Hậu vận thê thảm của “ông hoàng phong lưu” xứ Tiền Giang
Ăn chơi nhất xứ Nam Kỳ những năm 1920 -1930 phải kể đến hai nhân vật nổi đình nổi đám là Hắc Công Tử và Bạch Công Tử.
Nhưng trong khi Hắc Công Tử vẫn duy trì được cuộc sống phong lưu xa hoa cho tới lúc chết, chỉ đến đời hậu thế mới phải chịu cảnh khánh kiệt, thì Bạch Công Tử đã phải nếm trải cảnh “lên voi, xuống chó” từ khi còn khá trẻ. Những ngày cuối đời bên bàn đèn thuốc phiện cộng với hệ lụy từ đam mê tửu sắc đã khiến “ông hoàng phong lưu” một thuở rơi vào cảnh bi thảm, đến chết không mảnh đất chôn thây.
Ông hoàng giữa Paris tráng lệ
Thời ấy, cha của Bạch Công Tử là ông Đốc phủ Lê Công Sủng, người làng Điểu Hòa, tỉnh Mỹ Tho (nay thuộc phường 3, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) nổi tiếng giàu có tột bậc và có thế lực trong vùng. Năm 1909, ông Đốc phủ Sủng được cử đi dự hội chợ bên Pháp. Trong chuyến đi ấy, ông Sủng đã gửi gắm cậu con trai quý tử Lê Công Phước đi du học sang Pháp với mong muốn sau này trở về sẽ làm rạng danh dòng tộc. Nhưng ông đâu ngờ, khi sang bên kia trời Tây, cậu Tư Phước như “chim sổ lồng” chỉ lo thỏa chí ăn chơi, mải mê “chinh chiến và yêu đương”. Vì thế, gần 40 năm sau ngày Đốc phủ Sủng qua đời, gia sản kếch xù ông để lại cho cậu thừa kế cũng lần lượt đội nón ra đi.
Trong dòng hồi ức qua những câu chuyện được cha là ông Nguyễn Hoàng Phi (từng là tài xế cho cậu Phước -PV) kể lại, ông Sáu Hiệp còn nhớ: “Sau khi ông Đốc phủ Sủng mới mất, để thỏa chí ăn chơi, trong túi tiền bạc lúc nào cũng rủng rỉnh, cậu Tư đã cùng với gánh hát Phước Cương qua Pháp biễu diễn. Cậu đem theo một đầu bếp riêng để qua bên đó nấu ăn cho cậu nhưng chỉ duy nhất bữa trưa. Bởi các bữa ăn còn lại đều được diễn ra ở những nơi sang trọng nhất Paris”.
Ông Sáu Hiệp – con của ông Nguyễn Hoàng Phi (từng là tài xế cho cậu Phước). Ảnh TG
Tại Paris hoa lệ, cậu Tư nhanh chóng kết thân với giới quý tộc ở Pháp và nhờ đó, phong cách ăn chơi của cậu cũng rất “châu Âu”. Trong suốt hai năm từ 1931 – 1932, cậu Tư được giới ăn chơi quý tộc ở Pháp tôn sùng là “ông hoàng” và gọi bằng cái tên rất “Tây”: George Phước.
Tỏ ra là một “tay chơi” thời thượng và đẳng cấp, George Phước thuê hẳn một phòng đặc biệt tại khách sạn ở trung tâm Paris để ở dài hạn. Mỗi ngày, cậu Tư mặc một bộ quần áo khác nhau được may từ loại vải đắt tiền nhất ở Pháp lúc bấy giờ để không phải “đụng hàng”, phong cách rất đậm chất quý tộc với chiếc nón Flécher, tay cầm ba – ton bằng gỗ mun bịt vàng, điếu xì – gà và khoác lên mình chiếc áo choàng bằng da thú vào mùa đông. Tối đến, cậu lại cùng những người bạn Việt tại Pháp và giới quý tộc đến nhà hàng Table des Mandarins danh tiếng ăn nhậu, rồi cùng nhau lả lướt trên từng bước nhảy đầm… George Phước là vị khách quen tại các hộp đêm khu Montmartre, Saint Germain des Pres, Champs Élysée…
Hai năm trên đất Pháp, những thắng cảnh nổi tiếng không một nơi nào thiếu vắng dấu chân của “ông hoàng”. Đó là dãy núi Alpes tuyết phủ trắng xóa hay những bãi biển tuyệt đẹp bên bờ Địa Trung Hải thuộc nước Pháp như Canne, Nice…Tại đây, cậu Tư được đắm mình trong bầu không khí trong lành, thỏa chí tắm biển, câu cá giải trí. Thậm chí, George Phước đã cùng với cô gái xinh đẹp người Nga Pricesse Olga vượt qua dãy núi Pyrenees để đến xứ sở Tây Ban Nha xem đấu bò tót.
