Hãy để nhạc sĩ Văn Cao yên nghỉ
Đến thời điểm này, nhạc sĩ Văn Cao mới chỉ có 7 sáng tác được Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp phép phổ biến?
Tiếp tục liên quan tới từ khóa “cấp phép bài hát”, trong danh sách 2.587 ca khúc được Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch) từng đăng trên trang web không có bất cứ sáng tác nào của cây đại thụ âm nhạc, tác giả của Tiến quân ca – Quốc ca: cố nhạc sĩ Văn Cao.
Thậm chí, những sáng tác nổi tiếng của Văn Cao như “Buồn tàn thu”, “Thiên thai”, “Cung đàn xưa”, “Trương Chi” bị ghi nhầm tên tác giả là Văn Chung trên website của Cục này.
Bản thân tôi cũng thấy mắt bị cay xè và không dám tin điều đó. Giá như thông tin này được đưa ra vào ngày Cá tháng Tư thì có lẽ nhiều người cũng dễ bỏ qua vì sẽ nghĩ đây chỉ là tin… vịt !
Website của Cục nghệ thuật biểu diễn nhầm cố nhạc sĩ Văn Cao với Văn Chung
Trao đổi với báo chí, họa sĩ Văn Thao – con trai trưởng của cố nhạc sĩ Văn Cao cho biết, ông và gia đình không quan tâm đến việc những ca khúc của cha mình được hay không được cấp phép. “Việc cấp phép hay không cấp phép cũng chỉ là một cách gây bão dư luận mà thôi. Còn việc ghi nhầm tên tác giả, họ làm sai thì phải sửa. Gia đình cũng không có ý định làm thủ tục xin phép cho những ca khúc còn lại của nhạc sĩ Văn Cao” – họa sĩ Văn Thao nói.
Tôi có cảm giác không biết có đúng không, Cục Nghệ thuật biểu diễn đang bị “tẩu hoả nhập ma” hay sao đó khi liên tiếp dính lùm xùm liên quan tới chuyện cấp phép và cuống cuồng xử lý thứ lẽ ra chỉ là sự cố kỹ thuật do “lịch sử” để lại một cách đầy bị động và lúng túng.
Cuộc đời của cố nhạc sỹ Văn Cao đã qua nhiều nốt thăng trầm trong nhiều biến cố thời gian. Cũng chính vì nhân cách đầy cảm phục của cây đại thụ âm nhạc lừng danh Văn Cao ấy, người nghệ sỹ đa tài với đầy đủ cả thi, ca, nhạc, hoạ trong một con người ấy đã khiến cho ông trở thành một nghệ sỹ lớn của dân tộc.
Giới trí thức, văn nghệ sĩ quý trọng và nể phục ông đã đành mà ngay cả các chính trị gia, các chính khách cao cấp của Đảng, Nhà nước cũng rất biết và hiểu ông, chia sẻ với ông bởi có những thời đoạn lịch sử nhất là khi ông gặp rất nhiều trắc trở, thiệt thòi bởi nhân sinh quan trong mỗi giai đoạn có lúc cũng khác nhau.
Nhạc sĩ Văn Cao thời trẻ và bài Tiến quân ca
Họ quý và trọng ông bởi ông chưa bao giờ oán thán và cũng chẳng muốn trách móc một ai dù có những chuyện phũ phàng đến đau lòng trong cách người ta ứng xử với ông năm nào.
Video đang HOT
Đến những năm cuối đời, đời sống vật chất của ông tuy cũng chẳng có gì khá hơn nhưng Đảng, Chính phủ cũng đã bố trí cho ông một căn nhà tiêu chuẩn của cấp hàm thứ, bộ trưởng trở lên để bù đắp lại.
Nó có thể tạm gọi là khá tươm tất so với nhiều người hồi đầu những năm 90 của thế kỷ trước.
Động thái này thể hiện sự tri ân phần nào với những gì ông đã dâng hiến tài năng cho đất nước dù có thể vẫn còn những thiệt thòi nhất định so với một số người đương thời …
Tôi cũng hiểu sự không hài lòng của Thứ trưởng Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch Vương Duy Biên khi ông buộc phải nói thật lòng về những bất ngờ đến mức ông cũng còn khó tin về chuyện cấp phép phổ biến ca khúc hiện nay đang có điều chưa ổn do ông phụ trách.
