Hậu trường bi hài của diễn viên đóng vai phản diện
Có rất nhiều chuyện bi hài phía sau những vai phản diện của diễn viên.
NSƯT Trần Đức
Ít người có thể biết rằng NSƯT Trần Đức chuyên đóng những vai phản diện như giám đốc tham nhũng, quan chức biến chất, trùm xã hội đen hay những gã lăng nhăng chuyên ve vãn phụ nữ trong các phim Chạy án, Đầm lầy bạc, Lời thú nhận của Eva lại là một thầy giáo “chính hiệu” hiện đang giữ cương vị Trưởng khoa Sân khấu Điện ảnh và Múa, Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội. “Nhiều người gặp tôi đều bảo: “Anh trên phim thấy kinh lắm nhưng ở ngoài thì không hề… kinh”.
NSƯT Trần Đức chia sẻ, ông được đạo diễn mời đóng vai phản diện nhiều nhất từ khi ông quyết định theo kiểu đầu húi cua. Hình như khuôn mặt ông, cộng thêm cái đầu húi cua nữa là các đạo diễn không ai bảo ai, nhất quyết nhắm ông vào vai phản diện.
NSƯT Phạm Cường
Trong một lần biểu diễn vở Tiếng gọi ở sân khấu ngoài trời tại Quỳ Hợp, Thanh Hóa, nội dung vở kịch nói về nạn phá rừng, anh được giao vào vai một trùm lâm tặc. Sự hóa thân thành công đến nỗi khi vở kịch đến đoạn cao trào, bỗng có anh kiểm lâm bên dưới lạch cạch súng AK lăm lăm chĩa vào anh rồi quát: “Bắn chết nó đi”, bởi sự căm uất tên trùm lâm tặc này lên đến đỉnh điểm. NSƯT Phạm Cường mất mấy giây đứng chết trân trên sân khấu, khán giả thì đổ xô ầm ĩ náo loạn, ai cũng bất ngờ bởi hành động này của anh kiểm lâm.
Nhưng sau đó anh đã lấy lại bình tĩnh diễn tiếp, bởi hóa ra NSƯT Phạm Cường diễn ngọt đến mức làm anh kiểm lâm tưởng lầm đó là lâm tặc thật. Anh vẫn luôn coi đó là kỷ niệm nhớ đời trong cuộc đời làm nghề của mình.
NSƯT Hương Dung
Nếu ai từng theo dõi bộ phim Chạy án, một trong những serie phim truyền hình thành công nhất trên VTV ắt sẽ không quên nhân vật bà Dung, mẹ của Cao Thanh Lâm do diễn viên kỳ cựu Hương Dung thủ vai. Có thể nói đó là một trong những vai diễn xuất sắc nhất trong sự nghiệp của chị cả về tính nghệ thuật lẫn tính thương mại vì sự nổi tiếng của nó.
Vai diễn bà Dung thực sự đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng khán giả đến nỗi có lần chị đang đi chợ thì giật mình vì tiếng quát: “Này, cái cô kia, quay lại đây. Nhìn bên ngoài có đến nỗi nào đâu mà tại sao đóng phim ghê gớm thế”. Lần khác, chị đi quay trong trại giam thì có một anh công an đã xin chụp ảnh cùng chị để về khoe với vợ rằng ngoài đời chị rất hiền (vì anh ấy cho biết: “Mỗi lần, vợ tôi xem phim thấy chị thì cô ấy chỉ muốn đập vỡ cái vô tuyến. Thế nhưng, tập phim hôm nào mà không có chị thì vợ tôi không xem”). Còn có trường hợp của một cậu bé 2 tuổi đang ngồi trong quán ăn với mẹ vừa nhìn thấy chị bước vào thì tay đã chỉ trỏ và bập bẹ nói “Mẹ Cao Thanh Lâm”.
Dũng Nhi
Video đang HOT
Nhắc đến phim Bỉ vỏ, mọi người vẫn không thể quên được hình ảnh Năm Sài Gòn do Dũng Nhi hóa thân. Vai phản diện này ấn tượng đến nỗi một thời anh được bạn bè gọi luôn với biệt danh “Năm Sài Gòn”. Tay anh chị dẻo “khai”, “mõi”, sẵn sàng giết người không ghê tay đựơc Dũng Nhi diễn tả ngọt. Đến nỗi, trong trường đoạn Năm trổ tài “hai ngón”, ông quay phim còn ngơ ngác hỏi diễn viên đã móc được ví chưa. Thấy Dũng Nhi gật đầu, ông đành đề nghị quay lại, với lời đề nghị “anh Năm” thực hiện chầm chậm cho khán giả còn kịp… nhìn.
