Hậu cơn bão “thế kỷ” Linda: Vẫn quyết tâm bám biển, ra khơi
Bão Linda là cơn bão thảm khốc nhất miền Tây trong vòng 100 năm. Mất mát mà cơn bão “thế kỷ” ấy tàn phá vùng biển Cà Mau là không gì bù đắp được… Nhưng không chùn bước sau mất mát và trước những bão giông, sóng dữ, ngư dân Cà Mau vẫn quyết tâm bám biển, ra khơi.
Tình người trong đau thương
Đến giờ, người dân ở kênh Xáng Mới (ấp 4, xã Khánh Hội, huyện U Minh) vẫn nhớ rất rõ hình ảnh cứ tới ngày đám giỗ của những ngư dân tử nạn, bà con lại chèo xuồng đi dọc theo xóm để thắp nhang. Điều đặc biệt là trên xuồng luôn chất đầy bánh, rau củ đã được chia sẵn để gửi cúng cho từng nhà mà họ đến.
Nhiều phụ nữ ở Khánh Hội bây giờ phụ giữ cháu để con trai nối tiếp nghề biển của cha. Ảnh: CHÚC LY
“Bài học từ 20 năm trước, đã phần nào làm tăng thêm ý thức của người dân đi biển. Giờ đây, trên địa bàn xã hầu hết các phương tiện đánh bắt đều được trang bị đầy đủ các phương tiện cứu nạn, cứu hộ theo quy định…”. Ông Châu Minh Đảm
Nhiều người lớn tuổi ở Kênh Xáng nhớ lại, chỉ có đi bằng xuồng thì mới chở hết đồ. Nhà không có đám giỗ còn tốn kém hơn nhà có đám giỗ, bởi kênh này có hơn 100 người chết. Nhà nào họ cũng ghé, gửi đồ cúng, thắp nhang… rồi lại sang nhà khác.
Bà con ở Kênh Xáng kể rằng, cô Sáu Hương là người khởi xướng việc này, năm nào cứ đến ngày này là bà chèo xuồng chở đầy đồ đi đám giỗ, kể cả gia đình không quen biết. Sau khi cô Sáu mất mấy năm, việc đi cúng giỗ như thế kéo dài khoảng 5 năm thì dừng.
Lật lại ký ức của mình, chị Lý Hồng Lý (42 tuổi, ngụ ấp 1, xã Khánh Hội), bồi hồi kể: “Cha và hai em tôi đều nằm lại dưới biển. H đứa em tôi, một 21 tuổi, một mới chỉ 16 tuổi. Con dì Tư tôi, mới đi nghĩa vụ về, xin đi biển chơi cũng không may gặp nạn; còn con của người dì thứ bảy thì mới đám hỏi vợ xong cũng nằm lại đáy biển”.
Chị Lý nghẹn ngào cho hay: “Hôm đó có người cùng xóm đang đánh bắt trên biển, gọi bộ đàm báo bão, nhưng ba tôi không tin. Ba tôi báo là ghe mình đang trúng mực, mới nửa con nước mà được 15 triệu đồng. Ông nói ráng đến hết con nước, kiếm được 30 triệu đồng, đem về trả nợ đóng ghe. Nhưng tối đó, bão dữ nhấn chìm ghe của ba”.
Chị lý cho biết thêm, sau đó khoảng 2 tuần, trên đài thông báo có 1 nghe cào ở Kiên Giang cào được cặp đựng tiền và giấy tờ của ba chị. Mẹ chị qua Kiên Giang nhận, trong đó đúng là có tiền nhưng bị hư hỏng…
Quyết tâm bám biển
Video đang HOT
Theo UBND xã Khánh Hội, sau khi cơn bão Linda đi qua, vẫn có hơn 70% ngư dân của xã bám biển. Hiện trên địa bàn xã Khánh Hội có 351 hộ dân tham gia đánh bắt với 368 phương tiện tàu, thuyền.
Bia tưởng niệm nạn nhân bão Linda tại xã Khánh Hội. Ảnh: T.L
Ông Trần Văn Húa (80 tuổi, ấp 4, Khánh Hội) người đã có 3 con trai, 2 con rể và 1 cháu trai đã mất tích trong cơn bão Linda, nhớ lại: “Ngày trước, đi ngoài biển khơi, đa số đều rất chủ quan vì nghĩ mình đã quen với biển cả. Tàu ghe vừa nhỏ vừa không đủ công suất, phương tiện liên lạc thì chỉ có chiếc máy bộ đàm, dụng cụ cứu nạn cứu hộ thì đơn sơ”.