Trả lời một tờ báo, ông nói: “Chúng ta, có lẽ phải cần điều chỉnh cách quản lý về công tác, về văn hóa nghệ thuật nói chung. Trong đó, có việc quản lý các bài hát sáng tác trước cả thời năm 1975. Đất nước ta là một đất nước có hoàn cảnh lịch sử khá đặc biệt, có thời trước cách mạng, sau cách mạng, trước khi thống nhất đất nước và sau khi thống nhất đất nước. Giai đoạn lịch sử đấy, mình phải xem xét với mọi góc độ.
Nhạc sĩ Văn Cao qua nét ký họa của Hùng Văn và bút tích chép tay câu chuyện về bài hát “Tiến quân ca” của nhạc sĩ. Nguồn: Baohatinh.vn
Bây giờ, chúng ta đã thống nhất đất nước bốn mươi mấy năm rồi, dân trí ngày càng được nâng lên. Đối với các tác phẩm xưa, mình phải có cách nhìn vừa công bằng, vừa bao dung…”
Vâng, Thứ trưởng Biên nói đúng! Song thuộc cấp của ông thì đang lúng túng đến mức khó hiểu. Dù có thể cũng không cửa quyền, không có ý “đẻ” ra quy định để mà xin cho gây khó cho ai đó. Thế nhưng, chính Bộ đã tham mưu để Chính phủ ban hành Nghị định 15/2016 NĐ – CP khiến cho cả chục ngàn ca khúc vốn dĩ đã đi vào đời sống âm nhạc nước nhà, quen thuộc,gắn bó với biết bao thế hệ, nay bỗng “vụt tắt” chỉ vì cái quy định ngặt nghèo: “Chưa có trong danh mục phổ biến”. Quy trình này éo le và phức tạp ở chỗ sẽ làm khó cho tác giả và gia đình tác giả (với người đã quá cố, cần xác nhận).
Nghĩ đến đây, tôi thấy thương và ngậm ngùi cho số phận tác phẩm của cố nhạc sỹ Văn Cao vô cùng vì ít nhiều được biết tới một trong số những nốt trầm đó.
Đây là một câu chuyện hoàn toàn có thật, tôi xin được kể lại với tư cách của người viết báo đã được gặp nhạc sĩ Văn Cao lúc ông còn mạnh khoẻ.
Vào năm 1991, khi đó, nhạc sĩ Văn Cao và gia đình ông sống ở trên gác ngôi biệt thự nhỏ ở phố Yết Kiêu. Tôi có đến thăm để hỏi lại ông chuyện cũ của những năm 80, xin viết về ông nhân hồi trước đó chúng ta có chủ trương phát động cuộc thi sáng tác Quốc ca mới (nhưng rồi không thành công nên vẫn dùng Tiến quân ca của ông làm Quốc ca).
Sau một thời gian phát động, cái điều tưởng không khó ấy xem ra lại quá khó bởi chất lượng của các nhạc phẩm dự thi cứ thấy thiêu thiếu một cái gì đó.
Hình như ngoài cái chất tráng ca hào hùng lại vẫn phải có được sự nghiêm trang cần thiết nào đó thì nó mới ra nổi một bài Quốc ca? Nếu không có thực tiễn, không có bối cảnh như giai đoạn Cách mạng tháng Tám mà nhạc sĩ Văn Cao sáng tác thì khó có được cái thần thái như vậy chăng?
Ông kể với tôi, đại ý rằng, khi Quốc hội có thông báo sẽ tổ chức thi sáng tác Quốc ca mới để thay Quốc ca hiện thời vì nhiều lý do, “Tôi đã không khỏi suy nghĩ. Quả đúng là trong Tiến quân ca mà tôi sáng tác ngày trước, nó cũng có những ca từ không còn phù hợp nữa. Lúc tôi nghe thông tin này chính là lúc tôi được Nhà nước cho sang Cộng hoà Dân chủ Đức tham quan. Lúc đầu thì phải nói thật lòng rằng nó cũng hơi có chút hụt hẫng nhất định. Song nghĩ lại, tôi thấy cũng có lý và biết đâu cũng lại là điều hay cho tôi cũng nên. Nói thật, tôi là nhà thơ, là hoạ sĩ và còn là nhạc sĩ nên nhiều lúc cũng cảm thấy đứa con tinh thần thiêng liêng đó lại trở thành một gánh nặng tâm lý cho tôi. Nhiều lúc, tôi cũng thích “hủ hoá” chút chút nhưng vì mình là tác giả của Quốc ca nên lại phải giữ gìn. Vậy là khác nào trên đầu tôi đang có chiếc “vòng kim cô” của nhà Phật như là muốn thoát tục cũng không được”.