Hỏi Dũng Nhi học hỏi “đại ca” nào mà cao thủ võ lâm thế? Bí quyết hoá ra năm bảy năm trời đi học xuyên qua chợ trời của cậu học trò nhỏ. Chẳng gương mặt anh chị nào, chẳng ngón nghề giật dọc, đâm chém, ăn cắp, ăn cướp, thanh toán băng đảng nào mà ông chưa từng được chứng kiến. Vốn sống giúp ông nhập vai Năm sài Gòn “ngon ơ”, “còn dễ hơn tập đánh trống, kéo đàn nhiều ấy chứ”.
Hay vẻ tưng tửng của một anh bộ đội phục viên, vừa ranh mãnh, láu cá ham chơi và bồ bịch lăng nhăng trong “Ngõ lỗ thủng” đã khiến anh có lần bị một người nông dân chửi sa sả vì bộ mặt đường hoàng mà lại đóng vai đểu cáng thế. “Đã xem Bỉ vỏ chưa, ông này mà đóng mấy thằng đểu thì cũng kinh lắm đấy”. Đó là lời đạo diễn Quốc Trọng nói với biên kịch Diệu Hương và biên tập Thùy Linh khi cả hai biểu lộ thái độ ngạc nhiên khi biết vai Khoái trong Ngõ lỗ thủng được dành cho Dũng Nhi.
Lê Tuấn Anh
Trong thời kỳ hoàng kim của dòng phim mỳ ăn liền, Lê Tuấn Anh là lựa chọn hoàn hảo của các đạo diễn cho những vai sở khanh, đểu cáng. Sở hữu vẻ ngoài lãng tử và bụi bặm có thể hạ gục trái tim của bất cứ cô gái trẻ nào, nhưng Lê Tuấn Anh lại không ít lần bị khán giả dành lời chua cay cũng chỉ vì vào vai phản diện quá ngọt.
Một thời gian dài, anh được đo ni đóng giày với những vai diễn “đáng ghét” và dần xây dựng thành công mảnh đất của riêng mình. Tuy nhiên đến năm 1998, anh nhận ra con đường thoái trào tất yếu của dòng phim thị trường và quyết định từ bỏ nghệ thuật sau khi hoàn thành vai diễn cuối trong Gió qua miền tối sáng.
Duy Thanh
Có lẽ, những ai yêu phim Việt hẳn vẫn còn nhớ hình ảnh một bí thư Đảng ủy xã đầy mưu mô, tìm mọi cách hạ bệ chủ tịch xã trong phim Đất và người; một phó chủ tịch xã chuyển sang làm giám đốc lâm trường, tiếp tục câu kết với lâm tặc phá rừng đầu nguồn trong phim Khi đàn chim trở về… hay sự quyết liệt của những vai công an như Tư Minh trong Săn bắt cướp, Thiện trong Vụ án đêm cuối năm, Thiện Ngôn trong Đêm giông…
Người thể hiện những vai diễn rất “trái chiều” ấy là nghệ sĩ Duy Thanh. Anh kể: “Có lần tôi vào một vùng rừng ở Tây Nguyên, bà con ở đây nhìn thấy tôi đã kéo nhau ra với đủ gậy gộc và chỉ thẳng vào mặt tôi bảo: Hết rừng rồi, không còn rừng đâu mà phá. Sau mới nhớ là vì hệ lụy của việc đóng phim Khi đàn chim trở về. May mà hồi đó tôi đi cùng nhiều cán bộ trong vùng, không thì bị… đòn oan. Lần khác, tôi nhận được điện thoại của nhà biên kịch Nguyễn Thị Thu Huệ, chị đang ở Liên hoan phim toàn quốc tại Nghệ An. Chị bảo, khi chiếu phim Làng Thanh mở phố thì khán giả bỏ về hết vì ghét… cái mặt tôi quá”.
Hồng Quang
Khuôn mặt bầu bĩnh, nước da trắng, dáng thư sinh, Hồng Quang lâu nay vẫn “đóng đinh” ở những vai diễn chính diện. Nhưng rồi anh khiến người xem bất ngờ với Bình (một vai tới 99% là “đểu”) của Lập trình cho trái tim. Với nhân vật Bình, Hồng Quang đã khắc họa đậm nét hình ảnh một kẻ đểu giả, xảo quyệt ẩn sau khuôn mặt “baby”, hiền lành.
“Bản thân tôi đóng chính diện hoài khán giả chẳng nhớ đến mấy nhưng vừa thử sức với vai kẻ xấu ở Lập trình trái tim thì ra đường ai cũng chỉ: “Thằng Bình trong Lập trình cho trái tim đấy”, nam diễn viên chia sẻ.
Trịnh Mai Nguyên đã đảm nhiệm vai một người đàn ông gia trưởng, khó chịu trong Bí mật Eva. Khó chịu đến mức mỗi lần nhân vật Hưng – chồng của cô Minh Tâm xuất hiện là người xem chỉ muốn “đấm” cho anh ta cho bõ ghét. Vợ anh khi xem phim đã hỏi: “Sao ở nhà không thấy thế?”.
