Hậu vệ Nguyễn Thành Long Giang: Đổi nhà lầu lấy nhà tù!
Từ cầu thủ trẻ triển vọng, chịu bao sóng gió thời cuộc đến nỗi tưởng chừng không còn chỗ trú chân, nhưng cái tên Long Giang vẫn đảm bảo cho cầu thủ gốc Tiền Giang một chỗ đứng. Và giờ, Long Giang lại đền đáp niềm tin của người hâm mộ và gia đình theo cách không thể thất vọng hơn.
Long Giang từng có cơ ngơi được xem là trong mơ với không ít người dân bình thường.
1. Ở lứa tuổi U23, có lẽ không cầu thủ nào sở hữu bảng vàng thành tích nổi trội như cầu thủ gốc Gò Công (Tiền Giang). Gây tiếng vang khi là nhân tố chủ chốt đưa Tiền Giang bất ngờ vô địch U21 QG 2006, Long Giang liên tiếp “ẵm” luôn danh hiệu Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất 2 năm 2006 và 2007. Tiếp đà thành công, Long Giang là một trong những nhân tố giúp U22 Việt Nam vô địch Merdeka Cup 2008 tại Malaysia.
Ở cấp độ U hay ĐTQG, Long Giang cũng là một cái tên được thừa nhận. Long Giang là một trong số ít cầu thủ của U23 Việt Nam có mặt ở 3 kỳ SEA Games liên tiếp 24, 25 và 26. Chưa dừng lại ở đó, khi HLV Mai Đức Chung và HLV Falko Goetz dẫn dắt ĐT U23 QG, Long Giang luôn có suất đá chính.
Trưởng thành khi chưa tròn tuổi đôi mươi, tiền tài ập đến với Long Giang như một điều tất yếu. Ra Hà Nội.T&T thi đấu khi CLB này vừa lên chuyên nghiệp, rồi được N.Sài Gòn trải thảm đỏ về chơi bóng trong 3 năm, Long Giang đã có không dưới 5 tỷ đồng tiền lương, thưởng, lót tay.
Nổi tiếng là chàng trai chân chất, nhưng có lẽ sự phồn hoa nơi đô hội và thành công đến quá sớm với một cậu trai trẻ đã khiến Long Giang không còn là chính mình, ít nhất về chuyên môn. Khi đến N.Sài Gòn, Long Giang từ trung vệ không thể thay thế phải dạt ra biên để chơi hậu vệ cánh.
Rồi việc N.Sài Gòn giải thể cũng là một bước lùi nữa trong sự nghiệp cầu thủ năm nay vừa tròn 26 xuân xanh. XMXT.Sài Gòn thu nạp Long Giang nhưng hiếm khi nào anh được tin dùng ở vị trí trung vệ. Còn ở vị trí hậu vệ biên, Long Giang chỉ dừng ở mức tròn vai đã là một cố gắng lớn. Vì thế, không có gì là khó hiểu khi nhiều năm trở lại đây, cái tên Long Giang mất hút mỗi khi ĐTQG tập trung.
2. Long Giang cũng phải rất vất vả để tìm cho mình một bến đỗ khi mùa bóng 2014 sắp khởi tranh. Đến Đồng Nai, HLV Trần Bình Sự cũng phải thử nghiệm trầy trật rồi mới quyết định sử dụng cầu thủ này.
Dù vẫn đảm bảo tần suất ra sân thường xuyên trong màu áo đội bóng mới, nhưng khi phải đá trái sở trường là hậu vệ biên, Long Giang chưa khi nào được là chính mình. Và trong lần duy nhất được ông Sự tin dùng ở vị trí trung vệ để đứng trước thủ thành Hoàng Tuấn khi Đồng Nai khủng hoảng hàng thủ, Long Giang đã diễn trò lố và bây giờ phải kết cục không thể cay đắng hơn.
Video đang HOT
Trở lại với câu chuyện kim tiền, trước khi xộ khám, Long Giang có thể tự hào vì sản nghiệp mình tạo ra nhiều người nằm mơ cũng không dám có được. Tại Tiền Giang, căn nhà hoành tráng mà Long Giang xây dựng cho gia đình có lẽ không người dân Gò Công nào không biết.
Long Giang là thần tượng của không ít người dân Tiền Giang. Chiếc xe hơi và ngôi nhà tiền tỷ mà Long Giang tự sắm sửa được đủ nói lên kinh tế ổn định của cầu thủ này. Về Đồng Nai, mức lương thưởng không dưới 30 triệu đồng/tháng kèm số tiền lót tay 300 triệu/mùa cũng là thu nhập ngất ngưởng khi mà nhiều đồng đội của Long Giang đang thất nghiệp.