Thấy tôi tỏ vẻ hơi “lạ tai” khi ông nhắc đến từ “hủ hoá”, ông “đọc vị” nhanh trong đầu tôi và giải thích: Cái từ “hủ hoá” mà tôi vừa nói, cậu đừng hiểu sai đi nhé! Nó có nghĩa rất rộng và không hoàn toàn như người ta hay dùng cụm từ đó cho người nào có tính lăng nhăng vụng trộm trai, gái đâu. Ý tôi muốn nói là sắp đến lúc mình cũng sẽ được tự do hơn, bớt phải ý tứ, đạo mạo hơn khi đi đâu, làm gì. Muốn ngồi vệ đường làm chén rượu suông, muốn uống chén trà nóng nói chuyện tào lao với bè bạn, tôi đều có thể tự do thoải mái, không còn phải giữ ý như bây giờ. Nếu có quá chén rồi nói quá lời một chút cũng chẳng ảnh hưởng tới ai. Nếu phải bò lê về nhà lúc quá chén thì cũng là chuyện bình thường của một con người. Muốn ngắm một phụ nữ đẹp để lấy cảm hứng vẽ những bức tranh, tôi cũng cảm thấy thoải mái, tự nhiên hơn… Chỉ vì vướng cái “vòng kim cô” kia mà tôi lại phải đạo mạo hơn, nhiều khi không còn là Văn Cao của ngày xưa nữa. Cậu đừng tưởng đó là chuyện giản đơn nhé”
Cố nhạc sỹ Văn Cao, bậc đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam đã đi xa. Chúng ta đang chịu ơn ông nhiều lắm! Dư luận, khán thính giả mong rằng thời gian tới sẽ vĩnh viễn không còn phải chứng kiến những chuyện lùm xùm, những quy định “trái khoáy” và cứng nhắc liên quan tới chuyện cấp phép bài hát.
Theo Danviet
Con trai nhạc sĩ Văn Cao bức xúc chuyện Cục NTBD không cấp phép ca khúc
Họa sĩ Văn Thao cho rằng không cấp phép cho những sáng tác của nhạc sĩ Văn Cao là một cách "gây bão" dư luận.
Nhạc sĩ Văn Cao. Ảnh: Tư liệu
Mới đây, thông tin về việc, trong danh sách 2.587 ca khúc được Cục NTBD cấp phép phổ biến, không có bất cứ sáng tác nào của nhạc sĩ Văn Cao đã thực sự khiến dư luận vô cùng ngạc nhiên, khó hiểu.
Theo đó, trên website chính thức của Cục NTBD, ở danh mục các bài hát sáng tác trước năm 1975 được cấp phép phổ biến, không xuất hiện bất cứ sáng tác nào đề tên nhạc sĩ Văn Cao. Riêng bài Tiến Quân ca (Quốc ca), do đã được gia đình nhạc sĩ Văn Cao hiến tặng cho nhà nước, nên đương nhiên không cần phải có đơn vị nào cấp phép.
Điều khó tin hơn, trong danh sách này, có tới 7 ca khúc là sáng tác của nhạc sĩ Văn Cao nhưng lại xuất hiện trong bảng danh mục trên với tư cách tác phẩm của... một người khác, nhạc sĩ Văn Chung.
Họa sĩ Văn Thao, con trai nhạc sĩ Văn Cao. Ảnh: AM5
Cụ thể đó là những ca khúc: Buồn tàn thu, Chiều buồn trên bến Bạch Đằng, Cung đàn xưa, Đàn chim Việt, Suối mơ, Thiên thai, Trương Chi. Cả 7 ca khúc này được chú thích là "Quyết định cấp phép theo thông báo số 01, ngày 15.10.1989", tên tác giả là nhạc sĩ Văn Chung, trong khi trên thực tế đó đều là sáng tác của nhạc sĩ Văn Cao.