Theo Nguyễn Nga/2sao
Những tạo hình xấu xí, kinh dị nhất của màn ảnh Việt
Nếu Phi Thanh Vân khiến khán giả sốc vì tạo hình "Thị Nở hiện đại" thì hình ảnh cô gái bị khâu miệng của Mai Anh trong "Thiên mệnh anh hùng" lại làm người xem rùng mình, ám ảnh.
Nhắc tới những tạo hình xấu xí nhất của các diễn viên Việt, không thể không kể tới nhân vật Huyền Diệu trong bộ phimCô gái xấu xí của diễn viên Ngọc Hiệp. Mái tóc xoăn xù, nẹp răng, cặp kính to đùng, làn da nhợt nhạt và trang phục quê kiểng, lỗi thời của Huyền Diệu khiến khán giả hoàn toàn không thể nhận ra NSƯT Ngọc Hiệp với nhan sắc được xếp vào hàng mỹ nhân.
Một người đẹp khác cũng khiến khán giả sửng sốt khi xấu lạ trên màn ảnh chính là Quỳnh Nga. Tham gia bộ phimLập trình cho trái tim, nữ ca sĩ Hà thành vào vai nhân vật chính Vũ Vũ - cô gái có biệt danh "cá sấu chúa". Đúng như nickname của mình, Vũ Vũ sở hữu một làn da đen nhẻm, đôi môi tái nhợt, tóc tai bù rù và phong cách thời trang sến sẩm, quê mùa.
Phi Thanh Vân cũng từng khiến khán giả choáng váng, giật mình khi hóa thân thành nhân vật nữ bác sĩ xấu xí trong bộ phim Thẩm mỹ viện. "Người đẹp dao kéo" từng tiết lộ, cô phải dùng keo, bột thẩm mỹ đắp ngoài mũi thật và đến bác sĩ nha khoa để "đặt hàng" một hàm răng hô cho nhân vật của mình. Chưa hết, Thị Nở thời hiện đại còn sở hữu làn da đầy mụn, kiểu tóc và gu thời trang thảm họa.
Tạo hình lấy từ hình tượng nhà tiên tri mù Vanga của Phi Thanh Vân trong một bộ phim truyền hình cũng khiến người xem giật mình. Đôi mắt được hóa trang ghê sợ khi tròng mắt chỉ là hai điểm đen tĩnh với toàn lòng trắng, khuôn mặt nhợt nhạt, bộ móng tay thâm đen.
Đây là tạo hình của nhân vật Tú Lan trong phim Bóng tối rực rỡ (đạo diễn Trần Quang Đại) mà Lê Khánh đảm nhiệm. Cô bị chính mẹ đẻ của mình tạt axit khiến một nửa khuôn mặt bị biến dạng và hỏng một bên mắt.
Chân dài Trang Trần cũng không ngại làm xấu mình khi vào vai ma nữ trong phim điện ảnh Biết chết liền.
Để có gương mặt rùng rợn, đúng "chất" ma, Trang Trần mất 4 tiếng mỗi ngày để hóa trang.
Bộ phim cổ trang Thiên mệnh anh hùng được đầu tư lớn có sự tham gia của nam diễn viên trẻ Khương Ngọc trong vai Trần tướng quân. Nhân vật này có tạo hình đáng sợ: đầu trọc, một bên mắt bị hỏng, gương mặt lạnh như băng.
Tạo hình của nhân vật cô gái bị khâu miệng do diễn viên Mai Anh thủ vai trong bộ phim Thiên mệnh anh hùng khiến người xem nổi da gà và bị ám ảnh.
Cách đây hơn 30 năm, tạo hình của nhân vật Chí Phèo do nghệ sĩ Bùi Cường thể hiện trong bộ phim Làng Vũ Đại ngày ấy cũng thuyết phục được đông đảo khán giả vì quá xấu. Nhiều người nhận xét, gương mặt xấu xí, đầy sẹo của NSƯT Bùi Cường khi đó có "chất" Chí Phèo.
Một trong những yếu tố giúp Thị Nở trở thành vai diễn để đời của NSƯT Đức Lưu chính là tạo hình nhân vật. Để có một Thị Nở khuôn mặt xấu xí, nghệ sĩ Đức Lưu đã được đạo diễn Phạm Văn Khoa đã đưa đến bệnh viện Việt Đức để "thửa" riêng một bộ răng đen hạt nhót. Mũi phải đắp cao su rồi bôi phẩm đỏ ở đầu mũi, hai bên má ngậm bông băng sao cho bề ngang rộng hơn chiều cao của khuôn mặt.
Theo zing
Những diễn viên Việt 'một phút huy hoàng rồi vụt tắt' Cái bóng quá lớn từ một vai diễn thành công vượt sức tưởng tượng khiến Hùng Thuận mãi mãi là bé An, Diễm Hằng là Hoài "Thát-chơ" còn Minh Anh mất tăm sau "Những cô gái chân dài". Hùng Thuận là ví dụ tiêu biểu trong số diễn viên Việt vụt sáng thành sao sau một phim nhưng nhanh chóng "lặn mất tăm"....