Hãy cho quan chức thời gian để “ngấm”… văn hoá từ chức
“Đòi hỏi về văn hóa từ chức ngày càng thấm sâu, sẽ càng trở thành một nhu cầu đạo đức. Khi đó, việc từ chức sẽ được thực hiện. Vấn đề là hãy cho họ thời gian để… ngấm dần” – Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội Lê Minh Thông chia sẻ.
Khi dự thảo luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi được đưa ra thảo luận tại UB Thường vụ Quốc hội, nhiều uỷ viên UB Thường vụ đã nêu ý kiến về việc cần thiết quy định vấn đề từ chức đối với các thành viên Chính phủ trong lần sửa luật này. Tuy nhiên đề xuất này chưa được cơ quan soạn thảo dự án luật tiếp thu, cũng không thấy UB Pháp luật – cơ quan thẩm tra đề cập khi dự thảo luật được trình ra Quốc hội 2 ngày trước. Là một lãnh đạo UB, xin ông cho biết, UB pháp luật đánh giá thế nào về việc này?
Xét về bình diện tâm lý xã hội, thời gian qua, người ta nói nhiều đến vấn đề từ chức nhưng để luật hóa việc này thì cần nghiên cứu, tổng kết thật thấu đáo. Vậy nên, dù có rất nhiều ý kiến nhưng luật chưa thể quy định việc cán bộ “buộc phải từ chức” được.
Trong luật này mới chỉ nói đến quyền “có thể từ chức”. Điều đó có nghĩa chúng ta trao cho người giữ chức vụ quyền hạn quyền tự định đoạt bản thân trước khi có những căn cứ pháp lý được đưa ra áp dụng để xử lý trách nhiệm theo quy định pháp luật, để mỗi người trong hoàn cảnh đứng trước lựa chọn từ chức tìm được cho mình con đường danh dự nhất. Khi trình độ văn hoá chính trị của người đó cao lên, họ sẽ biết ứng xử thế nào cho phù hợp.
Như vậy, nói về từ chức, chúng ta đề cập nhiều ở khía cạnh chính trị – xã hội. Việc đó lệ thuộc rất nhiều vào nhận thức của người trong cuộc. Đó là lý do vì sao ban soạn thảo luật, dù rất thấu hiểu nhu cầu xã hội, thấu hiểu tính chính đáng của những đòi hỏi có quy định từ chức nhưng về mặt pháp lý thì chưa đủ điều kiện để luật hoá. Trên thực tế, cần nghiên cứu, tổng kết, đánh giá để đề ra những căn cứ pháp lý chặt chẽ, thì mới định ra được trường hợp nào thì phải từ chức.
Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật Lê Minh Thông: “Xin chia sẻ với đòi hỏi chính đáng của dư luận về văn hoá từ chức với quan chức”.
Video đang HOT
Nói dự thảo luật đã quy định “từ chức tuỳ nghi” thì cụ thể, nội dung đó thể hiện ở điều khoản nào, thưa ông?
Trong luật Tổ chức Chính phủ, nội dung này nằm trong các điều khoản điều chỉnh về Thủ tướng, các Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Còn trong luật Tổ chức Quốc hội, Điều 12, 13 về bỏ phiếu tín nhiệm cũng bao hàm nội dung quy định về “quyền từ chức” vì việc này áp dụng cho tất cả các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, trong đó có nhóm đối tượng là các thành viên Chính phủ.
Tất nhiên, luật Tổ chức Chính phủ lần này UB Pháp luật mới tiến hành thẩm tra, khi Quốc hội thảo luận về nội dung này, chúng tôi mới tiếp thu và mới có thể nói cụ thể được.
Từ chức như thế là một hướng lựa chọn tạo ra cho cán bộ khi đứng trước tình huống đòi hỏi người đó thể hiện trách nhiệm chính trị của mình. Như ông nói, đó là một hướng giải quyết rất nhẹ nhàng, tránh được các hệ quả nặng nề khi bị quy trách nhệm pháp lý. Vậy tại sao quan chức của chúng ta vẫn không mặn mà với “quyền” này?
Việc đó lệ thuộc vào nhiều yếu tố như nhận thức chính trị của bản thân những người trong cuộc, cũng liên quan đến phông văn hóa của người đó, liên quan đến quy trình, các mối quan hệ trong công tác cán bộ của chúng ta…
Thực tế cũng chưa có trường hợp quan chức nào của ta đứng ra xin từ chức từ khi có quy định về “quyền” này trong các luật?
