“Hãy để con cái ở riêng” – chuyện kể của một bà mẹ chồng
Mấy hôm trước, chị bạn đồng nghiệp đã nghỉ hưu gọi điện cho tôi, vừa gọi vừa khóc. Chị nói vợ chồng con trai chị xin ra ở riêng.
Chúng có ý định mua một căn hộ chung cư trả góp, nói ở riêng cho rộng rãi vì con cái ngày một lớn, vả lại nơi ở mới tiện chỗ làm của hai vợ chồng hơn.
Vợ chồng chị hiếm muộn, sinh được mỗi đứa con trai, bao yêu thương đều dành cho nó cả. Nhà chị tuy không khá giả nhưng con chị từ nhỏ không thiếu thứ gì. Anh chị đầu tư cho con học hành, thành đạt.
Con trai, đó là niềm tự hào lớn nhất của đời chị. Đó là một chàng trai khôi ngô, thông minh, ngoan ngoãn và hiếu thảo. Từ nhỏ đến lớn, chưa bao giờ chị phải phiền lòng vì con. Rồi con chị lập gia đình, có vợ, có con. Cả gia đình chị sống chung trong căn nhà hai tầng, tuy có hơi chật chội nhưng chị nói vui vẻ, ấm cúng.
Hình minh hoạ: GettyImages
Thỉnh thoảng chị cũng có đôi chút không hài lòng về con dâu, cũng có bày dạy than phiền đôi câu. Nó không cãi chị, cũng không đáp lời. Quan hệ mẹ chồng nàng dâu không hoàn toàn tốt cũng không đến nỗi tệ.
Rồi mới đây con trai chị nói với vợ chồng chị chúng sẽ ra ở riêng, chúng đã đi xem nhà, và quyết định mua một căn chung cư trả góp. Chị không đồng ý, vợ chồng chị có mỗi đứa con, chăm nuôi nó lớn khôn, nay bố mẹ đã già, sao vợ chồng nó lại có ý định ra riêng chứ. Hơn nữa ở cái thành phố này, tấc đất tấc vàng, tiền của không dư, một căn hộ mấy tỷ nó trả góp bao giờ cho xong, trong khi căn nhà này trước sau gì cũng là của vợ chồng nó.
Chị nghĩ đi nghĩ về đều thấy không thông, lại cho rằng con trai mình ngoan, chắc do con dâu xúi bẩy. Càng nghĩ càng ức, càng nghĩ càng tủi thân. Chị khóc với tôi: “Nó giờ như chim trời, đủ lông đủ cánh rồi nhất quyết bay đi em ạ”.
Tôi nói với chị: “Cứ để chúng nó ra sống riêng chị ơi. Cả đời chị đã vất vả vì con, vì cháu rồi. Đây chính là thời gian chị sống cho mình đấy. Nhân cơ hội này vợ chồng chị cứ thu xếp đi chơi, đi du lịch, về quê, làm tất cả những gì mình muốn. Chúng nó sống riêng sống chung gì thì vẫn là con của chị thôi”.
Video đang HOT
Tôi nói với chị như vậy cũng rút từ gan ruột tôi mà ra. Vợ chồng tôi cũng có hai con, một trai, một gái. Con gái đã lấy chồng, con trai đã lấy vợ. Thời gian đầu vợ chồng con trai cũng ở với vợ chồng tôi.
Tôi tự thấy bản thân mình là một bà mẹ chồng hiện đại. Tôi không xét nét con dâu, bản thân lúc nào cũng nghĩ “con gái mình cũng đi làm dâu, mình không thương dâu sao dám mong nhà người ta thương yêu con gái”. Con dâu tôi làm việc cho một tập đoàn, áp lực công việc cao, đi sớm về muộn nhưng bù lại thu nhập cũng khá. Cưới xong thì con dâu có bầu, lại công việc đi sớm về muộn nên việc nhà tôi làm hết. Sáng nào tôi cũng dậy sớm, đi chợ, làm bữa sáng, chuẩn bị cả cơm trưa sẵn vào hộp, cả trái cây tráng miệng cho con trai con dâu mang đi ăn trưa. Có lần con dâu bảo tôi “mẹ chăm con còn hơn mẹ đẻ con nữa”.