Thời gian ăn chơi trên đất Pháp, những mảnh đất cả đời ông Phủ Sủng cất công gây dựng cũng theo gót chân Bạch Công Tử không cánh mà bay tứ tán. Cuối năm 1932, sau những tháng ngày ăn chơi bạt mạng dường như đã thỏa chí, cậu Tư quyết định rời khỏi xứ Paris tráng lệ để quay về cố hương.
Video đang HOT
Kiểu bán đất có một không hai
Cho đến tận bây giờ không ai nhớ rõ có bao nhiêu mỹ nhân từng được Bạch Công Tử “sủng ái”, nhưng cái tên luôn được người đời nhắc đến song hành cùng với ông chính là cô đào Phùng Há. Bà cũng là người phụ nữ duy nhất có thể trói đôi chân của “ông hoàng phong lưu” Lê Công Phước suốt quãng thời gian chưa thể gọi là dài nhưng lại đủ sức nặng khiến ông suy sụp sau khi mối tình này tan vỡ.
Sau hai năm ngao du trên đất Pháp trở về, Lê Công Phước đã phải lòng cô đào Phùng Há. Để có thể chiếm trọn trái tim của người đẹp, Bạch Công Tử đã bỏ tiền thành lập gánh hát Huỳnh Kỳ mà Phùng Há làm đào chính, đi lưu diễn khắp miền lục tỉnh. Thời ấy, phương tiện đi lại giữa miền đất khắp bốn bề sông nước chủ yếu là bằng xuồng ghe. Nhưng khác với đám dân đen đi lại bằng ghe bầu, những đại điền chủ giàu có miền Tây sẵn sàng sắm lấy chiếc ca nô để ngao du miệt sông. Chỉ riêng cậu Tư Phước từng được đi du học ở bên Pháp nên ít nhiều có sự tiếp thu Tây hóa. Ông đã cho người đóng chiếc ghe bầu loại lớn giống như chiếc du thuyền, di chuyển bằng động cơ nhập từ Pháp về, cao hai tầng, có phòng ngủ riêng của từng người, gian ăn uống, khu câu cá giải trí, nhà vệ sinh. Ở trên “du thuyền” còn được lắp đèn điện sáng cả một vùng mỗi lần chiếc ghe đi qua.
Vốn là người phóng khoáng, nên trong chuyện tiền bạc Bạch công tử lại chưa bao giờ có sự “cân đong đo đếm” thiệt hơn. Trong việc kinh doanh gánh hát cũng không ngoại lệ, khi cậu phó thác chuyện lời lỗ mỗi đêm diễn cho người quản lý. Chỉ cần kẻ hầu thưa chuyện, vé diễn bán ế ẩm không đủ tiền trả cho gánh hát, cậu liền về nhà bán đất, lấy tiền bù lỗ. Đến đây phải kể tới cách bán đất có lẽ “trần đời có một” của cậu Tư. Bán đất nhưng tuyệt nhiên cậu không bao giờ đo diện tích mà cậu bán theo “mớ” ước chừng như bán mớ rau, mớ cá. Người mua chỉ cần đem tiền đến nhưng cảm thấy chưa vừa lòng thì cậu sẽ cho thêm một “mớ” nữa. Chính vì vậy, người mua thường lời bốn đến năm lần sau mỗi lần giao dịch “bất động sản” với Bạch Công Tử.