Để từ chức trở thành một hiện tượng thực tế thì chúng ta cần nhiều điều kiện, ví dụ như phải luật hóa được chế độ quyền hạn, trách nhiệm cho rõ ràng. Muốn như thế thì phải định vị được công việc của từng vị trí chức danh (mô tả việc làm) vì không chỉ người đứng đầu cơ quan đơn vị mà ở cương vị khác, ví dụ cấp phó cũng có thể từ chức. Phải minh định được công việc mỗi cá nhân phải làm, cụ thể hoá trách nhiệm họ phải đảm nhận… thì lúc đó mới áp dụng được. Chưa định vị được việc đó thì việc xây dựng căn cứ để quy định từ chức là rất khó.
Lý do trước nay chúng ta chưa có người từ chức thì cũng cần nghiên cứu tìm hiểu, vì nó là kết quả của quá trình nhận thức, trình độ.
Kinh nghiệm của các nước mà hoạt động từ chức rất thường thấy trong đời sống chính trị thì sao, họ có xây dựng được hệ căn cứ, quy chuẩn về trường hợp phải từ chức không, thưa ông?
Tôi chưa nghiên cứu hết được các nước nhưng đa số họ cũng không quy định việc từ chức trong luật bởi việc định vị các vị trí chức danh trong luật là rất khó mà coi đó là yếu tố văn hóa, mang ý nghĩa trách nhiệm chính trị là chính.
Nhiều ý kiến cho rằng không phải Việt Nam không có văn hóa từ chức. Thời trước, việc ông cha ta trả mũ áo, từ quan về quê rất phổ biến. Vậy sao truyền thống văn hóa này giờ không còn thể hiện trong đời sống chính trị đất nước?
Đúng là ông cha ta có truyền thống đó, việc khảng khái từ quan khá phổ biến, đã có rất nhiều tấm gương. Nhưng bối cảnh xã hội, nhà nước, sự phát triển giờ đã khác. Giờ chúng ta đang thôi thúc, đòi hỏi về văn hóa từ chức ngày càng thấm sâu, sẽ càng trở thành một nhu cầu mang tính chất đạo đức, khi đó việc từ chức sẽ được thực hiện thôi. Vấn đề là hãy cho họ thời gian vì văn hóa phải hình thành, ngấm dần trong một thời gian chứ không thể nói là làm được ngay.
Chờ đợi sự tự nguyện, “tự xử” có vẻ như rất khó trong khi đòi hỏi của dư luận về một cơ chế xử lý mạnh hơn với những chức danh không hoàn thành nhiệm vụ, để xảy ra vấn đề nghiêm trọng, gây bức xúc trong lĩnh vực quản lý của mình ngày càng lớn?
Để có được quy định mạnh hơn thì phải mạch lạc trong quy định quyền và trách nhiệm. Đã là luật pháp thì quy định đưa vào phải có căn cứ chứ không thể thích thì quy định không thích thì thôi.
Xin nhắc lại là có rất nhiều yếu tố hình thành văn hóa từ chức và không phải cứ muốn là có ngay được. Thói quen này phải hình thành từng bước, xã hội sẽ định vị từng bước để đến lúc người ta thấy từ chức là con đường tốt nhất và tự chọn. Không nóng vội trong chuyện này được.
Chúng tôi chia sẻ những đòi hỏi chính đáng của dư luận nhưng về mặt luật pháp, muốn quy định thì phải có căn cứ. Chúng ta phải tiến hành nghiên cứu, tổng kết, đánh giá đề xuất cẩn trọng để có được những quy định khả thi.
Câu chuyện từ chức hẳn sẽ còn làm nóng nghị trường trong phiên thảo luật tới đây về dự án luật. Nếu tiếp tục có những ý kiến “đốc thúc” vấn đề này, UB Pháp luật có sẵn phương án giải trình hoặc tiếp thu, đưa vào dự thảo luật?
Đúng là nhiều đại biểu đã đề cập việc phải có quy định về từ chức. Ý kiến đó rất đáng suy nghĩ nhưng muốn luật hoá được thì phải chỉ rõ được ràng buộc về trách nhiệm pháp lý thì mới có căn cứ áp dụng quy định.
UB Pháp luật tôn trọng và lắng nghe mọi ý kiến đề xuất của dư luận, nghiên cứu nghiêm túc, tiếp thu giải trình đầy đủ. Còn việc tiếp thu, giải trình thuyết phục hay chưa thì dư luận sẽ đánh giá, đại biểu, cử tri sẽ đánh giá. Cũng như các bạn, chúng tôi đều mong muốn có được những đạo luật thực sự phản ánh được nhu cầu cùa xã hội.
Xin cảm ơn ông!
P.Thảo thực hiện
Theo Dantri