“Hậu” vụ phòng khám Maria: khuyến khích người dân phát hiện sai phạm
Sau vụ tử vong tại phòng khám Maria, Sở Y tế đã tăng cường quản lý hoạt động của các phòng khám có yếu tố nước ngoài. Theo đó, các phòng khám đã kí cam kết nếu sai phạm sẽ bị đóng cửa chứ không dừng ở việc nộp tiền cho tồn tại.
Ông Nguyễn Việt Cường ( Chánh thanh Sở Y tế Hà Nội) trao đổi với phóng viên Dân trí xung quanh việc kiểm soát hoạt động của các phòng khám này trên địa bàn Hà Nội.
Thưa ông, đến nay còn bao nhiêu phòng khám có yếu tố nước ngoàiđang hoạt động trên địa bàn Hà Nội?
Phòng khám có yếu tố nước ngoài đăng kí hoạt động trên địa bàn gồm 35 cơ sở, tuy nhiên 21 cơ sở đã ngừng hoạt động, còn 14 cơ sở đang tiếp tục hoạt động: Trong đó có 3 cơ sở y học cổ truyền, 4 phòng khám đa khoa, 4 bệnh viện, 3 phòng khám chuyên khoa có yếu tố nước ngoài, bao gồm nhiều quốc tịch.
Riêng các cơ sở khám chữa bệnh có bác sĩ Trung Quốc tham gia khám, chữa bệnh thì có 3 phòng y học cổ truyền, hai phòng khám đa khoa và hai bệnh viện.
Video đang HOT
Thời gian vừa qua có thông tin rằng vẫn tồn tại những phòng khám không đăng kí bác sĩ người nước ngoài, Sở có nắm được thông tin nàykhông và có triển khai việc thanh kiểm tra?
Mới đây, khi có thông tin phản ánh bệnh nhân vẫn đặt lịch khám bác sĩ nước ngoài khi có yêu cầu tại phòng khám Thiên Hòa, chúng tôi đã ngay lập tức kiểm tra nhưng không phát hiện bác sĩ người nước ngoài làm việc tại phòng khám này.
Hay như tại phòng khám 59 Khương Trung, sau sai phạm liên quan đến sử dụng bác sĩ Trung Quốc chưa được cấp phép hành nghề sau sau một thời gian ngừng hoạt động nay đã được hoạt động trở lại nhưng chỉ có bác sĩ người Việt Nam.
Tại thời điểm kiểm tra không phát hiện bác sĩ người nước ngoài nên không có sai phạm phải xử lý. Nhưng nếu người dân cung cấp được các tài liệu liên quan đến bác sĩ người nước ngoài khám tại các phòng khám này, cơ quan chức năng có xử lý không, thưa ông?
Nếu người dân cung cấp thông tin, giấy tờ chứng minh có bác sĩ khám bệnh, chữa bệnh tại phòng khám, chắc chắn chúng tôi sẽ xử lý. Và chúng tôi khuyến khích người dân phát hiện sai phạm tại các phòng khám và báo với cơ quan chức năng. Khi có đầy đủ giấy tờ, chứng cứ chứng minh thì chắc chắn sẽ phải xử lý dù ở thời điểm kiểm tra không phát hiện có bác sĩ nước ngoài khám mà chưa được phép.
Cụ thể người dân có thể báo với ai, cơ quan nào, thưa ông?
Người dân có thể thông báo qua đường dây nóng của Sở Y tế: 04.33985765 hoặc trực tiếp với Thanh tra Sở Y tế: 04.37330186.
Việc xử phạt sai phạm tại các phòng khám sẽ được thực hiện như thế nào? Liệu có còn dừng lại ở mức phạt tiền rồi tiếp tục cho tồn tại, thưa ông?
Không riêng phòng khám có yếu tố nước ngoài mà các phòng khám tư nhân nói chung, về mặt hành chính, phát hiện sai đâu thì xử lý đúng theo quy định của pháp luật (nghị định 96/2011/NĐ – CP của Chính phủ về việc xử phạt vi phạm hành chính về khám, chữa bệnh).
Ngoài hình thức phạt chính là phạt tiền còn có hình thức phạt bổ sung là tước chứng chỉ, tước giấy phép khám chữa bệnh có thời hạn hoặc không có thời hạn, những hành vi nào bị mức phạt này quy định rất rõ, chứ không thể muốn tước là tước được mà vi phạm mức nào xử lý mức đó.
Để tăng cường quản lý, tránh tình trạng cứ sai phạm, nộp tiền rồi tiếp tục hoạt động, ngày 20/7/2012, các cơ sở khám, chữa bệnh đã ký cam kết với Sở Y tế Hà Nội. Với hình thức này, doanh nghiệp, phòng khám phải có trách nhiệm hơn với hoạt động của mình. Vì chính họ đã kí cam kết thực hiện, khi vi phạm, ngoài việc xử lý vi phạm hành chính theo quy định thì căn cứ vào chính cam kết của doanh nghiệp, phòng khám chúng tôi sẽ xem xét đến việc thu hồi giấy phép chữa bệnh.