Mỗi tháng con dâu đưa tôi hơn mười triệu, nói góp tiền sinh hoạt, tôi nói “con đưa thì mẹ lấy”. Thực chất tôi cũng không dùng đến số tiền đó. Con trai tôi đi làm đã lâu nhưng chưa bao giờ góp tiền sinh hoạt với bố mẹ. Giờ có con dâu, tính nó từng bữa ăn thì buồn cười quá nhưng tôi vẫn cầm để con biết chúng nó cũng phải có trách nhiệm trong việc chi tiêu sinh hoạt gia đình.
Từ ngày con dâu có con, một tay tôi chăm thằng bé từ khi ẵm bồng rồi đưa đón đi học. Thậm chí nhiều đêm nó còn ngủ với ông bà. Con trai tôi thường đùa “Bi có một người mẹ mang tên là Bà Nội”. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì gia đình của mình.
Rồi cách đây một năm, vợ chồng con trai tôi nói chúng muốn ra ở riêng. Tôi rất bất ngờ, còn chồng tôi thì nổi cáu: “Chúng nó muốn ra riêng à, cho nó ra, có tiền thì tự mua nhà lấy, một xu tôi cũng không cho”. Tôi cũng bàn bạc với con, nói nhà mình rộng rãi đủ để ở, các con công việc bận bịu, ở với bố mẹ, cơm nước có mẹ lo, cháu đi học có mẹ đưa đón. Giờ ra ở riêng thì xoay xở thế nào. Nhưng nói thế nào chúng nó cũng kiên quyết ra ở riêng. Cũng như con trai chị đồng nghiệp của tôi, các con tôi cũng mua nhà chung cư trả góp.
Ngày chúng nó dọn ra riêng, tôi đưa cho con dâu hơn bốn trăm triệu “đây là số tiền con đưa mẹ sinh hoạt hàng tháng, mẹ không dùng tới, coi như bố mẹ cho các con thêm vào tiền mua nhà. Bố mẹ cũng có một khoản dành để dưỡng già, không có để cho các con. Số tiền đó, sau này bố mẹ ốm đau, nếu các con chăm sóc bố mẹ thì các con hưởng, còn không thì con dùng nó để thuê người chăm sóc, tùy các con”.
Con trai biết tôi buồn nên cố an ủi: “Tất nhiên là chúng con sẽ chăm sóc bố mẹ rồi. Chúng con sẽ thường xuyên về nhà, cuối tuần sẽ đưa cu Bi sang chơi với ông bà nội”.
Mấy ngày đầu vắng con cháu, nhà đúng là rất buồn. Tôi mới nghỉ hưu, không phải đi làm, cơm nước hai ông bà cũng đơn giản, không còn thấy bận bịu vì con vì cháu, cảm thấy chân tay rất thừa thãi. Sao chúng nó lại chọn thời điểm ra ở riêng ngay vào lúc tôi vừa mới nghỉ hưu cơ chứ. Chồng tôi vẫn chưa nguôi giận nhưng vẫn phải làm quen với việc đó, rằng con cái không thể ở mãi với mình được.
Tôi bắt đầu lên kế hoạch cho hai vợ chồng, sáng dậy sớm chạy bộ thể dục, rồi cũng đi chợ sáng, cùng uống cà phê. Tôi liên lạc lại với những đồng nghiệp cũ đã nghỉ hưu, thỉnh thoảng còn mời những đồng nghiệp cũ đến nhà vào cuối tuần ăn uống. Vợ chồng tôi còn đi chơi đây đó, vào cả miền Tây, vào cả Sài gòn. Và cho đến bây giờ, khi ở tuổi sáu mươi tôi mới nhận ra mình thật sự sống cho mình, vô cùng thoải mái, thảnh thơi, không lo âu vướng bận.
