‘Hậu duệ mặt trời’ bản Việt: Sửa sai vụng về
Sau khi bị Bộ Quốc phòng đề nghị chỉnh sửa những sai sót về lễ tiết, tác phong mang mặc… của quân nhân trong Hậu duệ mặt trời VN, đơn vị mua bản quyền và sản xuất phim – Công ty BHD đã có động thái ’ sửa sai’.
Hình ảnh trong phim Hậu duệ mặt trời Việt Nam – ẢNH CHỤP MÀN HÌNH
Từ tập 13, nhà sản xuất đã thêm dòng chữ này trong phần giới thiệu ở mỗi tập phim: “Các nhân vật, tình huống và sự kiện trong phim đều là sản phẩm hư cấu do những người làm phim xây dựng, các đất nước trong phim là đất nước giả tưởng, mọi sự trùng hợp trong phim nếu có chỉ là ngẫu nhiên”. Có lẽ đây là hình thức “sửa sai” dễ nhất, đỡ tốn kém nhất với người làm phim khi bộ phim đã quay gần xong và đã phát 12 tập trước đó.
Những tình tiết nào khiến ‘Hậu duệ mặt trời’ bị chỉ trích?
Tuy nhiên, việc “sửa sai” này không chỉ cho thấy sự vụng về của ê-kíp sản xuất, mà còn khiến không ít người xem cảm thấy… buồn cười. Bởi ngay từ đầu, nhà sản xuất công bố đây sẽ là bộ phim về những người lính VN trẻ tuổi với tinh thần yêu nước trong sáng, chiến đấu vì lẽ phải, vì đất nước; về những bác sĩ hết mình vì bệnh nhân và về những phẩm chất tốt đẹp của thanh niên VN thế hệ mới…
Chính vì thế, việc “ép” bộ phim có câu chuyện của những nhân vật mặc trang phục của lực lượng Hải quân VN, của Cảnh sát biển VN, đi trực thăng có hình ảnh cờ đỏ sao vàng cùng dòng chữ “Không quân VN”, thoại của nhân vật cũng thể hiện là người VN lại trở thành một bộ phim có bối cảnh là một “đất nước giả tưởng” thì thật khó chấp nhận.
Hư cấu trong phim truyện là điều không lạ, nhưng với cách “chữa cháy” vụng về như trên thì xem ra, nhà sản xuất một lần nữa thể hiện sự thiếu tôn trọng khán giả.
Theo Thanhnien.vn
"Hậu duệ mặt trời" phiên bản Việt: Gây phẫn nộ vì cái nhìn sai lệch về người lính
Đáng ra, một bộ phim như "Hậu duệ mặt trời" có thể trở thành tác phẩm truyền hình phản ảnh chân thực, quảng bá cho hình ảnh người lính Việt thời đại mới. Tuy nhiên, sự cẩu thả và sao chép máy móc của những người làm phim đã khiến dư luận phẫn nộ vì khắc hoạ cái nhìn thiếu chân thực về hình ảnh người lính quân đội nhân dân.
Một cảnh vô lý trong phim: Đội vệ sĩ nước ngoài xâm nhập lãnh thổ Việt Nam, thoải mái chĩa súng vào các chiến sĩ
Sai căn bản về kiến thức quốc phòng
Chỉ mới hơn chục tập đầu, khán giả, đặc biệt là những người có chút hiểu biết về quân sự đã chỉ ra vô số những lỗi sai của phim. Bên cạnh những lỗi sai lặt vặt, nghiêm trọng hơn là những sai sót thuộc về căn bản kiến thức quốc phòng. Đó là các động tác chào nghiêm nghỉ trong quân đội, thay vì theo tác phong quân đội Việt Nam thì lại bắt chước quy cách quân đội Hàn Quốc.
Các nhà làm phim còn "cho phép" bác sĩ quân y học cùng lớp với... đặc nhiệm ở trường sĩ quan, hay lẫn lộn lung tung giữa các cấp bậc, quân hàm như hạ sĩ, trung uý, thiếu uý, thậm chí là thiếu tướng, thượng tướng... theo kiểu của trò chơi, muốn gì cho nấy (!).
Nhưng nghiêm trọng hơn, nhiều chi tiết sai lệch của phim đã bỏ qua các vấn đề về luật pháp, về chủ quyền quốc gia và làm xấu đi hình ảnh của người lính Việt. Trên lãnh hải Việt Nam, tàu của quốc gia khác thoải mái tiến vào... cầu cứu. Hay ngay trên một hòn đảo của Việt Nam, nhưng nhóm vệ sĩ của một tài phiệt nước ngoài có thể ung dung mang vũ khí vào phòng bệnh viện, chĩa súng lăm lăm vào lực lượng sĩ quan Việt Nam. Nhân vật chính trong phim, người sĩ quan được xây dựng đầy tài năng, dũng cảm, trách nhiệm thì phạm lỗi rất sơ đẳng, để bị nhóm tội phạm lừa và cướp đi tù nhân một cách dễ dàng.