Chết không có đất chôn
Cuộc chơi nào rồi cũng đến lúc phải kết thúc. Chỉ vì quá tin tưởng người quản lý của gánh Huỳnh Kỳ mà đến chuyện lời lãi thế nào, Bạch Công Tử cũng không hề hay biết. Đến nỗi sau này, cậu Tư không còn đất bán để lấy tiền bù lỗ như trước đây. Dần dần, vì không có tiền trả cho gánh hát, mọi người lần lượt ra đi, duy chỉ có cô đào Phùng Há là ở lại với cậu Tư. Những ngày sau, cậu Tư trở nên buồn bã, hay âu sầu. Thế nhưng, khi thói ăn chơi sa đọa đã ngấm vào huyết quản dù thời thế có xoay chuyển thì Bạch Công Tử vẫn mải mê bên những người đẹp, để mặc Phùng Há lúc này đã có con chung với cậu một mình chơ vơ trên chiếc ghe mỗi đêm.
Của nả trong nhà đã hết “sạch sành sanh”, nhưng nhờ những người bạn được cậu đối đãi tốt trước đây giúp đỡ, cậu Tư vẫn có thể vùi mình thâu đêm trong những trò ăn chơi trác táng. Vì không chịu đựng được thói ăn chơi vô độ của Bạch Công Tử, Phùng Há đã quyết dứt tình ra đi. Những ngày tháng cuối đời nằm trong một căn nhà trọ tuyềnh toàng, cậu Tư mới nghĩ đến quãng đời trai trẻ của mình đã trôi qua lẫn trong những ký ức hào nhoáng một thời ăn chơi là mối tình kéo dài 7 năm với cô đào Phùng Há “sắc nước hương trời”. Đến lúc cậu Tư ngoảnh lại nhìn thì đã chẳng còn ai ở bên, cộng với hậu quả của những tháng ngày làm bạn với nàng tiên nâu, nên cậu ngày đêm phải chịu sự phát tác hành xác đau khổ.
Nhờ ông Nguyễn Hoàng Phi – người em nuôi và cũng là tài xế chở cậu Tư đi khắp miền lục tỉnh ngày ấy – thương tình đã lên tận Sài Gòn tìm đến căn nhà trọ nơi Bạch Công Tử nằm dài chờ chết đem về nhà chăm sóc cho đến hết đời. Năm 1950, cậu Tư qua đời tại Chợ Gạo (Tiền Giang). Lúc sinh thời, cậu nổi đình nổi đám, lúc nằm xuống thì lặng lặng u sầu. “Đám tang của cậu Tư ngày ấy chỉ có gia đình tôi và một vài người bạn thân cận lúc còn sống của Bạch Công Tử, chẳng hề có sự xuất hiện của người tình hay giai nhân nào. Hồi đó, cha tôi có ý định đem xác về bên ngoại cậu Tư để chôn cất, nhưng người ta bảo không chấp nhận đứa cháu phá gia chi tử nên không còn cách nào khác, cha về đem cậu Tư chôn ở trên phần đất nhà tôi”, ông Sáu Hiệp bùi ngùi nhớ lại.
Bây giờ về ấp Thạnh Khiết, xã An Thạnh Thủy, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang hỏi thăm mộ phần của Bạch Công Tử ai nấy đều biết. Mộ của cậu Tư nằm lọt thỏm, khiêm tốn giữa những rặng dừa bạt ngàn, xung quanh lác đác vài tán lá khô càng gợi lên nỗi hiu quạnh, cô độc hành nơi người đối diện. Nhìn nấm mộ ghi “Bạch Công Tử – George – Lê Công Phước”, ít ai ngờ rằng đây là nơi an nghỉ của một con người từng vang danh ông hoàng ở Paris tráng lệ, nổi đình nổi đám ở vùng đất trù phú bên bờ sông Tiền ngày ấy.
Bạch Công Tử ăn chơi nổi tiếng Bàn về cách ăn chơi phóng túng, tiêu tiền như nước của cậu Tư, học giả nổi tiếng sống cùng thời Vương Hồng Sển đã từng nhắc đến trong Sài Gòn tạp pín lù: “Nói chí đáng, cậu (Bạch Công Tử) bụng dạ rất rộng rãi và đối xử với bọn nghèo đã không khinh mà còn giúp đỡ nhiều bề. Thiếu nón đội, cậu cho, thiếu tiền xài, cậu giúp, và khi gánh hát diễn tuồng trên sân khấu (thiếu đạo cụ) cậu cho mượn bộ ghế salon của cha để lại và diễn xong cậu không đòi lại và chẳng bao nhiêu năm ruộng vườn nhà cửa đều theo ngón hào hiệp của cậu mà bay tứ tán…”.
