Hậu trường ‘dẫn đường’ chuyên cơ của Tổng thống Mỹ
Không bay thẳng từ Đà Nẵng đến Hà Nội, chuyên cơ Air Force One đã bay ngược vào Buôn Ma Thuột rồi mới quay ra.
Trong Tuần lễ cấp cao APEC 2017 (ngày 6-11/11), có 24 chuyên cơ (21 chiếc chở lãnh đạo các nền kinh tế thành viên và 3 quan sát viên) hạ cánh xuống sân bay quốc tế Đà Nẵng, cùng hàng chục máy bay chở tùy tùng, doanh nhân…
Mỗi ngày sân bay Đà Nẵng có khoảng 220 chuyến bay cất, hạ cánh nên phải huy động thêm 4 bãi đỗ của quân đội. Vị trí đỗ máy bay trong dịp APEC là 75, tăng thêm 50 chỗ so với ngày thường.
Đảm trách nhiệm vụ dẫn đường cho các máy bay trên vùng trời miền Trung là đội ngũ cán bộ, nhân viên kiểm soát viên không lưu tại Trung tâm Kiểm soát tiếp cận – sân bay Đà Nẵng. Đơn vị này đã tăng cường gần 20 người, tăng thêm 5 người mỗi ca trực so với ngày thường.
Do số lượng máy bay đông đảo, lại đến dồn dập, để tránh nhầm lẫn đơn vị quản lý bay phải vẽ sa bàn vị trí đỗ, giả định từng máy bay theo logo. Và dù lịch trình bay được lên kế hoạch kỹ lưỡng, song vẫn có tình huống phát sinh.
Chuyên cơ của Tổng thống Mỹ hạ cánh ở Đà Nẵng. Ảnh: Đức Đồng.
Ngoài chuyên cơ Air Force One chở Tổng thống Donald Trump đến Đà Nẵng, phía Mỹ còn có một chuyên cơ chở ngoại trưởng và đoàn tùy tùng có màu sắc, số hiệu giống hệt chiếc chở Tổng thống. Chiếc này được Mỹ bố trí hạ cánh tại sân bay Đà Nẵng trước chuyên cơ của Tổng thống 15 phút.
Khi đi Hà Nội, theo lịch trình ban đầu, Air Force One chở Tổng thống Donald Trump rời sân bay Đà Nẵng lúc 16h ngày 11/11. Tuy nhiên, trước khi bay phía Mỹ gửi lịch trình đến cơ quan không lưu thông báo chuyên cơ Air Force One sẽ bay ngược về sân bay Tân Sơn Nhất rồi mới ra Hà Nội.
Thực tế, sau khi cất cánh ở Đà Nẵng lúc 15h20, chuyên cơ chở Tổng thống Mỹ bay ngược vào phía Nam, đến vùng trời Buôn Ma Thuột trong gần một giờ rồi quay đầu ra phía Bắc. Chuyên cơ chở Ngoại trưởng Mỹ xuất phát lúc 15h40 và hạ cánh xuống Nội Bài lúc 16h55 ngày 11/11. Khoảng 20 phút sau, máy bay chở Tổng thống Mỹ mới hạ cánh, muộn hơn nửa tiếng so với dự kiến.
“Khi nhận thông tin từ phía Mỹ, chúng tôi khá bất ngờ vì hiếm có trường hợp máy bay từ Đà Nẵng bay ngược vào phía Nam rồi mới ra phía Bắc, song chúng tôi tôn trọng yêu cầu của họ. Để đảm bảo an toàn cho chuyên cơ, họ có nhiều kế hoạch”, một kiểm soát viên không lưu cho hay.
Video đang HOT
Mật vụ bảo vệ Tổng thống Mỹ ở Đà Nẵng.
Trước đó khi đến Đà Nẵng, theo lịch trình chiếc Air Force One của Tổng thống Mỹ hạ cánh trước chuyên cơ của Chủ tịch Trung Quốc 35 phút. Nhưng máy bay của Thủ tướng Campuchia (đến dự Đối thoại cấp cao APEC-ASEAN) do bay chậm 50 phút nên hạ cánh gần cùng thời điểm với chuyên cơ Mỹ.
Kiểm soát viên không lưu phải hướng dẫn máy bay của Thủ tướng Hun Sen bay vòng về phía Nam và dẫn đường Air Force One hạ cánh tại khu VIP sân bay Đà Nẵng. Sau 10 phút chuyên cơ của Mỹ hạ cánh, máy bay của Thủ tướng Hun Sen đáp xuống và đỗ gần khu VIP, gần sát thời gian đến của chuyên cơ chở Chủ tịch Trung Quốc. Mặc dù thời gian máy bay hạ cánh gấp gáp, song công tác lễ tân đón tiếp diễn ra suôn sẻ.
Việc đảm bảo an ninh cho chuyên cơ Air Force One của Tổng thống được Mỹ đòi hỏi rất cao. Phía Mỹ đã làm việc tiền trạm nhiều lần với đội ngũ không lưu, cơ trưởng của chiếc Air Force One cũng trao đổi trực tiếp với cán bộ không lưu Việt Nam về kế hoạch bay. Hai đặc vụ của Mỹ trực tiếp lên Đài kiểm soát không lưu Đà Nẵng để theo dõi quá trình bay của chiếc Air Force One.
“Các đặc vụ làm việc chuyên nghiệp, không can thiệp vào việc điều hành bay của chúng tôi mà đứng để hỗ trợ xử lý nếu xảy ra tình huống khẩn nguy”, đại diện kiểm soát không lưu Đà Nẵng cho biết và thông tin “họ hài lòng khi làm việc với đội ngũ kiểm soát viên không lưu của Việt Nam”.