Con cái không ở quá xa, khi các con cần chúng tôi có thể trông cháu hộ, hoặc khi chúng tôi ốm đau chúng nó qua thăm nom. Tôi thấy ở riêng cũng có cái hay, không còn lo va chạm nhau mà mỗi lần gặp nhau lại thấy tình cảm và quý hơn.
Vậy nên tôi nói với chị đồng nghiệp: “Chị xem, em thương con dâu em không khác gì con đẻ. Việc nhà em làm từ A-Z, cơm nước em cũng chuẩn bị sẵn, chỉ thiếu nước đút vào miệng cho nó ăn nữa thôi, vậy mà chúng nó vẫn muốn ở riêng. Huống hồ chị và con dâu cũng có mâu thuẫn va chạm. Phải chấp nhận rằng không có cô con dâu nào muốn sống chung với bố mẹ chồng cả. Mà mình sống chung với chúng nó đôi cái cũng không như ý mình, đôi lúc cũng buồn bực mệt mỏi chứ. Thôi thì sống riêng cho thoải mái. Người đời nói “xa thơm gần thối” không sai đâu”.
Vậy nên với trải nghiệm của một bà mẹ chồng, tôi nghĩ những gia đình nếu có thể hãy tạo điều kiện cho con cái ra ở riêng, nếu ở gần nhau thì càng tốt. Ở riêng, chúng sẽ biết cách lo toan vun vén cho gia đình, biết thiết lập trật tự cuộc sống. Ở riêng, con cái được thoải mái sống theo ý chúng nó mà mình cũng không phải bận tâm phiền lòng vì khoảng cách và ý thức hệ. Tất cả mọi người đều thoải mái, vui vẻ, hạnh phúc chẳng phải là tốt hơn sống chung để dè dặt, soi mói, khó chịu và bất mãn về nhau hay sao?
Thanh Xuân
Theo dantri.com.vn
Con dâu mệt mỏi vì mẹ chồng vụng về
Tôi mệt mỏi khi làm dâu không phải vì mẹ chồng soi mói, chỉ trích mà vì mẹ chồng quá vụng về.
Ngày chuẩn bị cưới chồng, tôi khá lo lắng về khoản nội trợ của mình. Bởi anh là con trai một nên tôi xác định phải sống chung với ba mẹ chồng. Tôi thường hỏi dò chồng xem mẹ anh nấu ăn ra sao. Mỗi lần như thế, anh toàn cười trừ: "Em yên tâm, em nấu ăn còn ngon hơn mẹ anh".
Tôi cũng không khỏi thắc mắc bởi mỗi lần nhà anh có việc gì đều thấy thím anh đứng ra nấu nướng chứ mẹ ít khi vào bếp. Sau này, cưới nhau về, tôi mới biết do mẹ vụng về nên mới thế.
Mẹ chồng không biết nấu ăn, đi chợ. Ảnh minh họa
Hầu như mọi việc bếp núc trong nhà trước đây đều do chị gái anh quán xuyến. Từ ngày chị lấy chồng thì anh và bố làm cho đến khi tôi về làm dâu. Mẹ chồng không có lương hưu, không biết trông trẻ, không biết nấu nướng gì cả. Mẹ hiền lành, ít nói nhưng cứ đụng đâu hỏng đó.
Mấy ngày đầu mới về, việc gì tôi cũng hỏi mẹ nhưng mẹ đều bảo: "Con tự làm đi, mẹ không biết". Tôi cứ ngỡ mẹ khó tính nên nói vậy chứ thực ra mẹ không biết thật.
Hôm đó, tôi chuẩn bị nấu ăn thì có việc gấp nên nhờ mẹ nấu giùm nồi canh. Và bữa đó không có canh ăn vì mẹ nấu canh cua mà bỏ đường lại thêm mắm tôm thì ăn sao được. Vì công việc khá bận rộn nên tôi đưa tiền để mẹ đi chợ giùm rồi tôi về nấu.