Căn cứ theo bản danh mục các ca khúc sáng tác trước năm 1975 được Cục NTBD cấp phép và công khai trên website của Cục thì rõ ràng, nhạc sĩ Văn Cao chưa có sáng tác nào được phép lưu hành và phổ biến rộng rãi.
Trao đổi với PV, họa sĩ Văn Thao, con trai cả của nhạc sĩ Văn Cao, người nắm giữ nhiều nhất những tư liệu về sự nghiệp và cuộc đời cha mình, cho biết ông không quan tâm đến việc ca khúc của nhạc sĩ Văn Cao có được hay không được cấp phép.
Họa sĩ Văn Thảo chia sẻ: "Tôi không hiểu người ta cấp phép rồi sao lại ngừng cấp phép? Những sáng tác của nhạc sĩ Văn Cao đã được cất lên gần một thế kỷ nay rồi, đã trải qua những thăng trầm của lịch sử, tại sao lại phải đo đếm, nâng đặt với những nhạc phẩm ấy? Việc cấp rồi lại không cấp phép cho những sáng tác của nhạc sĩ Văn Cao là một cách gây bão dư luận".
Chia sẻ về những ca khúc của nhạc sĩ Văn Cao bị nhầm lẫn là của nhạc sĩ Văn Chung, họa sĩ Văn Thao cười buồn. Ông nói: "Người đưa ra những thông tin này chứng tỏ không biết một chút gì về nhạc sĩ Văn Cao. Đó là điều hết sức đáng buồn".
Nếu nhìn vào danh mục các ca khúc được nhạc sĩ Văn Cao sáng tác trước năm 1975 được cơ quan quản lý văn hóa có thẩm quyền cấp phép phổ biến thì hai tác phẩm bất hủ của vị nhạc sĩ tài ba này là "Tiến về Hà Nội" và "Trường ca sông Lô" cũng chưa được cấp phép lưu hành và phổ biến rộng rãi. Đây đều là hai tác phẩm có giá trị về cả mặt âm nhạc lẫn lịch sử.
Trong đó, "Trường ca sông Lô" được nhạc sĩ Văn Cao sáng tác năm 1947 còn được giới chuyên môn đánh giá là đỉnh cao của nhạc kháng chiến nói riêng và của nền tân nhạc Việt Nam nói chung.
Ca khúc Bến xuân ra đời năm 1942, lấy cảm hứng từ câu chuyện tình có thật của chính tác giả Văn Cao.
Riêng bài "Quốc ca" đã được gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao quyết định hiến tặng lại cho Nhà nước và nhân dân Việt Nam nên không có trong danh mục các ca khúc cần phải cấp phép từ Cục NTBD mới có thể lưu hành và phổ biến. Bản hiến tặng ca khúc này đã được đại diện gia đình ông trao lại cho Quốc hội vào ngày 15.7.2016.
Ca khúc Suối mơ ra đời năm 1941.
Theo họa sĩ Văn Thao, không chỉ gia đình ông mà số đông công chúng sẽ rất bất bình nếu có chuyện gì đó xảy ra với các ca khúc của nhạc sĩ Văn Cao trong vấn đề cấp phép. "Đó chỉ là vấn đề hành chính, vì sao lại phải làm khó với những ca khúc đã gắn liền với sự nghiệp cách mạng dân tộc, đã có những cống hiến lớn lao trong tiến trình phát triển nền âm nhạc đất nước", họa sĩ Văn Thảo chia sẻ.
