam)
Theo SGGP
Mất con, người mẹ nào mà không đau Chiến tranh đã lùi xa 40 năm. Thế nhưng, nỗi đau mất con của những bà mẹ Việt Nam, dù có con chiến đấu cho bên chiến tuyến nào và ngã xuống trong độ tuổi thanh xuân, cũng đều như nhau và chưa hề nguôi ngoai. Trò chuyện với Mẹ Việt Nam Bùi Thị Mè trong căn nhà nhỏ nằm giữa trung tâm...