Đến nay, gia đình ông Húa vẫn bám biển mưu sinh, hiện có 2 tàu tham gia đánh bắt xa bờ. “Nhưng bây giờ khác rồi, ý thức của người đi biển nâng lên đáng kể. Chúng tôi tự trang bị đầy đủ phương tiện, dụng cụ để đảm bảo an toàn cho tính mạng và tài sản. Hơn nữa, phải cập nhật thông tin thời tiết thường xuyên, tìm nơi trú ẩn an toàn hoặc nhanh chóng quay vào bờ khi hay tin có bão” – ông Húa chia sẻ.
Ngư dân Trần Văn Hùng (35 tuổi, ngụ cùng ấp), cho biết: Bây giờ đa số ngư dân đã được tập huấn cách phòng, chống thiên tai. Từ những điều nhỏ nhất như: Cách neo đậu tàu thuyền cho an toàn, cách chằng chống nhà cửa hiệu quả khi có dông bão, sơ cấp cứu nạn nhân, phương thức cập nhật thông tin báo bão. Do vậy, ngư dân xã Khánh Hội đã phần nào yên tâm mỗi lần vươn khơi.
Ông Châu Minh Đảm – Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Hội, cho biết: “Bài học từ 20 năm trước, đã phần nào làm tăng thêm ý thức của người dân đi biển. Giờ đây, trên địa bàn xã hầu hết các phương tiện đánh bắt đều được trang bị đầy đủ các phương tiện cứu nạn, cứu hộ theo quy định. Công tác kiểm tra, tuyên truyền được các cấp, ngành thường xuyên được thực hiện”.
Cũng theo ông Đảm, hiện xã Khánh Hội đã và đang cùng các ngành chức năng xây dựng khu neo đậu tránh trú bão kết hợp bến cá, dọc theo 2 bên bờ của tuyến Kinh Mới. Đồng thời, tiến hành xây dựng các khu dân cư để di dời các hộ sống trên đê, ven đê vào khu vực an toàn. Từ đầu năm đến nay, tổng sản lượng khai thác thuỷ, hải sản ở Khánh Hội là 19.000 tấn (đạt hơn 86% chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội của xã đề ra). Phấn đấu đến năm 2019, xã Khánh Hội sẽ đạt chuẩn nông thôn mới.
Hôm nay, lễ tưởng niệm đồng bào tử nạnNgày 2.11, UBND tỉnh Cà Mau sẽ tổ chức lễ tưởng niệm 20 năm đồng bào tử nạn trong bão Linda 1997. Lễ tưởng niệm chính thức được tổ chức tại xã Khánh Hội (huyện U Minh), với sự tham gia của khoảng 400 người, trong đó có những thân nhân của những người bị tử nạn. Đồng thời, 2 địa điểm khác cũng diễn ra lễ tưởng niệm là thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) và thị trấn Cái Đôi Vàm (huyện Phú Tân).
Lễ tưởng niệm nhằm tưởng nhớ những người đã tử nạn trong cơn bão; ghi nhận ý chí, nghị lực và động viên những gia đình bị thiệt hại nặng nề do cơn bão gây ra, đặc biệt là những gia đình có thân nhân bị tử nạn vẫn bám biển, tiếp tục phấn đấu vượt qua khó khăn, ổn định đời sống, có nhiều đóng góp cho xã hội.
Đồng thời, qua hoạt động tưởng niệm nhằm tuyên truyền cảnh báo hậu quả do thiên tai, thảm họa gây ra; các nguy cơ, thách thức trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng và những giải pháp phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra; góp phần nâng cao nhận thức, tự giác, trách nhiệm của người dân và các cấp, các ngành trong phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. L.S
Theo Danviet
20 năm sau "siêu bão" Linda: Nuôi hy vọng, giữ niềm tin gặp chồng
20 năm trôi qua, bây giờ ở ấp 7, xóm biển Khánh Hội (huyện U Minh, Cà Mau) vẫn còn đó những người vợ nặng nghĩa phu thê, vẫn một mình nuôi con và nuôi hy vọng vượt biển, ra khơi tìm chồng. Những người đàn ông của họ đã biệt tăm sau cái ngày định mệnh 2.11.1997, ngày bão Linda quét qua các tỉnh ĐBSCL.