Một chi tiết trong phim gây bức xúc với khán giả là nữ bác sĩ quân y đề nghị lấy thẻ bảo hiểm y tế của người này "dùng tạm" cho người kia nhằm giúp đỡ người khó khăn. Ai cũng biết, đó là hành vi vi phạm luật về bảo hiểm, thực tế không một bộ phim nào nên cổ suý cho hành động này, huống chi là bộ phim về người lính. Cạnh đó, những hình ảnh về các chiến sĩ quân đội Việt Nam làm nhiệm vụ ở châu Phi đã giải trí bằng cách vào bar ăn chơi cùng với các thú vui hưởng thụ xa xỉ khác...
Đừng để cơ hội tốt để quảng bá bị bỏ qua
Trước đó, đoàn làm phim có cho biết bộ phim được sự tư vấn của các chuyên gia từ Bộ Quốc phòng, nhưng mới đây, phía Bộ Quốc phòng cũng phát ngôn không hề tư vấn chuyên môn cho bộ phim. Phải chăng vì sự "làm ẩu", thiếu sự nghiên cứu, thiếu sự tư vấn tốt đã dẫn đến nhiều sai lệch như vậy?
Trước đây, truyền hình Việt đã thực hiện nhiều bộ phim về các nghề nghiệp, lĩnh vực khác nhau, trong đó có nghề giáo, nghề bác sĩ, kĩ sư, công an nhân dân... Và hầu hết có đầu tư, nghiên cứu kĩ. Những bộ phim như "Blue trắng", "Gia tài bác sĩ", "Chân trời trắng"... là những tác phẩm khắc hoạ chân thực góc cạnh nghề y, ít "sạn" và có chất lượng, giúp khán giả hiểu hơn về người thầy thuốc.
Tương tự, ngành Công an cũng là đề tài thường xuyên của phim truyền hình. "Chạy án", "Cổ cồn trắng", "Bí mật tam giác vàng" hay phim remake mới nhất là "Người phán xử" đều nhận được sự quan tâm, yêu thích của khán giả vì nội dung hấp dẫn, phản ánh chân thực và khắc hoạ nên những hình ảnh đẹp, sự hy sinh đáng trân trọng của những chiến sĩ Công an nhân dân.
Trước khi khởi chiếu, "Hậu duệ mặt trời" được kì vọng sẽ là bộ phim đem lại cái nhìn sâu sắc và đúng đắn về hình ảnh người chiến sĩ quân đội thời đại mới- những con người hy sinh thầm lặng nhưng ít khi xuất hiện trên mặt báo, phim ảnh. Truyền hình xứ Hàn đã làm được điều kì diệu khi khiến cho giới trẻ hiểu được công việc và nỗi vất vả âm thầm cùng những phẩm chất đáng quý của người lính quân đội. Để từ đó, lòng yêu mến, lòng tự hào được dấy lên, cùng với đó là trách nhiệm xã hội, là tình quân dân thêm gắn kết.
Rất tiếc, vì sự cẩu thả trong sản xuất, sự rập khuôn, sao chép trong việc remake từ bản Hàn, cùng với sự chạy theo thị hiếu khá tầm thường, "Hậu duệ mặt trời" bản Việt Nam đã không làm được điều kì vọng.
Dù sao đi nữa, bộ phim mới đi được chưa đến nửa chặng đường. Bộ Quốc phòng cũng đã yêu cầu nhà làm phim cần sửa chữa những chi tiết sai. Hy vọng sự phản ứng từ cơ quan chức năng cũng như từ khán giả sẽ là một động lực mạnh mẽ để nhà sản xuất thay đổi, giúp bộ phim tốt hơn cho chặng đường còn lại.
Theo baophapluat.vn
Bỏ quy định chụp ảnh thuê bao điện thoại di động: Sửa sai, muộn còn hơn không Sau 18 tháng ban hành, Nghị định số 49/2017/NĐ-CP đã lộ rõ một số bất cập, không phù hợp với thực tế, nhất là quy định chụp ảnh chủ thuê bao. Chụp hay không cũng như nhau Tháng 4/2018 là thời hạn "tối hậu thư" mà Nghị định số 49/2017/NĐ-CP về "sửa đổi, bổ sung Điều 15, Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 6/4/2011...