Nhưng như một cái dớp, cùng với những đồng đội đã dính nghi án tiêu cực trong lứa “thế hệ vàng” của bóng đá Tiền Giang như Quốc Anh, Phúc Hiệp, Long Giang đã tự tay kết liễu sự nghiệp của mình.
Càng đau đớn hơn cho gia đình của Giang khi anh phải bỏ dở luôn hạnh phúc cuộc đời. Sau nhiều năm hò hẹn, Long Giang đã tính chuyện gia đình vào cuối năm nay với cô người yêu, cũng là CĐV nhiệt tình của anh thời còn khoác áo U23 Việt Nam. Nhưng rồi, tất thảy đã đổ bể với Long Giang chỉ sau quyết định sai lầm của chính mình.
Theo VNE
Vì sao cầu thủ bán độ?
Câu hỏi này nhiều người đã đặt ra cách đây 9 năm khi lứa cầu thủ Văn Quyến, Quốc Vượng... "bán" một trận đấu ở SEA Games với giá 120 triệu đồng. Đó là cái giá quá bèo, khi mà trước đó rất lâu, Văn Quyến còn được thưởng cả chiếc xe Toyota Vios. Bây giờ, khi mà lương cầu thủ đã ở mức vài chục triệu đồng, mỗi năm thu nhập cả tỉ bạc, mà các cầu thủ vẫn bán. Vì sao?
Long Giang và Hữu Phát trong màu áo CLB Đồng Nai.
Bất chấp để... bán
Một trang web chuyên về thể thao đưa ra câu hỏi: "Theo bạn, cầu thủ bán độ là do đâu?". Kết quả là 57% chọn phương án "Bản thân cầu thủ bất chấp vì ham tiền", 35,5% chọn "Do kiểu làm chộp giật của bóng đá Việt Nam". Rất ít người tin rằng những cầu thủ bán độ là do lương cầu thủ thấp, cá độ mới đủ sống, hay hoàn cảnh gia đình gặp khó khăn.
Ngay sau khi vụ các cầu thủ Đồng Nai hé lộ thì nhiều trang mạng đã nhanh chóng "cập nhật" gia cảnh một số cầu thủ bị cơ quan công an "sờ gáy". Điển hình như Nguyễn Thành Long Giang - cầu thủ trưởng thành từ giải U.21,
Vì sao cầu thủ bán độ?
từng 3 lần khoác áo U.23 dự SEA Games - là con một trong gia đình làm kinh doanh, nên cơ ngơi mà bố mẹ để lại cho Giang khá hoành tráng. Chưa kể, cầu thủ gốc Tiền Giang này từng có một hợp đồng chuyển nhượng lên tới 5 tỉ đồng với Navibank Sài Gòn.
Hay như Hữu Phát - cầu thủ được cho là chủ mưu trong vụ bán độ - thì chuẩn bị mở một quán karaoke 9 tầng trên lô đất 200 m2 ở Đồng Nai.
Những trường hợp này khiến người ta nhớ lại những "ông trùm" trong vụ 9 cầu thủ V.Ninh Bình bán độ cách đây chưa đầy 3 tháng, đều là những "đại gia": Trần Mạnh Dũng - người vừa kỷ niệm 1 năm ghi bàn vào lưới Arsenal, trong trại tạm giam - từng có hợp đồng cực khủng gần chục tỉ đồng. Còn Nguyễn Mạnh Dũng - vừa là cầu thủ vừa là chủ doanh nghiệp, tài sản đáng giá triệu USD, vẫn... bán.
Điểm lai 2 vụ bán độ nổi cộm, nhiều người giật mình bởi bóng đá VN gần như mất nguyên một thế hệ cầu thủ sinh từ 1988 tới 1992 với những người từng khoác áo tuyển, U.23 và các tuyển trẻ. Đó là Trần Mạnh Dũng, Lê Quang Hùng, Chu Ngọc Anh, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Gia Từ của V.Ninh Bình. Đó là Long Giang, Đức Thiện, Thế Sơn, Đình Hiệp, Kiên Trung, Niệm Tiến của Đồng Nai.
Lẽ ra, đó là những cầu thủ giờ đang ở độ chín của sự nghiệp, nhưng thay vì khoác áo đội tuyển QG, họ chọn con đường bán độ để khoác đồng phục của... trại giam.
