Hậu mưa lũ Sơn La: Bé gái suốt 7 ngày đi tìm bố và anh mất tích
Cơn lũ dữ ngày 3.8 đi qua, để lại nhiều thảm cảnh cho người dân xã Nậm Păm, huyện Mường La, tỉnh Sơn La, nhiều gia đình mẹ mất con, em mất anh, bố mất con… Trong đó, tình cảnh của cháu Quàng Thị Xuân (15 tuổi) tại bản Hốc thật thương tâm, đã 7 ngày sau khi cơn lũ đi qua, ngày nào cháu cũng gào khóc đi tìm thi thể bố và anh trai bị nước lũ cuốn trôi.
Khuôn mặt hốc hác, cái nhìn thất thần sau nhiều ngày đào bới tìm bố và anh trai dọc theo con suối Nậm Păm, cháu Xuân kể lại câu chuyện khi chính mắt cháu chứng kiến bố và anh trai bị dòng nước lũ cuốn ngay trước mắt.
“Nước về nhanh quá, bố cháu và anh trai chỉ kịp trèo lên nóc nhà. Rồi nước to ập đến, cuốn trôi cả nhà. Cháu nhìn thấy bố và anh bị cuốn trôi mà chỉ biết kêu gào dân bản giúp đỡ. Giữa đêm tối, trời mưa to cả bản ai cũng hoảng sợ, nhìn thấy bố cháu bị nước cuốn trôi mà không có cách nào cứu giúp”, Xuân kể lại.
Ông Đỗ Bá Tỵ (phải) – Phó Chủ tịch Quốc hội và ông Đào Ngọc Dung (trái) – Bộ trưởng Bộ LĐTBXH chia sẻ những nỗi đau, mất mát với gia đình cháu Quàng Thị Xuân. (Ảnh: V.D)
Đã 7 ngày qua đi, hy vọng tìm thấy thi thể của bố và anh trai càng mong manh, nhưng ngày nào cũng từ sáng sớm đến chiều tối, Xuân cùng lực lượng cứu hộ đi dọc con suối Nậm Păm để tìm bố và anh trai.
Hy vọng sẽ tìm thấy bố và anh để đem về an táng, trọn hiếu làm con nên dù bàn chân đã tóe máu, bầm tím nhiều chỗ vì đá suối nhưng Xuân không bỏ cuộc. Những vết thương ngoài da không làm Xuân đau bằng vết thương lòng.
Anh Quàng Văn Năm (hàng xóm với cháu Xuân) kể lại: “Nhìn thấy chồng và con bị lũ cuốn trôi ngay trước mắt, mẹ cháu Xuân đã mấy ngày không ăn, chỉ nằm khóc gọi chồng và con. Cái Xuân thì ngày nào cũng ra suối, ngóng tin anh và bố, cùng đội cứu hộ đi bộ dọc suối để tìm, cháu nó cũng chẳng chịu ăn uống gì, người gầy rộc đi. Thương con bé, mới có hơn chục tuổi đầu mà phải chịu cảnh mất bố và anh trai cùng một lúc”.
Video đang HOT
Mọi người trong bản ai thấy hoàn cảnh của Xuân cũng thương, động viên em cố gắng ăn uống, giữ sức khỏe. Trong bản người cho bánh, người cho sữa, người cho cơm nhưng Xuân không thể nuốt nổi vì những mất mát xảy ra với cháu và gia đình quá nhanh, quá lớn.
Anh Quàng Văn Năm (bác ruột của Xuân) thẫn thờ ngong ngóng tin người em trai và cháu xấu số. (Ảnh: V.D)
“Cháu không thể ăn được gì, mọi thứ đều đắng ngắt, thương bố và anh trai vẫn phải nằm đâu đó giữa dòng Nậm Păm; lại lo cho sức khỏe của mẹ cháu. Đã mấy ngày nay mẹ cháu không ăn được gì, chỉ nằm khóc kêu gào gọi bố và anh”, Xuân nghẹn ngào kể lại.
Dù được các vị lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, nhiều tổ chức xã hội… đến động viên, chia sẻ, nhưng với gia đình Xuân thì mất mát mà họ đang phải gánh chịu là quá sức tưởng tượng.
Cuộc sống của em rồi sẽ ra sao khi trụ cột chính trong gia đình là bố em đã mất, cả nhà chỉ còn 2 mẹ con chân yếu, tay mềm. Em năm nay mới bước vào lớp 10, phía trước cuộc sống còn rất nhiều khó khăn.
“Bố mất rồi, nhà cũng trôi mất rồi. Ai sẽ lo cho cháu ăn học bây giờ…?”, tiếng khóc không thành tiếng của Xuân làm mọi người đều chảy nước mắt.
Theo Danviet
Hậu lũ quét ở Sơn La: Mất hết rồi, lấy tiền đâu mua sách cho con...
Trận lũ quét lịch sử tại huyện Mường La, tỉnh Sơn La đã làm 430 ngôi nhà, 1 trường mầm non, 1 trường tiểu học, 2 điểm trường tiểu học bị cuốn trôi và hư hỏng nặng. Năm học mới ở Mường La sẽ khó khăn hơn rất nhiều khi nhà ở, trường lớp chỉ còn trơ gạch, đá.