Theo Khôi Nguyên – Linh Nguyễn (Gia đình & Xã hội)
Đổi vận sau lần trúng số mà không được lĩnh vì vé rách
Sống gần hết cuộc đời trong nghèo khó, ông Hiếu vẫn nuôi hi vọng một ngày nào đó sẽ đổi đời. Bởi vậy mỗi ngày, ông đều trích ra khoản tiền nhỏ mua một tờ vé số. Kiên trì mãi, cuối cùng vận may cũng đến, trong lần dốc túi mua giúp bà lão bán vé số ế, ông đã trúng giải trị giá 100 triệu đồng.
Chắc mẩm trong tay có số tiền lớn, ông Hiếu mừng đến quýnh quáng chân tay. Thế nhưng, vì vô tình làm rách một phần tờ vé, lão nông nghèo không được lĩnh giải. Chạm tay hụt "lộc trời", ai cũng tiếc cho ông, nhưng kỳ lạ thay, từ đó ông lão nghèo đổi vận.
Làm rách chiếc vé cả đời mong ngóng
Ngay từ khi còn là một cậu bé, ông Nguyễn Văn Hiếu (SN 1961, ấp Bình Hưng Hạ, xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang) đã phải oằn mình bốc vác trên bến phà Bình Minh. Lớn lên, ông Hiếu lập gia đình, hoàn cảnh nhà vợ cũng chẳng khá hơn. Vợ chồng nên nghĩa với đôi bàn tay trắng, vì thế dù quanh năm làm lụng, vợ chồng ông vẫn không thoát khỏi "vòng kim cô" đói nghèo.
Trăn trở cùng giấc mộng đổi đời, ông Hiếu bàn với vợ vay lãi, lấy tiền mua một chiếc ghe cũ, tính về sẽ đi chở hàng thuê. Thế nhưng, ngày sắm được ghe thì chuyện tìm mối hàng trở nên nan giải. Hơn hai tháng trôi đi, ông Hiếu vẫn không kiếm được cho mình một chuyến hàng nào. Ghe nằm một chỗ, tiền vay lãi dồn dập đến hạn trả như thúc hông, cuộc sống vốn túng quẫn càng thêm khốn đốn. Mỗi đêm thức dậy nhìn chiếc ghe neo bến, vợ chồng ông Hiếu như "ngồi trên đống lửa".
Tấm vé số bị rách của ông Nguyễn Văn Hiếu
"Đã nghèo lại gặp eo", giữa lúc nợ nần bủa vây, ông Hiếu bỗng dưng phát bệnh thoát vị đốt sống lưng, người đàn ông trụ cột nay trở thành gánh nặng khiến gia đình thực sự rơi vào bế tắc. Sau nhiều đêm suy tính, người vợ bàn với ông Hiếu hóa giá chiếc ghe, bán rẻ để lấy tiền trang trải nợ nần. Trở về cảnh nghèo túng bần hàn, nhìn vợ con cơ cực không đành, ông Hiếu lại mang thân bạo bệnh ra bến phà cắn răng xim làm nghề khuân vác. Kiếm được bao nhiêu tiền, ông Hiếu đều dồn hết vào trả nợ, còn dư chút ít để chật vật chi tiêu sinh hoạt gia đình hàng ngày. Cuộc sống luẩn quẩn quanh cái nghèo, ông Hiếu luôn nung nấu hi vọng một ngày nào đó sẽ khá hơn, vì thế mỗi ngày làm việc xong ông đều trích ra một ít tiền mua một vài tờ vé số dắt túi, và cuối cùng vận may cũng đã đến.
Ngày 1/3/2010, ông Hiếu về quê dự đám cưới đứa cháu ở huyện Gò Công, dọc đường gặp một bà lão bán vé số ế mời thảm thiết, thương tình, ông lão đã ghé lại mua giúp một tờ (Công ty SXKT tỉnh Kiên Giang). Mua xong, ông liền bỏ đại vào trong túi áo mà không quan tâm tờ vé trúng giải hay trượt. Ngày hôm sau, khi đang ngồi ở bến phà chờ hàng về để bốc, ông Hiếu chợt nhớ tờ vé trong túi đã mua ngày hôm qua, ông liền lấy ra dò xem thì phát hiện nó đã bị nhàu rách một góc vì thấm mồ hôi. Thấy vậy, ông Hiếu định ném bỏ, nhưng lại nghĩ đây có thể là cơ may đổi đời, ông lấy điện thoại ra nhắn tin dò. Kết quả báo về dãy số 588510 trùng với số của giải đặc biệt, trị giá 100 triệu đồng.
