Hậu quả nếu Mỹ hủy ‘trạng thái đặc biệt’ của Hong Kong
Mỹ có thể hủy trạng thái đặc biệt của Hong Kong khi Trung Quốc thông qua luật an ninh mới, khiến lợi ích các bên đều bị ảnh hưởng.
Quốc hội Trung Quốc hôm nay bỏ phiếu thông qua nghị quyết xây dựng luật an ninh Hong Kong, mở đường để Ủy ban Thường vụ quốc hội soạn thảo đạo luật chi tiết có thể áp dụng trong vài tuần tới. Luật an ninh mới sẽ cấm các hành vi và hoạt động ly khai, lật đổ, khủng bố và can thiệp nước ngoài ở đặc khu, cũng như cho phép các cơ quan an ninh và tình báo Trung Quốc thiết lập cơ sở ở Hong Kong.
Nghị quyết được quốc hội Trung Quốc thông qua bất chấp những cảnh báo của Mỹ, trong đó nghiêm trọng nhất là việc Ngoại trưởng Mike Pompeo hôm qua xác nhận với quốc hội Mỹ rằng Hong Kong “không còn đủ điều kiện được đối xử theo cách luật Mỹ áp dụng với đặc khu trước tháng 7/1997″, bởi việc áp dụng luật an ninh mới sẽ khiến đặc khu không thể “duy trì mức độ tự chủ cao với Trung Quốc đại lục”.
Giới quan sát cho rằng việc luật an ninh Hong Kong được mở rộng, không chỉ nhắm tới cá nhân, mà còn điều chỉnh các tổ chức như cơ quan truyền thông, doanh nghiệp quốc tế có thể là lý do khiến Pompeo từ chối công nhận rằng Hong Kong vẫn còn duy trì quyền tự chủ.
Quyền tự chủ của Hong Kong là điều kiện quan trọng để thành phố này được hưởng trạng thái thương mại đặc biệt với Mỹ, giúp đặc khu không phải chịu các mức thuế mà Washington áp với Bắc Kinh. Nhờ đặc quyền này, thành phố còn được mua các công nghệ nhạy cảm, đảm bảo trao đổi tự do giữa đồng USD và đôla Hong Kong. Cư dân Hong Kong cũng tránh được những hạn chế về thị thực áp dụng cho cư dân Trung Quốc đại lục.
Cảnh sát chống bạo động kiểm soát biểu tình tại Hong Kong hôm 27/5. Ảnh: Reuters.
Theo Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong được thông qua cuối năm ngoái, Ngoại trưởng Mỹ có trách nhiệm xác nhận về quyền tự chủ của Hong Kong mỗi năm, nhằm xem xét những ưu đãi đối với đặc khu. Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ là người quyết định có tước vị thế đặc biệt của Hong Kong hay không.
Động thái của Pompeo được đánh giá là bước đi quyết liệt của Mỹ nhằm chống lại nỗ lực gây ảnh hưởng của Trung Quốc đại lục với Hong Kong, nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ gây ra những hậu quả khôn lường cho tất cả các bên. Theo bình luận viên Alex Ward của Vox, bên mất mát nhiều nhất với quyết định này chính là Hong Kong, khi thành phố có thể đánh mất vị thế trung tâm tài chính toàn cầu.
Video đang HOT
“Trạng thái đó thực sự quan trọng đối với nền kinh tế Hong Kong. Rõ ràng nó còn liên quan mật thiết tới khả năng bảo vệ bản sắc riêng biệt của đặc khu”, Jacob Stokes, nhà phân tích về Trung Quốc tại Viện Hòa bình Mỹ, nhận định hồi tuần trước.
“Điều trớ trêu là việc tước trạng thái đặc biệt của Hong Kong lại gây tổn thất cho đặc khu thay vì cứu lấy nó”, Daniel Russel, cựu quan chức ngoại giao trong chính quyền Barack Obama, nhận xét.
Susan Shirk, một cựu quan chức ngoại giao Mỹ khác, cũng đồng tình rằng “bên thua lớn sẽ là người dân Hong Kong, không phải các chính trị gia ở Bắc Kinh hay Washington, những người gây ra tình huống khó khăn này”.
Theo bình luận viên Edward Wong của NY Times, việc Hong Kong mất trạng thái đặc biệt cũng sẽ tác động sâu rộng lên thương mại toàn cầu, đồng thời thay đổi cách vận hành của các công ty nước ngoài cũng như chính Trung Quốc.
Với hệ thống tư pháp độc lập và thượng tôn pháp luật khá mạnh mẽ, Hong Kong là cửa ngõ cho các doanh nghiệp nước ngoài muốn làm ăn với Trung Quốc mà không cần bận tâm về các rủi ro chính trị hay luật pháp. Do đó, Bắc Kinh dựa vào “cửa ngõ” này để giao dịch với các nước khác. Nhiều công ty đại lục huy động vốn bằng cách niêm yết trên sàn chứng khoán Hong Kong.
Vì vậy, lợi ích kinh tế, thương mại của Trung Quốc tại Hong Kong có thể biến mất nếu chính quyền Trump theo đuổi phương án tước trạng thái đặc biệt của thành phố, Ho-Fung Hung, giáo sư kinh tế chính trị tại Đại học Johns Hopkins, nhận định.
Bản thân các doanh nghiệp Mỹ cũng có nguy cơ bị tổn hại bởi quyết định này. Trong tuyên bố hôm 26/5, Phòng Thương mại Mỹ, đại diện cho các công ty Mỹ tại Hong Kong, kêu gọi chính quyền Trump “tiếp tục ưu tiên duy trì mối quan hệ tích cực và mang tính xây dựng giữa Mỹ và Hong Kong”.