Bầu Đức đã đúng khi cách ly U.19 khỏi môi trường V.League
Trao đổi với Lao Động, Chủ tịch CLB SLNA, ông Nguyễn Hồng Thanh nói: "Đừng tưởng chỉ có những người ít hiểu biết mới tham gia cá độ. Sinh viên, trí thức bây giờ cũng lao vào cờ bạc, cá độ bóng đá rất nhiều. Tôi cho rằng, một bộ phận cầu thủ cũng có máu đỏ đen, thích cá độ. Để giải quyết, phải là những giải pháp toàn diện: Xã hội lành mạnh, cầu thủ phải được sống trong môi trường, gia đình lành mạnh và quan trọng là, trong quá trình đào tạo trẻ phải xác định cho họ là việc tham gia cá độ là tuyệt đối cấm, nếu cố tình tham gia sẽ phải trả giá cực đắt. Với SLNA, ngoài việc trang bị kiến thức, dạy dỗ đạo đức cho cầu thủ, thì những nhà quản lý như chúng tôi cũng phải có thái độ rõ ràng: Cần lập tức loại cầu thủ có biểu hiện tham gia cá độ, bất kể cầu thủ đó có giỏi đến mức nào".
Bóng đá là môi trường đầy cám dỗ và dường như trong quá trình đào tạo cầu thủ, các CLB mới chỉ hướng dẫn các cầu thủ nhận đúng chứ chưa dạy họ cách "từ chối đúng".
Chỉ bầu Đức của HAGL mới mang lại những bài học "nhận đúng". Đó là khi U.19 VN (nòng cốt là HAGL-Arsenal JMG) thi đấu thành công tại giải Đông Nam Á 2013, VFF quyết định thưởng một khoản tiền lớn cho đội. Tuy nhiên, bầu Đức đã cấm các cầu thủ nhận tiền. Bầu Đức nói: "Tôi hiểu rất rõ gia đình của nhiều cầu thủ nhí ở quê nghèo lắm, mình có nhiều cách giúp đỡ cho gia đình bọn nhỏ, đâu nhất thiết phải thưởng nóng, thưởng nguội. Tôi cấm cầu thủ tuyệt đối đụng đến tiền, không đá banh vì tiền, mà phải vì màu cờ sắc áo, vì trách nhiệm".
Bầu Đức đã bảo vệ được các cầu thủ của mình, ít nhất dạy họ cách từ chối đồng tiền để sau này miễn nhiễm với những cám dỗ ở V.League. Đó cũng là lý do bầu Đức kiêm quyết cách ly U.19 ra khỏi V.League và đưa đội này đi tập huấn ở nước ngoài.
Hai vụ cá độ, hơn 10 cầu thủ trẻ từng khoác áo các đội tuyển đối mặt với nguy cơ bị cấm thi đấu vĩnh viễn, trong đó hầu hết là những cầu thủ được cho là ngoan, hiền.
Trong chuyện này, đâu phải những nhà quản lý, những ông bầu ở các CLB vô can?
Bắt khẩn cấp 6 cầu thủ Đồng Nai
Chiều 22.7, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến - Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Bộ Công an) - cho biết: Cơ quan CA đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp 6 cầu thủ Đồng Nai do liên quan đến bán độ, dàn xếp tỉ số.
6 cầu thủ Đồng Nai bị tạm giữ hình sự lần này gồm: Nguyễn Đức Thiện, Phạm Hữu Phát, Nguyễn Thành Long Giang, Đinh Kiên Trung, Phan Lưu Thế Sơn và Hà Niệm Tiến. Cơ quan cảnh sát điều tra đang khẩn trương làm rõ các hành vi của những cầu thủ này cũng như 4 đối tượng tham gia tổ chức môi giới, cá độ bóng đá để sớm truy tố những đối tượng này ra trước pháp luật.
Hiện cơ quan công an cũng đã bước đầu làm rõ phương thức bán độ của 6 cầu thủ Đồng Nai với 4 đối tượng tổ chức, môi giới đánh bạc. Trước mỗi trận đấu, cầu thủ Phạm Hữu Phát (đội trưởng CLB Đồng Nai - là người cầm đầu nhóm cầu thủ bán độ, dàn xếp tỉ số) nhận "nhiệm vụ" từ nhóm của Thuận - đối tượng thường tổ chức cá độ bóng đá - cho nhiều cầu thủ trong CLB bóng đá Đồng Nai tham gia. Theo đó, nhóm cầu thủ này sẽ tổ chức dàn xếp tỉ số trận có đội Đồng Nai thi đấu, có trận các đối tượng bán độ với giá 800 triệu đồng
Theo VNE
Vụ bán độ khiến Long Giang vỡ kế hoạch đám cưới Vướng vào scandal bán độ và làm độ ở V-League, hậu vệ Đồng Nai bị tạm giữ ba tháng và không còn tâm trí cho ngày vui đã định. Theo dự kiến, đầu tháng 12 tới, Long Giang sẽ tiến hành tổ chức đám cưới với bạn gái Hoài Phương. Kế hoạch lớn của đôi bạn trẻ nhiều khả năng phải thay đổi...