Mừng quá, ông Hiếu quên luôn công việc đang làm, chạy về nhà khoe tờ vé số với vợ. Ngỡ chồng đùa, bà Hai (vợ ông) mắng: "Ông chắc lúc sáng không ăn gì nên hoa mắt, nếu vé số trúng giải thì tôi cho ông xài hết". Ông Hiếu liền móc túi áo, lấy ra tờ vé và đưa kết quả dò cho vợ xem. Bà Hai vớ lấy đem so rồi tay run lẩy bẩy, miệng lắp bắp: "Trúng thiệt ông ơi, gia đình mình thoát nghèo rồi". Thế nhưng, chưa hết mừng thì bà Hai chợt nhìn đến góc tờ vé bị rách.
Theo quy định của công ty phát hành vé, người trúng thưởng sẽ không được nhận thưởng nếu vé bị rách, hỏng. Thế nên, hai vợ chồng lão nông nghèo vừa mừng vừa lo, mừng vì chắc chắn trúng thưởng, lo vì cơ hội nhận được tiền cũng rất mong manh. Chiều rồi đêm hôm ấy, cả hai vợ chồng phập phồng đi ra đi vào, hết bàn chuyện sẽ dùng tiền vào việc gì nếu được thưởng lại sang đến chuyện "nếu chẳng may không được lĩnh giải". Nhưng nghĩ mãi chẳng ra được giải pháp. Hai vợ chồng đành chong đèn, thức luôn chờ trời sáng.
Tinh mơ hôm sau, ông Hiếu tức tốc cùng một người thân mang tờ vé số đến Công ty XSKT tỉnh Kiên Giang lĩnh thưởng. Khi nhân viên phía công ty xổ số đối chiếu, xác nhận tờ vé trúng giải là thật, ông Hiếu mừng rơn. Nhưng khi nhân viên báo tin rằng, chủ nhân tờ vé không được lĩnh giải vì vé đã bị rách, lão nông nghèo hụt hẫng. Ông Hiếu đứng trân người, bao dự tính của vợ chồng, cơ hội thoát nghèo trong phút chốc tan thành mây khói, dù sau đó ông hết lời van nài, phía công ty xổ số vẫn lắc đầu từ chối giải quyết.
Nhớ lại chuyện bị từ chối trả thưởng, ông Hiếu không giấu được sự tiếc nuối: "Tôi là nông dân mua vé số để cầu may và ủng hộ Nhà nước. Cả đời mới trúng một lần lại không được lĩnh vì vé bị rách. Xét về lý thì họ đúng nhưng ở góc độ nào đó thì rõ ràng có thể châm chước giải quyết được, vì thực tế phần rách không liên quan đến dãy số, dấu mốc gì". Đến nay dù đã hơn 3 năm trôi qua, tờ vé số đáng giá bằng "gia tài khổng lồ" ấy vẫn được lão nông giữ kỹ trong tủ khóa. Ông chưa bao giờ thôi hi vọng, biết đâu một ngày nào đó phía công ty xổ số sẽ nghĩ đến chữ tình cho ông lĩnh thưởng.
Kỳ lạ đổi vận sau khi chạm hụt "lộc trời"
Tự tay làm tuột mất "lộc trời", vợ chồng lão nông nghèo tiếc đứt gan đứt ruột. Thế nhưng thay vì suy sụp, ông lại xem đó là cách ông trời thử thách bản lĩnh, để ông quyết tâm vượt qua cảnh khốn khó. Và như một sắp đặt, ngay chính trong ngày không lĩnh được thưởng, ông Hiếu được một người bạn ở Cần Thơ rủ cùng buôn bán dừa trái với cơ hội kiếm tiền rất lớn. Sau khi tính toán, thấy như vớ được phao cứu cả gia đình đang chới với trong cái nghèo, ông Hiếu vui vẻ đồng ý và bắt tay vào cuộc.