Tự lái tàu đi tìm chồng
20 năm đã qua đi, nhiều thứ có thể mờ, nhưng trong ký ức của chị Trần Thị Đào (ấp 3, xã Khánh Hội) vẫn còn nhớ như in cái ngày đau thương khi cơn bão ập đến.
Những ngày này, người dân xã Khánh Hội chuẩn bị lá chuối gói bánh, cúng giỗ người thân. Ảnh: Chúc Ly
Mãi cho đến bây giờ, lâu lâu người ta lại bắt gặp hình ảnh của những người vợ, người mẹ ở ở ấp 7, xã Khánh Hội, huyện U Minh, lần mò ra cửa biển Khánh Hội đứng đợi chồng, đợi con đến chiều tối, rồi họ lại thơ thẩn trở về trong niềm đau tuyệt vọng.
Buổi chiều định mệnh năm ấy, trời mưa tầm tã, chị Đào cùng 3 đứa con thơ hướng về cửa biển, nơi chồng chị cùng các ngư phủ đang đánh bắt. Chồng chị gọi về qua bộ đàm và báo rằng anh đang cho tàu chạy vào bờ, nhưng do sóng lớn quá phải neo lại.
Đến tối cùng ngày, linh tính của người vợ cho chị một cảm giác bất an, chị mở bộ đàm liên hệ lại với chồng thì không nhận được tín hiệu phản hồi. Đêm ấy, chị Đào cũng như bao nhiêu người phụ nữ khác của xóm biển Khánh Hội thức trắng.
"Hôm sau, trời vẫn mưa và sóng biển vẫn dữ dội. Tôi gửi 3 đứa con nhỏ về nhà ngoại, lấy tàu vươn khơi tìm chồng. Khi ấy, nhiều người đã ngăn tôi, họ nói rằng không có hy vọng vì sóng to như thế, chạy ra chỉ có nước chết theo chồng. Nhưng tôi vẫn đi với một niềm tin mãnh liệt" - chị Đào nhớ lại. Đến trạm kiểm soát tại cửa biển, lực lượng chức năng không cho tàu chị ra khơi, vì biết rằng cơn bão vẫn còn đang kéo dài và có chiều hướng mạnh hơn. Với quyết tâm tìm chồng, chị Đào không ngần ngại ký giấy cam kết tự chịu trách nhiệm về hành động của mình.
Chị Trần Thị Đào, người tự lái tàu ra khơi tìm chồng. Ảnh: C.L
4 ngày lênh đênh trên biển cả, trong chị cảm xúc rất hỗn độn, chị đi tìm nhưng lại không mong gặp. Cứ mỗi lần thấy có xác người trên biển, chị Đào lại hy vọng rằng đó không phải chồng mình. Chuyến đi ấy, tàu của chị Đào cứu sống 18 ngư phủ khác. Trở về nhà, chị Đào gần như chết đứng khi nhìn thấy ngôi nhà của 2 vợ chồng đã bị đổ sập, tan hoang. Một tháng, hai tháng và nhiều ngày sau đó chị Đào vẫn mỏi mắt đợi chồng...
Hy vọng mong manh
Đau thương là thế nhưng chị Đào cố nuốt nước mắt vào trong, gượng dậy mà nuôi con. Với sự hỗ trợ của xóm giềng, chị dựng lại căn nhà lá trên nền đất cũ. Hàng ngày, chị chài lưới kiếm tôm cá đổi gạo nuôi con. Dần dà tích góp, chị mua ghe, lại đi biển và hy vọng sẽ được gặp lại... chồng. Nhiều người đã từng khuyên chị tái giá để bớt vất vả... Chị Đào nói: "Tuy giờ đã là bà ngoại của 3 đứa cháu, nhưng một ngày chưa tìm thấy chồng thì tôi vẫn nghĩ anh còn sống. Tôi đã đợi và sẽ tiếp tục đợi cho đến ngày gặp chồng, dù là ở nơi chín suối...".