Chia sẻ về việc dẫn đường cho các máy bay, đại diện kiểm soát viên không lưu Đà Nẵng cho biết, đội ngũ điều hành bay đã trải qua thời gian áp lực vì trách nhiệm được giao. Họ phải tính toán chính xác để dẫn đường cho các chuyên cơ hạ cánh đúng giờ, trong khi hoạt động bay thương mại vẫn diễn ra bình thường.
“Công việc căng thẳng song anh em thấy vui khi sân bay Đà Nẵng hoạt động nhộn nhịp chưa từng có vào dịp APEC. Khi sân bay trở lại hoạt động bình thường, chúng tôi lại có cảm giác buồn, hụt hẫng”, một cán bộ không lưu nói.
Theo Đoàn Loan (VNE)
Trực thăng Marine One của ông Trump đang ở Việt Nam có gì đặc biệt?
Vận tải cơ C-17 Globemaster III ngày 6.11 đã đưa trực thăng Marine One của Tổng thống Mỹ Donald Trump đến Đà Nẵng, sẵn sàng làm nhiệm vụ khi ông Trump dự Tuần lễ Cấp cao APEC.
Ông Trump bước xuống từ chiếc Marine One.
Nguồn tin trên báo Người Lao Động cho biết, khoảng 13 giờ 30 phút chiều ngày 6.11, chiếc Boeing C-17 Globemaster III đã hạ cánh xuống sân bay quốc tế Đà Nẵng, chở theo các trang thiết bị, an ninh phục vụ cho đoàn.
Đáng chú ý nhất trong số này là trực thăng Marine One chuyên phục vụ Tổng thống Mỹ.
Theo Business Insider, không một chiếc trực thăng nào trên thế giới giống như Marine One.
Marine One là tên gọi chỉ trực thăng chở Tổng thống Mỹ. Nếu như Phó Tổng thống Mỹ sử dụng, nó sẽ được gọi là Marine Two.
Tổng thống Mỹ thường sử dụng trực thăng để di chuyển ở phạm vi ngắn trong các chuyến công du trong và ngoài nước. Chiếc Marine One cũng làm nhiệm vụ hỗ trợ, cảnh giới từ trên cao trong suốt hành trình của Tổng thống Mỹ ở nước ngoài.Phi đội Một Trực thăng Thủy quân Lục chiến Mỹ (HMX-1) hiện là đơn vị làm nhiệm vụ hộ tống Tổng thống Mỹ đến các địa điểm một cách nhanh chóng và an toàn bằng Marine One.
Chỉ 4 phi công từ đội HMX-1 được chọn ngồi trong khoang lái mỗi năm. Để điều khiển chiếc trực thăng này, họ phải trải qua ít nhất ba năm huấn luyện.
Một chiếc Marine One được vận chuyển ra ngoài từ máy bay vận tải C-17. Ảnh minh họa.
Nhiệm vụ bảo dưỡng, duy trì hoạt động của Marine One thuộc về nhóm 800 lính hải quân Mỹ ở bang Virginia.
Phi đội chuyên chở tổng thống Mỹ hiện nay bao gồm trực thăng VH-3D Sea King và VH-60N White Hawk.
Theo hình ảnh mới được công bố, chiếc Marine One xuất hiện ở Đà Nẵng là loại VH-60N White Hawk. Đây cũng là mẫu trực thăng tháp tùng ông Trump đến Jerusalem, Israel vào giữa năm nay.
Marine One có thể di chuyển với vận tốc 200 km/giờ, duy trì khả năng bay liên tục trong trường hợp bị hỏng một động cơ.
Trực thăng sở hữu đường dây liên lạc riêng, giúp tổng thống Mỹ kết nối với Nhà Trắng và Lầu Năm Góc ở bất cứ đâu, vào bất cứ thời gian nào, bao gồm cả các chuyến công du nước ngoài.
Không giống những trực thăng thông thường, bên trong Marine One rất yên tĩnh. Tổng thống Mỹ có thể dễ dàng trò chuyện bên trong trực thăng mà không cần thiết bị hỗ trợ.
Trực thăng VH-60N White Hawk chuyên chở Tổng thống Mỹ.
"Trực thăng hoạt động rất êm ái, rất ấn tượng", ông Obama từng trả lời phóng viên sau khi lần đầu tiên ngồi trên chiếc Marine One vào năm 2009. "Bạn tới Đài tưởng niệm Washington và ngay sau đó có mặt ở tòa nhà quốc hội. Thật tuyệt vời".
Marine One thường bay trong một nhóm gồm khoảng 5 trực thăng giống hệt nhau để đảm bảo an toàn cho Tổng thống Mỹ. Trong đó, một chiếc chở tổng thống, những chiếc còn lại đóng vai trò làm mồi nhử.
Đội hình bay cũng liên tục được thay đổi để che giấu vị trí của ông chủ Nhà Trắng.
Không được trang bị vũ khí tấn công nhưng Marine One cũng có biện pháp phòng không như pháo sáng đánh lừa tên lửa tầm nhiệt hay thiết bị gây nhiễu xạ để chống tên lửa dẫn đường bằng radar cùng biện pháp đối phó hồng ngoại.
Theo Danviet
Mời ông Donald Trump thăm Việt Nam, dự APEC tại Đà Nẵng Việt Nam đã gửi lời mời Tổng thống tân cử của Mỹ Donald Trump đến thăm Việt Nam và dự Hội nghị cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trả lời câu hỏi phỏng vấn của phóng viên Dân Việt ngày 5.1. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Dân...