Bản Huổi Liếng, xã Nậm Păm, huyện Mường La là một trong những bản thiệt hại nặng nhất sau trận lũ lịch sử đêm 3.8. Khuôn mặt thất thần như vẫn còn nguyên cảm giác bàng hoàng, anh Lò Văn Sơn, dân bản Huổi Liếng, ngậm ngùi: "Mất hết rồi, nhà cửa, ruộng nương, tài sản... Nhưng khổ nhất là năm học mới sắp đến, 2 đứa con tôi không biết có quần áo mới, sách vở để đến trường không?".
Anh Sơn chia sẻ, trước hôm lũ quét đến, vợ chồng anh mới bán đàn gà, 2 con lợn được hơn 3 triệu đồng, mua quần áo, sách vở, sắm chiếc xe đạp mới chuẩn bị cho 2 đứa con đến trường. Nhưng chỉ trong phút chốc, niềm vui vì có quần áo, xe mới đến trường cùng bạn bè của các con anh đã trở thành vô vọng.
Cháu Lường Văn Hùng, học sinh trường Tiểu học Nậm Păm buồn rầu khi sắp đến năm học mới mà ngôi trường chỉ còn là đống đổ nát.
"Hôm được mẹ mua quần áo, xe đạp mới, anh em cháu rất vui đi khoe hàng xóm. Nhưng bây giờ thì niềm mơ ước được mặc những bộ quần áo mới, đi xe đạp đến trường không bao giờ có nữa", cháu Lò Văn Thanh - con trai anh Sơn bảo vậy.
Cùng cảnh ngộ như gia đình anh Sơn, hôm nay, anh Lò Văn Tình, bản Huổi Liếng, vừa dựng xong chiếc lều để gia đình trú nắng mưa. Gạt mồ hôi trán, anh Tình kể: "Công sức bao nhiêu năm lao động, tằn tiện tích cóp của vợ chồng tôi giờ thành con số 0. Gia tài nhà tôi bây giờ không có nổi 1 nghìn đồng, nói gì đến việc mua sắm cho con đi học. Đứa con bé nhất của tôi năm nay vào lớp 1 mấy hôm trước được mẹ mua sách mới, ngày nào cũng mang ra đọc. Từ hôm bị lũ cuốn mất nhà đến giờ, nó cứ khóc đòi mẹ mua sách. Thấy con như thế mà tôi không cầm được nước mắt, nhưng lực bất tòng tâm...".
Một nửa của Trường tiểu học tại bản Huổi Piệng đã thành đống đổ nát.
Đôi mắt ngấn lệ, khóc không thành tiếng, cháu Quàng Văn Hải, con anh Quàng Văn Anh, bản Hua Nặm, đang đòi bố tìm lại chiếc xe đạp, sách vở mà hôm 1.8 mẹ cháu mới mua cho cháu. Anh Hải chỉ vào ngôi nhà sàn xiêu vẹo, đầy bùn đất, bảo: "Nhà tôi đấy. Xác nhà còn nhưng muốn ở trong nhà cũng sợ vì không biết nó sập lúc nào. Mọi đồ đạc thì cơn lũ đã lấy hết cả. Cứ nhìn bọn nhỏ khóc, lại đau lòng thêm. Nhà tôi bây giờ tan hoang, ruộng vườn cũng hỏng, 4 miệng ăn trông vào cứu trợ của Nhà nước thì lấy đâu ra tiền mua sách cho con...", anh Anh chia sẻ.
Điểm trường Tiểu học bản Hốc bị nước lũ đánh trơ móng nhà.
Điểm trường bản Hua Nặm bị lũ đánh sập một góc, không thể sử dụng được nữa, trong khi năm học mới đang đến. "Trường lớp cũng hỏng, nếu các cháu phải vào trung tâm xã học thì quãng đường xa, đi lại khó khăn, lại mất thời gian đưa đón các cháu. Chúng tôi rất mong nhà nước sớm sắp sếp ổn định nơi ăn, chỗ ở để tạo điều kiện thuận lợi cho các cháu đi học", chị Lường Thị Chung, bản Hua Nặm nói.
Chiếc bàn học nằm ngổn ngang trong đống bê tông khi mà năm học mới gần kề.
Ông Lò Văn Cẩn, Chủ tịch UBND xã Nậm Păm chia sẻ: "Hư hỏng nặng nhất là trường tiểu học và mầm non. Các điểm trường tiểu học đều bị đất đá đánh sập hoặc vùi lấp. Việc học tập của các cháu năm học này rất khó khăn. Trước mắt chúng tôi sẽ mượn phòng học của trường THCS để cho các cháu học vào buổi chiều. Như vậy cả bậc tiểu học và THCS sẽ mất đi một buổi học phụ đạo..." .
Theo Danviet
Làm ngầm đá trong lòng suối để cứu trợ xã cô lập ở Sơn La Để vận chuyển lương thực tới các xã cô lập do lũ cuốn hỏng cầu Nặm Păm, huyện Mường La làm đường rọ đá ngầm qua suối. Ngày 9/8, ông Nguyễn Đức Thành, Chủ tịch huyện Mường La cho biết, đơn vị thi công đang dựng trụ bê tông cốt thép thay thế hai mố cầu Nặm Păm bị lũ cuốn trôi rạng...