Theo họa sĩ Văn Thao, cuối những năm 1930, nền tân nhạc Việt Nam ra đời. Ở Hải Phòng khi đó tập trung nhiều nhạc sĩ tiên phong như Đinh Nhu, Lê Thương, Hoàng Quý... Văn Cao tham gia vào nhóm Đồng Vọng của Hoàng Quý cùng Tô Vũ, Canh Thân, Đỗ Nhuận... và bắt đầu sáng tác ca khúc đầu tay là "Buồn tàn thu" vào năm 16 tuổi. Cùng nhóm Đồng Vọng, Văn Cao còn sáng tác một số ca khúc hướng đạo vui tươi khác như "Gió núi", "Gò Đống Đa", "Anh em khá cầm tay". Cũng trong thời gian ở Hải Phòng, Văn Cao làm quen với Phạm Duy, khi đó là ca sĩ trong gánh hát Đức Huy. Phạm Duy chính là người đã hát "Buồn tàn thu", giúp ca khúc trở nên phổ biến. Năm 1940, Văn Cao có một chuyến đi vào miền Nam. Ở Huế, Văn Cao đã viết "Một đêm đàn lạnh trên sông Huế", được coi là bài thơ đầu tay. Còn ca khúc "Đàn Chim Việt" là phiên bản thứ hai của ca khúc Bến Xuân, do nhạc sĩ Phạm Duy chắp bút viết thêm trên nền ca khúc Bến Xuân. Bài hát "Bến Xuân" là một trong những nhạc phẩm hay nhất trong cuộc đời sáng tác của nhạc sĩ Văn Cao và của nền tân nhạc Việt Nam. Ra đời đã hơn 70 năm, cho đến hôm nay, ca khúc này vẫn không hề cũ mà vẫn vẹn nguyên chất lãng mạn, thơ mộng, mới mẻ qua giọng hát của nhiều thế hệ nghệ sĩ. "Bến Xuân" là cái tên đầu tiên được tác giả đặt cho nhạc phẩm. Sau này, vì những lý do khác nhau, ca khúc được thay đổi tên gọi, thêm lời. Nhiều người đều nghĩ đây là sáng tác chung của nhạc sĩ Văn Cao và nhạc sĩ Phạm Duy. Tuy nhiên, khẳng định mới nhất của họa sĩ Văn Thao, con trai cả nhạc sĩ Văn Cao, người nắm giữ nhiều tư liệu nhất về tác giả Quốc ca cho thấy, bài hát này hoàn toàn do NS Văn Cao sáng tác từ trước khi ông và NS Phạm Duy gặp nhau. Nhưng một điều thú vị là bài hát này đã chắp cánh cho một tình bạn nghệ sĩ, kết nối hai tâm hồn âm nhạc như một định mệnh, dù cuộc đời họ có những ngã rẽ khác nhau. Bài hát "Suối mơ" là một tác phẩm thuộc dòng nhạc tiền chiến, do hai nhạc sĩ Văn Cao và Phạm Duy đồng sáng tác. Theo họa sĩ Văn Thao, bài "Suối mơ" được sáng tác với cảm hứng từ dòng suối bên đền Cấm, ở thị trấn Đồng Mỏ, Chi Lăng, Lạng Sơn. Thị trấn Đồng Mỏ là 1 thị trấn sầm uất, là nơi nhiều văn sĩ thời tiền chiến lên chơi. Khu vực quanh dòng suối ở đền Cấm ngày xưa là nơi yên tĩnh, mát dịu, đã khơi gợi cảm hứng cho rất nhiều nhà thơ, nhạc sĩ. Cùng với "Suối mơ", "Thiên thai" cũng là một bài hát trữ tình của nhạc sĩ Văn Cao. Ông viết bài hát này vào năm 1941, khi mới 18 tuổi, phỏng theo thơ của Hoàng Thoại. Bản "Thiên thai" dài tới gần 100 khuôn nhạc, là một trường ca với nhiều nhạc cảnh biến đổi tuần tự giống như một bản giao hưởng hay một vở opera. Văn Cao viết "Thiên Thai" từ những ám ảnh về dòng sông Hương xứ Huế mà ông có dịp tới thăm vào mùa thu năm 1940, ấn tượng khi đi thuyền trên sông Phi Liệt (Thuỷ Nguyên, Hải Phòng) và cảm xúc từ việc nghe ca trù năm 1941. Năm 1944, Văn Cao đã viết lời tựa cho bài "Thiên Thai", trong đó có câu: "Ảnh hưởng sông nước khúc Thiên Thai cổ trong khung cảnh huyền diệu của Đường Thi với hai truyện Thiên Thai và Đào Nguyên. Người Sông Ngự đã lạc cảm xúc rồi...".
Theo Đào Bích (VOV.VN)