Cơ quan này chỉ ra rằng “những thay đổi sâu rộng” với trạng thái đặc biệt của Hong Kong trong các vấn đề kinh tế và thương mại sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới cả doanh nghiệp Hong Kong và Mỹ, “đặc biệt là các công ty ảnh hưởng tích cực đến những giá trị cốt lõi của Hong Kong”.
Đó là lý do chính quyền Trump nhiều khả năng sẽ cân nhắc vài lựa chọn khác, thay vì tước bỏ hoàn toàn trạng thái đặc biệt của Hong Kong sau khi luật an ninh được quốc hội Trung Quốc thông qua. Nguồn tin giấu tên của NY Times tiết lộ họ đang xem xét áp thuế với hàng hóa từ Hong Kong, những loại thuế mà trước đây đặc khu được miễn.
Julian Ku, giáo sư luật tại Đại học Hofstra, cho rằng Mỹ còn có thể lựa chọn chấm dứt hiệp ước dẫn độ với Hong Kong, bởi luật an ninh mới khiến hệ thống tư pháp tại thành phố trở nên kém tin cậy hơn, hoặc hạn chế xuất khẩu công nghệ sang Hong Kong, tương tự quy định với Trung Quốc đại lục.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong cuộc họp báo tại Washington hôm 20/5. Ảnh: Reuters.
Tuy nhiên, bình luận viên Wong cho rằng bất kể quyết định cuối cùng thế nào, tuyên bố của Pompeo vẫn là thông điệp cực kỳ mạnh mẽ gửi tới Bắc Kinh, đặc biệt khi Washington từng cam kết trừng phạt họ vì những sai phạm khi xử lý Covid-19. Động thái này còn thể hiện sự ủng hộ rõ ràng của Mỹ với phong trào phản đối chính quyền tại Hong Kong.
Vì vậy, việc Trung Quốc thông qua luật an ninh mới được ví như “đổ thêm dầu vào lửa” trong mối quan hệ vốn đang căng thẳng vì nhiều vấn đề với Mỹ. “Nếu ai đó nhất định gây tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc, Trung Quốc sẽ quyết tâm thực hiện tất cả biện pháp đối phó cần thiết. Luật an ninh với Hong Kong hoàn toàn là vấn đề nội bộ của Trung Quốc, không cho phép nước ngoài can thiệp”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói hôm 27/5.
Bình luận viên Ward cho rằng cách Bắc Kinh đáp trả sẽ phụ thuộc vào hành động của Washington sau tuyên bố của Pompeo. Trong khi đó, một số nghị sĩ cảnh báo chính quyền Trump không nên lợi dụng vấn đề Hong Kong làm công cụ trong cuộc đối đầu với Trung Quốc.
“Phản ứng của Mỹ trước những hành động của chính phủ Trung Quốc phải kiên quyết, rõ ràng và nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, đồng thời hỗ trợ các quyền tự do dân chủ tại Hong Kong theo luật pháp quốc tế. Chính sách của Mỹ với Hong Kong không nên trở thành con tốt trong bất kỳ trò chơi nào giữa Ngoại trưởng Pompeo và Tổng thống Trump với Bắc Kinh”, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Eliot Engel tuyên bố.
Ngoại trưởng Mỹ: Trung Quốc tài trợ 2 tỷ USD chống COVID-19 là quá ít
Ngoại trưởng Mike Pompeo cho rằng, việc Trung Quốc tài trợ 2 tỷ USD cho WHO để ứng phó với ảnh hưởng COVID-19 là quá ít so với ảnh hưởng của dịch bệnh.
"Dịch bệnh cướp đi khoảng 90.000 sinh mạng người Mỹ. Hơn 36 triệu người Mỹ mất việc kể từ tháng 3. 300.000 người chết trên toàn cầu. Theo ước tính của chúng tôi, thất bại của chính phủ Trung Quốc trong kiểm soát dịch bệnh khiến thế giới thiệt hại khoảng 9 nghìn tỷ USD.
Tôi muốn nhìn thấy Trung Quốc thực hiện cam kết trị giá 2 tỷ USD viện trợ đó. Nhưng đóng góp của Bắc Kinh để chống lại đại dịch là rất nhỏ bé so với thiệt hại mà họ đã gây ra đối với thế giới", Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho hay.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. (Ảnh: Reuters)
Tại Hội nghị Y tế Thế giới (WHO) hôm 19/5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết nước này sẽ tài trợ cho WHO số tiền tương đương 2 tỷ USD để hỗ trợ các nước phát triển kinh tế và xã hội và sẽ hướng đến vào các nước đang phát triển chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch.
Chủ tịch Tập Cận Bình cũng tuyên bố Trung Quốc đang hành động với trách nhiệm công khai, minh bạch đối với đại dịch COVID-19.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết, Mỹ đã cung cấp 10 tỷ USD viện trợ quốc tế cho nghiên cứu vaccine và viện trợ nhân đạo.
Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc tăng đột biến trong những tuần gần đây, khi ông Pompeo và Tổng thống Donald Trump liên tục chỉ trích Bắc Kinh trong việc xử lý dịch bệnh.
Tổng thống Trump dọa rút khỏi WHO và gọi tổ chức này là "con rối" của Trung Quốc.
Trump sa thải Tổng thanh tra Bộ Ngoại giao Tổng thống Mỹ sa thải Tổng thanh tra Bộ Ngoại giao Steve Linick, người mở cuộc điều tra nhắm vào Ngoại trưởng Mike Pompeo. Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận Tổng thống Trump hôm 15/5 sa thải Tổng thanh tra Bộ Ngoại giao Linick, sau khi Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Eliot Engel cho hay ông Licnick đã mở cuộc...