Không riêng gì chị Đào mà rất nhiều người phụ nữ có chồng mất tích trong cơn bão số 5 (bão Linda) đến bây giờ vẫn nhất quyết không tái giá. Vì có những người chồng đã trở về với vợ con, nên niềm hy vọng trong họ vẫn còn, mãnh liệt.
Như chị Trần Thị Thắm (39 tuổi), khi chồng chết chị mới 19 tuổi đầu và đang mang thai 3 tháng. Chị sinh con và vẫn hy vọng chồng sẽ quay về vì không nhận được xác chồng.
Chị Lê Thị Mỹ Dung, 43 tuổi, có chồng mất tích, kể: "Trước khi đi chuyến biển lần đó, anh dặn tôi giữ gìn sức khỏe, dưỡng thai. Chuyến biển này về, có tiền sẽ mua cái mùng mới để khi sinh con không sợ muỗi cắn. Rồi anh đi mãi. Giờ, tôi vẫn nuôi hy vọng vì chưa thấy xác chồng".
Vì có những người phụ nữ như chị Đào, chị Thắm, chị Dung mà làng biển Khánh Hội này đã hình thành nên một xóm đặc biệt "xóm không chồng". Tại xóm này, những người phụ nữ trở thành trụ cột của gia đình, họ thay chồng nuôi con và mưu sinh. Và cũng ở đây, có những đứa trẻ không biết mặt cha mình.
Cháu Võ Minh Hoàng (18 tuổi), mất cha từ ngày còn trong bụng mẹ, tâm sự: "Con rất thương mẹ, một đời vất vả, không tái giá mà ở vậy nuôi con khôn lớn. Sau mỗi chuyến đi biển trở về, mẹ lại ôm con vào lòng, xoa đầu rồi bảo con giống cha. Nhưng con không hình dung ra được cha con như thế nào, mặc dù mẹ kể cho con nghe rất nhiều về cha. Chỉ tiếc là nhà nghèo quá, đến nổi không có một tấm ảnh nào của cha để con có cơ hội biết mặt".
"Không ai tin Cà Mau có bão"Ngày 25.10 vừa qua, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã tổ chức hội thảo "Nhìn lại 20 năm cơn bão Linda đổ bộ vào Việt Nam năm 1997 và những bài học kinh nghiệm". Tham dự hội thảo này có ông Lê Huy Ngọ - nguyên Bộ trưởng Bộ NNPTNT, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương và các cán bộ nguyên là thành viên trong Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương. Tại hội thảo, tiến sĩ Đặng Quang Tính - nguyên Cục trưởng Đê điều lũ bão (Bộ NNPTNT) chia sẻ bài viết về ông Lê Huy Ngọ: Bão Linda làm hàng nghìn người chết và mất tích ở nơi mà con người hàng trăm năm sống trong bình yên chưa hề có khái niệm về "bão". Sau này được nghe kể rằng "Bão đổ bộ vào Cà Mau", như chuyện của "những người thích đùa". Có người còn hồ hởi kháo nhau đi xem bão là gì, vì không ai tin Cà Mau có bão.
Một số quan chức ở vùng đó lúc bấy giờ cũng nghĩ như vậy. Trong một cuộc điện thoại từ Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương ở Hà Nội gọi vào còn nghe được câu trả lời bằng một giọng lè nhè: "Vùng biển Tây-vùng biển Kiên Giang đó là "Vùng thánh địa", xưa nay chưa hề có bão, các anh ở Hà Nội vừa quan liêu, vừa không hiểu biết gì về vùng này, làm gì có bão".
Sự chủ quan của câu nói đấy, đồng nghĩa với việc họ không cần hành động, không cần phòng bị hoặc chỉ đạo nhân dân phòng, tránh trước khi bão đến và đã để lại hậu quả vô cùng thảm khốc. P.V
Theo Danviet
20 năm chưa nguôi nỗi đau "siêu bão" Linda Cách đây tròn 20 năm, ngày 2.11.1997, cơn bão số 5 (tên gọi quốc tế là bão Linda) quét qua vùng biển các tỉnh Nam Bộ khiến hơn 3.000 ngư dân thiệt mạng và mất tích. Trong đó vùng biển Cà Mau là nơi chịu hậu quả nặng nề nhất. Đầu tháng 11 này, tỉnh Cà Mau sẽ tổ chức lễ tưởng niệm...