Quả thật, trời không phụ người, từ ngày cùng bạn làm ăn, cuộc sống gia đình ông Hiếu đã có những bước thay đổi không ngờ. Hết chuyến hàng nọ nối tiếp chuyến kia, tiền lời gối đầu liên tục. Chỉ sau hơn 3 năm, ông Hiếu đem về cho gia đình một số vốn đáng kể bằng chính mồ hôi công sức mình. Ông xây lại nhà khang trang, mua ghe mới, sắm xe, đồ dùng sinh hoạt tiện nghi, cho các con đi học đầy đủ. Từ chỗ hụt bữa từng ngày, vợ chồng ông đã có phần dư bỏ vào tiết kiệm.
Ngôi nhà khang trang của ông Hiếu.
Nay cuộc sống đã ổn định, ông Hiếu đã không còn phải nai lưng khuân thuê vác mướn như ngày xưa nữa. Hàng ngày, ông cùng các con trai xuôi ngược buôn bán trái cây trên chính chiếc ghe lớn của gia đình. Qua bao gian nan vất vả của đời người, nay mới được nếm trái ngọt từ sức cần lao, ông Hiếu cười khà hãnh diện: "Tôi cho rằng tờ vé số ấy rách mà lại hay, trời thử thách tôi ấy chứ. Giả dụ như ngày đó được lĩnh tiền, không biết chừng ỷ lại, ăn tiêu rồi nghèo lại hoàn nghèo không biết chừng".
Cần xem lại chất lượng in vé Ông Nguyễn Văn Hiếu bức xúc: "Tôi không nhận được tiền thưởng đã đành. Thế nhưng phía Công ty SXKT Kiên Giang cũng nên xem lại chất lượng tờ vé mà họ phát hành. Bởi thực tế, vé của họ in bằng giấy thường nên chỉ cần dính nước thì khả năng bị nhòe và rách rất cao. Tôi đã khiếu nại nhiều cơ quan chức năng để nhờ can thiệp nhưng vẫn không có kết quả. Như thế, nếu một người trúng giải mà vô tình rơi vào trường hợp như tôi thì rất đáng tiếc".
Đi lên từ nghèo khó, vợ chồng ông Hiếu thường dạy các con "đói cho sạch, rách cho thơm". Trong gia đình, con cái luôn phải kính cẩn với cha mẹ, anh em đùm bọc, giúp đỡ nhau. Thấm nhuần lời dạy dỗ, mười người con của vợ chồng ông Hiếu ai cũng đã có gia đình riêng và công việc ổn định. Nhớ lại những ngày cơ cực trước kia, anh Mười (27 tuổi), người con trai đang sống cùng vợ chồng ông Hiếu cho hay: "Tới giờ mình vẫn nghĩ mọi chuyện chỉ là một giấc mơ. Nhìn những gì gia đình chúng tôi đang có ngày hôm nay, người ta không thể tưởng tượng được trước đó cha mẹ, anh em tôi phải khổ thế nào".
Ông Tư Trực - Trưởng ấp Bình Hưng Hạ (xã Bình Ninh) cho biết: "Ngày trước gia đình ông Hiếu là một trong những hộ khó khăn nhất trong ấp, không những thế lại có tới 10 người con, nên cái nghèo cũng được xếp vào hàng đầu của xã. Tới năm 2010, khi biết tin ông Hiếu trúng số ai cũng mừng cho họ, nên khi biết ông không được lãnh thưởng, đã không ít người tiếc thay. Cũng may sau lần đó, gia đình ông ấy cố gắng làm ăn phất lên liên tục, tới nay thì đã vươn lên là hộ khá giả khiến nhiều người phải thán phục lấy làm gương phấn đấu".
Theo Minh Tuấn
Vì sao cụ già 90 tuổi chết khi nhổ răng? Mấy ngày gần đây, dư luận xôn xao vì câu chuyện cụ già 90 tuổi đến phòng khám nha khoa của một bác sĩ nổi tiếng tại TP.Mỹ Tho nhổ răng, rồi bất ngờ đột tử. Phòng khám nha khoa Phong Vũ, nơi xảy ra sự việc Trưa 27/11/2013, cụ Trần Văn Sáng (SN 1923, ngụ khu 1, thị trấn Chợ Gạo, huyện...