Nhưng khoảng được một tuần, tôi đã phải tự đi. Bởi mẹ không biết mua bán gì cả, mua vừa đắt vừa dở, không biết nấu thế nào. Có lần, mẹ mua hẳn 3 ký cá diếc về làm cả nhà phải ăn liên tục mới hết. Mực tươi mẹ không biết chọn nên mua phải mực người ta ngâm nước về nấu không thể nào ăn được. Mua rau cũng không lựa, nhìn bề ngoài thì tươi xanh nhưng bên trong bị úa vàng phải bỏ.
Tôi biết thế nên tự mình làm hết mọi việc nội trợ trong gia đình. Ngày trước, chưa có tôi, mỗi lần giỗ hay tết, thím còn sang giúp chứ giờ giao hẳn cho tôi. Mà ôm hết tất cả khiến tôi mệt mỏi trong khi mẹ chồng mới ngoài 60 tuổi chẳng thể làm gì.
Tôi mệt mỏi khi phải quán xuyến hết mọi việc trong nhà. Ảnh minh họa
Cứ buổi sáng, tôi đi mua thức ăn sáng về cho cả nhà rồi nấu luôn bữa trưa. Ở nhà, mẹ chồng chỉ cần đun lại ăn. Buổi tối, tôi lại phải tất bật về nấu cơm vì mẹ không nấu được.
Có hôm đi làm về muộn, gặp trời mưa ướt hết quần áo, vừa về tới nhà thấy ba mẹ chồng đang ăn bắp rang xem tivi. Chẳng hỏi thăm được nửa lời lại còn hối: "Vào nhanh mà nấu cơm, giờ này đói bụng làm rồi" khiến tôi vừa buồn vừa ức.
Đến khi tôi có con, mẹ chồng cũng chẳng đỡ đần gì được. Bà ngoại nuôi cho 6 tháng mới về lại nhà nội. Nhưng bà nội trông được hai tuần thì con tôi toàn ngã sưng đầu và bỏng nước sôi làm tôi không dám nhờ nữa. Bà không biết tắm cho cháu hay cho cháu ăn, cứ đụng vào là cháu khóc ngặt nghẽo. Mang tiếng có ông bà nội đỡ đần nhưng hầu như tất cả mọi việc tôi đều phải tự làm.
Con mới 10 tháng đã phải đem đi gửi trẻ, nay ốm mai đau. Đến giờ con đã lớn nhưng tôi vẫn chưa dám sinh thêm đứa con thứ hai vì sợ kham không nổi. Chồng kể, mẹ từ xưa đến nay đã thế rồi. Lúc mẹ mới lấy chồng thì có bà nội đỡ đần, bà mất thì có con gái quán xuyến và khi con gái lấy chồng thì có con dâu về.
Bởi thế, tôi chẳng thể thay đổi được gì ngoài việc gồng lên mà làm, chấp nhận sự thật có bà cũng như không, thậm chí còn phải phục vụ thêm. Nhiều lúc, tôi nghĩ không đòi hỏi gì nhiều, chỉ cần bà phụ tôi việc lặt vặt như cắm cơm, rửa rau, dọn dẹp nhưng dường như, mẹ chồng mặc định mình vụng nên không đụng tay đụng chân vào bất cứ việc gì.
Theo phunuonline.com.vn
Tôi có nên để hai con ở nhà để đi xuất khẩu lao động Lương tôi chỉ đủ gửi hai con, chồng có thu nhập không đều, ngoài ra còn ham mê lô đề, làm được bao nhiêu là lo trả nợ gần hết. Hình ảnh minh họa Lúc này tôi rất bế tắc, không biết nên làm gì tốt nhất cho bản thân và tương lai con cái. Tôi 30 tuổi, kết hôn được 6 năm,...