Xin cảm ơn ông!
Theo Dantri
Nữ bệnh nhân tử vong ở phòng khám Maria do sốc thuốc
Để điều trị viêm lộ tuyến tử cung cho chị Nguyễn Thị Thu Phong, bác sĩ Trung Quốc ở phòng khám Maria đã gây mê, truyền kháng sinh, sử dụng dao laze Leep...
Ngày 28/8, Viện Pháp y Quân đội kết luận về nguyên nhân cái chết của chị Nguyễn Thị Thu Phong, 35 tuổi, ở quận Hà Đông, Hà Nội, tại Phòng khám đa khoa Maria (phố Thái Thịnh) tối 14/7 là sốc phản vệ do truyền thuốc.
Kết luận này được chuyển cho Công an quận Đống Đa. Trao đổi với báo giới, Đại tá Bùi Văn Đại, Trưởng công an quận Đống Đa cho biết căn cứ vào kết luận pháp y, cơ quan này sẽ xem xét các yếu tố sai phạm, từ đó mới có thể đưa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự hay không.
Theo tường trình của Công ty cổ phần tư vấn và đầu tư An Thịnh (chủ đầu tư phòng khám Maria), khoảng 19h30 tối 14/7, chị Phong đến phòng khám này. Kíp trực khi đó gồm 10 người, trong đó có 3 bác sĩ Trung Quốc trực tiếp điều trị là: Châu Kiện Kiều (Zhou Ji Anjao), Đặng Cẩm Chi (Deng Qin Zhi) và Trương Lệnh Công (Zhang Ling Gong).
Ảnh: Nam Phương.
Sau khi khám và soi tử cung cho chị Phong, bác sĩ Châu Kiện Kiều chẩn đoán bệnh nhân bị viêm lộ tuyến tử cung độ 3 và tư vấn điều trị bằng kỹ thuật Laze bán dẫn (dao Leep). Bệnh nhân được đưa lên tầng 6 để bác sĩ Đặng Cẩm Chi làm thủ thuật, đồng thời chỉ định truyền một chai Gluco 5% 100 ml. Sau khi làm thủ thuật, bệnh nhân có hiện tượng ngạt mũi nên được bác sĩ chỉ định tiêm 2 ống Dexamethazone 4mg/1ml.
Tiếp đó, chị Phong được chuyển xuống tầng 5 giao cho y tế theo dõi, chăm sóc truyền chai Gluco và một chai Negatidazol 0,4g/100ml. Lúc mới xuống tầng 5, bệnh nhân hơi mệt nhưng vẫn nói chuyện bình thường. Khoảng hơn 21h chị Phong gọi điện thoại về cho gia đình.
Khi truyền đến chai Levofloxaxin (một loại kháng sinh), bệnh nhân mệt, phát ban ở tay, vai và có biểu hiện phản ứng thuốc. Y tá trực tiếp liên hệ với bác sĩ tiến hành cấp cứu, dừng truyền kháng sinh và thay bằng chai Gluco 5% 100 ml. Bệnh nhân có hiện tượng khó thở nên được kíp trực bóp bóng, ép ngực, tiêm 2 ống Dexamethazone 4mg/1ml trực tiếp vào tĩnh mạch, sau đó liên hệ với Cấp cứu 115.
Sức khỏe bệnh nhân không tiến triển nên được duy trì bóp bóng và tiêm 2 ống Adrenaline. 20 phút sau, cấp cứu 115 đến nơi tiếp tục phối hợp cùng y bác sĩ phòng khám cấp cứu nhưng bệnh nhân không qua khỏi.
Sau khi sự việc xảy ra, nhóm bác sĩ Trung Quốc liên quan đến việc khám, chữa bệnh của chị Phong đã bỏ trốn về nước. Phòng khám Maria tạm thời bị đình chỉ hoạt động chờ phục vụ điều tra.
Sau vụ chết người này, hàng loạt phòng khám có yếu tố Trung Quốc khác ở Hà Nội, TP HCM và một số tỉnh cũng bị phát hiện sai phạm sử dụng bác sĩ Trung Quốc không phép, áp dụng các kỹ thuật y tế không đăng ký và "chặt chém" người bệnh.
Theo VNE
Khám bệnh trong... container Với khoảng 10.000 công nhân, Cty Dona Pacific tại KCN Sông Mây (xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) có 1 phòng khám có chức năng sơ cứu, khám bệnh, cấp thuốc cho công nhân. Công nhân chờ khám bệnh bên trong thùng container. Ban đầu, phòng khám có 16 giường bệnh, nhưng rồi lượng công nhân tăng nhiều lần, mỗi...